Giải pháp phục hồi vườn cây ăn trái sau thời gian hạn, mặn

Mùa khô năm 2019 - 2020, tỉnh Bến Tre đối mặt với tình hình hạn - mặn gay gắt, nhất là tình hình xâm nhập mặn sớm và độ mặn cao bao phủ toàn tỉnh do đó nông dân sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, việc thiếu nước tưới nghiêm trọng đã gây thiệt hại lớn đến vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản. Trước tình hình trên, nông dân đã phải “gồng mình” ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết bất thường để bảo vệ vườn cây, hạn chế tối đa mức thiệt hại. Tuy nhiên, sau thời gian dài bị ảnh hưởng của hạn - mặn, khi mùa mưa bắt đầu, về sinh trưởng cây trồng sẽ thể hiện rõ hơn, tình trạng rối loạn dinh dưỡng xuất hiện, cây bị suy kiệt, giảm năng suất hoặc có thể chết. Vì vậy, nông dân cần có các giải pháp chăm sóc cây một cách hợp lý và hiệu quả là vấn đề hết sức quan trọng, giúp vườn cây phục hồi tốt.

Triệu chứng dòi hại đọt bưởi.

 

Qua thời gian dài hạn hán, xâm nhập mặn đa số các vườn cây ăn trái không có đủ nước ngọt để tưới, cây bị xơ xác, xào lá, rụng các lá già, lá nhỏ,... làm giảm diện tích lá ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây. Đất bị nhiễm mặn có chứa nhiều các ion Na+ và Cl- gây ra mất cân bằng và gây hại cho cây thể hiện triệu chứng thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra, các mương vườn khô cạn nước là điều kiện kích hoạt phèn tiềm tàng trở thành phèn hoạt động sẽ gây hại cho cây trồng. Do thiếu nước tưới đất mặt liếp bị nứt nẻ ảnh hưởng đến sự hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất, các rễ nhỏ dễ bị đứt, từ đó giảm khả năng trao đổi chất dẫn đến cây thiếu dinh dưỡng. Nhiễm mặn với nồng độ muối càng cao thì kiềm hãm sinh trưởng của cây càng mạnh, những cây mẫn cảm với mặn sẽ bị chết (như sầu riêng, chôm chôm,…). Như vậy, ngay sau thời gian bị ảnh hưởng do hạn-mặn kéo dài, vườn cây bị suy kiệt trầm trọng. Để phục hồi vườn cây ăn trái, nông dân cần thực hiện một số công việc cần thiết ngay khi có nguồn nước ngọt.

Tưới nước rửa phèn, mặn

Trước hết cần rửa phèn mặn tích tụ trong đất bằng cách khai thông mương rạch để nước luân chuyển trong mương vườn, tưới nhiều nước. Xới nhẹ chung quanh mô cây nhằm vừa tạo sự thông thoáng cho bộ rễ, tạo điều kiện cho hệ thống rễ hồi phục nhanh để cây hấp thu dinh dưỡng tốt giúp cây mau phát triển và góp phần thúc đẩy nhanh việc rửa phèn - mặn. Vườn cây ăn trái đã bị nhiễm mặn do tưới nước nhiễm mặn hoặc nước mặn bị xâm nhiễm trong mương vườn thì cần tưới nước liên tục khoảng 5-7 ngày, với lượng nước lớn để rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất, việc rửa mặn phải thực hiện qua nhiều mùa.  

Cung cấp dinh dưỡng cho cây         

Bón phân vôi trong vườn cây là biện pháp rất cần thiết để giải phóng Na+ ra khỏi keo đất tạo thuận lợi cho việc rửa mặn, liều lượng khoảng 300-500kg/ha (tùy theo độ pH đất). Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung chảy có tác dụng rửa mặn và hạ phèn, còn với đất mặn không có phèn có thể bón vôi thạch cao (CaSO4). Sau khi rửa phèn- mặn, phân hữu cơ đóng vai trò quan trọng để cải tạo lại cơ cấu đất, làm đất tơi xốp, giữ ẩm tạo điều kiện cho hệ thống rễ của cây phục hồi nhanh và cung cấp dinh dưỡng cho một số loài vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, nên sử dụng phân hữu cơ hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh. Cung cấp thêm phân hóa học, chọn loại phân có công thức đạm và lân cao (NPK 20-20-15, NPK 16-16-8, NPK 25-15-3, NPK 30-10-10,… hoặc DAP) để giúp cây ra chồi lá mới, nên bổ sung phân bón lá có chứa các dinh dưỡng trung, vi lượng, các axit amin để giúp cây nhanh phục hồi.

Vệ sinh vườn

Đây là việc làm cần thiết để tập trung dinh dưỡng cho cây hồi phục, loại bỏ những cành sâu bệnh, cành vô hiệu, cành chết. Sau thời gian dài khô hạn khi có đủ nước cây sẽ ra hoa, đậu trái rất nhiều, vì thế nên theo dõi tỉa bớt hoa, trái tùy theo sức khỏe của cây, nếu để trái quá nhiều cây dễ bị suy kiệt, khó phục hồi, ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất giảm. Những cây bị suy kiệt nên loại bỏ hết trái (bỏ vụ) để cây tập trung dinh dưỡng phát triển cành lá và cho năng suất vụ sau.

Phòng trừ sâu bệnh

Trong giai đoạn bắt đầu phục hồi, cây sẽ ra rất nhiều chồi, hoa là điều kiện cho các loại côn trùng gây hại như: trên cây có múi có dòi hại đọt bưởi, sâu bướm phượng, sâu vẽ bùa, bọ trĩ gây hại hoa,…; trên cây sầu riêng có rầy phấn, rầy xanh; trên cây măng cụt có sâu vẽ bùa,…

+ Dòi hại đọt bưởi:

Muỗi trưởng thành đẻ trứng trên các chồi bưởi vừa mới nhú ra khoảng 1cm, sâu non ăn phần diệp lục của lá. Lá bị hại chuyển màu nâu đen và rụng, chỉ còn trơ lại cành chồi. Nếu nông dân phát hiện giai đoạn này thì quá trễ mà phải quan sát khi đọt vừa mới nhú ra khoảng 1-2cm, dùng tăm vạch lá non sẽ thấy dòi sinh sống trong đó với mật số rất cao.

Muỗi đục lá gây hại ở giai đoạn đọt non mới ra, nên phun thuốc vào lúc lá non chưa mở. Sử dụng thuốc trừ sâu gốc cúc tổng hợp để phòng trừ.

+ Sâu bướm phượng

 Sâu bướm phượng thuộc nhóm sâu ăn lá. Sâu non màu xanh lá cây, kích thước khá lớn, dài 3-3,5cm. Sâu non ăn rải rác trên lá non làm cho lá bị khuyết, sâu tuổi nhỏ chỉ gặm khuyết bìa lá, ở tuổi lớn sâu ăn cả lá, đọt và cành non. Nếu mật số cao, sâu có thể ăn trụi cả đọt non làm cây còi cọc, kém phát triển. Vì sâu có kích thước khá to nên có thể áp dụng biện pháp thủ công tiêu diệt trứng và sâu non.

 


            

Sâu non bướm phượng.

Trứng sâu bướm phượng.

+ Bọ trĩ

Bọ trĩ (bù lạch) là côn trùng cũng gây hại trên hoa và hiện tượng da lu trên trái. Bọ trĩ trưởng thành rất nhỏ, dài khoảng 0,8-1mm, cánh màu vàng cam, hai bên rìa cánh có nhiều lông nhỏ dài. Bọ trĩ non mới nở có cơ thể trong suốt, rất nhỏ, chân dài, bụng nhọn, không cánh. Sang tuổi 2, ấu trùng có kích thước tương tự thành trùng. Trưởng thành đẻ trứng trong mô lá non, cành non hoặc trái non. Cả thành trùng và ấu trùng đều gây hại trên hoa, lá non, trái non. Chúng tập trung mặt dưới lá non, chích hút làm lá biến màu và cong queo. Trên hoa, chúng chui vào bên trong của hoa sắp nở làm rụng hoa. Trên trái non, chúng chích vào tế bào biểu bì làm vỏ trái bị da lu giống như triệu chứng nhện gây ra nhưng không bao phủ trên vỏ trái từng mãng lớn giống như nhện gây hại, vết bị hại là một vòng tròn tập trung chung quanh lá đài hoặc những mãng nhỏ da lu có màu ánh bạc chằng chịt trên trái vì chúng gây hại chủ yếu ở phía dưới lá đài lúc trái còn nhỏ nên khi trái phát triển lớn lên, vết sẹo mới lộ rõ. Bọ trĩ gây hại phổ biến giai đoạn hoa sắp nở, trái nhỏ, nếu mật số cao bọ trĩ gây hại cả trên những trái lớn, làm giảm giá trị thương phẩm.

 

Bọ trĩ hại hoa bưởi.

 

+ Rầy phấn hại sầu riêng

Đây là một trong những loài côn trùng gây hại nghiêm trọng trên sầu riêng, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Rầy phấn (còn gọi là rầy nhảy), trưởng thành có màu xanh vàng, dài khoảng 3-4mm. Rầy non mới nở màu vàng nhạt, di chuyển chậm. Giai đoạn sầu riêng ra đọt non rầy xuất hiện nhiều, có màu trắng, trên mình có những sợi dài tủa ra, lá cành rầy bám bị đóng “khói đèn”. Rầy phấn thường tập trung ở mặt dưới của lá sầu riêng, chúng gây hại trên lá non còn xếp lại. Rầy trưởng thành và rầy non đều chích hút nhựa lá. Lá bị hại thường có những chấm nhỏ màu vàng. Bị nặng, lá khô vàng, biến dạng và rụng hàng loạt chỉ còn trơ lại cành, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Ngoài ra, rầy còn tiết chất ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Khi mật số rầy cao phun một trong các loại thuốc sau: Actara, Applaud, Trebon,… Chú ý phun dưới bề mặt lá nơi rầy thường tập trung và nên luân phiên sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để hạn chế sự bộc phát tính kháng. 


Rầy phấn hại sầu riêng.


Cây sầu riêng bị rầy phấn gây hại.


Chú ý khi sử dụng thuốc cần đảm bảo đúng thời gian cách ly nhằm hạn chế ảnh hưởng sức khỏe con người.

Để phục hồi tốt vườn cây ăn trái sau giai đoạn hạn mặn, đòi hỏi nông dân áp dụng những giải pháp đồng bộ chăm sóc một cách hợp lý.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi