Nhận diện và ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành du lịch

Nhận diện những đặc điểm, qui trình công nghệ, lĩnh vực, đối tượng, phạm vi ứng dụng, hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường mang lại do việc áp dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) trong ngành du lịch là việc làm cần thiết hiện nay.

 

Nhận diện công nghệ

Du lịch Bến Tre đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và có đóng góp khoản thu đáng kể vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển du lịch còn rất to lớn khi chúng ta chưa thể khai thác và tận dụng hết hiệu quả của các công nghệ chủ chốt từ cuộc CMCN 4.0.

 

image
Mô hình Homestay Ba Danh


Bến Tre đã tổ chức triển khai Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Với 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2020: (1) Hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý. Hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch. (2) Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến. (3) Kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch. (4) Cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành du lịch về nhu cầu tìm kiếm thông tin số của du lịch Việt Nam lên ít nhất 2 bậc và hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam lên ít nhất 25 bậc so với đánh giá năm 2017 của diễn đàn Kinh tế thế giới.

 

 image
Farmstay Bến Tre



Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Quyết định số 3685/QĐ-BKHCN ngày 03/12/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 với 43 công nghệ, trên cơ sở Danh mục này, các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, xây dựng, chỉ đạo và ban hành quy định về các hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao các công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công nghệ của cuộc CMCN 4.0.

 

 image
Đoàn famtrip khảo sát tại huyện Mỏ Cày Bắc


Các công nghệ chủ chốt được ứng dụng vào ngành du lịch chủ yếu như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Big data, Blockchain, công nghệ 3D, 3600, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, internet kết nối vạn vật (IoT), các công nghệ định vị (GIS, GPS, LBS); ứng dụng cá nhân hóa, đại lý trung gian kỹ thuật số, dịch vụ nhà ở tự phục vụ, phòng ở thông minh, cùng với sự bùng nổ của của internet, mạng xã hội, hệ thống mạng cảm biến không dây (WSN) và các thế hệ mạng di động (4G, 5G),…

 

Công nghệ ứng dụng

Hiệu quả của việc áp dụng những thành tựu về công nghệ của cuộc CMCN 4.0 giúp ngành du lịch tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững nhất. Đó là mở rộng không gian thời gian thị trường du lịch; doanh nghiệp du lịch dễ dàng liên kết các chuyến du lịch; giảm chi phí quảng cáo; du lịch thực tế ảo với hình ảnh phim 3D, 4D tái dựng lại các di tích lịch sử, văn hóa, địa điểm tham quan du lịch,... là phương pháp kích cầu hiệu quả; bán hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến giúp kinh doanh dịch vụ du lịch với chi phí thấp nhất, thời gian tiết kiệm nhất, doanh thu cao nhất; số hóa cơ sở dữ liệu du lịch bản đồ, nhà hàng, khách sạn, giao thông ...; công nghệ vượt trội làm tăng sự cảm nhận và hài lòng của du khách, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

Công nghệ thực tế ảo hay thực tại ảo là thuật ngữ miêu tả một môi trường được giả lập (ảo hóa) được tạo ra bởi con người nhờ vào các phần mềm chuyên dụng và được điều khiển bởi một thiết bị thông minh. Ngoài việc tạo ra không gian ảo, công nghệ thực tế ảo (VR) còn có thể tương tác thực tế với người dùng qua cử chỉ và nhiều giác quan khác nhau như: thính giác, khứu giác và xúc giác nhờ tích hợp thêm rất nhiều yếu tố (gió, nước, hiệu ứng ánh sáng, rung...) để tăng cảm xúc cho người dùng khi sử dụng VR. Công nghệ thực tế ảo tối ưu hóa sự tưởng tượng của du khách tới mức cao nhất với công nghệ hình ảnh 3D, người dùng có thể tạo ra những bối cảnh 3 chiều rất giống với thực tế, tái hiện lại các kỳ quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và người dùng có thể sử dụng kính VR để hòa mình vào đó mà không cần phải đi đâu xa.

 

Trong khi đó, công nghệ thực tế ảo tăng cường cho phép người dùng trải nghiệm những yếu tố ảo ngay trong môi trường thật, giữa không gian thật chỉ với một chiếc máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Chẳng hạn, cải thiện trải nghiệm của du khách bằng cách cung cấp các tính năng và công trình mới xung quanh khác sạn, các điểm tham quan du lịch,... Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường trong du lịch là một đột phá mới, thu hút sự chú ý của du khách tới các địa điểm du lịch ở các địa phương. Công nghệ thực tế ảo tăng cường sẽ phát huy tối đa sự thu hút của du khách, tạo nên sự ấn tượng, khao khát đến một địa điểm nào đó mà họ chưa có điều kiện hoặc đang trong quá trình tham khảo các địa điểm đó. Du lịch ảo hay du lịch bằng thực tế ảo là bước tiến mới cho ngành du lịch là cơ hội để quảng bá, làm truyền thông theo cách mới phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

 

Việc ứng dụng công nghệ chủ chốt đã làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch. Chẳng hạn ứng dụng cá nhân hóa là công cụ hữu ích trong việc thực hiện phân tích dự đoán và lập hồ sơ về khách hàng để tăng doanh thu từ hoạt động quảng bá; Phòng ở thông minh cung cấp dịch vụ thông minh cho phép du khách sắp đặt phòng theo sở thích cá nhân của mình; dịch vụ nhà ở tự phục vụ có được nhờ áp dụng nhiều công nghệ khác nhau như vạn vật kết nối internet, AI và sinh trắc học giúp khách sạn hạn chế sử dụng nhân viên nên tiết kiệm được chi phí quản lý hành chính, tuyển dụng và đào tạo.

 

Trong 02 năm liên tiếp, nội dung các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về Kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 trên địa bàn tỉnh (Báo cáo số 437/BC-UBND ngày 05/12/2017 và Báo cáo 430/BC-UBND ngày 23/11/2018) chưa đề cập đến hoạt động du lịch, điều này đồng nghĩa với việc thời điểm đó, ngành du lịch địa phương chưa tiếp cận với cuộc CMCN 4.0. Đến năm 2019, trong Báo cáo số 460/BC-UBND ngày 06/12/2019 đã nêu các kết quả cụ thể hơn: “Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh rất quan tâm nâng cấp cơ sở kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu, tăng cường kết nối với các đơn vị lữ hành ngoài tỉnh nhằm thu hút nguồn khách du lịch về Bến Tre”, cho thấy ngành du lịch đã có chuyển biến tích cực trong tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

 

Rõ ràng chủ động tiếp cận cuộc CMCN 4.0 cũng như ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng này vào hoạt động ngành du lịch Bến Tre có quy mô nhỏ và đang ở trong phạm vi hẹp. Do đó để nâng cao tính độc đáo riêng, có lẽ chính là biện pháp có hiệu quả nhất mà Bến Tre có thể thực hiện. Biện pháp này tạo ra giá trị khác biệt cho khách hàng bằng cách cung cấp dịch vụ hướng tới đáp ứng các nhu cầu của từng cá nhân; từ  đó cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Nhờ thực hiện biện pháp này, ngành du lịch Bến Tre sẽ gia tăng doanh thu trong thời gian tới.

 

Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhân dân để du lịch địa phương phát triển.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi