Sâu ăn lá – côn trùng mới gây hại trên cây dừa

Sau đợt hạn mặn lịch sử năm 2019-2020, hầu hết diện tích vườn dừa trong tỉnh đều bị ảnh hưởng từ 30-70%, cây bị giảm năng suất, suy kiệt. Đây cũng là thời điểm dịch hại tấn công trên cây dừa. Ngoài đuông dừa, bọ cánh cứng, sâu đục trái, bọ vòi voi... thì mới đây, tại xã Phú Long, huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) xuất hiện một đối tượng sâu mới ăn lá và cả vỏ trái dừa. Trước tình hình hình này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời khẩn trương phun thuốc sinh học dập dịch, tránh lây lan trên diện rộng.

 

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Bình Đại, hiện toàn huyện có 7.500 ha dừa. Trong đó, xã Phú Long có diện tích khá lớn với 920 ha. Trong đợt hạn mặn năm 2019-2020, toàn bộ diện tích dừa của trong huyện đều bị ảnh hưởng từ 30-70%. Do hạn mặn, nên dừa rụng trái, trái nhỏ, năng suất thấp.

 

 
 
     

 

Dừa bị sâu gây hại.

 

Sau hạn mặn, bà con nông dân bắt tay vào khôi phục lại vườn dừa bằng các giải pháp kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật hướng dẫn. Tuy nhiên, do cây đang bị suy kiệt, tạo điều kiện cho dịch hại như bọ cánh cứng, bọ vòi voi, sâu đục trái... tấn công. Điều đáng quan tâm nhất là gần đây, bà con nông dân phát hiện một đối tượng sâu hại mới ăn diệp lục các tàu lá già và ăn cả vỏ trái dừa. Ông Đặng Văn Lộc, ở ấp Giồng Tre, xã Phú Long cho biết, cách đây 02 tháng, sâu ăn lá dừa xuất hiện gây thiệt hại khoảng 3 ha. Khác với bọ cánh cứng chỉ ăn phần lá của đọt non, còn loài sâu này ăn các lá già, sâu ăn hết phần diệp lục, làm tàu lá dừa xơ xác, không còn khả năng quang hợp. Không chỉ ăn lá dừa, sâu còn tấn công lên vỏ trái dừa. Ông Hoàng Minh Sỹ, Bí thư kiêm Trưởng ấp Giồng Tre, xã Phú Long cho biết, loài sâu mới này gây hại trên dừa và lây lan nhanh, do là đối tượng mới nên bà con còn rất lúng túng. Mặt khác, khi gây hại trên lá, sâu làm kén và cuốn lá lại, nên rất khó trong phòng trị. Bà con nông dân ấp Giồng Tre đang rất hoang mang.

 

Qua báo cáo của bà con nông dân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Trường Đại học Nông – Lâm TP HCM đã đến khảo sát, nắm bắt tình hình để có giải pháp hướng dẫn bà con phòng trừ kịp thời. Và theo báo cáo của các nhà khoa học, đây là loài sâu đã xuất hiện và gây hại nặng tại các vườn dừa ở các nước Thái Lan, Srilanka, Indonesia… nhưng mới xuất hiện tại Bến Tre. Ông Võ Văn Nam, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre thông tin thêm, loài sâu này gây hại ở tất cả các giai đoạn của cây dừa từ lúc nhỏ đến lớn. Sâu ăn toàn bộ diệp lục lá già và ăn cả phần vỏ của trái dừa. Dừa bị sâu gây hại xơ xác, nếu gây hại nặng có thể chết cây. Đây là đối tượng mới nên chưa có thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục phòng trừ sâu này. Để định danh loài côn trùng mới gây hại trên dừa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành lấy mẫu gởi Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam giám định. Qua kết quả giám định của Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật, thuộc Cục Bảo vệ thực vật đã kết luận, loại côn trùng này là sâu ăn lá, có tên khoa học là Opisina Arenosella Walker; họ Oecophoridae; bộ Lepidoptera.

 

Trước mắt, để hỗ trợ nông dân phòng trị, tránh lây lan trên diện rộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học Bacillus thurigiensis (Bt) trên diện rộng tại xã Phú Long bằng công nghệ Drone (máy bay phun thuốc không người lái) do Công ty Cổ phần Quản nông xanh, thuộc Tập đoàn Lộc trời hỗ trợ. Đối với cây dừa là loại cây có thân cao, khó phun thuốc, nếu phun bằng thủ công sẽ mất nhiều thời gian, tốn nhiều chi phí, công lao động và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Vì thế, sử dụng công nghệ drone (máy bay không người lái) là giải pháp hiệu quả nhất. Sự hỗ trợ của drone giúp thuốc được phun đều và mịn, không lãng phí thuốc, tiết kiệm thời gian và tài nguyên nước, tăng năng suất lao động và quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe người làm vườn do không cần trực tiếp phun thuốc. Theo kế hoạch, trong thời gian từ ngày 19/8 đến cuối tháng 8 năm 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và tập đoàn Lộc Trời sẽ phun toàn bộ diện tích 30 ha.

 

Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hy vọng, với công nghệ phun thuốc bằng drone và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học chủ yếu là nấm ký sinh trên sâu, phun trên diện rộng sẽ hạn chế sự sinh trưởng và lây lan của loài sâu ăn lá dừa.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Khắc phục dừa bị trăng ăn
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker
• Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam
• Dừa Bến Tre-cây cho năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kính
• Một số giải pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây dừa
• Biện pháp sinh học và lý học quản lý nhóm côn trùng hại dừa
• Anh Huỳnh Thanh Tâm - Người không ngừng nâng cao giá trị cây dừa
• Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước
• Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa
• Sâu đục trái dừa-sâu hại mới đang phát triển trên vườn dừa
• Phương pháp thu mật và cách chế biến đường từ mật hoa dừa
• Bọ vòi voi trên cây dừa
• Bọ vòi voi-loài côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• “Dừa mủ”-Hiện tượng phổ biến trên các vườn dừa