Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa

Bòn bon là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, có tính thích nghi tốt, chịu được bóng râm nên thường được trồng xen trong vườn. Hiện nay, giống bòn bon Thái trồng khá phổ biến thay thế giống địa phương vì giống bòn bon này có chất lượng ngon, ngọt, ít hạt. Mặc dù bòn bon Thái ít sâu bệnh nhưng cần lưu ý một số bệnh hại như bệnh thối trái, bệnh đốm rong, địa y và các côn trùng gây hại như sâu ăn lá, sâu đục vỏ cây, chúng thường xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa.

 

-  Bệnh thối trái

Triệu chứng bệnh thối trái bòn bon.


Bệnh thối trái thường gây hại trên bòn bon giai đoạn trái non đến chín. Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra. Bệnh tấn công trên lá, làm lá bị cháy thành từng mãng. Đáng quan tâm nhất là nấm gây hại trên trái, làm trái bị thối hàng loạt. Triệu chứng đầu tiên có vài chấm nhỏ màu nâu đen trên trái. Sau đó, vết bệnh phát triển lan rộng ra đôi khi thối cả trái và ăn sâu vào thịt trái, làm thịt trái bị nhũn chảy nước, có mùi hôi chua, khó chịu. Khi cây bòn bon nhiễm bệnh sẽ lây lan rất nhanh từ trái này sang trái kia, nhiều khi cả chùm trái đều bị thối trong thời gian rất ngắn. Ẩm độ cao, trên vết bệnh hình thành những tơ nấm trắng. Bệnh làm giảm năng suất và chất lượng trái nghiêm trọng.

 

Trong mùa mưa, thời tiết nóng, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh và phát triển. Ngoài ra, vườn cây trồng dày, thiếu ánh sáng, đất ẩm thấp đọng nước, bón thừa phân đạm làm bệnh phát triển mạnh. Từ các vết bệnh ban đầu của sợi nấm sẽ sản sinh rất nhiều bào tử và lây lan rất nhanh trong điều kiện có gió, mưa. Nguồn nước tưới trong vườn cũng là yếu tố làm cho nấm phát tán, lây lan. Nấm lưu tồn chủ yếu trong đất, nước và các bộ phận bị bệnh.

 

 Quản lý bệnh thối trái nên vệ sinh vườn cây cho thông thoáng, thu gom những trái bệnh đem tiêu hủy, bón phân chuồng hoai mục kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma để hạn chế bệnh phát triển. Sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Metalaxyl, Fosetyl Aluminium,… phun khi bệnh mới chớm. Chú ý khi phun thuốc giai đoạn trái lớn nên bảo đảm đúng thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Khi tồn trữ và vận chuyển cần loại bỏ hoàn toàn những trái bị bệnh để tránh lây lan.

 

- Bệnh đốm rong và địa y


Thân và nhánh bòn bon thường bị bệnh đốm rong và địa y phát triển. Bệnh đốm rong do một loại tảo gây ra có tên là Cephaleuros virescenns. Bệnh thường gây hại trên thân, cành và lá. Trên lá, vết bệnh là những đốm tròn, mọc hơi nhô lên bề mặt lá, nhìn giống như một lớp nhung mịn, có màu xanh xám hoặc màu đỏ nâu, khi vết bệnh cũ chuyển sang màu xám nâu. Khi gặp điều kiện thích hợp, vết bệnh lan rộng nhanh, có khi bằng đầu ngón tay, ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy mô lá bị hoại và cả sợi tảo mọc xuyên qua có màu đỏ nâu. Bệnh nặng, trên lá có rất nhiều đốm chi chít dày đặc, phủ kín mặt lá. Bệnh thường xuất hiện trên những lá đã trưởng thành. 

 

                    

Rêu xanh phủ trên thân cây bòn bon.

 

Địa y tạo những mãng trắng loang lỗ trên thân bòn bon.



Bệnh thường gây hại khá phổ biến trên thân chính của cây bòn bon. Nhận biết trên thân có những chấm nhỏ màu xanh, có hình tròn hoặc hình bầu dục sau đó lớn dần thành từng mãng, vết bệnh có lớp tơ mịn màu xanh rêu, đôi khi bệnh nặng, rêu bao phủ xung quanh cả thân chính. Bệnh làm ảnh hưởng rất nhiều đến  khả năng quang hợp, cây còi cọc, sinh trưởng kém, gây hại trên thân, cành làm vỏ cây bị nứt và khô. Bệnh phát triển mạnh ở những vườn rậm rạp, thiếu chăm sóc… Bên cạnh, thân cây thường nhiễm cả địa y hay còn gọi là đốm đồng tiền (đây là dạng cộng sinh giữa nấm và rêu), tạo thành những mãng màu trắng xám loang lổ làm cây cằn cỗi, thường phát triển mạnh trên những vườn cây lớn tuổi.

 

Đối với bệnh đốm rong hoặc địa y, phun thuốc gốc Đồng (Coc 85, Kocide, Champion, Norshield,…). Nếu bệnh trên thân, cành có thể sử dụng thuốc gốc Đồng quét lên thân, cành. Trên những vườn thường xuyên bị nhiễm đốm rong, địa y, dùng vôi quét lên thân vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa để phòng ngừa bệnh.

 

- Sâu ăn lá


Trong mùa mưa, cây ra đọt non nhiều rất dễ bị sâu ăn lá gây hại. Sâu non nở ra ăn và ở rãi rác trên lá non, thường cắn phá khi bòn bon mới ra đọt. Sâu gậm khuyết phiến lá chỉ còn lại gân chính, tuổi lớn sâu ăn cả lá, chồi và thân  non. Vì sâu thường ẩn nấp sâu vào các cành lá, khi ăn mới di chuyển ra ngoài  nên khó phát hiện, chỉ thấy những lá bị cắn lũng những mãng rất to.

 

Triệu chứng sâu gây hại.

 

Ngoài ra, sâu có khả năng ngụy trang, màu sắc của sâu rất giống màu lá, cành, nên không dễ phát hiện, mặc dù kích thước sâu khá lớn. Thoạt nhìn có thể lầm lẫn chúng với cành cây, ấu trùng khi đủ lớn dài 30-40 mm, có những mãng màu cam và các đốm nhỏ màu xanh ở hai bên hông. Khi hóa nhộng, sâu treo mình vào cành nhờ sợi tơ ở đuôi nhộng. Bướm đẻ trứng rời rạc 1-3 trứng trên đọt lá non. Sâu gây hại chủ yếu  trên các vườn bòn bon  tơ. Nếu mật số cao, sâu có thể ăn trụi các chồi lá non làm cây còi cọc, không phát triển được. Có thể áp dụng các biện pháp thủ công diệt trứng, ấu trùng và nhộng khi cây ra đọt non, thăm vườn thường xuyên nếu mật số sâu cao, có thể sử dụng dầu khoáng SK EnPray 99 hoặc chế phẩm sinh học nấm xanh, thuốc vi sinh BT,… Phun thật kỹ trên những cành lá vì chúng ẩn nấp bên trong.

 

- Sâu đục vỏ cây

Sâu đục vỏ gây hại trên thân cây bòn bon. 


Sâu đục vỏ cây là loài gây hại nguy hiểm nhất trên cây bòn bon. Thành trùng đẻ trứng vào ban đêm nơi có vỏ cây nứt ra. Sâu non khi nở ra chúng không đục vào bên trong, chỉ nằm dưới lớp vỏ, ăn luồn làm cho nhiều nơi bị bong ra, để lộ lớp vỏ non bên trong, tạo điều kiện cho nấm bệnh, vi khuẩn xâm nhiễm vào gây hại cho cây. Sâu thường bắt đầu tấn công khi cây đến tuổi cho trái, có lớp vỏ dày bên ngoài thân, đủ che chở cho chúng sống bên dưới. Nếu mật độ cao, sâu làm cây kém phát triển, chậm ra đọt non. Vào giai đoạn ra hoa, bị sâu này tấn công sẽ làm hoa đậu ít, trái nhỏ. Khi phát hiện sâu đục vỏ, dùng dao lột bỏ phần vỏ bị sâu gây hại và phun thuốc trừ sâu lưu dẫn, tập trung phun kỹ vào phần thân cây bị hại.


Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ
• Phòng trừ rầy phấn trắng và bọ xít muỗi gây hại trên cây ổi