Dừa Bến Tre-cây cho năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kính

Từ trước đến nay, cây dừa Bến Tre được coi là hồn cốt, cốt cách văn hóa của con người Bến Tre và thường được đánh giá vai trò của nó qua giá trị dinh dưỡng, chế biến công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, gắn với họat động sinh thái vùng miền. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2020 tỉnh Bến Tre số 369/BC-CTK ngày 25/6/2020 của Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, tổng diện tích dừa toàn tỉnh đến nay là 72.450 ha, tăng 0,18% so cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng chủ yếu là dừa xiêm xanh uống nước vì hiệu quả từ loại trái dừa này khá cao và dừa Bến Tre trở thành cây cung cấp năng lượng sinh khối hoàn toàn sạch và hấp thụ khí nhà kính hiệu quả hiện nay.

 

Cây cho năng lượng sạch, trữ lượng lớn


Năng lượng sinh khối của cây dừa Bến Tre chứa trong các bộ phận của cây dừa như thân cây, tàu lá, lá, quày, trái, xơ, gáo, mụn dừa. Dừa là cây thân gỗ, thẳng đứng, không phân nhánh cùng đặc điểm vùng trồng thổ nhưỡng phù sa, địa mạo sông ngoài dày đặc với phương thức canh tác không gây ảnh hưởng đến môi trường đã hình thành nguồn dự trữ năng lượng sạch có khối lượng lớn và giá trị nhiệt lượng cao.

 

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2020 tỉnh Bến Tre cho thấy sản lượng dừa trái hàng năm đạt 637,9 triệu trái; trữ lượng gỗ dừa khai thác dồi dào và liên tục được bổ cấp tăng dần hàng năm, sản lượng đạt tới 4.441.651,2 m3 gỗ dừa xẻ; Trữ lượng sinh khối củi dừa của cây dừa trưởng thành (tàu lá, lá, quày dừa) khoảng 466.867 tấn/năm.

 

Tổng trữ lượng năng lượng sinh khối dừa Bến Tre hàng năm đạt tới 56,05 tỷ Mêgajun (viết tắt là MJ), trong đó: với nhiệt trị trung bình trái dừa khô (vỏ và gáo dừa) có giá trị gia nhiệt là 5.535 Kilôca-lo (kcal)/kg trữ lượng năng lượng thu được từ  637,9 triệu trái có năng lượng phát tải 14,78 tỷ MJ; từ 4.441.651,2 m3 gỗ dừa xẻ khai thác đạt ngưỡng 36,2 tỷ MJ với nhiệt trị trung bình của thân gỗ dừa trong điều kiện không khí khô đã được tìm thấy vào khoảng 16,3 MJ/kg và từ 466.867 tấn (tàu lá, lá, quày dừa) có nhiệt trị trung bình 2.595,61 kcal/kg sẽ giải phóng dung lượng 5,07 tỷ MJ.

 

Cây hấp thụ khí nhà kính


Ngoài việc cung cấp năng lượng sinh khối sạch còn là cây hấp thụ khí nhà kính hiệu quả. Theo http://dost-bentre.gov.vn/tin-tuc/933/dac-diem-sinh-hoc-cay-dua của tác giả Nguyễn Thị Lệ Thủy, một cây dừa có khoảng 30-35 tàu lá. Mỗi tàu lá dài 5-6 m vào thời kỳ trưởng thành. Ở cây trưởng thành, 1 tàu lá dừa gồm 2 phần. Phần cuống lá không mang lá chét, lồi ở mặt dưới, phẳng hay hơi lõm ở mặt trên, đáy phồng to, bám chặt vào thân và khi rụng. Phần mang lá chét mang trung bình 90-120 lá chét mỗi bên, không đối xứng hẳn qua sống lá mà một bên này sẽ có nhiều hơn bên kia khoảng 5-10 lá chét. Đỉnh sinh trưởng sản xuất lá liên tục, cứ một lá xuất hiện trên tán thì có thêm một chồi lá xuất hiện và một lá già rụng đi. Một cây dừa tốt, mỗi năm ra ít nhất 14-16 lá (24-26 ngày/lá) đối với nhóm dừa cao và 16-18 lá (20-22 ngày/lá) đối với nhóm dừa lùn. Mùa khô dừa ra lá nhanh hơn so với mùa mưa. Một tàu lá dừa luôn luôn có đời sống 5 năm, từ khi tượng đến khi xuất hiện 2,5 năm và từ khi xuất hiện đến khi khô, rụng là 2,5 năm. Nếu điều kiện tự nhiên bất lợi lá sẽ ra chậm hơn, số lá ít đi chứ không rút ngắn đời sống của lá. Điều kiện dinh dưỡng và nước đầy đủ cây ra nhiều lá sẽ làm cho số lá trên tán cây nhiều hơn (35-40 tàu). Nhờ đặc điểm sinh học của lá, cây dừa tạo tán lá rộng và có diện tích bề mặt lá tiếp xúc lớn với ánh sáng mặt trời làm tăng hiệu suất của quá trình quang hợp.

 

Các kết quả quả nghiên cứu đã cho thấy cây dừa ở tỉnh Bến Tre có khả năng hấp thụ một lượng CO2 đáng kể. Theo đó, kết quả nghiên cứu khoa học của Đề tài: “Ước lượng khả năng hấp thụ CO2 của cây dừa qua sinh khối tại huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre” do nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Trúc và Lê Anh Tuấn thuộc Khoa Môi trường & Tài nguyên Thiên nhiên Trường Đại học Cần Thơ thực hiện, cho thấy: Dừa là loại cây trồng lâu năm chiếm vị trí quan trọng trong cơ  cấu sử dụng đất và phân bố cây trồng của Bến Tre. Khả năng hấp thụ CO2 của cây dừa gắn liền với sự tăng trưởng về sinh  khối của cây. Ở mỗi cấp tuổi và điều kiện sinh trưởng khác nhau thì sinh khối cũng như lượng CO2 cây hấp thụ sẽ khác nhau. Cây dừa ở cấp tuổi 4 sẽ có khả năng hấp thụ được khoảng 24,518 tấn CO2/ha và 20,4583 tấn CO2/ha tương ứng đối với hai nhóm giống dừa cao và thấp. Lượng CO2 cây dừa hấp thụ tăng cao khi cây được 10 năm tuổi. Cụ thể ở nhóm giống dừa cao sẽ hấp thụ được 75,2436 tấn CO2/ha và ở nhóm giống dừa thấp là 69,9189 tấn CO2/ha. Như vậy, vườn dừa càng lớn tuổi thì khả năng hấp thụ carbon càng lớn, điều có ý nghĩa trong giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bất thường của thiên tai. Nghiên cứu này có thể khẳng định cây dừa, ở tỉnh Bến Tre nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, là một trong những loại cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai bất thường.

 

Trong kết quả đề tài này cũng đã so sánh khả năng hấp thụ CO2 của cây dừa Bến Tre 4 – 10 tuổi từ 24,52 – 75,24 tấn/ha cao hơn một số loại cây khác như rừng Bạch đàn 4 - 6 tuổi: 32,81 – 47,37 (tấn/ha), rừng Keo lai 3 – 12 tuổi: 60 – 407,37 (tấn/ha), rừng Keo lá tràm 5 - 12 tuổi 66,2 – 292,29 (tấn/ha) và ngay cả cây dừa ở Phillippines 10 - 18 tuổi: 24,1 (tấn/ha).

 

Rõ ràng, tùy thuộc vào giống dừa, độ tuổi, sinh khối của cây dừa và các điều kiện tương quan khác khả năng hấp thụ CO2 hấp thụ của cây dừa có khác nhau. Khả năng hấp thụ CO2 hấp thụ của cây dừa tỉ lệ thuận với giống, độ tuổi và sinh khối của cây. Từ kết quả nghiên cứu này, có thể tính toán lượng CO2 được hấp thụ của 12.430 ha diện tích trồng giống dừa thấp ở tỉnh Bến Tre, chiếm 17,16% trong tổng diện tích dừa của tỉnh, đạt đến 310.750 tấn CO2/năm và lượng CO2 được hấp thụ của 60.020 ha diện tích trồng giống dừa cao, chiếm 82,84% trong tổng diện tích trồng dừa của tỉnh, vào khoảng 4.501.500 tấn CO2/năm. Như vậy, hàng năm tổng lượng CO2 được hấp thụ của rừng dừa Bến Tre có thể vượt ngưỡng 4,8 triệu tấn và dĩ nhiên, rừng dừa Bến Tre rất có ý nghĩa trong giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bất thường của thiên tai.

 

Với vai trò cung cấp năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kinh, cây dừa Bến Tre góp phần kéo giảm tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh đạt mức 4% nhằm thực hiện thành công Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ Về việc Ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Khắc phục dừa bị trăng ăn
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker
• Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam
• Sâu ăn lá – côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• Một số giải pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây dừa
• Biện pháp sinh học và lý học quản lý nhóm côn trùng hại dừa
• Anh Huỳnh Thanh Tâm - Người không ngừng nâng cao giá trị cây dừa
• Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước
• Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa
• Sâu đục trái dừa-sâu hại mới đang phát triển trên vườn dừa
• Phương pháp thu mật và cách chế biến đường từ mật hoa dừa
• Bọ vòi voi trên cây dừa
• Bọ vòi voi-loài côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• “Dừa mủ”-Hiện tượng phổ biến trên các vườn dừa