Bảo vệ vườn bưởi da xanh trong tình hình hạn mặn

Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang đối mặt với tình hình hạn mặn gay gắt, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, việc thiếu nước tưới nghiêm trọng đang đe dọa vùng chuyên canh cây ăn trái, trong đó trên 5.000 ha bưởi Da xanh sau đợt thu hoạch trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua đang cần được phục hồi. Trước tình hình trên để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, nông dân cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo vệ vườn bưởi hạn chế tối đa mức thiệt hại.

 

Đa số nông dân đều nắm rõ tác hại của hạn hán. Khi bị thiếu nước, các chất dinh dưỡng trong đất khó di chuyển, vì vậy dinh dưỡng khó đi vào rễ cây và dẫn tới cây kém phát triển. Đồng thời, khi bị thiếu nước, các khí khổng của cây trên lá có xu hướng đóng lại để giảm lượng nước thoát ra dẫn đến các quá trình trao đổi trong cây bị giảm, giảm quá trình tổng hợp protein, quang hợp, hô hấp,... ảnh hưởng đến sự cân bằng của nước trong cây. Ngoài ra, khô hạn làm đất bị nứt nẻ dễ đứt rễ nhỏ, ảnh hưởng sự hút khoáng làm cây thiếu dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất. Nguy hiểm hơn là tác hại của mặn đối với cây trồng, có thể dẫn tới làm rụng các lá già, giảm diện tích và khả năng quang hợp của lá, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây đưa đến năng suất cây trồng giảm là điều khó tránh khỏi, chưa kể có thể làm chết cây nếu bị nhiễm mặn cao.

 

Vì thế, trong tình hình hạn mặn nông dân cần cập nhật những dự báo của cơ quan chuyên ngành để có những giải pháp như trữ nước ngọt trong vườn để tưới cho cây, đây là việc làm hết sức cần thiết và phải được thực hiện trước khi hạn mặn xảy ra. Trong giai đoạn mặn xâm nhập, nông dân nên đón những đợt nước kém độ mặn trên sông sẽ giảm, vì thế cần trang bị dụng cụ đo độ mặn để thường xuyên đo độ mặn của nước trong mương vườn trước khi tưới cho cây. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ cho vườn bưởi. Tủ gốc và che phủ đất bằng rơm rạ, cỏ khô, mụn xơ dừa,… một lớp dày 3-5cm để giữ ẩm cho đất. Bổ sung thêm các dạng phân lân (super lân, lân nung chảy với lượng từ 15 đến 20kg/1.000m2) nhằm tăng cường khả năng ra rễ. Bón loại khoáng chất đó là Silic oxít (SiO2), sẽ giúp cho quá trình vận chuyển nước, các chất dinh dưỡng vào cây hiệu quả hơn. Silic giúp cây trồng tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn, cứng cây, không đỗ ngã. Các loại phân bón có chứa Silic như Silic-Ca, Super silic, Zoorea, Silicon (H4SiO4), phân lân nung chảy. Nếu phát hiện cây bị vàng lá do thiếu đạm, có thể phun bổ sung urê nồng độ 0,5-1% vào lúc chiều mát. Ngoài ra, có thể phun một số sản phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: CaSi (5-30ml/16 lít), KN03 (10g/1 lít nước), Silimax,… hoặc chế phẩm có chứa chất Brassinosteroid (Comcat 150WP, Vitazyme, Nyro 0,01S). Song song với các biện pháp trên và để duy trì sử dụng ít nước trong thời gian xâm nhập mặn những vườn bưởi nào không đủ nước ngọt tưới trong mùa khô nên hạn chế cho bưởi ra đọt non và loại bỏ hoa và các trái nhỏ để giảm thoát hơi nước. Một điều bà con cần lưu ý: hạn chế tưới nước nhiễm mặn, mặc dù bưởi Da xanh  có khả năng chịu được độ mặn 2-3‰ (riêng đối với cây bưởi nhỏ dưới 3 năm tuổi thì khả năng chịu mặn kém hơn). Vì khi tưới nước mặn sẽ làm tích lũy muối trong đất, về sau cây rất khó phục hồi, ảnh hưởng lâu dài đến sự sinh trưởng cây trồng. Trong điều kiện quá cấp thiết có thể tưới nhẹ nước ở độ mặn 1‰, nhưng chỉ tưới ẩm vào đất, không nên tưới lên tán cây. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là áp dụng các biện pháp hạn chế bốc thoát hơi nước để duy trì sức sống cho cây, không tưới nước mặn.

 Không nên bón phân gốc trong điều kiện không có nước đủ tưới. 

- Chú ý: Nắng hạn là điều kiện thích hợp cho một số dịch hại phát triển mạnh như: nhóm nhện hại, bọ trỉ, nhóm rệp dính, rầy bướm,…

 

*Bọ trỉ và nhện hại

Đây là hai loài côn trùng gây hại phổ biến và ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp của trái.

 

image
Triệu chứng da lu do nhện gây hại.


Nhện gây hại từ khi trái mới tượng cho đến khi trái lớn nhưng tập trung mật số rất cao trên trái non. Chúng gây hại bằng cách cạp và chích hút dịch của vỏ trái, làm vỏ trái hơi bị sần sùi, màu xám bạc (nông dân còn gọi là da cám, da lu). Ngoài nhện, bọ trỉ là côn trùng cũng gây ra hiện tượng da cám trên trái. Trên trái non, bọ trỉ chích vào tế bào biểu bì làm vỏ trái bị da cám giống như triệu chứng nhện hại nhưng không bao phủ trên vỏ trái từng mãng lớn giống như nhện gây hại mà vết bị hại là một vòng tròn tập trung chung quanh lá đài hoặc những mãng nhỏ da cám chằng chịt trên trái vì chúng gây hại chủ yếu ở phía dưới lá đài lúc trái còn nhỏ nên khi trái phát triển lớn lên, vết sẹo mới lộ rõ, trái bị méo mó. Bọ trỉ gây hại phổ biến giai đoạn trái rất nhỏ (vừa rụng cánh hoa đến khi trái khoảng bằng trái chanh) nhưng nếu mật độ cao, bọ trỉ gây hại cả trên những trái lớn, làm giảm giá trị thương phẩm.

 

 image
  Bọ trỉ trưởng thành.


Trái bị nhện và bọ trỉ gây hại không chỉ xấu vỏ bên ngoài mà kích thước trái cũng nhỏ và vỏ dầy hơn trái bình thường. Nhện thường sống tập trung ở phần cuống trái, đáy trái và trong các phần lõm của trái, còn bọ trỉ thường tập trung dưới lá đài. Ngoài trái, nhện và bọ trỉ còn gây hại trên lá non, cành non.  

Nhện và bọ trỉ đều phát sinh nhiều trong mùa nắng, khi thời tiết nóng và khô là điều kiện thích hợp cho nhện phát triển mạnh và nhanh chóng lây lan.

 

* Rầy bướm (rầy nhảy)

Rầy bướm có khuynh hướng phát triển mạnh trong mùa nắng nóng. Trưởng thành rầy bướm có màu xanh lá cây nhạt hoặc màu trắng (con màu trắng thường có kích thước lớn hơn màu xanh), chiều dài thân khoảng 10mm, lúc đậu có hình “bánh lái ghe” hay dạng cánh bườm. Mặc dù rầy bướm là một dạng rầy nhưng hình dạng con trưởng thành rất giống bướm nên gọi là rầy bướm. Ấu trùng màu trắng, có đuôi dài, khi bị đụng vào, đuôi chúng dựng lên và xòe ra giống như đuôi gà lôi.

 

 image
 Trưởng thành rầy bướm.


Cả thành trùng và ấu trùng thường có những cú nhảy với khoảng cách ngắn, thành trùng bay rất yếu và chậm, khoảng cách bay gần. Khi đậu, chúng thường sắp thành hàng trên các cành non để chích hút. Cả thành trùng và ấu trùng rầy bướm đều tấn công trên cây, thân, cành, lá làm suy yếu, lá bị vàng dễ rụng, ra bông ít, tỷ lệ đậu trái thấp. Nếu tấn công giai đoạn trái sẽ làm trái nhỏ, giảm năng suất và phẩm chất trái. Ngoài ra, rấy tiết mật ngọt làm nấm bồ hóng phát triển phủ đen trên lá và cành non. Rầy bướm tấn công mạnh trong mùa nắng. Vườn trồng dày rầy bướm phát triển mạnh.

 

* Nhóm Rệp dính

Rệp dính gây hại chủ yếu trên cành, thân và trái. Chúng sống cố định bám chặt trên cành, thân, thoạt nhìn giống như bột rắc. Ấu trùng và thành trùng chích hút nhựa làm thân cây bị khô nứt, cây sinh trưởng kém, nếu mật số cao cành bị chết khô. Trên trái, chúng làm cho trái chậm phát triển, vỏ trái bị lốm đốm vàng, giảm phẩm chất. Phân của rệp thải ra còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển.

 

 image
 Rệp dính gây hại trên thân.
 
image
Rệp dính gây hại trên cành
 
image
Rệp dính gây hại trên trái.


Đối với nhóm côn trùng chích hút như rầy bướm, bọ trỉ, rệp dính nên áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp trên cơ sở chọn giải pháp an toàn và bền vững.   

- Sau thu hoạch nên tỉa cành, vệ sinh vườn cho thông thoáng, dọn dẹp những cây hoang dại trong vườn.

- Nuôi kiến vàng trong vườn bưởi là biện pháp phòng trừ sinh học hiệu quả cao.

-  Trồng bưởi mật độ hợp lý, không nên trồng quá dày.

- Trong mùa nắng nên dùng máy bơm tưới phun lên tán cây có hiệu quả hạn chế mật độ rầy, rệp và bọ trỉ.

- Tránh bón thừa đạm. Trong những vườn bón quá nhiều đạm, mật số rầy, rệp thường cao.

- Loại bỏ và tiêu hủy các bộ phận bị nhiễm rầy nặng.

- Thăm vườn thường xuyên, sớm phát hiện rầy, rệp xuất hiện trên thân, cành và quả. Để phòng ngừa bọ trỉ, khi hoa vừa rụng cánh hoặc giai đoạn trái mới tượng (khoảng bằng trái trứng cá), sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ. Có thể sử dụng Dầu khoáng hoặc một số loại thuốc có tính lưu dẫn, thấm sâu (nhóm thuốc có hoạt chất: Spirotetramat, Imidacloprid, Chlopyrifos,…), có thể phun Dầu khoáng phối hợp với thuốc hóa học. Riêng đối với nhện nên chọn nhóm thuốc đặc trị nhện: NilMite 550SC, Nissorun 20EC, Sulox 80WP,... phun kỹ mặt dưới lá.

 

Chú ý: Nên tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các nhóm côn trùng trên rất mau kháng thuốc vì thế nên sử dụng luân phiên thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, khi phun phải sử dụng nguồn nước ngọt để pha thuốc và cần đảm bảo dung dịch thuốc tiếp xúc đều với dịch hại.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi