Lưu ý một số bệnh hại trên vườn cây ăn trái sau triều cường

Những ngày vừa qua, đợt triều cường tháng 09/2019 vượt mức lịch sử đã và đang xảy ra, có nhiều vườn cây ăn trái bị ngập nước do bờ bao thấp hoặc do bị vở đập, nước tràn vào vườn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng của cây trồng. Đáng lo hơn, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ĐBSCL còn đối diện nhiều đợt triều cường khốc liệt từ nay đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Vì thế, cần có những biện pháp chăm sóc hợp lý vườn cây ăn trái nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, trong đó lưu ý phòng trừ một số bệnh hại có thể phát sinh và phát triển trên vườn cây ăn trái sau đợt ngập úng như bệnh thối rễ,  xì mũ thân, bệnh loét và tuyến trùng.

 

 

 
Cây nhãn bị thối rễ, rụng lá do ngập úng.
 
 

Bệnh vàng lá thối rễ trên bưởi Da xanh.

 

Trước tiên, thối rễ là bệnh bà con cần quan tâm nhất trên vườn cây sau khi bị ngập. Trong thời tiết mưa nhiều, ngập úng là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây hại phát triển và tấn công rễ cây trồng làm cây vàng lá, kém sinh trưởng và có thể chết cây. Thối rễ do nhiều loại nấm nhưng chủ yếu là nấm Fusarium sp. Nấm này luôn hiện diện trong đất nhưng không xâm nhập trực tiếp vào rễ. Nấm xâm nhập chủ yếu qua các mảng thối ở rễ non khi rễ bị oi nước trong một thời gian dài. Dễ dàng phát hiện bệnh khi thấy lá bị vàng cả phần gân lá và thịt lá, triệu chứng vàng lá có thể xuất hiện trên một vài nhánh hoặc cả cây. Triệu chứng bệnh thường xuất hiện đầu tiên trên những lá già, sau đó đến các lá non và lá dễ bị rụng khi có gió. Quan sát phần rễ sẽ thấy rễ bị hư, đặc biệt là rễ non bị thối và tuột vỏ, làm mất khả năng hút nước và dinh dưỡng của rễ. Tuy nhiên, bà con cần chú ý, bệnh không xuất hiện ngay mùa mưa, lúc đất bị oi nước, mà bệnh thường xuất hiện nghiêm trọng trong đầu mùa nắng vì từ khi bắt đầu xâm nhập cho đến khi triệu chứng bệnh thể hiện cần có thời gian ủ bệnh đến vài tháng. Nấm bệnh  tồn tại trong đất qua một thời gian dài khi không có ký chủ và nguồn bệnh trong đất tăng dần qua nhiều năm. Chúng có thể lan truyền theo nước tưới, đất do động vật và người mang, giống bị nhiễm bệnh. Hệ sinh thái dưới mặt đất cũng giống như trên mặt đất, có các sinh vật có hại (tấn công cây trồng) sống cùng với các sinh vật có lợi (tấn công các sinh vật có hại), khi gặp điều kiện thuận lợi như vườn bị ngập nước, ít sử dụng phân hữu cơ nên đất bị nén chặt thì các vi sinh vật gây hại sẽ phát triển và tấn công rễ cây trồng, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hệ thống rễ. Vườn không bón vôi cho đất cũng là điều kiện giúp bệnh phát triển và gây hại nặng. Do đó, nếu nhà vườn biết tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh vật có lợi phát triển mạnh và gây bất lợi cho các  sinh vật có hại sẽ giúp bảo vệ cây trồng một cách tốt nhất. Khi phát hiện triệu chứng bệnh, sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Metalaxyl (Mataxyl) hoặc  Mancozeb  + Metalaxyl  (Ridozeb 72WP, Mexyl MZ 72 WP) tưới quanh gốc 2- 3 lần mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

 

Bên cạnh, bệnh xì mũ thân cũng có cơ hội phát triển trong điều kiện ngập nước vì loài nấm này có khả năng di chuyển trong nước. Bệnh do nấm  Phytophthora  sp. gây ra. Bệnh hại trên nhiều loại cây trồng nhưng  phổ biến trên sầu riêng và cây có múi. Triệu chứng nhận biết, trên thân thấy có nhựa chảy ra trên bề mặt vỏ cây, vết bệnh ướt một vùng như bị thấm nước và có màu nâu, nấm thường tấn công xung quanh gốc và các cành của cây. Lá chuyển màu vàng, rụng theo từng cành hay một phía của cây, bộ rễ bị thối. Khi cạo lớp vỏ bị bệnh ra thấy phần gỗ có màu nâu sẫm chạy dọc theo thân và cành. Nguồn bệnh có trong đất khi gặp điều kiện thuận lợi nấm sẽ phát triển và tấn công cây. Nấm bệnh lây lan qua côn trùng, con người, mưa gió. Khi phát hiện những cây đã bị thối ở vỏ thân, cành  thì dùng dao cạo sạch vết bệnh rồi quét  dung dịch Aliette 80WP pha nồng độ 10-15% .

