Tiếng Dừa

Tiếng sóng biển, tiếng thác gềnh, tiếng chim, tiếng đại ngàn… thoạt nghe đều là tiếng động tự nhiên, nhưng có một nơi mà ở đó tiếng dừa tạo nên âm thanh như tính nhạc bởi cao độ, trường độ, cường độ và âm sắc của nó phát ra từ các va chạm cơ học trong vườn dừa có từ gió lay. Khi lạc bước giữa vườn dừa Bến Tre ta như hòa mình vào thế giới âm nhạc, nghe là lạ mà du dương, trầm bỗng và vang vọng xa xăm đến da diết… Mới thấy và nghe Bến Tre không chỉ đa dạng về vật chất hữu hình và phong phú với vật chất vô hình mà còn có sự tồn tại ở dạng sóng.

Tiếng dừa trong âm học

Nguồn phát âm thanh tiếng dừa được phát ra từ các va đập cơ học khi làn gió đến làm cho không khí xung quanh dao động, lan truyền. Đó là giữa tàu lá của cây dừa này với tàu lá của cây dừa đứng ở kế bên tạo thành những tiếng khua lao xao; giữa lá với lá của hai tàu dừa khác nhau do bị đan xen, cưa kéo làm nên tiếng động lách cách và giữa lá với lá trên cùng một tàu dừa cất lên tiếng xào xạc, vi vu.

Dáng dừa đứng thẳng tắp, nối tiếp, chạy dài tít tận nẻo xa chân trời tồn tại 2 quần thể dừa trồng đặc trưng: Nhóm dừa cao (Dừa công nghiệp) là nhóm dừa trồng để lấy dầu, phục vụ cho công nghiệp chế biến, thời gian từ khi trồng đến khi cây ra hoa khoảng 4 năm, tuổi thọ của cây trên 50 năm; nhóm này có các giống dừa như ta xanh, ta vàng, ta dứa, dâu xanh, dâu vàng, dừa lửa, dừa nhím, dừa bị, dừa sáp. Nhóm dừa lùn (Dừa uống nước) là nhóm dừa trồng để uống nước, phục vụ cho giải khát và du lịch, thời gian từ khi trồng đến khi cây ra hoa khoảng 3 năm, tuổi thọ của cây có thể kéo dài trên 30 năm; điển hình giống dừa xiêm xanh, xiêm đỏ, xiêm lục, xiêm dứa, ẻo xanh, ẻo đỏ, tam quan.

Vườn dừa được trồng chuyên canh thuần thục, khoảng cách giữa các cây đồng đều, do đó thường xuyên xảy ra hiện tượng cộng hưởng âm thanh làm thành những bản hòa âm thiên nhiên thuần khuyết, trong trẻo, vô cùng lý thú, đầy khác lạ. Vườn dừa lấy dầu có âm điệu sôi động, mạnh mẽ hơn vườn dừa uống nước.
Đúng thời khắc có con nước lớn, mương trong vườn dừa đầy ắp nước tựa tấm pha lê, bạn sẽ có cơ hội bắt gặp hiện tượng vật lý kỳ bí được gọi là tiếng vọng, sau 1/10 giây bạn có thể nghe thấy âm truyền tiếng dừa vọng dội trở lại so với thời gian nghe thấy âm truyền thẳng.

Tiếng dừa trong thơ hiện đại

Không biết tự bao giờ, cây dừa trở thành nguồn cảm tác vô tận của người nghệ sĩ, tựa như một biểu tượng đẹp quá đỗi thân thương trong lòng người Việt và cũng có khá nhiều phân tích về hình ảnh cây dừa trong văn học, trong thơ ca hiện đại. Tuy nhiên, đề cập đến thanh âm của tiếng dừa trong thơ hiện đại còn khá khiêm tốn, cùng khắc họa hình ảnh ấy là những thanh âm của tiếng dừa thanh thoát, mềm mại hay gay gắt, đậm đặc hay trong trẻo, lanh lảnh mà dìu dặt được khắc ghi sắc nét bằng các ca từ rất xác thực trong hai bài thơ phổ biến: Dừa ơi của Lê Anh Xuân và Cây dừa của Trần Đăng Khoa.

Có thể nói hai nhà thơ quan sát tỉ mỉ, tinh tế, nghe tường tận trong từng chuyển động của cây dừa. Mở đầu bài thơ, Lê Anh Xuân đã dành trọn hai động từ ru, reo phát họa thanh âm khắc khoải của tiếng dừa.


Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió


Với thủ thuật nhân hóa tiếng dừa là lời mẹ ru con thiêng liêng, bất tận thâu đêm và cả buổi trưa hè rộn rả tiếng ve, êm đềm, khỏe khoắn, trầm ấm. Khởi nguồn từ lời ru, tác giả cảm nhận viết thành điệp khúc đau thương, mất mát của cái thuở đạn bom cày xéo trên mảnh đất quê hương trong xót thương, hoài niệm.


Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua

 
Đến dệt thành tiếng ca tiếng dừa trong thơ ông chứa đựng, truyền tải khí phách hào hùng, oanh liệt, kiên cường và bất khuất, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh dù có bao khó khăn, gian khổ của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến giành và giữ nước ngày ấy.


Dừa bị thương dừa không cúi xuống
Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời


Và cung bậc cảm xúc của tiếng dừa rì rào quen thuộc trước ngõ ngày nào đã bay bổng thành tiếng nhạc.


Nghe vườn dừa rì rào tiếng nhạc


Lê Anh Xuân thể hiện trọn vẹn âm hưởng của bản trường ca về một dân tộc anh hùng với giai điệu tình yêu nồng nàn Tổ quốc linh thiêng! Tổ quốc linh thiêng!

Khác với Lê Anh Xuân tiếng dừa là lời ru của mẹ thì nhà thơ Trần Đăng Khoa trong bài Cây dừa diễn đạt thành tiếng gọi của người con gái chốn quê.

 

Dang tay đón gió gật đầu gọi trăng
Song hai nhà thơ vẫn có cảm nhận giống nhau về tiếng dừa như tiếng reo, tiếng rì rào.
Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo

 

Dừa quyện cùng gió, vui với trăng, nhởn nhơ bên sao, rồi khẽ chạm vào mây xanh thanh thoát thanh âm nằm ngoài ngưỡng nghe và tiếng dừa còn làm cho cái nắng oi bức vào hè trở nên yên ả, dịu mát.


Tiếng dừa làm dịu nắng trưa
Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo


Lê Anh Xuân dẫn dắt người nghe đan xen bằng các biện pháp đối sánh giữa quá khứ và thực tại, giữa trước và sau; trong khi đó Trần Đăng Khoa sử dụng không gian, thời gian giữa ngày và đêm, trên và dưới.


Trời trong đầy tiếng rì rào
Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra…


Tiếng dừa rì rào gõ phách để đàn cò đánh nhịp đúng như nhạc công thuần thục và quá điêu luyện nghe thấm đẫm tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước. Trần Đăng Khoa bắt đầu mạch nguồn từ tiếng gọi, lời ca, tiếng hát mềm mại, đầy quyến rũ tăng tiến dần hình thành tiếng nhạc.


Khả năng và trình độ thẩm âm của nhà thơ thật xuất sắc, các ca từ về thanh âm tiếng dừa được diễn đạt từ thấp đến cao, mộc mạc đời thường tới hàn lâm học thuật, từ giản đơn đến độc đáo với những liên tưởng phong phú nhờ đó tiếng dừa có giá trị nghệ thuật và chỗ đứng không chỉ trong thơ ca, trong nền văn học Việt Nam và trong đời sống tinh thần của người Việt.


Tiếng dừa trong âm nhạc


Cây dừa trưởng thành có 30 – 35 tàu lá, mỗi tàu lá dài 5 - 6m, mang trung bình mỗi bên 90 – 120 lá chét; mỗi bên, lá chét mọc hơi so le, chênh nhau từ 5 – 10 lá. Biên độ dao động của tiếng dừa có thể đạt khoảng 50 Hz – 10 kHz nằm trong quãng âm thanh nghe được của tai người từ 20Hz đến 20kHz (tần số dao động từ 20 đến 20.000 lần/giây) nhờ đó tạo độ vang cao thấp hoặc trầm bổng của âm thanh từ tiếng dừa (tiếng trầm từ 16 đến 300Hz, tiếng vừa từ 300 đến 3000Hz, tiếng bổng (hay tiếng thanh) 3000Hz đến 20 kHz). Trong dải tần số tiếng dừa có tần số của các hợp âm như đô: 262 Hz, rê: 294 Hz, mi: 300 Hz, pha: 349 Hz, son: 392 Hz, la: 440Hz, si: 494 Hz.


Lúc nhỏ tàu cùng lá dừa nhô dần lên từ ngọn, thẳng đứng, lá nép sát tàu, rất mềm mại nên gặp gió khó phát thành tiếng; khi cái yếm dần buông lơi, tàu bắt đầu quá trình uốn cong bỡi sức của trọng lực, cứng lại, tiếng dừa từ đó rõ và to dần lên hay nói cách khác cường độ âm thanh càng mạnh dần. Trong điều kiện bình thường, tốc độ gió từ 5 – 10 m/s sẽ tạo ra năng lượng tương ứng khoảng 80 – 610 W/m2 xấp xỉ mức cường độ âm thanh 10 dB – 60 dB.
Trường độ của tiếng dừa phụ thuộc vào thời gian cũng như quy mô của dao động lúc âm thanh bắt đầu vang lên, thời còn non, tàu và lá đều mọng nước độ ngân vang ngắn hơn sau những lần dao động; lúc già cõi, lượng nước bị giảm đi độ ngân vang tỷ lệ nghịch với lượng nước trở nên dài ra. Với 3 nguồn phát âm hiện hữu, gió đến, tiếng dừa lần lượt gõ nhịp từ tàu đến lá, tùy vào độ dài ngắn và dày mỏng vốn có.


Được cấu tạo bỡi các vật thể xốp (xơ và mụn dừa), ở phần cuống của tàu lá không mang lá chét, lồi ở mặt dưới, phẳng hay hơi lõm ở mặt trên có dạng hình máng, thuôn dài, đáy phồng to trông giống bộ phận khếch âm của nhạc cụ. Nhờ đó hình thành những âm sắc đặc trưng, khác biệt của tiếng dừa so với âm thanh của các loại rừng trồng và rừng tự nhiên khác.


Lá chét có hình dạng lông vũ khổng lồ, mềm dẻo, mặt cong úp xuống đất nhìn giống mái vòm nhà thờ hay lòng bàn tay úp lại, chao đảo trong gió thanh thoát tiếng lao xao, vi vu êm dịu, trong âm nền xào xạc thoát ra từ tàu dừa, khiến ta nghe có cảm giác mông lung; lúc bay bổng tựa lời tự tình đầm ấm, chân thành của ai đó đang nhen nhóm một mối tình, nỗi niềm khát khao; khi trầm đục êm ái cứ ngỡ lời mẹ ru giữa mùa thu tới; rồi lại réo rắt ngân vang không khác tiếng cười trong trẻo trong bạt ngàn dừa xanh; lúc lách cách, lúc lanh lảnh, lúc dồn dập, lúc ngập ngừng thủ thỉ ngọt ngào, lúc dìu dặt mượt mà thướt tha đưa thoi theo con nước lớn ròng. Tiếng dừa đã in sâu trong trí nhớ, đọng trong ký ức, ngấm vào máu thịt của người dân nơi đây.


Tiếng dừa trong khoa học


Trên thực tế tiếng dừa là âm thanh trắng hay còn gọi là nhiễu trắng – âm thanh được tạo ra bằng cách kết hợp tất cả các âm thanh có các tần số khác biệt lại với nhau mà con người có thể nghe được. Âm thanh của tiếng dừa là một trong các âm thanh trắng tốt nhất tương tự của tiếng mưa rơi, tiếng côn trùng kêu trong rừng rậm, tiếng chim hót và tiếng nước chảy trong núi. Cường độ âm thanh khoảng 50-70 Db sẽ làm tăng hiệu suất của các công việc mang tính sáng tạo. Ngược lại âm thanh cao hơn khoảng 85 Db sẽ làm giảm khả năng sáng tạo.


Âm thanh trắng thường dùng để che đậy các âm thanh khác, chính vì thế, việc nghe tiếng dừa cho phép loại bỏ các âm thanh khác đang chi phối, làm cho bạn dường như chỉ nghe thấy tiếng dừa - một loại âm thanh duy nhất và không nhận ra sự biến đổi của âm thanh xung quanh, giúp bạn giảm stress, tăng tập trung; đồng thời, tiếng dừa còn liên tục cung cấp đến não một hỗn hợp đủ tần số nên khiến con người dễ chịu hơn khi nghe. Ngoài ra, âm thanh trắng có tác dụng dỗ bé sơ sinh ngừng khóc, giúp khôi phục hiệu suất công việc và hỗ trợ điều trị ù tai.


Theo thạc sĩ Vũ Thị Hương Sắc - Khoa Cơ bản, Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội, trong khoa học ứng dụng, nhiễu trắng có thể được xem như là đạo hàm của chuyển động Brown, đã được sử dụng trong xung lực, tổng hợp âm thanh, nghệ thuật, điều trị giấc ngủ … Nhiễu trắng là dạng cơ bản của quá trình ngẫu nhiên cung cấp nền tảng cho hầu hết tất cả các mô hình thống kê ứng dụng được dùng trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.


Đối với lĩnh vực tài chính, mọi quá trình giá tài sản muốn dự đoán thông qua các mô hình chuỗi thời gian dự báo giá tài sản, giá chứng khoán/cổ phiếu như mô hình một bước thời gian, mô hình với thời gian rời rạc, mô hình tự hồi quy tích hợp trung bình trượt ARIMA của chuỗi thời gian, mô hình ARCH (mô hình phương sai có điều kiện của sai số thay đổi tự hồi quy) và mô hình ARCH tổng quát hay mô hình GARCH và Mô hình Black Scholes và ứng dụng trong tài chính của định lý Black S – Ocone.


Khi cảm thấy bất an, khó chịu và mất tập trung, hãy đến Bến Tre để được trải nghiệm thanh âm tiếng dừa từ thiên nhiên, tinh khiết; nó sẽ truyền cảm hứng làm gia tăng đáng kể cảm giác thú vị, thỏa mãn, hân hoan, thích thú và hiếu kỳ, mà nó cũng giúp làm giảm cảm giác mệt mỏi, tức giận và căng thẳng.


Tiếng dừa trong khởi nghiệp


Ở Nhật Bản với mục đích bảo tồn những âm thanh độc đáo cho thế hệ mai sau, năm 1996, Bộ Môi trường của Nhật Bản đã quyết định công bố top 100 hiện tượng âm thanh tượng trưng cho mọi vùng miền của đất nước được tuyển chọn từ 738 âm thanh do Hiệp hội nghiên cứu âm thanh nước này đề xuất. Những âm thanh này trải dài trên đất nước Mặt Trời mọc, từ âm thanh băng trôi tại biển Okshotsk (đảo Hokkaido) ở cực bắc tới âm thanh Lễ hội Eisa (Eisa là một loại hình múa dân gian của người Okinawa được biểu diễn theo dòng hoặc vòng tròn để đệm hát, hát và đánh trống) những đảo phía nam ở Okinawa, không chỉ có âm thanh đặc trưng của bốn mùa như tiếng ve mùa hè mà còn có âm thanh của văn hóa phi vật thể như tiếng Chuông hòa bình ở thành phố Hiroshima (tỉnh Hiroshima) và của các làng nghề truyền thống như âm thanh làng nghề đồ gốm Imari (tỉnh Saga); từ đó Nhật Bản đã hình thành sản phẩm và tour, tuyến du lịch thanh âm nổi tiếng.


Chưa như Nhật Bản nhưng trong Báo cáo số 79 ngày 21/01/2019 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre về Kết quả thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre từ 2008 đến nay đã đề cập đến nội dung: “Nghiên cứu và khai thác giá trị và vẻ đẹp của “Tiếng dừa” trong văn học và đời sống của người Bến Tre nhằm phát triển và phục vụ du lịch.” được coi là nền tảng xác thực rõ ràng nhất trong định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch tiếng dừa vào thời gian tới.


Chưa hết, tháng 06/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty cổ phần Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (SHI) đã tuyển chọn 11 dự án ươm tạo khởi nghiệp du lịch tỉnh Bến Tre năm 2019. Với các nội dung ươm tạo: được tham gia chương trình bao gồm các buổi đào tạo, tư vấn, kết nối, pitching… cùng với các huấn luyện viên khởi nghiệp du lịch, nhằm hỗ trợ cho việc thiết lập mô hình kinh doanh sáng tạo, có sản phẩm thử nghiệm, kỹ năng, kiến thức vận hành doanh nghiệp, đủ lực cho việc thương mại hóa sản phẩm, kêu gọi đầu tư, vươn ra thị trường.


Các dự án được chọn sẽ được tỉnh Bến Tre tài trợ 50% chi phí ươm tạo trong vòng 6 tháng (6 bootcamp), 50% chi phí còn lại được xã hội hóa thông qua nhà đầu tư và các nhóm dự án được tuyển chọn. Cụ thể, đối với các dự án chưa lập doanh nghiệp thì trả 5% cổ phần khi ươm tạo thành công và lập doanh nghiệp, đối với các dự án đã có doanh nghiệp thì trả 2 - 3% cổ phần khi ươm tạo thành công mô hình kinh doanh sáng tạo, có sản phẩm thử nghiệm tốt về người dùng. Hoặc các dự án có thể thanh toán tiền mặt trước khi ươm tạo là 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) cho 1 dự án thay cho cổ phần cho đơn vị ươm tạo tương ứng với 50% chi phí xã hội hóa.  


Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định 1908/QĐ-UBND ngày 04/09/2019, thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo tuyển chọn vười dừa kiểu mẫu, vườn dừa phục vụ khách du lịch tham quan và tôn vinh người trồng dừa trong khuôn khổ Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V – 2019.
Với những nỗ lực tích cực của các cấp ngành của địa phương và những góp sức hết mình của các tổ chức ươm tạo khởi nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp Bến Tre sẽ đạt được nhiều thành công đối với khởi nghiệp du lịch từ tiếng dừa đặc trưng của Bến Tre.


Tiếng dừa không chỉ có giá trị trong các lĩnh vực âm học, thơ ca, âm nhạc, khoa học và trong khởi nghiệp mà còn là di sản phi vật thể hiếm có, đặc sắc của Bến Tre. Để thưởng lãm trọn vẹn tiếng dừa Bến Tre kính mời du khách khắp nơi ghé thăm xứ sở hoa dừa nhân dịp Lễ hội dừa Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 16/11/2019 đến ngày 20/11/2019 tại thành phố Bến Tre.


Nội dung Lễ hội với các hoạt động chính: Lễ khai mạc, bế mạc; Liên hoan Ẩm thực dừa Nam Bộ; Triển lãm sản phẩm dừa và Hội chợ Thương mại; Không gian dừa; Tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và người sản xuất, chế biến dừa; Hội thảo “Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre”; “Về chuỗi giá trị cây dừa”; “Trải nghiệm du lịch vườn dừa Bến Tre”.


Đặc biệt, điểm nhấn của lễ hội là Chương trình Tuần lễ Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch với các nội dung đa dạng, phong phú như: Tổ chức không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; Hội thi Người đẹp xứ Dừa mở rộng; nghệ thuật đường phố; biểu diễn trang phục dừa… (trong Phố đi bộ vui hội xứ Dừa); tổ chức các tour du lịch “Trải nghiệm sông nước, miệt vườn xứ Dừa”, kết hợp với quảng bá về các tuyến, điểm du lịch sinh thái, các vườn dừa đẹp cho du khách tham quan; tổ chức các trò chơi vận động (dân gian, truyền thống) cho học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân trồng dừa tham gia.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022