Một số qui định về ghi nhãn hàng hóa
Ghi nhãn hàng hóa là một nội dung bắt buộc các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải thực hiện, để hàng hóa được lưu thông một cách hợp pháp trên thị trường. Tuy nhiên, vấn đề ghi một nhãn hàng hóa như thế nào là đúng qui định thì đa phần các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, mới tham gia thị trường chưa nắm rõ.
Để xây dựng Bảng tự công bố sản phẩm đúng qui định về nhãn hàng hóa và tránh bị xử lý vi phạm hành chính về sau, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần nghiên cứu kỹ Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa (Nghị định 43), được ban hành và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2017.
Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa (Điều 10, Nghị định 43) đó là: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Và tùy theo tính chất của mỗi loại hàng hóa mà có thêm các nội dung bắt buộc khác.
Nội dung bắt buộc khác của một số nhóm ngành sản phẩm thường được sản xuất trên địa bàn tỉnh Bến Tre, như:
- Nhóm Lương thực: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thông tin cảnh báo (nếu có).
- Nhóm Thực phẩm: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin, cảnh báo; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
- Nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần, thành phần định lượng hoặc giá trị dinh dưỡng; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; Công bố khuyến cáo về nguy cơ (nếu có); Ghi cụm từ: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”; Ghi cụm từ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
- Nhóm Đồ uống (trừ rượu): Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin cảnh báo; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
- Nhóm Rượu: Định lượng; Hàm lượng etanol; Hạn sử dụng (nếu có); Hướng dẫn bảo quản (đối với rượu vang); Thông tin cảnh báo (nếu có); Mã nhận diện lô (nếu có).
- Nhóm Phụ gia thực phẩm: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần định lượng; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; Ghi cụm từ: “Phụ gia thực phẩm”; Thông tin cảnh báo (nếu có).
- Nhóm Nguyên liệu thực phẩm: Tên nguyên liệu; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Hướng dẫn sử dụng và bảo quản.
- Nhóm Thức ăn chăn nuôi: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần định lượng; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; Thông tin cảnh báo (nếu có).
- Nhóm Giống cây trồng: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; Thông tin cảnh báo (nếu có).
Một số sản phẩm đặc sản của tỉnh Bến Tre.
Cách ghi Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa (Điều 12, Nghị định 43): Tên riêng của tổ chức, cá nhân và địa danh ghi trên nhãn hàng hóa không được viết tắt. Cơ sở sản xuất hàng hóa là thành viên trong một tổ chức như công ty, tổng công ty, tập đoàn, hiệp hội và các tổ chức khác thì có quyền ghi tên, địa chỉ và các nội dung khác của tổ chức đó trên nhãn khi được các tổ chức này cho phép.
Cách ghi Định lượng hàng hóa (Điều 13, Nghị định 43): Ghi định lượng theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường; Trường hợp trong một bao bì thương phẩm có nhiều đơn vị hàng hóa thì phải ghi định lượng của từng đơn vị hàng hóa và định lượng tổng; Trường hợp tên chất chiết xuất, tinh chất từ các nguyên liệu tự nhiên ghi kèm tên hàng hóa thì phải ghi thành phần định lượng chất chiết xuất, tinh chất hoặc khối lượng nguyên liệu tương đương dùng để tạo ra lượng chất chiết xuất, tinh chất đó.
Cách ghi Thành phần, thành phần định lượng (Điều 16, Nghị định 43):
- Ghi thành phần là ghi tên nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra hàng hóa và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi. Trường hợp tên của thành phần được ghi trên nhãn hàng hóa để gây sự chú ý đối với hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng, trừ trường hợp chất phụ gia dùng để tạo màu sắc, hương, vị mà màu sắc, hương, vị đó ghi kèm theo tên hàng hóa.
- Ghi thành phần định lượng là ghi thành phần kèm định lượng của từng thành phần. Tùy theo tính chất, trạng thái của hàng hóa, thành phần định lượng được ghi là khối lượng của thành phần đó có trong một đơn vị sản phẩm hoặc ghi theo một trong các tỷ lệ: Khối lượng với khối lượng; khối lượng với thể tích; thể tích với thể tích; phần trăm khối lượng; phần trăm thể tích.
Để biết rõ hơn các quy định về Nhãn hàng hóa, quý cơ sở, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ Nghị định 43 của Chính phủ. Nếu có vấn đề gì cần hỗ trợ quý DN vui lòng liên hệ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bến Tre, số 44 đường Ngô Quyền, Phường An Hội (phường 3), thành phố Bến Tre, hoặc số điện thoại: 02753.822272.