 

 
Bệnh xì mũ thân trên cây bưởi Da xanh

 

Ngoài ra, bệnh loét cũng  được nông dân quan tâm. Bệnh gây hại chủ yếu trên nhóm cây có múi, nhiều nhất trên cam xoàn và chanh. Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas campestris. Triệu chứng nhận biết trên lá lúc đầu là những vết bệnh nhỏ, có màu xanh đậm hơi úng nước, sau chuyển màu nâu, xung quanh có quầng màu vàng nhạt, mọc nhô trên mặt lá. Trên trái, vết bệnh thể hiện trên vỏ trái, tạo những đốm sần sùi, nhìn kỹ ở giữa có vệt lõm xuống, làm trái chậm phát triển và giảm giá trị thương phẩm. Vi khuẩn lây lan theo nước và xâm nhập qua khí khổng của lá, trái,… Để quản lý bệnh loét nên tăng cường bón phân Kali; phun thuốc gốc Đồng, Kasuran 50 WP, Starner 20WP,…

 

 
Triệu chứng bệnh loét gây hại trên lá cam.
 
 

Triệu chứng bệnh loét gây hại trên trái.

 

 

 

Ngoài các loài nấm, vi khuẩn gây hại, tuyến trùng là dịch hại nguy hiểm cho rễ cây vì khi tuyến trùng xâm hại cây không thể hút được nước và dinh dưỡng nuôi cây dẫn đến cây chết hàng loạt gây ra hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều loài tuyến trùng gây hại rễ nhưng phổ biến nhất là tuyến trùng Meloidogyne spp. Tuyến trùng xuất hiện và xâm hại sẽ khiến rễ cây bị biến dạng chuyển sang màu nâu, rễ bị thối và bắt đầu xuất hiện những nốt sưng, cây phát triển chậm dần còi cọc, cây thấp. Tuyến trùng thường tấn công vào những rễ đã trưởng thành, những vết chích hút tạo điều kiện cho nấm xâm nhập và gây hại trên cây. Chúng di chuyển mọi hướng trong đất hoặc rễ thông qua đất ướt để tìm rễ ký chủ. Tuyến trùng di chuyển theo nước nên khi nước ngập, khả năng lây lan rất nhanh.Vì thế, những hoạt động như đào, xới gây tổn thương ở rễ cây tạo điều kiện cho tuyến trùng lây lan và phát triển. Tuyến trùng có thể tồn tại ở trạng thái ngủ nghỉ khi không có ký chủ. Phòng trừ bệnh thối rễ do tuyến trùng có thể xử lý một trong các thuốc sinh học trừ tuyến trùng chứa hoạt chất Clinoptilolite (Map Logic 90WP); Chitosan (Jolle 50 WP); Paecilomyces lilacinus (Palila 500 WP ) hoặc thuốc trừ tuyến trùng Tervigo 20SC.

 

 
Tuyến trùng gây hại rễ cây đu đủ.

 

 

Ngoài biện pháp hóa học đối phó khi bệnh đã xảy ra, giải pháp căn cơ lâu dài để quản lý tốt bệnh gây hại vườn cây, nên áp dụng một số biện pháp sau:  

- Sau thời gian bị ngập, nước rút nên nhanh chóng khai rãnh để tháo nước. Xới mặt đất bằng cào răng để phá váng giúp mặt đất thông thoáng. Hạn chế tối đa việc đi lại trong vườn làm đất dẻ chặt. Bón phân lân kích thích ra rễ mới hoặc có thể  sử dụng chế phẩm kích rễ như RootWell,….

- Tăng cường bón phân hữu cơ để làm cho đất tơi xốp, kết hợp sử dụng nấm đối kháng Trichoderma tăng cường hoạt động vi sinh vật có lợi trong đất giúp cân bằng hệ sinh vật đất, hạn chế nấm gây bệnh. Chú ý chỉ sử dụng nấm Trichoderma sau khi tưới thuốc 15-20 ngày.

- Trong vườn nên trồng các loại cỏ thân thấp, ít cạnh tranh dinh dưỡng, để giúp đất thông thoáng, bốc thoát hơi nước trong mùa mưa, giữ ẩm trong mùa khô. Nên để cỏ cách gốc 50cm.

- Xẻ rãnh thoát nước tốt trong mùa mưa tránh vườn bị ngập úng cục bộ trong mùa mưa.

- Hàng năm bón bổ sung vôi cho vườn cây ăn trái với liều lượng 1-2 kg/gốc. Nên quét vôi vào gốc cây khoảng trên 50cm vào cuối mùa nắng.

- Thường xuyên tỉa cành, tạo tán cho cây, cắt tỉa, loại bỏ những cành già yếu, sâu bệnh,… để giúp cây thông thoáng.

- Vùng có nhiều tuyến trùng có thể trồng cây cúc vạn thọ hoặc muồng sục sạc trong vườn để hạn chế mật số của tuyến trùng. Nấm Paecilomyces sp. được xem là một trong những loài nấm diệt tuyến trùng hiệu quả cao nhất.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi