Bến Tre tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm đặc sản, chủ lực

Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng với điều kiện thiên nhiên ưu đãi nên các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh là những tài sản có giá trị, những “thương hiệu” mang tính cộng đồng, có danh tiếng và uy tín chất lượng từ lâu truyền lại; mang đến giá trị tiềm năng to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, phải kể đến các đặc sản của địa phương có chất lượng, uy tín, danh tiếng như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh Bến Tre; sầu riêng, măng cụt, cây giống và hoa kiểng Cái Mơn; chôm chôm Chợ Lách; lúa sạch Thạnh Phú; con tôm sinh thái Thạnh Phước; con bò Ba Tri; con heo Mỏ Cày Nam và nhiều sản phẩm chế biến từ dừa, bưởi phong phú, đa dạng.

 

Trong giai đoạn 2016 - 2019, ngành KH&CN tỉnh Bến Tre đã có bước chuyển biến và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng trưởng kinh tế đang từng bước đi vào chiều sâu. Sản xuất nông nghiệp có chuyển biến khá tốt; đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện, một số sản phẩm chủ lực phát triển ổn định theo chuỗi giá trị. Trong đó, Sở KH&CN đã hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh trên cơ sở xác lập chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản của tỉnh, từng bước tham gia và khẳng định vị trí sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

 

Với diện tích đất nông nghiệp khoảng 180.000 ha, chiếm gần 80% diện tích đất tự nhiên, trong đó, diện tích trồng cây ăn trái gần 30.000 ha (Bưởi da xanh: 7.212 ha, chôm chôm: 5.570 ha, nhãn: 4.400 ha), diện tích dừa gần 73.000 ha - lớn nhất nước và hoa kiểng: 500.000 sản phẩm/HTX. Đây là điều kiện thuận lợi và tỉnh đã tập trung đầu tư ứng dụng KH&CN để khai thác, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức quan tâm đến việc xác lập quyền cho các sản phẩm đặc sản của địa phương, các cơ quan đoàn thể, nhân dân và doanh nghiệp đồng tình, bước đầu tạo hiệu ứng tốt. Đây là lợi thế quan trọng, là một trong những yếu tố thuận lợi góp phần thực hiện tốt việc xác lập quyền cho các thương hiệu cộng đồng. Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ của Trung ương và địa phương đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, cụ thể như Chương trình phát triển tài sản sở hữu trí tuệ quốc gia, giai đoạn 2016 – 2020; Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 – 2020”; Kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2018 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2018 – 2020. Đây là những chính sách cơ bản góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 05 tháng 8 năm 2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025.

 

Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, trên phạm vi cả nước đã có 41 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ với 69 CDĐL, 61 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ với 873 NHTT và 51 tỉnh/thành phố sản phẩm được bảo hộ với 259 NHCN. Đối với nông sản, vùng có số lượng nông sản được bảo hộ nhiều nhất tính đến tháng 11/2018 là Trung du và miền núi phía Bắc với 219 sản phẩm (chiếm 25,7%), Đồng bằng sông Cửu Long xếp thứ hai với 206 sản phẩm (chiếm 24,2%) và Đồng bằng sông Hồng 165 sản phẩm (chiếm 19,4%), Tây Nguyên là khu vực có số lượng nông sản được bảo hộ thấp nhất với 43 sản phẩm (chiếm 5%).

 

Đối với Bến Tre, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận CDĐL cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh, đưa Bến Tre vào nhóm 15 tỉnh/thành phố có từ 02 CDĐL trở lên. Đến nay, hầu hết các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng như: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, con heo, con bò, con tôm và các sản phẩm đặc sản, truyền thống của tỉnh đều có đóng góp quan trọng của KH&CN từ các khâu giống cây trồng, quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh, chế biến sau thu hoạch và xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa,…giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm của địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ, gồm 17 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 2 chỉ dẫn địa lý, 620 nhãn hiệu thông thường, 46 kiểu dáng công nghiệp và 01 giải pháp hữu ích. Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể của tỉnh đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của địa phương.

 

image

 

 

Kết quả trên chỉ là bước khởi đầu, nhưng cho thấy rằng, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu tập thể một số sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy sự phát triển hoạt động liên kết sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản, khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đã hình thành nên những nhóm sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như trái cây, dừa và tôm biển đáp ứng kịp thời cho nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đặc biệt, một số sản phẩm nông sản đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và châu Âu. Nhiều tiến bộ KH&CN được chuyển giao cho người sản xuất, kết hợp với công tác khuyến nông và nhân rộng một số mô hình liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao. Hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN đã có nhiều nghiên cứu tập trung vào công tác chọn tạo, sản xuất giống cây trồng mới có năng suất chất lượng và có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu.

 

Mặc dù các đơn vị hữu quan hết sức quan tâm, nhưng kết quả so với tiềm năng còn thấp, một số mặt hàng chiến lược của tỉnh ít có mặt trong tốp nhãn hiệu đã có, trong khi tiềm năng lợi thế rất lớn; có thể nói nhãn hiệu cộng đồng đang “nghèo khó” trên tài nguyên giàu có của tỉnh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các đặc sản địa phương; chưa thiết lập được hệ thống quản lý, khai thác một cách hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm đặc thù mang tên địa danh, đó là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.

 

Chính vì thế, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây nói riêng trong xu thế hội nhập như hiện nay, trong thời gian tới cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

 

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của Sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế xã hội địa phương. Xác định sản xuất và thương mại nông sản phải bắt đầu từ việc định hướng thị trường, gắn với quy hoạch vùng sản xuất và các giải pháp nhằm bảo đảm sự ổn định thị trường, đặc biệt là vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.

 

Thứ hai, tổ chức đánh giá lại những kết quả bảo hộ, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù, chủ lực của tỉnh Bến Tre thời gian qua, đồng thời xác định rõ những khó khăn, thách thức, đưa ra định hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của tỉnh trong thời gian tới.

 

Thứ ba, tiếp tục tham mưu rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch, đề án đang triển khai phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Thứ tư, ưu tiên các dự án hỗ trợ khai thác, bảo vệ và phát triển nhất là các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của những sản phẩm nổi tiếng đã được bảo hộ. Ưu tiên cho sản phẩm chủ lực theo tinh thần Nghị quyết 03- NQ/TU ngày 05/8/2016 của  của Tỉnh ủy, tạo thế mạnh cho sản phẩm cây ăn trái, dừa Bến Tre tiếp tục giữ vững và phát triển trên thị trường thế giới.

 

Thứ năm, hỗ trợ, cung cấp các thông tin liên quan đến thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các phiên chợ triển lãm thiết bị, công nghệ cấp quốc gia và khu vực, giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường và tiếp cận các công nghệ mới.

 

Thứ sáu, tiến hành hoạt động hỗ trợ nghiên cứu và triển khai để tạo nên giống cây trồng và vật nuôi mới đạt chất lượng và năng suất cao, đáp ứng yêu cầu trong nước và thị trường xuất khẩu.

 

Tóm lại, hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản địa phương được xác định là cần thiết và cấp bách, tạo động lực cho sự phát triển sản xuất, thương mại, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động vào thị trường. Cùng với đó, các giải pháp phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới cần chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp, phát triển thương hiệu cần gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể và người dân để tạo sự ổn định và phát triển bền vững.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022