Kết quả và nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển kinh tế

Tình hình kinh tế tỉnh nhà đối mặt các thách thức như giá cả nông sản không ổn định, thị trường tiêu thụ ngày càng khó đón định, thời tiết ngày một cực đoan hơn, sản xuất, kinh doanh gặp không ít rào cản nên việc đầu tư phát triển của doanh nghiệp (DN) và các thành phần kinh tế chưa đủ mạnh, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Tuy nhiên, trong thời gian qua, Sở KH&CN đã nổ lực hỗ trợ phát triển kinh tế mà nòng cốt là hỗ trợ phát triển DN.

 

Kết quả KH&CN hỗ trợ phát triển kinh tế

Báo cáo số 1302/BC-SKHCN ngày 16/10/2019 của Sở KH&CN tỉnh về kết quả hoạt động KH&CN giai đoạn 2016 – 2020 và Kế hoạch 2021 – 2025 đã phản ánh, đánh giá giai đoạn vừa qua đúng thực chất.

 

Về tình hình đổi mới thiết bị, công nghệ và Đổi mới sáng tạo (ĐMST) như hỗ trợ ươm tạo KH&CN 10 DN tiềm năng, trong đó 06 DN được cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN. Sự kiện Ngày hội ĐMST tỉnh Bến Tre năm 2019 đã nhận diện rõ ràng hơn về khởi nghiệp ĐMST. Hằng năm tỉnh đều tổ chức xét chọn, tôn vinh danh hiệu “DN ĐMST công nghệ tiêu biểu”. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia Ngày hội khởi nghiệp ĐMST (Techfest) cấp vùng, quốc gia.

 

Phát triển tài sản trí tuệ như xây dựng Chỉ dẫn địa lý đã công nhận: Bến Tre cho sản phẩm bưởi da xanh và dừa uống nước xiêm xanh; đang xây dựng: tôm càng xanh, cua biển, chôm chôm, Cái Mơn cho sản phẩm sầu riêng Chợ Lách. Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận đã công nhận cho sản phẩm: rượu Phú Lễ, bò Ba Tri, heo Mỏ Cày Nam, xoài tứ Quý Thạnh Phú; đang xây dựng tôm sinh thái Thạnh Phước. Xây dựng nhãn hiệu tập thể đã công nhận cho các sản phẩm: lúa sạch Thạnh Phú, bánh phồng Sơn Đốc, gà nòi Mỹ Sơn Đông, chổi Mỹ An, tép rang dừa Mỹ Hưng; đang xây dựng nhãn Long Hòa, nhãn Tam hiệp. 35 nhãn hiệu thông thường đăng ký bảo hộ trong nước và 01 đăng ký ra nước ngoài; đăng ký trong nước đối với sáng chế nhang trừ muỗi sinh học.

 

Hỗ trợ 45 lượt DN tham gia dự án với các nội dung xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9001, ISO 22000, HACCP, Halal…), công cụ cải tiến năng suất chất lượng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, chứng nhận sản phẩm phân bón chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (2015-2020).

 

Quỹ Phát triển KH&CN cho vay lãi suất ưu đãi 8 dự án với tổng số tiền 14 tỷ đồng, góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN. Hỗ trợ 47 lượt tổ chức, cá nhân tham gia Chợ Công nghệ thiết bị, Festival các cấp.

 

KH&CN tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế

Để đạt được những mục tiêu trên, cần sự kết hợp đồng bộ của nhiều nhiệm vụ khác nhau, sự vào cuộc tích cực của tất cả các Sở, ban, ngành và địa phương. Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm cần chú trọng thực hiện

 

Hiện nay, mức năng suất của DN vừa và nhỏ rất thấp, trong đó, phần lớn DN hoạt động trong những khâu sản xuất mang lại giá trị gia tăng thấp. Những DN này chủ yếu là thâm dụng lao động, hoạt động chưa hiệu quả và chưa có sự quan tâm đúng mức về năng suất. Do đó, cần đề xuất các giải pháp để nâng cao năng suất cho khối DN vừa và nhỏ, góp phần vào cải thiện năng suất của toàn nền kinh tế.

 

Thúc đẩy năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN dẫn đầu trong tỉnh. Mặc dù chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong nền kinh tế, nhưng DN dẫn đầu trong tỉnh chính là một bộ phận góp phần lớn vào thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế Bến Tre; đồng thời giảm sự lệ thuộc quá mức vào khối DN FDI. Bên cạnh đó, các DN dẫn đầu trong tỉnh cũng được xem là lực lượng tiên phong để góp phần cải thiện năng suất cho DN nhỏ và vừa thông qua hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và hợp tác. Đi cùng với đó, tìm kiếm và phát hiện các DN nhỏ và vừa có tiềm năng để phát triển thành các DN dẫn đầu trong tương lai và tạo đà cho các DN dẫn đầu tăng trưởng và phát triển. Nên cần thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

 

Thúc đẩy năng suất nội ngành theo hướng chuyển dịch công đoạn có giá trị gia tăng thấp sang công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị. Hiện nay, cả 3 khu vực kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, Công nghiệp và xây dựng và Dịch vụ đều phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến cơ cấu, có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của toàn nền kinh tế như là hầu hết các ngành đều đang ở các công đoạn thấp nhất, tạo ra giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu; các ngành vẫn dựa chủ yếu vào phương thức sản xuất kinh doanh truyền thống, các cụm liên kết ngành vẫn còn tương đối yếu và vẫn chưa quan tâm đúng mức cho hoạt động R&D và ứng dụng KH&CN. Năng suất phải là động lực tăng trưởng ở cả 3 khu vực kinh tế.

 

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hầu hết các ngành hiện nay đều đang thiếu hụt lao động có kỹ năng, có tay nghề và lao động chất lượng cao trong lĩnh vực quan trọng đó là nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin và kỹ thuật. Vì vậy, phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, tức là lực lượng lao động có kỹ năng tốt và làm việc hiệu quả. Theo đó, hai chương trình nền tảng được xem là then chốt trong phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động. Chương trình thứ nhất nhằm truyền đạt những kỹ năng cơ bản cho người lao động đó là kỹ năng giao tiếp và công nghệ thông tin. Chương trình thứ hai nhằm đào tạo nhận thức chung về năng suất với các nội dung như khái niệm, công cụ và lợi ích của năng suất đối với từng đối tượng lao động khác nhau.

Phát triển KH&CN, ĐMST trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), trên thực tế năng lực ĐMST của địa phương vẫn đang còn một khoảng cách tương đối xa để tiệm cận với các địa phương đi đầu về ĐMST. Cho nên, nhiệm vụ phát triển KH&CN, ĐMST cần phải xây dựng tiềm lực về R&D và tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” tại địa phương. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng các công nghệ mới của cuộc CMCN4.0, Bến Tre cần trang bị những yếu tố cần thiết để luôn sẵn sàng đáp ứng nhanh những thay đổi của toàn cầu. Do đó, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng một cách có trọng tâm, trọng điểm và thúc đẩy phát triển công nghệ của tương lai được xem như là cốt lõi của cuộc CMCN 4.0.

 

Nuôi dưỡng môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương trên 3 khía cạnh đó là thị trường hàng hóa, thị trường lao động và thị trường tài chính. Thị trường lao động còn tồn tại các vấn đề như mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, mức độ linh hoạt trong xác định tiền lương, chi phí cho lao động dư thừa. Thị trường tài chính vẫn đang phải đối mặt với vấn đề chênh lệch tín dụng, tỷ lệ vốn pháp định của ngân hàng. Do đó, để xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển, cần tiếp tục thực hiện các cải cách để cải thiện thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường hàng hóa và thị trường lao động của địa phương đạt hiệu quả cao hơn.

 

Cải thiện khuôn khổ thể chế về KH&CN và ĐMST: Khung kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh chung, độ mở thương mại và đầu tư nước ngoài, hệ thống thuế, trình độ và chất lượng DN và cơ sở hạ tầng… Từ góc nhìn năng suất, thể chế có ảnh hưởng lớn tới năng suất và các yếu tố thúc đẩy hoạt động kinh doanh của DN. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm đó là các yếu tố thể chế cần được phối hợp hiệu quả để nâng cao năng suất của nền kinh tế. Theo đó, các yếu tố thể chế cần được phân tích, đánh giá cụ thể để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hiện thực hóa chiến lược này.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022