Một số giải pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây dừa

I- Ảnh hưởng của hạn mặn đối với đất và cây trồng


1.  Ảnh hưởng của hạn mặn đối với đất


- Làm thay đổi cấu trúc đất dẫn đến đất bị thiếu dinh dưỡng.

 

- Kích hoạt phèn tiềm tàng trở thành phèn hoạt động làm cho cây bị ngộ độc.

 

- Giảm mật số vi sinh vật có lợi trong đất, cây trồng dễ bị nấm bệnh tấn công.

 

2. Tác hại của hạn, mặn đối với cây dừa 


Theo Viện nghiên cứu Dầu và cây có Dầu, dừa được xếp vào nhóm cây có khả năng chịu mặn khá (5-10‰), khi độ mặn trong nước trên 10‰ cây dừa bị ảnh hưởng rất rõ rệt, rễ kém phát triển, trái sẽ nhỏ lại, cây dừa bị còi cọc và thậm chí không có trái do:

 

+ Thiếu nước: Làm cho cây không hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng dẫn đến trái nhỏ, cây kém phát triển, rụng trái non;

 

+ Thiếu dinh dưỡng: Do thiếu đạm và kali, Canxi, Bo điều này thường xảy ra khi đất và nguồn nước bị nhiễm mặn trong thời gian dài làm cho cây rụng trái non và giảm trọng lượng trái, nứt gáo.

 

+ Do các loại sâu, bệnh tấn công như bọ cánh cứng, bọ xít, bệnh do nấm Phytopthora palmivora... gây ra.

 

II- Giải pháp hạn chế thiệt hại do hạn, mặn


1. Trước khi mặn xâm nhập


- Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch, mương vườn để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn nước mặn hoặc tranh thủ lấy nước ngọt vào vườn.

 

- Thiết lập hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa nắng. Lập hệ thống đê bao chung trong khu vực hoặc từng vườn nhằm đảm bảo chống ngập khi triều cường, ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô.

 

- Ngoài lượng phân bón theo quy trình kỹ thuật cần bón bổ sung thêm phân lân nung chảy và phân hữu cơ ủ hoai với Trichoderma sp. để hạn chế xâm nhập mặn vào đất và tăng tính đệm cho đất: Đối với dừa giai đoạn kiến thiết cơ bản bón 0,5kg lân/cây + 5kg phân hữu cơ/cây, rải quanh gốc; đối với dừa giai đoạn kinh doanh bón 1kg lân/cây + (5-10kg phân hữu cơ/cây), rải phân quanh gốc (cách gốc khoảng 1m) kết hợp với bồi bùn.

 

- Tưới đủ nước, kết hợp đậy liếp giữ ẩm cho đất bằng các vật liệu có sẵn như tàu dừa khô, cỏ khô,... để tăng sức chống chịu cho cây trong mùa nắng.

 

 

Đậy gốc bằng lá dừa hoặc để lớp cỏ giữ ẩm cho đất.


2. Trong thời gian hạn, mặn


- Thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, mương vườn để có hướng xử lý kịp thời lấy nước ngọt vào vườn.

 

- Sử dụng nguồn nước ngọt trữ trong mương vườn định kỳ hàng tuần tưới cho cây. Có thể sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước để sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt trữ trong vườn.

 

- Tận dụng tất cả các vật liệu tủ gốc trong vườn có thể (lá dừa khô, rơm rạ, lục bình, cỏ khô…) để hạn chế bốc thoát hơi nước.

 

- Bón phân định kỳ theo quy trình kỹ thuật đến khi hết nguồn nước ngọt để tưới thì ngưng bón phân. Bổ sung thêm phân bón qua lá như KNO3, Ca(NO3)2,…

 

3. Sau hạn, mặn


- Nhanh chóng khai thông nước trong mương vườn nhằm rửa phèn-mặn tích lũy trong đất, xới xáo mặt liếp để tạo sự thông thoáng cho rễ, thúc đẩy nhanh việc rửa phèn, mặn.

 

- Bón phân theo trình tự các loại phân và liều lượng sau:

 

+ Bón vôi, liều lượng vôi sử dụng khoảng 500-1.000 kg/ha, rải đều mặt liếp kết hợp tưới nước 2-3 lần/tuần.

 

+ Bón phân lân (nung chảy) sau khi bón vôi 10 ngày: Đối với cây dừa giai đoạn kiến thiết cơ bản bón 1kg/cây; đối với cây dừa giai đoạn kinh doanh bón 1-2 kg/cây.

 

+ Bón phân hữu cơ vi sinh hoặc phân hữu cơ ủ hoai có bổ sung vi sinh vật có ích, liều lượng 3-5kg/cây, rải quanh gốc, tủ lá dừa để giữ ẩm tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển.  

 

+ Sau khi bón phân lân 15-20 ngày bón tiếp phân urea và kali, đối với dừa giai đoạn kiến thiết cơ bản bón 50-100g Urea/cây + 40-80g Kali/cây; đối với dừa giai đoạn kinh doanh bón 100-150g Urea/cây + 100g Kali/cây. Tưới nước đủ ẩm cho tan hết phân. Sau đó 30 ngày, có thể áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác cho dừa của Trung tâm Khuyến nông [lượng phân bón trung bình (1,5kg Urea+ 2kg lân+ 1kg kali)/cây/năm chia làm 4-6 lần bón /năm]. Bổ sung thêm bột Borax với liều lượng 10-20gram/cây/năm hoặc Bo dạng phân bón qua lá.

 

- Quản lý một số đối tượng sâu, bệnh hại tấn công dừa chủ yếu như bọ cánh cứng, bọ vòi voi, bọ xít, bệnh do nấm Phytopthora palmivora gây ra.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Khắc phục dừa bị trăng ăn
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker
• Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam
• Sâu ăn lá – côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• Dừa Bến Tre-cây cho năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kính
• Biện pháp sinh học và lý học quản lý nhóm côn trùng hại dừa
• Anh Huỳnh Thanh Tâm - Người không ngừng nâng cao giá trị cây dừa
• Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước
• Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa
• Sâu đục trái dừa-sâu hại mới đang phát triển trên vườn dừa
• Phương pháp thu mật và cách chế biến đường từ mật hoa dừa
• Bọ vòi voi trên cây dừa
• Bọ vòi voi-loài côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• “Dừa mủ”-Hiện tượng phổ biến trên các vườn dừa