Bến Tre hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh

Thời gian qua sự phát triển vượt bậc của ngành Nông nghiệp của cả nước nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng có sự đóng góp của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhất là ứng dụng nông nghiệp thông minh.

 

Tình hình ứng dụng nông nghiệp


Theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến nay, cả nước hiện có 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được công nhận. Ngoài 3 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Phú Yên, Bạc Liêu và Hậu Giang đã được thành lập, hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập 3 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên, Quảng Ninh và Lâm Đồng. Cùng với đó, gói tín dụng thương mại phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã thu hút hơn 16.800 doanh nghiệp tham gia với khoản đầu tư hơn 39.000 tỷ đồng.

 

Báo cáo kết quả phân tích xu hướng công nghệ, chuyên đề Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng hệ thống canh tác thông minh trong nông nghiệp 4.0 do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh biên soạn với sự cộng tác của tiến sĩ Lê Quý Kha - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa - Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc Trời và các cộng sự. Cho thấy, các nhóm công nghệ 4.0 cơ bản trong nông nghiệp đều đã được triển khai hoặc bắt đầu được thử nghiệm tại nước ta. Trong đó, các công nghệ đang được áp dụng nhiều nhất là hệ thống thiết bị máy móc được kỹ thuật số hóa, gắn cảm biến và kết nối internet (IoT sensors) và/hoặc được kết hợp với hệ thống nhà lưới, nhà kính, nhà màng để tạo thành hệ thống canh tác thông minh trong nhà, được điều khiển tự động hoặc bán tự động với quy trình khép kín. Có thể kể đến một số vùng sản xuất điển hình đang ứng dụng các công nghệ 4.0 như vùng trồng lúa của Tập đoàn Lộc Trời; Mô hình “Canh tác lúa tốt nhất” của hợp tác xã Mỹ Đông phối hợp với Công ty Rynan Smart Fertilizers; Các vùng sản xuất rau an toàn của VinEco, Công ty Cầu Đất Farm, Công ty TNHH Đà Lạt GAP.

 

Bên cạnh các công nghệ cảm biến, hệ thống canh tác thông minh trong nhà, công nghệ sử dụng đèn LED đơn sắc để cung cấp đủ ánh sáng giúp thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây trồng cũng đã được áp dụng tại nhiều cơ sở trồng thanh long từ Bình Thuận đến Tiền Giang, hay trong sản xuất nấm và trồng hoa ở một số địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội. Các phần mềm ứng dụng trong quản lý, giám sát quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm nông nghiệp, kết nối toàn cầu cho từng bao gói sản xuất, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, quy trình chế biến, thời gian bảo quản như phần mềm OTAS-Agricheck, VIFARM, Mimosatek, Nextfarm QRcheck; công nghệ điện toán đám mây Akisai của Tập đoàn FPT hợp tác với Fujitsu,… đã được đưa vào ứng dụng tại nhiều tỉnh, thành phố.

 

Công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân; sử dụng robot để gieo hạt tự động, robot gắn các thiết bị cảm biến để thu thập và phân tích dữ liệu, sau đó đưa ra quyết định chăm sóc cây trồng phù hợp; sử dụng tế bào quang điện để sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

Nông nghiệp thông minh là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp những năm tiếp theo, góp phần đưa ngành nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc.

 

Bến Tre hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh


Hoạt động nông nghiệp thông minh của Bến Tre chưa nhiều, tuy nhiên bước đầu đã đầu tư thiết bị thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị GPS để trang bị cho một số đội tàu chủ lực của tỉnh trong việc kết nối với hệ thống Trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản. Ứng dụng phần mềm quản lý tàu cá và phần mềm Citywork quản lý đồng hồ nước, khách hàng trên nền GIS tại các nhà máy nước trực thuộc.

 

Để nông nghiệp Bến Tre chủ động tiếp cận ứng dụng các công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả. Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre Khóa IX – Kỳ họp thứ 16 đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 01/7/2020 Về việc thông qua phương án quy hoạch Khu đô thị nông nghiệp thông minh - công nghiệp sạch và dịch vụ du lịch tống hợp với tên gọi là Khu đô thị nông nghiệp thông minh - công nghiệp sạch và dịch vụ du lịch tổng hợp; Khu vực quy hoạch thuộc một phần thị trấn Châu Thành và các xã: Tam Phước, An Khánh, Sơn Hòa, An Hiệp, Tường Đa, Phú Túc, Thành Triệu, huyện Châu Thành và một phần các xã: Bình Phú, Sơn Đông, thành phố Ben Tre; Quy mô khoảng 5.300 héc-ta; Ranh phương án:

 

- Phía Bắc giáp sông Tiền.

 

- Phía Nam giáp sông Hàm Luông và các xã Bình Phú, Sơn Đông của thành phố Bến Tre.

 

- Phía Tây thuộc các xã Phú Túc, Thành Triệu, An Hiệp của huyện Châu Thành.

 

- Phía Đông giáp Quốc lộ 60.

 

Với mục tiêu trở thành khu vực đô thị phức hợp gắn với sản xuất, du lịch và dịch vụ tổng hợp. Hướng đến phát triển bền vững, hài hòa giữa yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường - cảnh quan - cộng đồng nhân văn và tính khả thi cao, thích ứng các tác động từ biến đổi khí hậu.

 

Hình thành khu vực phát triển các khu công nghiệp chế biến sạch, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp và logistic cho toàn tỉnh.

 

Phát triên các vùng sản xuất nông nghiệp sạch tập trung ứng dụng công nghệ cao, là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các khu công nghiệp chế biến, cung cấp sản phẩm nông sản cho thị trường xuất khẩu cũng như đáp ứng nhu cầu từ các thành phố lớn trong khu vực.

 

Trở thành khu dịch vụ du lịch tổng hợp đa chức năng kết hợp các loại hình du lịch mới đặc trưng, độc đáo mang nét riêng kết hợp giá trị văn hóa du lịch hiện hữu.

 

Gồm 03 vùng chức năng chính:

 

Vùng nông nghiệp tập trung kết hợp với dịch vụ, gồm: Khu chuyên đề Dừa, Khu chuyên đề Bò - Dê, Khu chuyên đề Hoa, Khu chuyên đề thảo dược, Khu chuyên đề trái cây và rau.

 

Vùng khu vực trung tâm du lịch - dịch vụ đa năng, gồm: Khu trung tâm đô thị; Khu làng nổi du lịch, dịch vụ và nuôi thủy sản; Khu vui chơi giải trí kết họp văn hóa dân gian.

 

Vùng các khu chức năng khác, gồm: Khu công nghiệp hậu cần chế biến nông sản; Khu dân cư hỗn hợp; Khu homestays; Khu hợp tác xã kiểu mới; Khu resort dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.

 

Phương thức triển khai: phương án quy hoạch Khu đô thị nông nghiệp thông minh - công nghiệp sạch và dịch vụ du lịch tổng hợp sẽ được lồng ghép vào nội dung quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành, quy hoạch chung thành phố Bến Tre, quy hoạch ngành, làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án đầu tư có liên quan theo quy định pháp luật.

 

Có thể coi đây Nghị quyết đầu tiên địa bàn tỉnh nhằm tạo tiền đề, nền tảng, cơ sở khoa học vững chắc, mở đường tiến tới công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương theo Quyết định 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhiệm kỳ tới. Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các tiêu chí sau theo Điều 2 của Quyết định:

 

1. Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị; có tổ chức đầu mối của vùng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong vùng ký hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của vùng;

2. Sản phẩm sản xuất trong vùng là sản phẩm hàng hóa có lợi thế của vùng, tập trung vào các nhóm sản phẩm sau:

 

Giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu vượt trội;

 

Sản phẩm nông lâm thủy sản có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao; chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc quốc gia (Viet GAP).

 

3. Công nghệ ứng dụng là các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; công nghệ thâm canh, siêu thâm canh, chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng; công nghệ tự động hóa, bán tự động; công nghệ thông tin, viễn thám, thân thiện môi trường. Công nghệ ứng dụng trên quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm và tăng năng suất lao động.

 

4. Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng chuyên canh, diện tích liền vùng, liền thửa trong địa giới hành chính một tỉnh, có điều kiện tự nhiên thích hợp, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh về giao thông, thủy lợi, điện, thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp của ngành và địa phương.

 

5. Đối tượng sản xuất và quy mô của vùng:

 

- Sản xuất hoa diện tích tối thiểu là 50 ha;

 

- Sản xuất rau an toàn diện tích tối thiểu là 100 ha;

 

- Sản xuất giống lúa diện tích tối thiểu là 100 ha;

 

- Nhân giống và sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu diện tích tối thiểu là 5 ha;

 

- Cây ăn quả lâu năm diện tích tối thiểu là 300 ha;

 

- Cây công nghiệp lâu năm (chè, cà phê, hồ tiêu) diện tích tối thiểu là 300 ha;

 

- Thủy sản: Sản xuất giống diện tích tối thiểu là 20 ha; nuôi thương phẩm diện tích tối thiểu là 200 ha;

 

- Chăn nuôi bò sữa số lượng tối thiểu là 10.000 con/năm; bò thịt tối thiểu 20.000 con/năm;

 

- Chăn nuôi lợn thịt số lượng tối thiểu là 40.000 con/năm; lợn giống (lợn nái) tối thiểu 2.000 con/năm;

 

- Chăn nuôi gia cầm số lượng tối thiểu là 50.000 con/lứa.

 

Sau khi nghị quyết này được triển khai vào thực tế, Bến Tre sẽ có vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng nông nghiệp công nghệ cao Trung Sơn Kiên Giang tỉnh Kiên Giang, vùng nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận, Lâm Đồng.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022