Cải tiến thiết kế túi bao trái bằng vòng nhựa để phòng trừ sâu đục trái trên bưởi da xanh

Hiện nay, diện tích trồng bưởi Da xanh toàn tỉnh là 8.824 ha chiếm khoảng 30% diện tích cây ăn trái. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc canh tác cây bưởi ở Bến Tre đã gặp nhiều khó khăn do sự xuất hiện và gây hại của sâu đục trái. Mức độ nhiễm loài sâu này trên vườn luôn biến động phức tạp và chúng gây hại bên trong trái nên việc phun thuốc thường kém hiệu quả nếu không phát hiện sớm. Nông dân chủ yếu là phun thuốc hoá học định kỳ và phối trộn nhiều loại thuốc sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Qua đó, nhiều biện pháp quản lý sâu đục trái đã được áp dụng thực hiện, diện tích sâu đục trái giảm dần qua các năm (năm 2017: 102 ha, năm 2018: 93 ha và năm 2019: 90 ha). Trong đó, biện pháp sử dụng túi bao trái là được xem là một trong những biện pháp lý tưởng trong công tác bảo vệ thực vật để bảo vệ trái khỏi sự tấn công của nhiều loại sâu bệnh hại và ảnh hưởng của bất lợi môi trường. Biện pháp bao trái giúp giảm đáng kể số lần phun thuốc, hạn chế tình trạng tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm sau thu hoạch và phần nào tăng cường vẻ mỹ quan bên ngoài cũng như phẩm chất bên trong trái. Biện pháp này được áp dụng phổ biến trên nho, táo, lê, xoài,… ở nhiều nước trên thế giới.

 

Theo Lê Văn Vàng và ctv (2013), bao trái giúp ngăn chặn sự tiếp xúc giữa giai đoạn trưởng thành của sâu đục trái với vỏ trái từ đó ngăn chặn sự đẻ trứng trên trái và khống chế sự gây hại của sâu. Đây là giải pháp được đánh giá là có hiệu quả rất cao ở tất cả các địa phương canh tác bưởi.

 

Theo Nguyễn Thị Thu Cúc (2015), biện pháp bao trái khi trái khoảng 1,5 tháng tuổi, đường kính trái khoảng 5 cm tỏ ra có hiệu quả rất cao, trước khi bao trái nên phun thuốc vệ sinh trái.

 

Theo Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt-Nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, cho biết: tỉnh Bến Tre đã nghiên cứu việc phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi bằng nhiều cách. Trong đó, giải pháp bao trái đạt hiệu quả trên 90%.

 

Hiện tại, để bao trái nhà vườn sử dụng rất nhiều loại túi sau: túi vải keo mỏng, túi bao chuyên dùng của Đài Loantúi lưới mùng tuyn. Tuy nhiên, không phải loại túi bao trái nào cũng sử dụng đạt hiệu quả tối ưu. Trước tình hình cấp thiết đó, chúng tôi thực hiện mô hình với giải pháp “Cải tiến thiết kế túi bao trái bằng vòng nhựa để phòng trừ sâu đục trái trên bưởi da xanh” tại xã Phong Nẫm và Phong Mỹ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre từ tháng 06/2018 đến 2019 và hiện nay được áp dụng rộng rãi trên địa bàn Giồng Trôm, đặc biệt tại hợp tác xã Bình Hòa, Giồng Trôm. Mô hình đã giúp nông dân trồng bưởi da xanh giảm chi phí đầu tư; giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay, góp phần vào nền nông nghiệp bền vững (giảm số lần và số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, bảo tồn thiên địch, hạn chế sự phát triển của một số loại dịch hại kèm theo sau bao trái (bao trái thông thường có tỷ lệ sâu hại và dịch hại phát triển kèm theo, màu sắc không đẹp); giúp màu sắc vỏ trái gần giống với vỏ trái không bao: khoảng 90% và giúp trái phát triển bình thường như không bao trái. Với giá thành mẫu bao trái cải tiến là 1.450 đồng/cái còn chi phí mẫu bao trái hiện tại trên thị trường là 1.250 đồng/cái. Tổng chi phí đầu tư của vườn có thực hiện cải tiến thiết kế túi bao trái bằng vòng nhựa để phòng trừ sâu đục trái trên bưởi da xanh là 20.247.500 đồng; Vườn làm theo mẫu bao trái hiện tại là 21.797.500 đồng, chênh lệch chỉ 1.550.000 đồng và vườn chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là 28.400.000 đồng, chênh lệch 8.152.500 đồng với những vườn có thực hiện cải tiến. Qua kết quả theo dõi mô hình, cho thấy sử dụng túi bao trái cải tiến đạt hiệu quả hơn so với dùng túi bao trái hiện tại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt với giải pháp “Cải tiến thiết kế túi bao trái bằng vòng nhựa để phòng trừ sâu đục trái trên bưởi da xanh” đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sáng kiến năm 2019 tại Quyết định số 732/QĐ-SNN ngày 31 tháng 12 năm 2019.

 

Phương pháp cải tiến như sau:


Quy cách bao trái:


Bao trái bằng lưới thái màu trắng (lỗ thưa, mắt lưới 1,5-2mm, tạo độ thông thoáng giúp vỏ trái bưởi da xanh dễ dàng quang hợp; đảm bảo giúp màu sắc vỏ trái gần 85 - 95% với trái không bao).

 

Chiều dài bao: Trên 45 cm. (Không may đái, giúp dễ dàng quan sát, thu hoạch trái từ phía dưới mà không cần phải tháo bao trái ra như những mẫu bao trái cũ).

 

Chiều rộng: 30 - 35cm (đảm bảo cho sự phát triển của trái bưởi da xanh).

 

Khoảng cách miệng bao trái tới vòng mủ: cách miệng túi 16 - 18 cm (đảm bảo cho vòng mủ nằm giữa trái khi trái lớn).

 

Đường kính cọng mủ: 1 – 2mm (hạn chế bao trái cọ xát với vỏ trái bưởi).

Lưu ý:

Đối với mẫu túi bao trái cải tiến phải đảm bảo quy cách về mắt lưới, chiều dài và chiều rộng sẽ tăng hiệu quả của việc bao trái.

 

 

 

Bao trái cải tiến.

 

 

Kỹ thuật bao trái bưởi da xanh


Tiến hành bao trái: Đưa bao trái từ dưới lên, hạn chế cọ xát với vỏ trái bưởi.

 

 

Trái bao lưới cải tiến và màu sắc trái trước thu hoạch.

 

 

Rút dây bao trái sao cho miệng túi cách cuống trái 5 – 8 cm và vòng mủ của bao trái phải nằm giữa trái phát huy hiệu quả. 


Lưu ý:


Khi trái được 1,5 tháng tuổi; đường kính trái khoảng 5 cm. Tiến hành kiểm tra vườn bưởi, tỉa trái và bao trái.

 

Trước khi bao trái cần phun thuốc bảo vệ thực vật để vệ sinh vỏ trái bưởi da xanh.

 

Chọn những gốc thuốc thích hợp để sử dụng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số lưu ý khi chăm sóc bưởi da xanh trong mùa hạn mặn
• Chăm sóc vườn bưởi da xanh phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán
• Quy trình kỹ thuật chăm sóc cây giống bưởi da xanh trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn
• Làm thế nào để trái bưởi Da xanh được ngon, đẹp và an toàn
• Các nguyên nhân gây thối rễ cây bưởi – Giải pháp khắc phục
• Kỹ thuật bón phân cho Bưởi da xanh giai đoạn kinh doanh
• Cải tiến phương pháp tỉa cành tạo tán nhằm nâng cao năng suất và chât lượng bưởi Da xanh
• Bọ xít muỗi-dịch hại mới phát triển gây hại bưởi da xanh
• Biện pháp khắc phục triệu chứng thiếu trung vi lượng trên cây bưởi Da xanh
• Phòng trừ bọ trĩ gây hại bưởi Da xanh trong mùa nắng nóng
• Tiêu hủy nguồn sâu-biện pháp hiệu quả hạn chế sự lây lan của sâu đục trái bưởi
• Cách chọn bưởi ngon
• Cách bảo quản quả bưởi
• Công nghệ bảo quản bưởi bằng chitosan
• Kinh nghiệm trồng bưởi da xanh