Bến Tre – góc nhìn từ câu chuyện văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ

Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” diễn ra ở Trà Vinh ngày 17/8 vừa qua với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn, học viên sau ĐH, SV đến từ nhiều Trường ĐH-CĐ, cơ quan nghiên cứu của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh ĐBSCL… Lần đầu tiên Bến Tre trở thành điểm nhấn của câu chuyện Văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ với 3 bài nghiên cứu được tuyển chọn, phản biện in trong 37 bài của Kỷ yếu Hội thảo (Có tổng số 58 nghiên cứu của các cá nhân, tập thể đến từ khắp nơi trong cả nước như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. HCM, Trường ĐH Văn hóa TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Nguyễn Huệ, Trường ĐH Tây Đô, Trường ĐH Tiền Giang, Trường CĐ Bến Tre, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, Nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre… gửi về Ban tổ chức Hội thảo).

 

Đại biểu hội thảo chụp ảnh lưu niệm diễn. Ảnh: KT.

 

Hội thảo “Văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về “Văn hóa trong phát triển bền vững Tây Nam bộ” do Trường ĐH Trà Vinh thực hiện từ năm 2019. Do đó, hội thảo là cơ hội tốt nhất tạo nên sự nối kết giữa các nhà nghiên cứu, nhà quản lý quan tâm đến văn hóa cả vùng Tây Nam bộ. Xuất phát từ tầm quan trọng của Hội thảo, Bến Tre đã gửi đến 3 bài nghiên cứu gồm: Nghề truyền thống tiêu biểu ở tỉnh Bến Tre – Tiềm năng và phát triển của nhóm tác giả: TS. Dương Hoàng Lộc, ThS. Lê Thị Kim Ngọc, ThS. Bùi Hữu Nghĩa; Bảo tồn nhà cổ ở Bến Tre vì sự phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ của nhóm tác giả: CN. Đỗ Văn Công, ThS. Phạm Văn Luân, CN. Trần Đông Phú và Giải pháp nâng cao hiệu quả, tác động tích cực của văn hóa Tây Nam Bộ trong phát triển bền vững từ mạng lưới xã hội - trường hợp Nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre tác giả ThS. Phạm Văn Luân.

 

Báo cáo đề dẫn Hội thảo PGS.TS. Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho biết: “…Tây Nam bộ là cái nôi của vọng cổ và cải lương, quê hương của những câu hò điệu lý trữ tình, những câu chuyện cười sảng khoái, lạc quan của bác Ba Phi.  Nổi bật trong những đặc trưng văn hóa là hình ảnh người nông dân Nam bộ chất phác, bộc trực, trượng nghĩa và phóng khoáng. Qua thời gian, những nét văn hóa đặc sắc vẫn được bảo tồn, phát huy; đồng thời quá trình chung sống, lao động, giao lưu văn hóa đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cư dân nơi đây”.

 

Theo ThS. Phạm Văn Luân, Phó trưởng phòng NCKH-QHQT Trường CĐ Bến Tre, Tây Nam bộ ngày nay không chỉ được biết đến là một vùng đất mới mà còn là vùng đất có một nền văn hóa đa dạng, cổ xưa, là nơi hội tụ của các dòng lưu dân luôn gắn bó với nhau trong quá trình khai phá đất đai, xây dựng làng xã, cùng nhau thích nghi với thiên tai địch họa. Tuy mỗi giai đoạn lịch sử có những nét văn hóa nổi trội, những bước thăng trầm, nhưng bản sắc văn hóa sông nước Tây Nam Bộ vẫn luôn được bảo tồn, phát huy trong tiến trình lịch sử, trở thành một trong những trụ cột của sự phát triển vùng đất đặc biệt này…

 

Dòng chảy văn hóa Tây Nam bộ ở Hội thảo với những nét tương đồng là chủ yếu đã được các nhà nghiên cứu thể hiện trong 28 bài viết, nhưng những nét khác biệt làm phong phú và sâu sắc văn hóa Tây Nam Bộ mới thực sự là điểm nhấn của vùng đất này… Gần đây có ý kiến đưa Long An ra khỏi vùng Tây Nam Bộ, nhưng đến với hội thảo này văn hóa đã cố kết và Long An như một thành tố không thể thiếu của văn hóa vùng… có đến 9 bài nghiên cứu ở 5 tỉnh, thành: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An và Bến Tre đã làm nên những điểm nhấn rất riêng mà Bến Tre là một trường hợp được giới nghiên cứu quan tâm. Điểm nhấn Bến Tre trong dòng chảy văn hóa vùng không chỉ là nơi có Nghề truyền thống tiêu biểu vốn giàu tiềm năng và đang trên đường phát triển mà điều làm cho Hội thảo quan tâm - chủ đề nhánh rất riêng của Hội thảo là câu chuyện Bảo tồn nhà cổ ở Bến Tre với hiệu ứng tạo ra sự phát triển bền vững cho cả vùng Tây Nam Bộ và vấn đề khai thác mạng lưới xã hội - trường hợp Nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre để tạo ra những tác động tích cực từ văn hóa thúc đẩy phát triển bền vững.


Đặc biệt, nhóm tác giả Đỗ Văn Công, Phạm Văn Luân và Trần Đông Phú trong bài nghiên cứu của mình, lần đầu tiên công bố kết quả khảo cứu về 10 ngôi nhà cổ tọa lạc tại Tp. Bến Tre cùng những dây dẫn liên quan tới chủ nhân và định hướng kết nối, bảo tồn, phát huy các giá trị phong phú và đặc sắc của hệ thống nhà cổ Bến Tre – một trong những nhân tố góp phần phát triển bền vững cho Bến Tre với những giá trị như: giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, giá trị khoa học, giá trị kiến trúc –nghệ thuật, giá trị giáo dục, giá trị kinh tế, các giá trị về đa dạng sinh học, hệ sinh thái, địa chất, địa mạo và  tâm linh…

 

Một trong những ngôi nhà cổ mang đậm kiến trúc Pháp ở Tp Bến Tre được Viễn Đông Bác Cổ Pháp quan tâm nằm trong danh mục 10 ngôi nhà cổ do nhóm nghiên cứu Bến Tre công bố. Ảnh KT.

 

Theo nhóm tác giả trong các giá trị đó, giá trị kết nối của nhà cổ Bến Tre là sự tổng hợp cả hai giá trị vật chất và tinh thần, tạo ra giá trị kết nối, giao lưu văn hóa – học thuật quốc tế như các câu chuyện văn hóa từ Nhà cổ Sở Tham biện Bến Tre (Nay là Bảo tàng Bến Tre) - Di tích Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Nhà cổ của ông Thượng Công Minh - Trưởng Tòa Bến Tre (nay là sở Tài chánh),… các thế hệ hậu duệ của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Trưởng Tòa Thượng Công Minh ngày càng hướng về cội nguồn, tìm về tổ tiên từ các ngôi nhà cổ mà các lão tổ, tiền bối của họ đã để lại trên mảnh đất Bến Tre ngày nay. TS. Olivier, Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Tp Hồ Chí Minh đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu ban đầu này của nhóm nghiên cứu và gợi ý mở rộng ra các nhà cổ khác ở các huyện, như trường hợp nhà cổ ở Bình Đại mà TS. Olivier đã điền dã…

 

Với những giá trị đặc biệt nêu trên, việc bảo tồn các ngôi nhà cổ ở thành phố Bến Tre cũng như các đô thị nổi tiếng về nhà cổ trong vùng: Gò Công, Sa Đéc… là một công việc rất quan trọng, không chỉ của ngành văn hóa, mà cả các ngành, tổ chức đoàn thể xã hội khác như: Khoa học – Công nghệ, Lịch sử, Xây dựng, Du lịch, Tôn giáo, viện nghiên cứu, trường ĐH-CĐ… Tuy nhiên, hiện nay công việc này đang gặp khó khăn, các chủ sở hữu nhà cổ quan niệm rằng khi nhà nước đầu tư  bảo tồn sẽ gắn liền với việc họ sẽ mất quyền quản lý, khai thác ngôi nhà trên các lĩnh vực khác nên còn ngán ngại, họ sẽ không tự do sử dụng nếu như nhà nước can thiệp đầu tư trùng tu, sửa chữa. Đó là chưa kể các nhà cổ phần lớn đang là công sở nên đây là một việc không đơn gian và có thể vì vậy mà các ngôi nhà cổ sẽ dần hư hại không còn nguyên trạng, bài toán này cần giải quyết từ các góc độ kinh tế - văn hóa nhưng trên hết phải là cách tiếp cận của ngành khoa học công nghệ, cần có những đề tài mạnh dạn đi vào khâu đột phá này nếu muốn phát triển đo thị hiện đại.

 

Hiện nay bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi cần có tầm nhìn mới, giải pháp mới, nhằm huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước để phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ… Bên cạnh vai trò của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, việc khai thác các giá trị văn hóa vùng trong phát triển kinh tế, du lịch bền vững còn đặt ra vấn để kết nối mạng lưới xã hội để có đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa. Vấn đề đặt ra của ThS Phạm Văn Luân trong bài nghiên cứu của mình là cần phát triển văn hóa với xây dựng con người nơi đây có đủ bản lĩnh, tri thức, năng lực sáng tạo để vận hành tiến trình phát triển bền vững. Từ mô hình nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre, tác giả đã đưa ra khuyến nghị về một cơ chế phối hợp của các bộ, ngành trung ương với địa phương nhằm giúp các trường ĐH-CĐ khai thác mô hình Ngày Sáng tạo Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế thông qua các đề án, dự án cụ thể, thiết thực thúc đẩy khai thác, phát huy hiệu quả, tác động của văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. Để thực hiện cơ chế đó, các trường ĐH – CĐ trong vùng rất cần được các cơ quan chức năng, cộng đồng, các nhà tài trợ cả trong và ngoài nước ủng hộ tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, có những diễn đàn thiết thực bàn thảo sâu hơn cơ chế phối hợp giúp giảng viên, sinh viên, học sinh tiếp cận, nung nấu ý tưởng đến hành động sáng tạo trong xây dựng các đề tài, dự án thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển bền vững. Những hoạt động thiết thực đó sẽ đem lại niềm tin của xã hội đối với nhà trường, cơ sở nghiên cứu, ngành giáo dục, khoa học công nghệ trong quá trình đóng góp công sức xây dựng một “nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” từ khâu đột phá:  đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, du lịch bền vững trên nền tảng các giá trị văn hóa trong nhà trường ĐH-CĐ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc