Nhà khoa học sẽ có tiền, có quyền

Sự đổi mới tư duy lẫn thực tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ (KH&CN) đang được hình thành trong đề án “Một số chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN, giai đoạn 2006-2010” do Bộ KH&CN soạn thảo: tập trung ưu đãi lực lượng cán bộ KH&CN chủ lực nhằm tạo ra những sản phẩm trí tuệ chất lượng cao. Ông NGUYỄN QUÂN, Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN), đã trao đổi với chúng tôi.

Một số nhà khoa học thường phàn nàn lương thấp, không đủ yên tâm để cống hiến. Vì vậy, Nhà nước phải có chính sách đặc biệt để họ có điều kiện làm việc tốt hơn. Bộ KH&CN đề xuất với Chính phủ: các nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia nên được hưởng cơ chế tài chính đặc biệt. Đây chính là kinh nghiệm của các nước phát triển và đang phát triển để làm được những việc lớn. Ở đó, các nhà khoa học hàng đầu được hưởng chính sách đặc biệt, có thu nhập cao, được quyền tự chủ rất lớn trong nghiên cứu. Vì vậy, chính sách này rất cấp thiết.

Thưa ông, cụ thể các nhà khoa học sẽ được hưởng những ưu đãi gì?

Chính phủ giao một trong 21 nhiệm vụ mà Bộ KH&CN phải làm là xây dựng cơ chế, chính sách để sử dụng cán bộ KH&CN, trọng dụng nhân tài. Đây có thể coi là một đổi mới trong lĩnh vực nghiên cứu KH&CN. Nó giải quyết vấn đề rất cơ bản là vướng mắc trong cơ chế tài chính và sự chủ động sáng tạo của các nhà khoa học.

Theo dự thảo đề án, Nhà nước sẽ ưu đãi, hỗ trợ các nhà khoa học ở hai nhóm.

Đối với nhóm đối tượng thứ nhất, hằng năm Bộ KH&CN sẽ nghiên cứu và lựa chọn 10-20 nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia, sau đó giao cho các nhà khoa học đầu ngành thực hiện và yêu cầu các nhà khoa học phải có sản phẩm để bàn giao lại cho Nhà nước. Đi đôi với việc đó, Nhà nước sẽ giao cho các nhà khoa học quyền tự chủ khoản kinh phí hoạt động thường xuyên.

Các nhà khoa học chủ trì những nhiệm vụ này sẽ được tự chủ sử dụng nguồn kinh phí đó để tăng thu nhập cho chính mình và trả lương theo hợp đồng đối với những người cùng hợp tác thực hiện nhiệm vụ, mua sắm tài liệu, mời các nhà khoa học quốc tế, đăng ký bản quyền, công bố kết quả trên các tạp chí trong nước và quốc tế, đi dự hội nghị quốc tế... Ngoài ra, các nhà khoa học loại này sẽ được xem xét giao cho sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản trí tuệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Khi đó, nhà khoa học có thể sử dụng tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu để mua bán, chuyển nhượng, góp vốn hoặc lập doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh.

Đối với nhóm cán bộ khoa học trẻ, nếu họ có ý tưởng, các viện, các trường sẽ thành lập những nhóm ươm tạo công nghệ hoặc ươm tạo doanh nghiệp dưới sự tổ chức, chỉ đạo, tư vấn của một nhà khoa học đầu đàn.

Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để họ biến ý tưởng của mình thành kết quả nghiên cứu, đưa ra sản phẩm khoa học cụ thể hoặc đưa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm mang tính thương mại thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp. Tất nhiên mức hỗ trợ của Nhà nước đối với nhóm đối tượng này sẽ không nhiều như hỗ trợ cho những người thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia. Nhưng đây chính là nhân tố kích thích sự ra đời những doanh nghiệp về KH&CN.

Chúng tôi dự kiến hằng năm sẽ đưa ra vài chục nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia và khoảng 50-60 nhóm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và Nhà nước sẽ đầu tư khoảng 100 tỉ đồng cho những đối tượng này.

Những nhà khoa học được hưởng ưu đãi từ đề án trên sẽ có mức thu nhập như thế nào so với các nhà khoa học khác?

Nếu được Thủ tướng chấp nhận về nguyên tắc, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án cụ thể trình Thủ tướng. Được biết, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng ủng hộ quan điểm này. Chúng tôi sẽ đề nghị các nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp nhà nước có thu nhập tương đương khoảng 1.000-2.000 USD/tháng.

Hiện nay, lương cán bộ trẻ mới được tuyển dụng khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Các giáo sư trực tiếp làm việc ở các trường đại học thu nhập cao hơn, trung bình khoảng 5 triệu đồng kể cả các nguồn thu nhập từ giảng dạy và nghiên cứu, lao động sản xuất. Những cán bộ khoa học ở viện nghiên cứu, trường đại học thì mức thu nhập trung bình không dưới 2 triệu đồng. Nếu được giao nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia thì mức thu nhập chắc chắn cao hơn nhiều lần.

Chúng tôi tính sơ bộ một nhiệm vụ cấp quốc gia có thể được giao kinh phí hoạt động thường xuyên là 2,3-2,5 tỉ đồng/năm. Một nhóm nghiên cứu có khoảng 20-25 người và với mức kinh phí như trên thì những người chủ trì có thể hưởng mức thu nhập trên dưới 1.000 USD, những người khác có thể hưởng lương từ 100-500 USD. Các nhóm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp thì thu nhập ít hơn.

Với một mức thu nhập cao như vậy, cơ chế nào để những nhà khoa học được Nhà nước ưu đãi phải đưa ra được kết quả nghiên cứu, không làm lãng phí tiền của Nhà nước, bởi trên thực tế số lượng các đề tài nghiên cứu thời gian qua được ứng dụng không nhiều?

Nhà nước đặt hàng về thời hạn và kết quả. Các nhà khoa học cũng phải cam kết về thời hạn và kết quả. Khi đã nhận và cam kết thì phải có kết quả nghiên cứu. Những người không thực hiện đúng tiến độ, không có kết quả nghiên cứu để bàn giao thì Nhà nước sẽ có chế tài để thu hồi một phần lớn kinh phí đó. Những đề tài nào không thực hiện được do thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực thì phải xử lý.

Tất nhiên, cũng có yếu tố mạo hiểm và rủi ro vì không ai dám chắc 100% nhiệm vụ được giao đều thực hiện thành công. Khoa học mang tính mạo hiểm, rủi ro, chúng tôi cho rằng trong số 10-20 nhiệm vụ cấp quốc gia thì 50% nhiệm vụ có kết quả cũng là chấp nhận được. Hiện nay mỗi năm có hàng ngàn đề tài cấp nhà nước và cấp bộ nhưng số đề tài có thể ứng dụng vào thực tế và được thương mại hóa chỉ khoảng 10%.

Vậy làm thế nào để chọn được những nhà khoa học thật sự xuất sắc tham gia thực hiện nhiệm vụ trọng điểm cấp quốc gia, bởi ngay cả trong tổ chức đấu thầu các đề tài khoa học cũng vẫn còn nhiều bất cập?

Cơ chế hoàn toàn minh bạch vì số lượng nhiệm vụ không nhiều. Đầu tiên Nhà nước xác định nhiệm vụ cấp quốc gia, sau đó kêu gọi các nhà khoa học nhận nhiệm vụ. Hiện nay việc công bố danh mục các đề tài trong hệ thống đề tài cấp nhà nước cũng là đấu thầu, tuyển chọn, nhưng những nhiệm vụ đó chưa phải là nhiệm vụ mang tầm quốc gia và quốc tế, và cho đến nay chúng ta ít quan tâm đến khả năng ứng dụng vào thực tiễn, nên ai cũng có thể tham gia đấu thầu để giành được đề tài.

Nhưng đối với những nhiệm vụ Chính phủ yêu cầu, được hưởng ưu đãi đặc biệt thì chắc chắn các nhà khoa học sẽ phải suy nghĩ rất nghiêm túc trước khi nhận nhiệm vụ. Thậm chí nếu trong trường hợp không có nhà khoa học nào đủ khả năng nhận nhiệm vụ thì Nhà nước có thể kêu gọi các nhà khoa học quốc tế hoặc tạm gác nhiệm vụ đó lại, chứ không thể giao cho người không đủ năng lực thực hiện.

Cơ chế thực hiện nhiệm vụ cũng rất khác. Hiện nay các đề tài cấp nhà nước thường được tuyển chọn mang tính hành chính và bó hẹp trong nội bộ một đơn vị, khó hợp tác được với đơn vị khác và không có quyền điều động người có năng lực, có chuyên môn giỏi ở các đơn vị khác đến cùng thực hiện.

Nhưng với nhiệm vụ cấp quốc gia, người chủ trì có quyền mời các nhà khoa học từ đơn vị khác đến cùng làm việc nếu thấy họ làm được việc và người chủ trì thực hiện nhiệm vụ tự quyết định mức lương trả cho họ chứ không phải hưởng lương theo ngạch bậc thông thường... Như thế, tập thể các nhà khoa học hoàn toàn năng động, hoàn toàn chủ động.

Tôi cho rằng cái khó không phải là làm sao xác định được nhà khoa học chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia mà là làm sao xác định đúng nhiệm vụ trọng điểm. Xác định sai thì nghiên cứu xong chẳng để làm gì.

Có ý kiến e ngại rằng tỉ lệ thất bại sẽ cao vì các nhà khoa học thường chỉ giỏi chuyên môn, yếu về năng lực quản lý tài chính mà ở đây họ lại được quản lý một khoản tiền lớn trong tay?

Chúng tôi sẽ xây dựng một cơ chế tài chính với một số khung định mức để áp dụng. Ví dụ sẽ qui định trong khoản kinh phí đấy bao nhiêu phần trăm chi cho con người, bao nhiêu chi cho việc mua tài liệu, phương tiện làm việc... Như thế, kinh phí trả lương cho người chủ trì và những người cộng tác có trần tối đa và người chủ trì chỉ được chi trả trong phạm vi đó.

Theo Tuổi trẻ online

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý