Đầu tư đối tác công - tư trong khoa học và công nghệ Bến Tre

Ngày 18/5/2020, Tỉnh ủy Bến Tre đã có báo cáo số 602-BC/TU sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU ngày 27/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020 (gọi tắt là Chỉ thị 13), trong đó có đóng góp của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

 

Kết quả xã hội hóa KH&CN địa phương


Trước đây, hình thức đầu tư đối tác công – tư (PPP) chủ yếu được áp dụng trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như xây dựng đường sá, nhà ở, năng lượng, cung cấp nước sinh hoạt… Tuy nhiên, đến nay, hình thức đầu tư này đã được mở rộng ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó có KH&CN, với mục tiêu huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này, 3 năm qua các cấp, ngành nói chung và Sở KH&CN nói riêng đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 13.

 

Ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội trong dân, doanh nghiệp, nguồn lực nước ngoài. Ba năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là 50.163 tỷ đồng đạt 89,4% so với mục tiêu đề ra là 56.126 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động từ các nguồn lực xã hội trong dân, trong doanh nghiệp là 31.750 tỷ đồng, nguồn lực nước ngoài là 4.914 tỷ đồng; vốn ngân sách Nhà nước là 8.583 tỷ đồng; vốn đầu tư của các bộ ngành Trung ương và các nguồn vốn khác 4.916 tỷ đồng.

 

Kết quả thu hút đầu tư lĩnh vực KH&CN, từ năm 2016 – 2019, tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh là 99,907 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN là 53,578 tỷ đồng. Tổng kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN là 19,132 tỷ đồng. Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh đã hỗ trợ cho vay 05 dự án với tổng số vốn 9,5 tỷ đồng, nâng tổng số dự án hỗ trợ từ Quỹ này là 08 dự án. Kết quả huy động vốn ngoài ngân sách cho KH&CN của khu vực doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.277,366 tỷ đồng; trong đó thu hút được lần lượt qua các năm: 2016 là 132,484; 2017 là 176,507; 2018 là 473,969; 2019 là 494,406 tỷ đồng.

 

Cần tiếp tục thực hiện PPP KH&CN


PPP được áp dụng trong nhiều hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo. PPP trong phát triển hạ tầng là việc xây dựng các phòng thí nghiệm, khu ươm tạo công nghệ, khu công nghệ cao, khu nghiên cứu và phát triển (R&D), khu dịch vụ về đo lường, kiểm chuẩn, chứng nhận chất lượng... có bản chất là xây dựng một cơ sở vật chất phục vụ cho mục tiêu công ích.

 

PPP trong KH&CN có nhiệm vụ cơ bản là thu hút vốn đầu tư để xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và các nhiệm vụ mà Nhà nước đảm nhiệm; thay đổi phương thức tổ chức và quản lý để khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn, tích cực và chủ động hơn vào các chương trình, dự án công; đồng thời chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro trong nghiên cứu khoa học. 

 

PPP còn là công cụ giúp Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp mọi nguồn lực giải quyết vấn đề KH&CN trung và dài hạn mang tính chiến lược then chốt, cốt lõi của ngành, của địa phương và giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc phát sinh trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều hoạt động nghiên cứu, nhiệm vụ về KH&CN hiện nay thường bị phân tán và xé lẻ, không tạo được nguồn đầu tư tới ngưỡng cho phép.

 

PPP cũng đồng nghĩa với việc tìm kiếm một đơn vị trung gian, nắm bắt được doanh nghiệp cần những gì, hay phải tìm ở đâu để đáp ứng nhu cầu, kết nối họ lại với các trường đại học hay viện nghiên cứu. Đây sẽ là cơ chế tạo ra sự tương tác, ưu đãi giúp doanh nghiệp và nhà khoa học cùng ngồi lại với nhau và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm giải quyết vấn đề công nghệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ đến tận gốc rễ.

 

Từ hiệu quả thực hiện và vai trò của PPP đối với lĩnh vực KH&CN, Sở KH&CN tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 1931/QĐ-TTg ngày 07/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN” và Thông tư số 11/2017/TT-BKHCN ngày 11/8/2017 Quy định quản lý thực hiện Đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN”. Với thời gian thực hiện Đề án trong giai đoạn 2016 – 2022, Bến Tre chắc chắn sẽ đạt được kết quả nhiều hơn so với mong đợi trong nhiệm kỳ tới.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi