Giồng Trôm: Nâng cao hiệu quả canh tác vườn theo hướng hữu cơ

Bưởi da xanh là một trong 4 loại ăn cây trái chủ lực của Bến Tre, có giá trị kinh tế cao. Tính đến năm 2018, tổng diện tích bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là 7.212 ha, diện tích cho trái 4.836 ha, với sản lượng 56.873 tấn, năng suất bình quân đạt 11,76 tấn/ha/năm. Riêng trong địa bàn huyện Giồng Trôm diện tích trồng bưởi da xanh tăng lên đáng kể. Theo Cục thống kê huyện hiện tại trong toàn huyện là 1.651ha, năng suất bình quân 11,9 tấn/ha/năm.

 

image
Đại biểu tham quan vườn ông Lê Văn Tươi.


 Nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm sạch ngày càng cao. Đây là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu đối với người sản xuất nông sản. Việc canh tác bưởi da xanh của nông dân hiện nay vẫn chủ yếu trồng xen trong vườn dừa. Đây là mô hình mà ngành nông nghiệp của tỉnh xác định mang lại tính bền vững và hiệu quả cao trong thời gian tới cùng với thích ứng với biến đổi khí hậu. Bưởi da xanh trồng xen với mật độ hợp lý dưới tán dừa vừa ổn định về mặt năng suất vừa tạo nên tính cân bằng về mặt sinh thái đồng thời gia tăng thu nhập cho nông dân trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, phương thức canh tác của phần lớn nông dân còn theo tập quán cũ, vườn không được cải tạo, kỹ thuật canh tác và chăm sóc cây không đạt yêu cầu nên sản phẩm không đồng nhất về hình thái, trọng lượng và chất lượng, việc tiêu thụ sản phẩm còn riêng lẻ, chưa ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nên giá trị sản phẩm không cao.

 

 image
Đại biểu tham quan vườn ông Lê Văn Tươi.

 

Xuất phát từ thực tế đó, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre xây dựng mô hình Nâng cao hiệu quả canh tác bưởi da xanh xen trong vườn dừa theo hướng hữu cơ”.Ông Lê Trí Nhân - Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre cho biết: Trung tâm Khuyến nông Bến Tre phối hợp cùng Trạm Khuyến nông và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm chọn xã thực hiện mô hình chăm sóc bưởi xen trong vườn dừa theo hướng hữu cơ. Riêng huyện Giồng Trôm, xã Bình Hòa, Thị Trấn được chọn làm điểm thực hiện mô hình vì đây là vùng có diện tích trồng cây ăn trái tương đối lớn. Đó là những hộ nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất bưởi da xanh xen dừa, có tinh thần học hỏi, có nhu cầu được tiếp cận kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất, có trách nhiệm trong thực hiện cũng như tuyên truyền và hướng dẫn nông dân khác áp dụng kỹ thuật vào sản xuất; Hỗ trợ100% chi phí tập huấn kỹ thuật, 30% chi phí mua một số vật tư sản xuất.

 

Vật tư hỗ trợ 5 ha thực hiện dự án như: Phân hữu cơ 4-3-3-65OM2.660kg, kinh phí hỗ trợ 2.4255.000 đồng; Phân bón BO-NOLA, nấm ba màu 30kg, chi phí hỗ trợ 2.250.000đ; Phân vi sinh vật Meta66kg chi phí hỗ trợ  5.610.000đ. Đồng thời tổ chức tập huấn quy trình canh tác bưởi da xanh xen dừa và quy trình bón phân cho bưởi và dừa; Cách quản lý dịch hại bằng các chế phẩm vi sinh như: Metarhizium, Pacilomyces, Beauvera, Trichoderma để quản lý các đối tượng dịch hại quan trọng trên dừa như bọ cánh cứng, bọ vòi voi, kiến vương, nấm Phythophthora...  và trên bưởi da xanh như bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng và nấm Fusarium gây hại.

 

Hướng dẫn thực hành nhận dạng bệnh vàng lá thối rễ trên bưởi da xanh. Tỉa cành tạo tán theo phương pháp khai tâm kết hợp với xử lý ra hoa. Nhận dạng các triệu chứng gây hại trên dừa do nấm và bọ cánh cứng gây hại.

 

Việc sử dụng phân hữu cơ 4-3-3 65OM có hàm lượng hữu cơ cao giúp đất cải thiện tính chất lý, hóa và sinh tính. Sự xuất hiện của trùn đất, bệnh vàng lá thối rễ cũng giảm đáng kể > 50%. Lá xanh bền hơn, ít sâu bệnh hại. Ông Lê Văn Tươi - Khu phố I, thị trấn Giồng Trôm, người thực hiện mô hình chia sẻ: Vườn bưởi của tôi xen trong vườn dừa đa số là bưởi gốc ghép. Cây bưởi gốc ghép thì có bộ rễ rất mạnh vì vậy rễ chuột nó thường ăn sâu xuống đất dẫn đến bệnh vàng lá do thối rễ. Nhưng vườn bưởi của tôi không có bệnh vàng lá thối rễ nhưng nó có một vài cây bị bệnh vàng lá gân xanh và tôi đang trong thời gian tiến hành chữa trị.

 

Đối với chế phẩm Meta và phân bón lá BO-NOLA có chứa chủng nấm Metarhizium sp, Pacilomyces sp, nấm trắng Beauvera spvà nấm Trichoderma spp giúp quản lý nhóm bọ cánh cứng trên dừa cũng như tuyến trùng và nấm Fusariumsp, Phytophthora sp gây hại trên bưởi da xanh. Còn kỹ thuật chăm sóc thì tới mùa nắng vào khoảng tháng 9 tháng 10 âm lịch thì tôi tiến hành tưới theo lịch ngày tưới ngày nghỉ và tủ ẩm cho gốc. Vườn của tôi không bị bệnh vàng lá thối rễ vì tôi dùng phân hữu cơ nhiều, đều hàng tháng và kết hợp với tro trấu bởi vì trong tro trấu có rất nhiều vi lượng và chất cần thiết cho cây có múi. Phân hữu cơ thì tôi dùng phân cút ủ oai và bón cho cây mỗi năm 2 đợt vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa với mỗi gốc cây có tuổi khoảng 5 năm thì bón 20kg tương đương 1 bao thức ăn. Sử dụng phân hóa học thì tôi kết hợp phân chuyên dùng Zara. Mùa mưa thì tôi dùng phân NPK 15-5-25+TE và mùa nắng thì tôi dùng phân NPK 15-12-18+TE bón cho cây bưởi. Còn việc giữ ẩm cho cây thì thôi ủ suốt mùa mưa và mùa nắng. Còn phân thì tối thiểu tôi bón ít nhất 1,5 tháng/lần và mỗi gốc khoảng 300gram trở lại vì bón nhiều dẫn đến thối rễ và bốc hơi phân đi. Tôi cũng rút kinh nghiệm từ những đợt đi tham quan học hỏi mô hình thì năm 2018 - 2019 này thì tôi không bao trái bưởi nào nhưng bưởi tôi không bị sâu đụt trái. Năm vừa qua vườn tôi thu hoạch trên 10 tấn bưởi.

 

Qua thời gian thực hiện mô hình, nông dân ý thức được tầm quan trọng của phân hữu cơ trong canh tác bưởi da xanh nên đã chủ động tạo được nguồn hữu cơ tại chỗ thông qua việc ủ phân để cung cấp cho vườn cây. Đồng thời sử dụng túi bao trái để phòng ngừa sâu đục trái bưởi, qua thực tế cho thấy nông hộ đã sử dụng túi bao trái có tác dụng cao trong việc ngăn chặn sâu đục trái; túi bằng vải mùng lưới cũng giúp giảm tái nhiễm rệp sáp, rệp dính so với bao bằng chất liệu vải không dệt. Phun nước vôi để ngừa nấm bệnh, sâu đục trái và tăng chất lượng trái. Biện pháp đơn giản, rẻ tiền và đạt hiệu quả cao. Lượng phân hóa học đã giảm từ 20-30% khi tham gia mô hình. Ông Đinh Văn Tư ấp 4, xã Bình Hòa chia sẻ: Nếu cây bưởi chăm sóc tốt thì sống tuổi thọ không chỉ mười năm mà là 20 năm đến 30 năm, trái không chỉ 100 trái/cây/năm mà 200 trái/cây/năm cũng được luôn. Quan trọng là khâu chăm sóc, khi trồng là phải đắp mô cao không để nước ngập, thoát nước vào mùa mưa và trồng thêm cây cau. Nếu cây cau này lão thì trồng xen cây cau khác vào sau đó đốn bỏ cây cau lão vì trồng cau xen vào sẽ giữ được bộ rễ và đất không bị lung lai do gió lớn.

 

Nông dân xác định được tỷ lệ vô cơ và hữu cơ. Các công thức phân bón phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Nắm được kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ chủ động hơn trong việc lựa chọn thị trường. Đa số nông dân tham gia mô hình đều tiến hành tỉa thưa dừa và cây che bóng, giúp vườn cây có mật độ dừa và cây có múi hợp lý, tạo tiền đề cải thiện năng suất cả dừa và bưởi da xanh.

 

Nhìn chung, các hộ tham gia mô hình có tích cực chăm sóc vườn theo quy trình được chuyển giao, nên thu nhập so với các vườn ngoài mô hình đạt hiệu quả cao. Bưởi loại I đạt 54%, loại II đạt 32%, loại III 14%. Năng suất đạt trên 10,3 tấn/ha. sau khi trừ đi chi phí lợi nhuận thu về 276,6 triệu đồng/ha. Năng suất vườn dừa cũng tăng lên đáng kể, 11.900/8.250 trái  so với canh tác sử dụng phân thuốc hóa học. Đối với mô hình ở Giồng Trôm việc áp dụng các quy trình kỹ thuật giúp tăng tỷ lệ bưởi  loại I lên 14% so với đối chứng, dừa cũng tăng hơn 3.600 trái/ha. Góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên 75 triệu đồng/ha.

 

Mô hình phải đầu tư chi phí cao hơn ngoài sản xuất đại trà khoảng 15%, nhưng lợi nhuận thu được cũng cao hơn 30–46 % so với đại trà. Chứng tỏ tiềm năng sản xuất của các vườn bưởi xen dừa ở Bến Tre còn lớn, nếu được đầu tư hợp lý sẽ gia tăng được lợi nhuận trong canh tác. Mô hình có lợi nhuận cao hơn đối chứng 70 triệu/ha góp phần tăng thu nhập cho nông dân canh tác mô hình.

 

Để nâng cao hiệu quả của mô hình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi đầu ra cho sản phẫm. Ông Nguyễn Chánh Bình -Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre cho biết: Theo xu hướng chung hiện nay là chúng ta đang thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tốt. Thứ nhất là chúng ta sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP là chúng ta sử dụng hài hòa giữa phân hữu cơ và phân vô cơ. Đồng thời sử dụng thuốc chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Nếu làm được như thế thì hàng nông nghiệp mới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài hoặc các siêu thị. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện dự án trồng bưởi da xanh xen trong vườn dừa theo tiêu chuẩn PCS bằng nguồn vốn từ Sở Khoa họcvà Công nghệ tỉnh để chứng tỏ rằng bưởi da xanh trồng xen trong vườn dừa hữu cơ không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật mà chúng ta đảm bảo được năng suất cũng như về chất lượng. Từ đó giá thành sẽ cao hơn so với sản xuất bình thường ít nhất từ 20% cũng như dừa hữu cơ hiện nay cũng đang thu mua giá cao hơn từ 20% trở lên. Lúc đó người tiêu dùng họ sẽ tự động bỏ tiền ra mua với món hàng có xuất xứ.

 

Mô hình nâng cao năng suất bưởi da xanh trồng xen trong vườn dừa xen bưởi da xanh bằng biện pháp tổng hợp có kết hợp hữu cơ sinh học đã đáp ứng được nguyện vọng của người trồng là vườn ít sâu bệnh, tăng thu nhập, ít gây ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm dễ dàng. Làm tiền đề liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các biện pháp kỹ thuật chuyển giao phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, được người dân chấp nhận và áp dụng khá đồng bộ vào sản xuất. Mô hình được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao và có khả năng nhân rộng trong thời gian tới. Các ngành liên quan, Hội Nông dân huyện tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình đến các hộ dân trên địa bàn huyện.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý