“Nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực - lúa” – Mô hình thích ứng biến đổi khí hậu có hiệu quả

Bến Tre là một trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 2.315 km2, gồm có cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh rất thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp và nuôi trồng sản nước mặn và nước ngọt. Các đối tượng chủ lực của tỉnh đã phát triển tốt và tạo thương hiệu như bưởi da xanh, tôm biển, nghêu, sò,... Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp và Bến Tre được xác định là một trong các tỉnh của Việt Nam chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu rõ nét nhất, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng, nước biển dâng cao, mặn theo các cửa sông chính xâm nhập sâu vào đất liền, nước ngọt phục vụ sinh hoạt thiếu trên diện rộng, vườn cây ăn trái đặc sản của tỉnh bị mặn xâm nhập, nguy cơ xảy ra ô nhiễm nguồn nước… 

 

Trước tình hình đó, nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu đã được triển khai, nhân rộng, trong đó có mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen ruộng lúa bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Mặt khác mô hình này được khẳng định là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, giúp tăng thu nhập cho nông dân vì đây là mô hình khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau, canh tác phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu.

 

Hiện nay, huyện Thạnh Phú có khoảng 1.000 ha canh tác lúa – tôm càng xanh, trong đó lúa – tôm càng xanh toàn đực là 700 ha. So với tôm càng xanh thường thì hiệu quả mô hình tôm càng xanh toàn đực – lúa tăng khoảng 30%, giá cả ổn định ở mức cao dao động 100.000đ/kg – 400.000đ/kg tùy theo cỡ tôm, thị trường tiêu thụ luôn ổn định. Thấy được hiệu quả trên, các hộ dân vùng tôm - lúa cũng đã chuyển sang sử dụng giống tôm càng xanh toàn đực. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc do không áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nên tỷ lệ sống thấp, kích cỡ tôm thu hoạch nhỏ, năng suất và giá bán thấp. Mặt khác việc bón phân thiếu cân đối đã làm chi phí sản xuất tăng lên. Chính vì vậy hiệu quả kinh tế của các hộ ngoài mô hình là không cao.

 

Đối chiếu với các hộ dân ngoài mô hình, sau 6-8 tháng nuôi: lợi nhuận các hộ trong mô hình cao hơn 50-60 triệu/ha, cụ thể: Năng suất lúa đạt 3-4 tấn/ha tăng khoảng 10% do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối và hợp lý, không sử dụng thuốc hóa chất và bán được giá cao. Năng suất tôm đạt 550-600 kg/ha, tỷ lệ sống trên 60%, cỡ tôm 35-40g/con, hệ số thức ăn ≤ 1. Sản lượng tăng khoảng 30% do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật bẻ càng, sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm cao, định kỳ thay nước trong quá trình nuôi.

 

image
  
image
Nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa.


Để chuẩn bị cho một mùa vụ nuôi đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho hộ dân trước khi xuống giống. Sau đây là một số nội dung chính trong quy trình kỹ thuật:

 

1. Chuẩn bị ruộng nuôi: Tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ, rong rêu, vét bùn đáy mương, đắp bờ bao chắc chắn. Bón vôi (CaCO3) với liều lượng 70 – 100kg/1.000m2. Lấy nước vào ruộng nuôi qua lưới lọc, mực nước của mương nuôi từ 0.8 - 1m. Nếu thấy có cá tạp thì dùng Saponin với liều lượng 10kg/1.000m3 để diệt cá tạp. Có thể sử dụng phân hóa học (NPK, Urê, lân) hoặc phân hữu cơ để gây màu.

 

2. Chọn giống: Là giống tôm càng xanh toàn đực (tôm post) tại các trại sản xuất giống có uy tín. Con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh, không bị xây xát, có kích cỡ trương đối đồng đều. Thời gian thả tôm tốt nhất là sáng sớm hoặc chiều mát với mật độ 2-4 con/m2.

 

3. Ương tôm: Tùy thuộc vào điều kiện sản xuất mà có thể dùng hình thức ương trong vèo hoặc ương trong ao. Diện tích ương 200m2 trở lên và diệt cá tạp trước khi ương. Sử dụng thức ăn công nghiệp và cho ăn 2-4 lần/ngày. Định kỳ 5-7 ngày thay nước một lần, mỗi lần thay từ 20-50% tùy theo màu nước và thời gian ương. Sau gần 2 tháng ương thì có thể tiến hành thu hoạch chuyển sang nuôi thương phẩm.

 

 image
Ương tôm trong vèo.


3. Kỹ thuật bẻ càng: Sau khi thả nuôi từ 60 – 75 ngày có thể tiến hành bẻ càng nhằm giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao (hạn chế ăn lẫn nhau). Tuy nhiên, việc bẻ càng cần phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật, tránh hao hụt sau khi bẻ càng. Vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể, tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên. Thường trong 1 vụ nuôi, chúng ta phải tiến hành bẻ càng 2-3 lần.

 

4. Chăm sóc và quản lý

- Sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm 25 - 35% hoặc có thể sử dụng thức ăn chế biến từ các nguyên liệu như sau: Trùng quế, cá biển, cám, ruốt, ốc bươu vàng, còng,… Kích cỡ thức ăn tùy thuộc vào kích thước tôm. Thức ăn phải tươi và cho ăn từ từ. Không nên cho tôm ăn thừa làm ô nhiễm môi trường nước.

 

- Thay nước: Đối với tôm càng xanh việc thay nước rất quan trọng, cần chủ động và thay nước thường xuyên, lượng nước thay từ 20 – 30% nước trong ruộng nuôi. Khi cấp nước cho ruộng nuôi tôm cần kiểm tra các yếu tố môi trường bên ngoài và ruộng nuôi cho tương đồng.

Ngoài ra, hàng năm Trung tâm Khuyến nông Bến Tre còn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nhân rộng mô hình cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Qua đó nông dân được cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới, chia sẻ những kiến thức với các nhà khoa học, các chuyên gia và những kinh nghiệm thực tế sản xuất trong quá trình thực hiện mô hình.

 

image
  
 image
Hoạt động tuyên truyền, nhân rộng mô hình.


Mô hình “Nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực - lúa” trong điều kiện biến đổi khí hậu bước đầu đã mang lại hiệu quả và hướng đến nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh nhằm giúp tăng thu nhập cho người nông dân vì đây là mô hình khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau. Mặt khác, mô hình này cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh qua đó giữ vững và mở rộng thương hiệu “Lúa-gạo sạch Thạnh Phú” vốn đã được xây dựng trong nhiều năm qua. Qua đó, từng bước hướng đến xây dựng một nền sản xuất hàng hóa sạch góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.                                                                        

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi