Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Sáng 13.4.2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc với Bộ KH&CN. Đón tiếp và dự buổi làm việc với Thủ tướng có lãnh đạo Bộ KH&CN và cán bộ chủ chốt của các đơn vị trực thuộc Bộ cùng lãnh đạo của nhiều bộ, ban, ngành.

Đây là dịp để lãnh đạo Bộ KH&CN đại diện cho giới KH&CN báo cáo với Chính phủ về những kết quả hoạt động mới nhất của ngành, những mong muốn, trăn trở trong công việc đang tiến hành, đồng thời trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về những giải pháp, kế hoạch hành động để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đã báo cáo nội dung và kết quả công việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu của Bộ trong những năm gần đây và phương hướng công tác năm 2007 đến năm 2010. Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ và chuyển mạnh sang thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong điều hành, quản lý, thời gian qua Bộ KH&CN đã tập trung thực hiện các giải pháp: Hoàn thiện môi trường pháp lý; đổi mới cơ chế, chính sách, trong đó có đổi mới về nhận thức, tư duy và nhận dạng lực lượng khoa học, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, đổi mới phương thức tổ chức các nhiệm vụ KH&CN; xây dựng thị trường công nghệ; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng và phát triển công nghệ cao. Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các đạo luật chuyên ngành cơ bản như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo thành một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, đồng thời tạo động lực cho KH&CN phát triển. Bộ xác định có 5 lực lượng tham gia hoạt động KH&CN là: 1) Cán bộ nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học; 2) Cán bộ kỹ thuật, công nghệ làm việc trong các doanh nghiệp; 3) Các cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội yêu thích KH&CN có sáng kiến cải tiến, ứng dụng KH&CN vào đời sống; 4) Cán bộ quản lý các cấp tham gia hoặc chỉ đạo công việc nghiên cứu phục vụ hoạch định các quyết sách, quyết định quan trọng trong thẩm quyền của mình; 5) Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong 5 nhóm trên, thì nhóm 1, 2, 4 sẽ quyết định diện mạo KH&CN. Nhóm 1 cần cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; nhóm 2 cần chính sách và các điều kiện (kể cả tài chính) để đổi mới công nghệ; nhóm 4 cần được tạo điều kiện phát huy năng lực nghiên cứu phục vụ quản lý. Bộ KH&CN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp theo định hướng này.

Để phát huy hơn nữa sức mạnh của KH&CN trong tiến trình cạnh tranh, hội nhập và trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đề xuất và kiến nghị với Thủ tướng 5 vấn đề lớn:

1. Cho phép sử dụng một phần kinh phí ngân sách hàng năm cho việc: Mua công nghệ hoặc thiết kế, li xăng; tìm kiếm, điều tra, tình báo công nghệ; giải mã công nghệ, kể cả thuê chuyên gia nước ngoài.

2. Cho phép sử dụng một phần kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm vào việc đào tạo cán bộ KH&CN ở trình độ cao.

3. Thực hiện thí điểm một số chính sách ưu đãi trong sử dụng cán bộ KH&CN và trọng dụng người tài đối với một số nhóm các nhà KH&CN được giao các nhiệm vụ KH&CN quốc gia.

4. Tăng cường mạng lưới đại diện KH&CN ở nước ngoài.

5. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan sớm triển khai các giải pháp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông từ Hoà Lạc tới các sân bay và cảng biển lân cận. Đồng thời có chế độ phụ cấp thu hút cán bộ, công chức và các nhà khoa học đến làm việc tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc.

Các đại biểu đều đồng tình với báo cáo của Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, ủng hộ Bộ KH&CN trong việc đổi mới cơ chế, chính sách quản lý. Đóng góp ý kiến với Bộ KH&CN về phát triển thị trường công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia Chu Tuấn Nhạ cho rằng, việc tổ chức thị trường công nghệ cấp quốc gia và địa phương những năm qua là rất đáng khích lệ, nhưng từ đó Bộ nên phân tích từng thành phần cung, cầu để có chính sách hợp lý hơn, đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ liên quan như môi giới, thông tin và hệ thống pháp lý. Về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đề xuất ý kiến Bộ KH&CN nên nghiên cứu nhu cầu xã hội và định lượng xem xã hội cần những công nghệ gì để phối hợp tốt hơn với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đào tạo các chuyên gia và đồng bộ hoá lực lượng cán bộ.

Đại biểu của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… cũng đóng góp một số ý kiến liên quan đến việc tổ chức sử dụng hiệu quả hơn các phòng thí nghiệm trọng điểm, tập trung đào tạo chuyên gia đầu ngành theo nhóm, ưu đãi với các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học có nhiều mặt hàng xuất khẩu…

Sau khi lắng nghe ý kiến của Bộ KH&CN cùng đại diện các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những đóng góp của KH&CN trong phát triển kinh tế, đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng, Chính phủ, coi KH&CN là động lực để phát triển đất nước, giữ vai trò quyết định nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập. Thủ tướng cũng phân tích và chỉ ra những nguyên nhân cơ bản đang hạn chế sự phát triển của KH&CN, đồng thời đề nghị Bộ KH&CN phối hợp tốt với các bộ, ngành liên quan xây dựng những đề án, chương trình cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả của KH&CN trong sản xuất và đời sống (những ý kiến chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng, chúng tôi xin lược ghi và giới thiệu với bạn đọc trong bài sau).

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&CN đại diện cho các đại biểu hứa sẽ thực hiện tốt những vấn đề mà Thủ tướng nêu theo lộ trình, kế hoạch cụ thể với quyết tâm cao; khắc phục những yếu kém một cách quyết liệt để KH&CN nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước và sớm trở thành động lực cho phát triển và hội nhập.

Theo Tạp chí Hoạt động Khoa học

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý