Khi sinh viên làm nghiên cứu khoa học: máy chế tạo mì miến

Năng động, tự tin và đầy nhiệt huyết… là ấn tượng đầu tiên khi tôi tiếp xúc với Lê Sơn Quang  và Trần Việt Hùng. Họ là hai sinh viên vừa đoạt giải nhất tại Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên lần thứ 7 của Trường Đại học Dân lập Lạc Hồng với đề tài “Nghiên cứu, chế tạo máy làm mì - miến ứng dụng trong thực tế”. Học tập tại Khoa Cơ điện, ngay từ năm thứ 3, Quang và Hùng ấp ủ mơ ước được ứng dụng những gì đã học để thử nghiệm chế tạo một chiếc máy sản xuất nho nhỏ. Và ước mơ ấy đã  thành hiện thực.

Xuất phát từ thực tế trên thị trường hiện nay nhu cầu sử dụng miến, mì ngày càng nhiều nhưng các loại máy sản xuất mì, miến còn gặp rất nhiều hạn chế như: máy móc đơn giản, thủ công không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của xã hội và cần rất nhiều nhân công, phụ thuộc vào thời tiết, hiệu quả kinh tế chưa cao ... Quang và Hùng đã nảy sinh ý tưởng thực hiện đề tài trên làm nghiên cứu khoa học của mình.

Quang và Hùng cho biết, nghiên cứu của hai bạn đều phải tuân theo tuần tự các bước làm mì truyền thống (nguyên liệu – ngâm – xay thành bột - hấp chín - sấy khô - cắt thành sợi - sản phẩm), nhưng điểm khác biệt là với loại máy trên thị trường thì các bước trên được làm riêng biệt, tuy có sự hỗ trợ của máy móc nhưng vẫn mang tính nhỏ, lẻ, thủ công, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và tay nghề, kinh nghiệm của công nhân. Hơn nữa độ an toàn thực phẩm chưa cao do các bước làm tách rời, phải đem phơi ngoài trời. Còn với chiếc máy mới do hai bạn chế tạo, các khâu trên được thiết kế thành một dây chuyền khép kín, khắc phục được các nhược điểm trên. Để chứng minh cho tôi hiểu Hùng giải thích thêm, máy hoạt động theo nguyên lý khi nhấn nút khởi động bếp gas đốt nồi hơi và điện trở nhiệt trong lò sấy hoạt động, sau khoảng thời gian nhất định nồi hơi sôi cung cấp hơi nóng cho nồi hấp, đồng thời lúc đó lò sấy đã đạt đến nhiệt độ cần thiết để sấy thì van ở thùng chứa bột (nhão) mở ra cho bột chảy vào khay san bột; vài giây sau, khay san bột đã đầy thì hệ thống băng tải và quạt gió trong lò sấy làm việc. Bột được hệ thống băng tải đưa qua nồi hấp, lò sấy rồi đến hệ thống cắt thành sợi. Khi bột trong thùng chứa hết được vài phút, lúc đó lượng bột trong máy đã hết thì hệ thống dừng lại, trở về trạng thái ban đầu.

Khác với những mô tả tưởng chừng như có vẻ đơn giản, nhưng hành trình của chiếc máy chế tạo mì - miến thật gian nan. Không biết bao nhiêu lần xuống cơ sở chế biến mì - miến xin được thực tập để tìm hiểu nhưng Quang và Hùng đều bị từ chối. “Có lẽ do chưa tin tưởng nên họ ngại bọn mình muốn tìm hiểu bí quyết nghề” - Quang tâm sự. Rất may, hai bạn đã gặp được ông chủ của cơ sở chế tạo bún miến Hưng Thành Đô tận tình giúp đỡ trong quá trình khảo sát, nghiên cứu. Càng đi sâu tìm hiểu, Quang và Hùng càng say mê ý tưởng của mình. Nhưng với khả năng tài chính còn hạn hẹp, số tiền hàng triệu đồng để làm ra một chiếc máy đối với hai bạn quả thật không phải chuyện dễ. Do đó, hai bạn vừa làm vừa suy nghĩ tạo ra một chiếc máy thật tiết kiệm, phù hợp với túi tiền (khoảng 7 triệu đồng). “Nhà mình như cái xưởng cơ khí” – Quang cười vui khi nhớ lại quá trình chế tạo máy của hai bạn. 90% các thiết bị máy móc là do Quang và Hùng tự tay làm lấy. Hầu hết các vựa ve chai ở Biên Hòa đều quen mặt hai chàng sinh viên này.

Khó khăn nhất là trong quá trình chế tạo phải tính toán thật kỹ các thông số kỹ thuật như dung tích nồi hơi, sức bền thân nồi, sức bền hệ thống ống trong nồi, áp suất nồi hơi, nhiệt độ, năng lượng dùng để sấy khô… Tất cả đều phải được tính toán kỹ lưỡng và thận trọng vì điều này ảnh hưởng tới độ an toàn của thiết bị, một sai sót trong hàng trăm phép tính cũng có thể dẫn đến sự cố không hay. Tính toán là một chuyện, nhưng để áp dụng vào thực tế rất khó, vì đòi hỏi các thiết bị phải ăn dơ và đồng bộ với nhau. Do đó, từ con số trên công thức, hai bạn phải thử nghiệm rất nhiều lần trong khi chế tạo. Quang cho biết: “Phải mất 3 tháng để bọn mình nghiên cứu chỉnh sửa các thiết bị cho đồng bộ. Thời gian hoàn thành công trình nhỏ của bọn mình mất đúng nửa năm”. Hùng cũng cho biết thêm, trong quá trình nghiên cứu chế tạo, hai bạn đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của Ban Giám hiệu và các thầy cô trong trường, đặc biệt là sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Vũ Quỳnh giúp các bạn thêm tự tin.

Đây chỉ là công trình nghiên cứu nhỏ nhưng điều quan trọng là ý tưởng này có khả năng ứng dụng cao trong thực tế. Chia sẻ với tôi niềm vui Quang cho biết, hiện cơ sở sản xuất bún miến Hưng Thành Đô tin tưởng hợp tác với 2 bạn trên phương diện kỹ thuật để mở rộng sản xuất với mong muốn có chiếc máy chế tạo mì - miến mới thay thế những chiếc máy thủ công. Tuy nhiên, Quang và Hùng vẫn chưa cảm thấy hài lòng với công trình này, hai bạn muốn sau khi tốt nghiệp ra trường dành nhiều thời gian hơn nữa để nghiên cứu chuyên sâu và cải tiến thêm tính năng và nâng cao năng suất, độ bền cho chiếc máy của mình. Mong ước của Quang và Hùng là một ngày nào đó công trình nghiên cứu của hai bạn sớm có mặt ở các cơ sở sản xuất mì, bún, miến; tăng giá trị sử dụng cho người lao động và đem lại hiệu quả kinh tế cao.      

Theo Báo Khoa học & Phát triển

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý