Hội thảo “văn hóa và văn minh đô thị ở các nước Đông Nam Á trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0” và bài học cho di sản văn hóa Bến Tre

Hội thảo Khoa học xã hội năm 2020 chủ đề “Văn hóa và văn minh đô thị ở các nước Đông Nam Á trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0” diễn ra ngày 12/6/2020 tại Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp với Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh tổ chức là một sự kiện học thuật quan trọng với sự tham dự của 150 đại biểu đến từ Tổng lãnh sự quán các nước Indonesia, Thái Lan, Hiệp hội Doanh nghiệp Malaixia, các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên các trường ĐH, CĐ, các Viện nghiên cứu trong cả nước. Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà-Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hội thảo là một diễn đàn lớn của các học giả và các chuyên gia bàn thảo về văn hóa và văn minh đô thị ở các nước Đông Nam Á trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là dịp các nhà khoa học chia sẻ quan điểm và kết quả nghiên cứu mới nhất; trao đổi học thuật giữa sinh viên, học viên, giảng viên từ các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trong cả nước về việc ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0 trong công cuộc phát triển kinh tế văn hóa xã hội tại đô thị các nước Đông Nam Á.

 

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh KN.

 

Có trên 70 bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước gửi đến Hội thảo. Ban tổ chức Hội thảo đã tuyển chọn phản biện và đưa vào Kỷ yếu chính thức của Hội thảo 24 bài nghiên cứu được in thành sách và 16 bài được đưa vào tạp chí Khoa học của Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh với nội dung tập trung vào các vấn đề lớn như: Văn hóa và văn minh đô thị ở các nước Đông Nam Á: Phát triển đô thị (thành phố, quốc gia thông minh) và cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, năng lượng,...); Tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu; Quản lý xã hội và sử dụng nguồn nhân lực; Các bài học thành công và thất bại khi phát triển đô thị, quốc gia thông minh trong bối cảnh CMCN 4.0 cũng như trong phát triển kinh tế (Sản xuất, dịch vụ) và quản lý xã hội bối cảnh CMCN 4.0; Các mô hình đề xuất cho chiến lược phát triển Châu Á trong bối cảnh CMCN 4.0. Di sản lịch sử, văn hóa, kiến trúc và phát triển du lịch ở các nước Đông Nam Á: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các nước Đông Nam Á; Di sản kiến trúc Đông Nam Á, Du lịch di sản Đông Nam Á. Từ góc độ nghiên cứu cấp địa phương, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 3 tỉnh: An Giang, Bến Tre và Đồng Tháp gửi công trình nghiên cứu đóng góp cho Hội thảo.

 

Bài nghiên cứu “Di sản văn hóa Bến Tre trước ngưỡng cửa cách mạng công nghiệp lần thứ tư – góc nhìn từ phân tích SWOT” thuộc nhóm chủ đề Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các nước Đông Nam Á của nhóm nghiên cứu đến từ Trường Cao đẳng Bến Tre được chọn là 1 trong 24 bài nghiên cứu in trong Kỷ yếu và poster của Hội thảo. Đây là một cơ hội tốt để di sản văn hóa Bến Tre trở thành 1 trong những điểm nhấn của Hội thảo, tại Hội thảo giới nghiên cứu trong và ngoài nước đã tiếp cận, quan tâm trao đổi sâu về di sản văn hóa Bến Tre. Theo nhóm nghiên cứu, Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) có những tác động sâu, rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Di sản văn hóa từ vật thể đến phi vật thể có lịch sử hàng ngàn năm cũng không có ngoại lệ trong tiến trình này. Trước ngưỡng cửa CMCN 4.0 Bến Tre cần phải làm gì để có thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách bền vững? Trả lời câu hỏi lớn này bằng kỹ thuật SWOT - phân tích di sản văn hóa Bến Tre theo mô hình TOWS, tức là thay đổi cách tiếp cận từ bên ngoài cho phù hợp với cách tiếp cận theo qui luật cung - cầu trong nền kinh tế thị trường; Nhóm nghiên cứu đã chia sẻ những vấn đề được giới nghiên cứu di sản văn hóa trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Khuyến nghị đưa ra là Bến Tre cần làm rõ những giá trị của di sản văn hóa, từ đó nhận diện những thách thức, khó khăn trước thời cơ, cũng như điểm yếu, điểm mạnh với sự tác động đan xen và chuyển hóa lẫn nhau để khắc phục hạn chế, tồn tại và khai thác được thế mạnh, tiềm năng, điều kiện thuận lợi để tạo thành thời cơ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Bến Tre trước ngưỡng cửa CMCN 4.0.

 

Đây là lần đầu tiên di sản văn hóa Bến Tre được giới thiệu đến các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước như một minh chứng làm sâu sắc và phong phú cho những nỗ lực góp sức hướng đến mục tiêu chung tay bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các nước Đông Nam Á. TS. Saraswathy Sinnakkannu, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Malaixia bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa Bến Tre từ cách tiếp cận mới về lịch sử hình thành vùng đất Bến Tre với bề dày trên dưới 2.500 năm, về di sản danh nhân văn hóa và con người Bến Tre với những điểm nhấn có tầm vốc thế giới, TS. Saraswathy Sinnakkannu thống nhất với nhóm nghiên cứu của Bến Tre khi cho rằng: di sản văn hóa Bến Tre có nét khác biệt bởi được tổng hợp cả hai giá trị vật chất và tinh thần làm nên giá trị kết nối, giao lưu văn hóa – học thuật quốc tế, trước hết là khu vực Đông Nam Á như các câu chuyện văn hóa từ Di tích lịch sử văn hóa quốc gia - Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - Nhà Bia bác học Trương Vĩnh Ký… hậu duệ của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, bác học Trương Vĩnh Ký từ nước ngoài ngày càng hướng về cội nguồn, tìm về tổ tiên hằng sâu dấu ấn trong các di sản văn hóa mà cha ông họ đã để lại trên mảnh đất Bến Tre ngày nay.

 

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đến từ Hà Nội với đề tài “Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham quan bảo tàng: Nghiên cứu từ kinh nghiệm của giới trẻ Việt Nam” do nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Ngọc Lan-Khoa Kế toán và Tài chính, Đại học Bristol Vương quốc Anh làm chủ nhiệm đã có cuộc trao đổi rất bổ ích cho Bến Tre về các yếu tố ảnh hưởng đến các chuyến thăm bảo tàng của giới trẻ Việt Nam. Từ góc độ nghiên cứu về nhân chủng học bảo tàng, di sản kỹ thuật số và nghiên cứu văn hóa vật liệu thông qua phỏng vấn 2.106 bạn trẻ độ tuổi từ 14-30 ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng có bốn yếu tố, ảnh hưởng đến quyết định của giới trẻ khi đến thăm bảo tàng là: động lực bên ngoài, động lực nội tại, giáo dục, kiến ​​thức và kiến ​​trúc bảo tàng. Trong đó mục đích giáo dục và kiến trúc bảo tàng là quan trọng nhất. Ngoài ra các yếu tố về giới, sự khác biệt giữa nữ và nam khi tham quan bảo tàng cũng cần được lưu ý khi nam quan tâm nhiều hơn đến bảo tàng nhưng ít có khả năng đến với bảo tàng hơn nữ. Người có trình độ học vấn, thu nhập cao hơn ​​sẽ đến bảo tàng thường xuyên hơn những người có trình độ học vấn và thu nhập thấp hơn. Nhóm tác giả khẳng định trường học, gia đình và sự định hướng của cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giới trẻ đến với bảo tàng.

 

Chia sẻ với Bến Tre, nhóm tác giả cho rằng Bảo tàng Bến Tre có vị trí và nguồn hiện vật hết sức phong phú, đặc biệt là các câu chuyện văn hóa, các đường dây liên kết giữa di tích, hiện vật và con người, giữa vật thể và phi vật thể… các điểm nhấn thu hút giới nghiên cứu trong và ngoài nước như bộ sưu tập hiện vật Di chỉ Giồng Nổi, các hiện vật liên quan đến cây dừa, danh nhân văn hóa Bến Tre… đây sẽ là lợi thế để Bến Tre thu hút du khách đến bảo tàng. Để làm được điều đó, các nhà quản lý bảo tàng cần sớm có những nghiên cứu xác định nhu cầu và sở thích của du khách, phân khúc và có các chiến lược phục vụ du khách tốt hơn bên cạnh việc nâng cấp và cải tiến chất lượng bảo tàng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, chưa thể nâng cấp bảo tàng Bến Tre ngày một ngày hai, nhưng tỉnh cần có những bước đi mới trong việc cải tạo, phát triển bảo tàng, việc sửa đổi thiết kế sẽ giúp tăng tính thẩm mỹ và thu hút khách trong và ngoài nước đến bảo tàng. Cần thay đổi nếp nghĩ truyền thống, bảo tàng chỉ tập trung vào các bộ sưu tập lịch sử, không quan tâm đến việc tìm hiểu lợi ích của du khách, đặc biệt là giới trẻ; Khi chuyển đổi vẻ đẹp truyền thống thành vẻ đẹp thẩm mỹ và hiện đại cho bảo tàng, điều này ảnh hưởng tích cực đến ý định đến với bảo tàng của giới trẻ. Bảo tàng Bến Tre nên tập trung quảng bá đặc điểm nổi bật nhất của mình, mở thêm  các cuộc triển lãm chuyên đề cũng như quảng bá trên kênh truyền thông: trang TripAdvisor, Facebook, các kênh trực tuyến này là kênh tiếp thị chiến lược làm cho bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn đối với giới trẻ. 

 

Theo PGS.TS. Trần Văn Ánh, Trưởng tiểu ban văn hóa của Hội thảo, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, danh dự và sự lan tỏa nét đẹp văn hóa và lịch sử là điều không thể thiếu được đối với Bến Tre-vùng đất địa linh nhân kiệt, trong lúc nguồn lực Bến Tre còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu bảo tồn hệ thống di sản văn hóa với 73 di sản đã xếp hạng thì việc ưu tiên đầu tư nâng cấp, đổi mới hoạt động bảo tàng Bến Tre là rất cần thiết bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về di sản như khuyến nghị của nhóm nghiên cứu đến từ Hà Nội, Bến Tre cần có nhiều công trình nghiên cứu làm cho di sản văn hóa tỏa sáng, tạo nên “sức mạnh mềm” cho Bến Tre phát triển bền vững hơn.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi