Hội viên cựu chiến binh huyện Thạnh Phú tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng nhau đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng Hội ngày càng lớn mạnh.

 

Nét đẹp của cựu chiến binh là hoạt động tình nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Nhiều cựu chiến binh tham gia sản xuất, kinh doanh với các loại hình như chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, kinh doanh dịch vụ có vốn đầu tư từ 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng trở lên đều có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của huyện nhà. Hiện nay, cựu chiến binh làm chủ 668 gia trại, thu hút gần 1.500 lao động; 17 tổ hợp tác thu hút hơn 200 lao động; 06 doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút hơn 50 lao động. Xây dựng 115 nhóm “5+1” với hơn 800 thành viên nhằm hỗ trợ giúp nhau giảm nghèo, xóa nghèo trong Hội. Xây dựng được 105 dây hụi không lời tương trợ cho vốn mượn xoay vòng trong hội viên, góp vốn gần 2 tỷ đồng cho 216 hội viên mượn để sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thép (bìa trái) vận động mạnh thường quân tặng bồn trữ nước cho hộ nghèo. Ảnh: Minh Mừng.

 

Tại huyện, thời gian qua nổi lên nhiều tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu. Cụ thể, cựu chiến binh Phạm Đức Quỳ ở ấp Giao Hòa A, xã Giao Thạnh đã xây dựng mô hình nhà máy sản xuất ruốt sạch thuộc thực phẩm xuất khẩu với vốn đầu tư trên 12 tỷ đồng. Cơ sở này đã bước đầu vận hành sản xuất, giải quyết từ 30 đến 40 lao động hàng ngày. Ngoài ra, cựu chiến binh Phạm Đức Quỳ đã tài trợ 30 triệu đồng đống góp quỹ đền ơn đáp nghĩa tại các địa phương. Ở Khu phố 1, thị trấn Thạnh Phú có cựu chiến binh Phạm Văn Thắng đã đầu tư phát triển kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm; kinh doanh xăng dầu với vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Hàng năm, ông đều tài trợ từ 3 đến 5 triệu đồng để tặng học phẩm cho học sinh nghèo là con cháu cựu chiến binh.

 

Đối với cựu chiến binh Nguyễn Văn Thép ở ấp An Điền, xã An Điền, những năm qua ông tích cực vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội, tặng quà cho hộ nghèo, người tàn tật mỗi năm khoảng 9 tỷ đồng. Hay cựu chiến binh Lê Minh Trí ở ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong đã vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tài trợ xây dựng 25 căn nhà nghĩa tình đồng đội cho hội viên cựu chiến binh nghèo với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ đồng. Cùng với đó, nhiều cựu chiến binh khác trong toàn huyện đã vận động mạnh thường quân xây dựng hơn 6,3km lộ giao thông nông thôn, xây dựng hàng chục cây cầu bê tông trị giá hơn 3,5 tỷ đồng.

 

Diện mạo nông thôn thay đổi có sự đóng góp tích cực của cựu chiến bình toàn huyện. Ảnh: Minh Mừng.

 

Thực tế cho thấy, cựu chiến binh là lực lượng tích cực tham gia trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều cựu chiến binh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng gia trại, trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, thành lập doanh nghiệp, mở mang ngành nghề, kinh doanh dịch vụ… góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của địa phương. Từ đó, có nhiều cựu chiến binh thoát nghèo vươn lên khá, giàu bằng công sức lao động chính đáng của mình, có nhiều người trở thành những doanh nghiệp thành đạt.

 

Cùng với đó, hơn 4 năm qua, hội viên Cựu chiến binh trong huyện đã tích cực tham gia đóng góp tiền của, đất đai, công sức trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như xây dựng 23 cây cầu bê tông nông thôn trị giá hơn 2,2 tỷ đồng, xây dựng 28km đường lộ bê tông, trị giá hơn 19 tỷ đồng. Vận động xây dựng được 67 căn nhà nghĩa tình đồng đội cho hội viên nghèo khó khăn về nhà ở trị giá 2,8 tỷ đồng. Cưu chiến binh trong huyện đã tích cực tham gia xây dựng 51 mô hình dân vận khéo các cấp. Các phong trào này đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhiều cựu chiến binh đã có nhiều thành tích đóng góp được khen thưởng trong các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới.

 

Những việc làm của hội viên Cựu chiến binh để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Dù còn nhiều khó khăn, nhiều cựu chiến binh còn mang trên mình vết thương của chiến tranh nhưng với nghị lực bản thân đã tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, các hoạt động xã hội, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đóng góp tình cực vào các hoạt động ở địa phương, đáng chú ý là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ đó tạo được sự tin cậy, niềm tin của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đối với cựu chiến binh trong toàn huyện.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022