Khoa học và Công nghệ Bến Tre với ngành tài nguyên và môi trường địa phương

Trong thời gian qua, hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, qua đó đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho việc xây dựng, ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; góp phần vào tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững đất nước.

 

Cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn


Cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để xây dựng kế hoạch, quy hoạch ngắn – trung – dài hạn phục vụ công tác quản lý của ngành Tài nguyên và Môi trường địa phương; tập trung nguồn lực cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng, triển khai và thực hiện trên địa bàn tỉnh các Chiến lược quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường như: Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020; Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ biển ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…

 

Nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý và bảo tồn nguồn lợi nghêu giống ở vùng biển ven bờ tỉnh Bến Tre đã cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm đưa ra các giải pháp quản lý và bảo tồn nguồn lợi nghêu giống ở vùng biển ven bờ tỉnh Bến Tre trong thời gian tới.

 

Nhiều công nghệ đã được chuyển giao và ứng dụng phục vụ quản lý nhà nước và thực tiễn của Tài nguyên và Môi trường Bến Tre


 Xây dựng quy trình quản lý tổng hợp sâu đục trái bưởi theo hướng an toàn sinh học đạt hiệu quả trên 80%. Trong đó đã nghiên cứu và nuôi thành công loài ong ký sinh sâu đục trái bưởi và đã thả trên 15.000 con ong ký sinh góp phần hạn chế sâu đục trái bưởi trên các vườn bưởi. Phối hợp với Viện Di truyền nghiên cứu tạo ra chế phẩm sinh học cải tạo và xử lý đất bị nhiễm mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phục hồi cây sầu riêng và cây ăn quả bị ảnh hưởng của nước mặn do biến đổi khí hậu gây nên.

 

Đã nghiên cứu xác định được đặc điểm sinh thái, sinh học, tập quán sinh sống và triệu chứng gây hại của bọ vòi voi và sâu đục trái dừa; Thu thập, phân lập, nhân nuôi và đánh giá được hiệu quả của một số loại nấm ký sinh và chế phẩm sinh học (chất hấp dẫn sinh học hoặc thuốc trừ sâu sinh học…) trên bọ vòi voi và sâu đục trái dừa nhằm tạo cơ sở để phòng trị theo hướng sinh học an toàn; Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp bọ vòi voi và sâu đục trái dừa theo hướng sinh học an toàn, phù hợp với các tiêu chuẩn canh tác của GAP và chương trình phóng thích ong ký sinh A. hispinarum để phòng trị bọ cánh cứng hại dừa (B. longissima).

 

Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công thiết bị và quy trình sản xuất sản phẩm nước rửa tay dưỡng da từ dầu dừa và các chất bổ sung (màu sắc, hương thơm, các hoạt chất sinh học khác) có nguồn gốc từ tự nhiên có khả năng sát khuẩn tốt, không gây kích ứng da và có thể dưỡng da tay; sản phẩm tự phân hủy, không gây độc hại môi trường sau khi sử dụng; đạt tiêu chuẩn của sản phẩm mỹ phẩm theo quy định và đã chuyển giao cho doanh nghiệp tiếp nhận đưa vào thương mại hóa, góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ dừa.

 

Ứng dụng công nghệ men vi sinh sản xuất men giống làm thạch dừa... Đặc biệt thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ đã tạo ra dòng sản phẩm từ chất thải đặc thù của địa phương như phân vi sinh (từ hạt nhãn), giá thể mụn dừa, phân hữu cơ sinh học HCSH-MD-01, phân hữu cơ HCVS-MD-02 và phân HC-Khoáng-MD-03 từ mụn dừa; phân hữu cơ và thức ăn cho bò từ vỏ trái ca cao.

 

Ứng dụng và nhân rộng chế phẩm EM trong xử lý môi trường và nuôi trồng thủy sản được đẩy mạnh, ứng dụng chế phẩm EM đã xử lý mùi hôi, ruồi nhặng ở Bãi rác Phú Hưng. Thử nghiệm chế phẩm EM trong xử lý môi trường trong chăn nuôi hộ gia đình và trang trại.

 

Triển khai xây dựng mô hình xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học để xử lý nước thải trong sản xuất cơm dừa nạo sấy quy mô công nghiệp, sản xuất kẹo dừa quy mô nhỏ, thạch dừa đều đạt tiêu chuẩn môi trường và Ứng dụng công nghệ vi sinh vật để xử lý nước thải các bệnh viện.

 

Sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý chất thải gây ô nhiễm ngay tại bãi rác, ao nuôi thủy sản, chăn nuôi heo, bò, gà. Ứng dụng công nghệ lên men vi sinh để sản xuất các chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải môi trường ao nuôi tôm, bãi rác, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

 

Điều tra cơ bản và bảo vệ môi trường


Điều tra, thống kê các nguồn giống quan trọng ở vùng ven biển tỉnh có 179 loài cá thuộc 60 họ và 15 bộ, có 20 loài tôm, 2 loài ruốc, 2 loài thuộc nhóm cua ghẹ và 4 loài thân mềm trên vùng ven biển. Đã xây dựng quy trình nuôi trùn quế bằng nguyên liệu bùn đấy ao nuôi cá tra và quy trình ủ xử lý bùn đấy ao nuôi cá tra sản xuất giá thể trồng cây, đây cũng là nguồn phân hữu cơ dồi dào bổ sung dinh dưỡng cho đất, cải thiện độ tơi xốp cho đất. Kết quả giải đoán đã xác định được 7.204,1 ha diện tích đất nằm trong ranh giới, mốc giới rừng phòng hộ và đặc dụng trong đó có 5.510,4 ha đất lâm nghiệp, 336,8 ha đất giao thông, thủy lợi, 1.356,9 ha đã được sử dụng vào các mục đích khác như nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm, cây hàng năm. Kết quả giải đoán cũng đã xác định được 332,6 ha đất rừng nằm ngoài ranh giới, mốc giới phòng hộ và đặc dụng, nâng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 5.843,0 ha. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng ảnh viễn thám phục vụ công tác thống kê, kiểm kê đất đai đã giúp phân tách được diện tích các loại đất khác nằm trong ranh giới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà từ trước đến nay điều được thống kê, kiểm kê vào diện tích đất lâm nghiệp. Ngoài việc cập nhật được hiện trạng rừng kết quả giải đoán đã cập nhật được dữ liệu nền địa lý trên khu vực rừng trong ranh giới quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng.

 

Đã đánh giá hiện trạng sử dụng đất bị nhiễm mặn do nuôi trồng thủy sản không hiệu quả và đề xuất mô hình canh tác hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả kinh tế cho 3 huyện ven biển. Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các công trình và hoạt động quân sự trên địa bàn tỉnh Bến Tre theo 5 loại đối tượng: khu vực phòng thủ then chốt, hệ thống kho tàng bến bãi quân sự, hoạt động đóng quân, các cơ sở sản xuất - kinh tế quốc phòng và các hoạt động quân sự thường nhật; xây dựng tập bản đồ đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các công trình và hoạt động quân sự trên địa bàn tỉnh; xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng tập trung vào các công trình và hoạt động quân sự theo kịch bản quốc gia; đề xuất được kế hoạch hành động phù hợp nhằm ứng phó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến hoạt động quân sự trên địa bàn tỉnh Bến Tre theo 2 nhóm giải pháp: giải pháp quy hoạch và giải pháp kỹ thuật.

 

Đã nghiên cứu xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính để đánh giá sự phụ thuộc và biến đổi của độ dẫn điện đất vào các độ dẫn điện nước trong đất và sông/rạch và đánh giá sự phụ thuộc và biến đổi của độ dẫn điện nước trong đất vào các độ dẫn điện đất và sông/rạch. Từ kết quả mô hình hồi quy tuyến tính trên, đã đưa ra nhận định nguyên nhân nhiễm mặn đất và nước trong đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Từ đó đã đề xuất thực hiện các giải pháp công trình ngăn chặn xâm nhập mặn kết hợp với chuyển đổi cơ cấu trồng cây ăn trái phù hợp với xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu-nước biển dâng. Kết quả đã xây dựng được một hệ thống thông tin thủy lợi phục vụ công tác quản lý, phân tích các dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre gồm Cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin thủy lợi tỉnh Bến Tre; Ứng dụng khai thác và quản lý dữ liệu thủy lợi trên nền tảng WebGIS; Ứng dụng thu thập dữ liệu hiện trường trên thiết bị di động: số liệu mặn, số liệu mực nước, số liệu vị trí sạt lở, số liệu công trình thủy lợi.  

 

Đã đánh giá tổng thể tình hình sạt lở, bồi tụ bờ biển hiện trạng và dự báo diễn biến bờ biển trong điều kiện biến đổi khí hậu- nước biển dâng. Từ đó nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phát triển bãi bồi, bảo vệ bờ biển thân thiện với môi trường và làm cơ sở cho công tác quy hoạch phát triển dân cư, đô thị, các công trình chính trị bờ sông và bờ biển, cảng, khu neo đậu tàu tránh trú bão, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua là tiền đề để thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ Bến Tre tiếp tục gắn kết với ngành Tài nguyên và Môi trường địa phương trong giai đoạn tới.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi