Xử lý mặn trên cây ăn trái bằng chế phẩm vi sinh

Trước tình hình hạn mặn diễn ra gay gắt, gây tác hại nghiêm trọng đến đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước từ Chính Phủ đến cấp Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các nhà khoa học đã vào cuộc, nghiên cứu tìm ra các giải pháp thích ứng, nhằm hạn chế tác hại của mặn đến sản xuất nông nghiệp.

 

Từ năm 2017, các nhà khoa học Viện Di truyền nông nghiệp, thuộc Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và sản xuất chế phẩm vi sinh AT Bio – decomposer có chức năng xử lý mặn. Viện Di truyền nông nghiệp đã phối hợp với Sở KH&CN Bến Tre triển khai thực hiện thí điểm mô hình xử lý mặn bằng chế phẩm vi sinh trên một số loại cây ăn trái như bưởi da xanh, sầu riêng, một số loại hoa kiểng và kết quả đem lại rất khả quan....

 

Theo các chuyên gia và các nhà khoa học, biến đổi khí hậu không còn là kịch bản mà đã hiện hữu. Hệ quả của biến đổi khí hậu đã xảy ra và gây tác hại vô cùng lớn. Năm 2016, hạn mặn diễn ra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là đợt hạn mặn mà các chuyên gia gọi là đợt hạn mặn lịch sử, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt đối với toàn vùng ĐBSCL.

 

 

Ông Lê Tiến Hùng, Vụ phát triển KH&CN địa phương; ông Khuất Hữu Trung, P. Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp  - Bộ KNN&PTNT cùng các thành viên kiểm tra mô hình xử lý mặn trên cây bưởi da xanh của ông Nguyễn Tấn Nguyên (Nhơn Thạnh - TP Bến Tre) và mô hình sầu riêng của anh Nguyễn Thành Trung (Tân Thiềng – Chợ Lách).

 

Chỉ 04 năm sau, năm 2019-2020, hạn mặn lại diễn ra. Lần này, mặn đến sớm, kéo dài 6 tháng, xâm nhập sâu, diễn biến gay gắt, khốc liệt, vượt xa đợt hạn mặn năm 2016. Độ mặn 4%0 bao phủ toàn tỉnh Bến Tre. Có thời điểm mặn trên 10%0. Mặc dù, Tỉnh ủy, UBND, các ngành, các cấp và địa phương cùng nhân dân đã có sự chủ động trong thực hiện các giải pháp ứng phó, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trên cây trồng, vật nuôi nhưng mặn đã gây thiệt hại rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Tổng thiệt hại trên cây trồng khoảng 1.660 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt thiệt hại khoảng 1.448 tỷ đồng và lĩnh vực thủy sản gần 212 tỷ đồng.

 

Trước tình hình hạn mặn diễn ra gay gắt, gây tác hại nghiêm trọng đến đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, các cơ quan quản lý Nhà nước từ Chính Phủ đến cấp Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các nhà khoa học đã vào cuộc, nghiên cứu tìm ra các giải pháp công trình và phi công trình nhằm hạn chế tác hại của mặn đến sản xuất nông nghiệp.

 

Đồng cảm với bà con nông dân vùng ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng phải chống chọi với hạn mặn liên tục xảy ra, các nhà khoa học Viện Di truyền nông nghiệp, thuộc Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu chế phẩm vi sinh vật AT Bio – decomposer xử lý mặn. Đây là sản phẩm của đề tài khoa học cấp Nhà nước về “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng chế phẩm vi sinh vật phục hồi sản xuất cây ăn quả trên đất bị nhiễm mặn tại tỉnh Bến Tre”. Đề tài do Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, công tác tại Viện Di truyền, thuộc Bộ NN&PTNT và nhóm nghiên cứu thực hiện.

 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, mục tiêu của đề tài đặt ra là tạo được chế phẩm vi sinh vật và ứng dụng có hiệu quả chế phẩm này để phục hồi sản xuất cây ăn quả trên đất bị nhiễm mặn đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể là phân lập, tuyển chọn được 02 - 03 chủng vi sinh vật có khả năng chịu được nồng độ muối NaCl ≥1% và có hoạt tính sinh học (tổng hợp polysaccharid ngoại bào hoặc hoạt chất kích thích sinh trưởng thực vật hoặc phân giải lân) hỗ trợ cây ăn trái phục hồi và phát triển trên đất bị nhiễm mặn, đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời, tạo ra 01 chế phẩm vi sinh vật có khả năng phục hồi và duy trì sinh trưởng cây ăn quả ≥ 80% trên đất bị nhiễm mặn. Xây dựng từ  02-03 mô hình sử dụng hiệu quả chế phẩm vi sinh vật phục hồi và duy trì sinh trưởng cây sầu riêng và bưởi Da xanh trên đất bị nhiễm mặn.

 

Ngày 25/4/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 963 về việc phê duyệt kinh phí đối ứng của tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp thiết tại địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cấp Quốc gia. Như vậy, đề tài đã chính thức được ứng dụng trên các vườn cây ăn trái tại Bến Tre từ năm 2017. Và trước, trong và sau hạn mặn năm 2020, nhóm nghiên cứu Viện Di truyền nông nghiệp đã phối hợp với Sở KH&CN, các hộ nông dân trồng bưởi da xanh và sầu riêng tại các xã Phú Nhuận, Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre); xã Long Thới, Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) thực hiện mô hình thí điểm sử dụng sản phẩm AT Bio Decomposer trên cho cây bưởi da xanh và sầu riêng.

 

Trên cây bưởi da xanh, sản phẩm vi sinh xử lý mặn được thực hiện thí điểm trên các vườn tại xã Phú Nhuận và Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre trong điều kiện nước mặn khoảng 3 ‰. 

 

Hộ ông Nguyễn Tấn Nguyên, ở ấp 3, xã Nhơn Thạnh trồng 09 công bưởi da xanh. Trong đó, có 06 công đã cho trái và 03 công chuẩn bị cho trái. Ông cho biết, với 6 công bưởi cho trái, mỗi năm ông thu được từ 600 đến 700 triệu đồng. Trong đợt hạn mặn năm 2019-2020, trong lúc nhiều vườn bưởi khác bị suy kiệt, thì ông Nguyễn Tấn Nguyên được Viện Di truyền nông nghiệp phối hợp cung cấp sản phẩm AT Bio Decomposer tưới cho cây. Theo hướng dẫn, ông pha chế phẩm AT Bio Decomposer với liều lượng 1 chai 500ml với 300 lít nước tưới cho cây. Tổng cộng, ông tưới 06 lần cho vườn bưởi trước và trong hạn mặn. Hiện nay, sau khi mưa xuống, vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Tấn Nguyên đã bắt đầu hồi phục lại. Ông Nguyên cho biết, so với các liếp đối chứng không sử dụng sản phẩm thì các liếp sử dụng sản phẩm vi sinh tốt hơn nhiều, cây phát triển mạnh hơn, rễ cám ra nhiều hơn và cây phục hồi nhanh sau hạn mặn.

 

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, sản phẩm vi sinh vật xử lý mặn không chỉ tưới trong giai đoạn nước mặn đến 3 phần ngàn mà còn xử lý sau hạn mặn, khi có mưa, thời điểm cây dễ bị chết đột ngột do sốc mặn và phèn.    

 

Ngoài mô hình thí điểm sử dụng chế phẩm vi sinh vật AT Bio-decomposer, nhóm nghiên cứu Viện Di truyền nông nghiệp còn thực hiện thí điểm trên vườn sầu riêng tại xã Long Thới và Tân Thiềng, huyện Chợ Lách.

 

Anh Nguyễn Thành Trung, ở ấp Tân Thanh, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách trồng 1 ha sầu riêng. Cây trên 10 năm tuổi. Anh cho biết, trong đợt hạn mặn 2020, độ mặn trong mương vườn trên 2%, trong khi sầu riêng rất mẫn cảm với mặn. Rất may mắn là trước đó, vào tháng 6 năm 2019, anh được nhóm nghiên cứu Viện Di truyền nông nghiệp phối hợp thực hiện  mô hình sử dụng chế phẩm sinh học AT Bio Decomposer. Anh thực hiện thí điểm 30 gốc và tưới theo hướng dẫn của các bộ kỹ thuật. Đến nay, qua kiểm tra, vườn sầu riêng có bị rụng lá do ảnh hưởng nước mặn, nhưng ít hơn và đặc biệt là cây không chết như các vườn sầu riêng khác.

 Không chỉ có tác dụng trên cây ăn trái mà chế phẩm vi sinh AT Bio Decomposer còn phát huy tác dụng rất tốt trên các loại cây kiểng. Ông Trần Văn Hứa, một trong những nông dân đã sớm sử dụng chế phẩm vi sinh của Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, bản thân ông cũng như nhiều nhà vườn trồng mai vàng đã sử dụng chế phẩm AT-Bio Decomposer, kết quả, cây không bị vàng lá, rụng lá, cây có bộ rễ khỏe, phát triển tốt trong điều kiện canh tác khắc nghiệt.

 

Qua các mô hình thí điểm ứng dụng chế phẩm vi sinh phục hồi sản xuất cây ăn trái trên đất bị nhiễm mặn tại Bến Tre, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Khuất Hữu Trung, Phó Viện Trưởng Viện Di truyền nông nghiệp – Bộ NN&PTNT cho biết,  chế phẩm đã đạt kết quả khả quan trên các vườn cây ăn trái trong điều kiện đất bị nhiễm mặn. Đối với bưởi da xanh, chế phẩm vi sinh AT-Bio Decomposer đã phân giải được mặn, giúp hệ rễ phát triển tốt hơn, lá xanh hơn, tạo điều kiện cho cây ra chồi và hoa tốt hơn. Đối với cây sầu riêng vốn rất mẫn cảm với mặn, khi sử dụng chế phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt, hạn chế chết cây. Trong thời gian tới, Viện di truyền nông nghiệp phối hợp với tỉnh Bến Tre đề xuất tiếp tục thực nghiệm trên diện rộng với nhiều loại cây trồng. Từ đó, có đánh giá chính xác về sản phẩm. Và bước tiếp theo, Viện sẽ phối hợp với doanh nghiệp sản xuất chế phẩm đại trà, cung cấp cho bà con canh tác trong điều kiện hạn mặn do biến đổi khí hậu.

 

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu đề tài đã giúp phục hồi sản sản xuất cây ăn trái trên đất nhiễm mặn thông qua việc cải tạo đất nhiễm mặn và giúp cây sinh trưởng phát triển ổn định khi bị nước mặn xâm nhiễm; có khả năng phục hồi và duy trì sinh trưởng cây sầu riêng, cây bưởi Da xanh khoảng 80% trên đất bị nhiễm mặn. Sản phẩm của đề tài sẽ được Bến Tre và nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL ứng dụng, giúp cho người dân ổn định canh tác cây ăn quả nói chung, cây sầu riêng và bưởi Da xanh nói riêng.

 

Bên cạnh đó, kết quả của đề tài trực tiếp giải quyết vấn đề phục hồi cây ăn quả trên đất bị nhiễm mặn ngày càng gia tăng hiện nay, giúp cho người dân thực hành canh tác nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế -xã hội. Đồng thời, nâng cao kiến thức cho người nông dân về phục hồi và xử lý đất bị mặn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân và duy trì bền vững xuất khẩu cây ăn trái. Từ kết quả của các mô hình sẽ là cơ hội để nông dân trồng cây ăn trái có thêm sự lựa chọn trong phòng tránh hạn mặn.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi