Kinh tế tuần hoàn ở Bến Tre

Phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bến Tre năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020, ông Nguyễn Hữu Lập – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách ngành KH&CN đã chỉ đạo Ngành tập trung nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn ở địa phương. Vậy kinh tế tuần hoàn là gì và Bến Tre đã làm gì với nó…? Các câu nghi vấn ấy sẽ được giải mã một phần về kinh tế tuần hoàn ở Bến Tre.

 

Kinh tế tuần hoàn


Đến nay có hơn 114 khái niệm về kinh tế tuần hoàn được đưa ra, trong đó khái niệm kinh tế tuần hoàn do tổ chức Ellen MacArthur Foundation: “Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng  năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của nó”. Cùng quan điểm đó, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc cũng cho rằng: Kinh tế tuần hoàn là một cách mới để tạo ra giá trị, và hướng tới mục tiêu cao nhất là sự thịnh vượng. Nó hoạt động bằng cách kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua việc cải tiến thiết kế và bảo dưỡng, chuyển chất thải từ điểm cuối chuỗi cung ứng trở lại điểm đầu - qua đó, sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn bằng cách sử dụng nhiều lần chứ không chỉ một lần.


Có thể hiểu kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế dựa vào các mô hình có chu trình sản xuất được vận hành khép kín, tận dụng triệt để các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất từ việc phân loại, tái sử dụng, tái chế được quay trở lại và trở thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kế tiếp; từ đó loại bỏ việc tạo ra rác thải, giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, sức khỏe con người, đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.


Ở góc nhìn tổng thể xã hội, kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế có tính tái tạo và khôi phục, thông qua việc thay đổi cách mà hàng hóa, dịch vụ được thiết kế, sản xuất và tiêu dùng; từ đó kéo dài tuổi thọ của vật chất, chuyển chất thải từ điểm cuối của vòng sản xuất hay tiêu dùng trở lại điểm đầu, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường.


Kinh tế tuần hoàn không phải là một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà nó là nhiều mô hình khác nhau được xây dựng theo cùng một triết lý, đó là triết lý tái tạo và khôi phục, gồm nguyên tắc cơ bản: Bảo tồn  và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát, nhằm sử dụng hợp lý các tài nguyên và tái tạo các hệ thống tự nhiên; đặc biệt là đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học. Nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách tối thiểu  hóa các ngoại ứng tiêu cực, thông qua thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm ngay từ đầu của quá trình sản xuất.


Mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế có các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Có thể nói mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế ưu việt của mô hình kinh tế chuỗi, nó cải biến chất thải thành nguồn tài nguyên và nguồn lực phát triển kinh tế. Ở cấp độ vi mô như công đoạn sản xuất, các doanh nghiệp, người tiêu dùng; Cấp độ trung gian là các khu công nghiệp sạch, du lịch sinh thái, làng sinh thái; Còn cấp độ vĩ mô điển hình các đô thị thông minh, đô thị xanh, vùng tăng trưởng xanh.


Lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại, gồm: Ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào; Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra; Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; Giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của cá nhân, tổ chức, địa phương và của cả quốc gia.


Có hai cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, tiếp cận theo hệ thống nền kinh tế không chỉ là nền kinh tế của một quốc gia, mà có nhiều cấp độ khác nhau về quy mô; Cách tiếp cận này là kết nối các hoạt động kinh doanh và sản xuất thành các vòng tuần hoàn vật liệu trong một không gian kinh tế nhất định.


Tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu có thể gọi rút gọn là cách tiếp cận vận liệu; Cách tiếp cận này không giới hạn ở phạm vi một không gian hay một hệ thống kinh tế nhất định, chủ yếu tập trung theo nhóm ngành, sản phẩm hoặc nguyên vật liệu. Do đó, nên lựa chọn một số vật liệu và từ đó xác định các ngành liên quan tới vật liệu đó làm ưu tiên cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.


Dù với cách tiếp cận nào đi chăng nữa, kinh tế tuần hoàn hiện nay đã  phát triển và không chỉ dừng lại ở việc tận dụng vật liệu, mà cần được xem xét toàn diện theo 4 giai đoạn:  Sản xuất (bao gồm thiết kế và thực hiện sản xuất), tiêu dùng, quản lý chất thải và chuyển từ chất thải thành tài nguyên.

 

Mô hình kinh tế tuần hoàn Bến Tre


Cũng như cả nước, thực tiễn Bến Tre chưa có một mô hình kinh tế tuần hoàn trọn vẹn đúng bản chất, nội hàm vốn có của nó nhưng đã manh nha hình thành những mô hình tái sử dụng, tái chế, thu hồi chất thải nhằm mang lại lợi nhuận tài chính cho cơ sở sản xuất và lợi ích cho người tiêu dùng và cho cộng đồng.


Rõ nét nhất trong hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sản phẩm bánh hoa dừa được làm từ nguyên liệu cơm dừa có phối trộn các nguyên liệu sẵn có thành các hương vị tự nhiên, riêng có của Bến Tre như bánh hoa dừa vị dừa, vị sầu riêng, vị ca cao đã định hình một thương hiệu riêng biệt cao gấp nhiều lần so sản phẩm trước đó. Cơm dừa sinh ra từ công đoạn vắt ép lấy nước cốt dừa để làm kẹo dừa đã trở thành sản phẩm đầu vào của bánh hoa dừa. Vỏ lụa bị thải bỏ từ công đoạn gọt vỏ lụa của trái dừa sơ chế cơm dừa đã được thu gom và trở thành nguyên liệu đầu vào của các cơ sở chế biến dầu dừa sử dụng công nghệ ly tâm không gia nhiệt nhằm thu hồi lượng dầu dừa còn sót lại và phần cơm dừa bám dính ở vỏ lụa; sau khi tách và lấy hết dầu dừa trong vỏ lụa sẽ thải bỏ ra xác bã dừa; xác bã dừa trở thành nguyên liệu đầu vào của các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi.


Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, ứng dụng, thương mại thành công thiết bị và quy trình sản xuất sản phẩm nước rửa tay từ dầu dừa bằng phương pháp xà phòng hóa, có quy mô 40 lít/mẻ với 4 loại sản phẩm dầu dừa có kết hợp tinh dầu chanh, tinh dầu cam, tinh dầu bạch đàn, tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế đạt yêu cầu về hiệu quả tẩy rửa, cảm quan, kháng vi sinh, có nguồng gốc tự nhiên, không chứa các hạt vi nhựa.

image
  
image
    
image
    
image


Một số công ty chế biến dừa ở Bến Tre đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gói sản phẩm bằng công nghệ Tetra Pak như hộp đựng nước dừa, hộp đựng nước tinh khuyết, đựng nước ép trái cây; Hộp giấy Tetra Pak có kết cấu gồm 6 lớp độc đáo giúp mang lại nhiều lợi ích bảo quản thực phẩm, trong đó: 75% bột giấy và 21% polyme giúp hộp có cấu trúc bền hơn, nhẹ hơn, dai hơn; Tetra Pak đã thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Sở Khoa học và Công Bến Tre đang tiến hành nhiệm vụ khoa học và công nghệ Nghiên cứu quy trình sản xuất giấy bao bì, đóng gói từ nguồn nguyên liệu cây dừa.


Nổi bật trong hoạt động nông nghiệp địa phương với sự thành công của mô hình bò – cá – cỏ triển khai ở Ba Tri và được nhân rộng ra khắp các vùng đất giồng cát trên phạm vị toàn tỉnh. Đây là mô hình xuất phát từ sự kế thừa, có cải tiến từ mô hình VAC (vườn – ao – chuồng) cho phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán, phương thức canh tác của địa phương dựa trên nền tảng chuỗi cung cấp thức ăn. Sau này phát triển thêm mắc xích trùn quế vào chuỗi trở thành mô hình: bò - trùn quế - cá - cỏ trở thành mô hình hoàn thiện hơn. Mô hình VAC có kết hợp lắp đặt hầm biogas để thu hồi khí thải từ vật nuôi làm chất đốt cung cấp nhiệt lượng và điện năng cho hoạt động sản xuất hoặc sử dụng đệm lót sinh học để giảm phát thải khí sinh học.


Bến Tre nghiên cứu thành công và áp dụng rộng rãi mô hình xử lý rác thải hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp như nhờ áp dụng công nghệ tách chất tanin đã biến phế thải mụn dừa thành đất sạch hoặc cơ chất làm giá thể, ứng dụng công nghệ sinh học với tập đoàn vi sinh vật EM đã biến mụn dừa thành phân bón hữu cơ phục vụ canh tác sạch, hữu cơ; biến vỏ ca cao thành thức ăn giàu dinh dưỡng cung cấp cho chăn nuôi.


Nông nghiệp đô thị có mô hình Aquaponics là sự kết hợp giữa Aquaculture còn gọi là nuôi trồng thủy sản và Hydroponics hay nuôi trồng thủy canh. Trong mô hình này cá và rau sẽ được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn. Cá ăn thức ăn và tạo ra chất thải, vi khuẩn nitrite/nitrate hóa sẽ chuyển hóa chất thải của cá từ bể nuôi cá sang dạng dinh dưỡng hữu cơ phù hợp cho cây trồng phát triển. Nước được lọc sạch bởi cây trồng và cung cấp ngược trở lại cho bể cá. Đây là mô hình khép kín, tuần hoàn tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh.


Trong một số lĩnh vực khác cũng có sự hiện diện của mô hình kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn: lĩnh vực xây dựng hơn 44 sản phẩm đồ gỗ bằng dừa được chế biến từ thân cây dừa Bến Tre để làm vật liệu xây dựng, gồm: cột trụ tròn, vuông các loại kích thước nhỏ hơn 30 cm; các thanh gỗ vuông, tròn; ván gỗ các loại, ván lót sàn nhà; vách ngăn, vật liệu cách âm; tấm lợp trần nhà, vật liệu trang trí,… điển hình nhất cho dòng sản phẩm này là nhà gỗ dừa với các dạng phổ biến hiện nay là hình vuông hay hình lục giác với nóc nhọn, chiều cao của cột từ 2,5 - 3m, diện tích sàn nhà 9 – 12 m2 hoặc nóc bằng theo kiểu một gian 2 chái. Với việc xây dựng quy trình và tạo ra 3 mẫu vật liệu nền composite của chỉ xơ dừa với chất nền là Keo UF; Xi măng và nhựa phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất đồ mộc và vật liệu xây dựng


Lĩnh vực du lịch nhờ có các thiết bị tiến tiến đã giúp cho các nghệ nhân chế tác và sản xuất hàng loạt sản phẩm gia dụng bằng gỗ dừa và gáo dừa thay thế đồ dùng bằng vật liệu nhựa, túi nilon nhất là các sản phẩm đồ dùng trong nhà với hơn 34 sản phẩm như bàn, ghế, tủ, giường gỗ dừa; các sản phẩm chuyên dùng trong nhà bếp rất phong phú về chủng loại và đủ kích cỡ phù hợp cho từng mục đích sử dụng và cho từng món ăn: các loại tô, dĩa, chén, đũa, muỗn, vá, sạn, nỉa 3 đến 4 răng, dao, chày cối, ống đựng đũa, gáo múc nước, lọ hũ đựng tăm, giá treo đồ, móc phơi quần áo, giỏ xách từ cọng dừa, lồng đèn, gạc tàng thuốc lá…


Lĩnh vực dịch vụ với các cơ sở dịch vụ môi trường thường xuyên thu gom các loại phế liệu, phế thải có giá trị đầu vào cho các cơ sở tái sử dụng, tái chế như kim loại, giấy, túi nilon và các phế liệu khác. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã đầu tư cho Công ty Công trình đô thị Bến Tre nghiên cứu công nghệ tuyển chọn, sàn lọc và thu hồi mùn phân từ bãi rác Phú Hưng dùng làm phân bón hữu cơ phục vụ công tác trồng cây xanh trên địa bàn.


Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh mới cần thể chế hóa kinh tế tuần hoàn và hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong mọi hoạt động; Xây dựng lộ trình chuyển đổi, phát triển kinh tế tuần hoàn; Đẩy mạnh thu hồi vật liệu và hạn chế rác thải khó tái chế bằng việc thúc đẩy phân loại  rác tại nguồn, mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất và thúc đẩy các thị trường mới phát triển như thị trường thu hồi và tái chế nhựa, giấy, kim loại… và thị trường cung cấp các sản phẩm tái chế; Với tâm thế sẵn sàng chuyển dịch nhu cầu với các tài nguyên khi thực hiện kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ sở dữ  liệu về kinh tế tuần hoàn; Gắn liền việc thực hiện và phát triển kinh tế tuần hoàn với ứng dụng 43 công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi