Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2016 - 2020

Doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), thị trường KH&CN là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường, có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Thị trường KH&CN là nơi bán, mua hàng hóa công nghệ theo quy luật cung - cầu, quy luật giá trị và các quy luật khác của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điểm khác biệt với “thị trường hàng hoá thông dụng” là tính thiếu hoàn hảo của thị trường KH&CN (về nhận dạng, về nhu cầu, về giá cả...) nên không thể duy trì và phát triển nếu thiếu sự tác động của nhà nước cũng như sự liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KH&CN với doanh nghiệp và thị trường KH&CN chỉ có thể phát triển khi nguồn cung, cầu công nghệ cùng phát triển tương thích với nhu cầu thay đổi của thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Với tinh thần đó, tỉnh Bến Tre đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất để xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trên cơ sở gắn sát nhu cầu thị trường, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác. Qua thực tiễn cho thấy, mô hình liên kết 4 nhà: “Nhà nông – Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp” hay mô hình liên kết 3 nhà: “Nhà nước - Nhà trường – Nhà doanh nghiệp” đem lại hiệu quả rất thành công, thúc đẩy phát triển dịch vụ KH&CN, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp hàng hóa bền vững.

 

Thực trạng hỗ trợ phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN


(1) Các đánh giá liên quan:


Theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt ra mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2020 (Mục tiêu điều chỉnh: 3.000 doanh nghiệp KH&CN). Xác định doanh nghiệp KH&CN là một bộ phận quan trọng cấu thành nên thị trường KH&CN, là lực lượng sản xuất mới, có khả năng đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp KH&CN cũng như thị trường KH&CN trong nước phát triển còn chậm, với nhiều nguyên nhân, mà quan trọng nhất là hoạt động chuyển giao công nghệ theo chiều dọc từ các cơ quan nghiên cứu, các viện, các trường đại học chuyển giao cho các doanh nghiệp trên cơ sở hoàn thiện công nghệ mới hiện nay còn rất ít, còn nhiều rào cản.

 

Theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án First-Nasati do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN) công bố cuối năm 2018:

 

- Gần 85% doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển để có được các sản phẩm mới, chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị bên ngoài để triển khai nghiên cứu đổi mới sản phẩm.

 

- Để đổi mới quy trình, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ hiện tại, trong khi các hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến doanh nghiệp lại rất thấp (dưới 1%). Tức là nhu cầu không đến được với nhau.

 

(2) Tình hình chung về thị trường KH&CN Bến Tre


Ở Bến Tre, trong thực tiễn quá trình chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp thì kết quả làm chủ công nghệ, quyền sở hữu kết quả KH&CN để tạo ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có năng suất và chất lượng, là tiền đề hình thành, phát triển doanh nghiệp KH&CN và đang hoạt động như mô hình doanh nghiệp KH&CN. Cuối năm 2015, toàn tỉnh có 102 doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ KH&CN, chiếm 3,9% tổng số doanh nghiệp của tỉnh, giá trị sản phẩm và dịch vụ KH&CN chiếm tỷ trọng 0,65 GRDP của tỉnh.

 

Điều này, cho thấy việc phát triển thị trường KH&CN cũng còn rất sơ khai, chủ yếu hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức KH&CN tham gia các phiên chợ công nghệ, thiết bị, các hội thảo chuyên đề, cung cấp một số dịch vụ KH&CN chủ yếu như chuyển giao các công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ phân tích, thử nghiệm và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp,…

 

Bên cạnh đó, tỷ lệ các đề tài, kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh còn thấp. Thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ vì cung và cầu công nghệ chưa liên kết được với nhau. Các tổ chức KH&CN công lập của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các tổ chức KH&CN ngoài công lập còn ít về số lượng. Việc gắn bó “03 nhà” giữa doanh nghiệp, nhà trường và cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế nhất định. Trong bối cảnh chung đó, việc hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh sẽ là cầu nối cho các bên cung cầu, mua và bán thiết bị, công nghệ và các tổ chức trung gian, tư vấn công nghệ, pháp lý và đầu tư gặp gỡ tiếp xúc giải quyết những vấn đề cần thiết cho việc chuyển giao công nghệ và thương mại hoá kết quả KH&CN.

 

(3) Một số kết quả thúc đẩy phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN


Nghị quyết đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: Phát huy vai trò đột phá của khoa học – công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tập trung hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển. Tỉnh đã tập trung phát triển mạnh mẽ hệ thống các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN để tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm KH&CN, thúc đẩy phát triển dịch vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh trên cơ sở xác lập chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn tiên tiến, hữu cơ, từng bước xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai các nhiệm vụ KH&CN tiếp cận theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình KH&CN phát triển ngành dừa và bưởi da xanh tỉnh Bến Tre.

 

Với xu thế trên, tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về phát triển thị trường KH&CN, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cụ thể như: Nghị quyết số 03-NQ/TU 05/8/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; Chương trình số 10-CTr/TU ngày 28/4/2016 của Tỉnh ủy về Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp; Quyết định 12/2016/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân  tỉnh Bến Tre về việc ban hành quy định về quản lý các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy trình về thủ tục cấp và thu hồi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre; Quyết định số 1359/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 về việc ban hành Quy trình về việc kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý thuộc tỉnh Bến Tre; Quyết định số 46/2019/QĐ-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2019 của UBND tỉnh ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre và các chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh,… Việc ban hành các văn bản này rất kịp thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn lực tài chính để đổi mới, chuyển giao, cải tiến và ứng dụng KH&CN vào sản xuất, phát triển thị trường KH&CN và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được chú trọng.

 

Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Bến Tre hỗ trợ kinh phí các dự án phát triển KH&CN triển khai trên địa bàn là gần 21 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN phân bổ cho ngành KH&CN. Bình quân mỗi dự án được hỗ trợ kinh phí khoảng 800 – 900 triệu đồng/DA và Dự án hỗ trợ cao nhất khoảng 1,4 tỷ đồng/DA. Đối với các dự án hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN được trung ương hỗ trợ, mức kinh phí hỗ trợ bình quân là 45,6%. Đối với nguồn ngân sách tỉnh tập trung hỗ trợ về hệ thống quản lý chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, giải thưởng chất lượng quốc gia, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp… và hỗ trợ các dự án sản xuất thử nghiệm thông qua nhiệm vụ KH&CN với mức kinh phí hỗ trợ bình quân khoảng 29% (07 dự án về tạo lập và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; 12 dự án về hoạt động chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; 13 hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; hỗ trợ xây dựng và chứng nhận 02 chỉ dẫn địa lý, 09 nhãn hiệu tập thể, 04 nhãn hiệu chứng nhận, 36 nhãn hiệu và 01 sáng chế). Ngoài ra, Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh cho vay lãi suất ưu đãi 10 dự án đầu tư thương mại hóa kết quả KH&CN với số vốn là 19 tỷ đồng.

 

Hỗ trợ ươm tạo 15 doanh nghiệp có mô hình khởi nghiệp ĐMST tác động xã hội kép, kết hợp giữa sản xuất sản phẩm và tạo việc làm. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST được hỗ trợ hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng KH&CN, phát triển thành doanh nghiệp KH&CN. Toàn tỉnh có 08 doanh nghiệp KH&CN được thành lập và hoạt động đạt hiệu quả cao với 29 sản phẩm, nhóm sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN, 13 tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập đang hoạt động với 488 nhân lực nghiên cứu và phát triển có trình độ từ đại học trở lên. Trong giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Bến Tre có 223 hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện với tổng kinh phí là 498 tỷ đồng, trong đó, cá biệt có 04 hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa 02 doanh nghiệp KH&CN của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước được ký kết, góp phần tạo ra các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm từ dừa có giá trị gia tăng cao (tổng giá trị 04 hợp đồng là 253.756 triệu đồng).

 

Nguồn nhân lực KH&CN bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển ở một số lĩnh vực, ngành nghề trong điều kiện thực tiễn. Kết cấu hạ tầng KH&CN từng bước được quan tâm đầu tư. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh dần được tăng lên hàng năm (2016: 22,8%; 2017: 24,2%; 2018: 27%; 2019: 28,6% và 2020 đạt 30%). Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2011 – 2015 đạt 14,3%/năm (Chỉ tiêu Nghị quyết 20-NQ/TW là từ 10-15%); giai đoạn 2016 – 2020 đạt 20%/năm. Giá trị sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường tăng bình quân 20%/năm và đến năm 2019 chiếm tỷ trọng 6,2% GRDP của tỉnh, tăng 9,5 lần so với năm 2015 (0,65% GRDP của tỉnh). Đóng góp của KH&CN thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), đạt khoảng 30% tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Về phát triển nguồn lực KH&CN: Năm 2020, nhân lực nghiên cứu và phát triển đạt 22 người trên một vạn dân; nhân lực KH&CN tăng bình quân 10%/năm và năm 2019 toàn tỉnh có 488 nhân lực KH&CN có trình độ từ đại học trở lên; đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước so với ngoài ngân sách nhà nước đạt tỷ lệ 1:6.

 

(4) Lợi thế:


Được thiên nhiên ưu đãi, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển kinh tế nông nghiệp. Song song đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020, năm 2016, tỉnh phát động Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, từng bước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên nền tảng khoa học, công nghệ và ĐMST. Đặc biệt, khi đánh giá nhu cầu khởi nghiệp, mức độ sẵn sàng khi tham gia khởi nghiệp hay ĐMST đối với doanh nghiệp đến 78% thể hiện tinh thần khởi nghiệp rất cao. Đây là những điều kiện quan trọng, giúp cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng KHCN và ĐMST được tập trung thực hiện đạt kết quả tốt, đã thu hút và thực hiện thành công nhiều dự án với sự hỗ trợ của Trung ương, của Bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh, đem lại nhiều kết quả thiết thực, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thị trường KH&CN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa.

 

Hầu hết các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng như: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, con heo, con bò, con tôm và các sản phẩm đặc sản, truyền thống của tỉnh đều có đóng góp quan trọng của KH&CN từ các khâu giống cây trồng, quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh, chế biến sau thu hoạch và xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa,… giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Chuỗi dừa bước đầu có 51 THT, 18 HTX thực hiện liên kết tiêu thụ với 07 doanh nghiệp và 01 HTX với tổng diện tích liên kết 11.768,3 ha, chiếm 16,24% diện tích dừa toàn tỉnh. Chuỗi Bưởi da xanh có 32 THT, 09 HTX thực hiện liên kết với các doanh nghiệp với diện tích khoảng 350 ha, chiếm 5,3% diện tích bưởi da xanh đang cho trái. Chuỗi con heo có 02 THT, 04 HTX liên kết với các doanh nghiệp với tổng cộng 7.524 con, chiếm 1,5% tổng đàn heo của tỉnh. Chuỗi con bò có 01 THT, 03 HTX liên kết, với 1.391 con chiếm 0,6% đàn bò của tỉnh, chủ yếu liên kết nuôi, tiêu thụ bò cái giống, bò con. Chuỗi cua biển có 01 THT, 03 HTX liên kết với diện tích 243,38 ha. Các sản phẩm trong chuỗi liên kết đều được hỗ trợ dự án tạo lập, khai thác và phát triển nhãn hiệu cộng đồng như nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể.

 

(5) Hạn chế, tồn tại:


- Hạn chế về kết nối cung – cầu:

 

Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng, hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến doanh nghiệp lại rất thấp (dưới 1%). Tức là nhu cầu không đến được với nhau.

 

Ở Bến Tre, hiện tại chưa có chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối cung - cầu công nghệ chủ yếu thông qua việc tham gia các hội chợ triển lãm truyền thống như techmart, techdemo,... Trong thời gian từ năm 2014 đến nay, chỉ có 29 doanh nghiệp nhỏ và vừa được nhận hỗ trợ kinh phí tham gia các phiên chợ thiết bị, công nghệ, giới thiệu, chào bán, quảng bá sản phẩm, ngày hội khởi nghiệp ĐMST cấp vùng và quốc gia.

 

- Hạn chế về nguồn lực đầu tư:

 

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, hệ thống ĐMST quốc gia còn non trẻ, manh mún; doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho hoạt động KHCN và ĐMST; tỷ lệ chi cho KHCN trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, chi tiêu cho nghiên cứu phát triển cả khu vực nhà nước và tư nhân của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP (Bến Tre là 0,32% GRDP), khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1% GDP).

 

Đầu tư còn dàn trãi, nên chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh, chưa có nhiều mô hình ứng dụng KH&CN quy mô liên ngành, liên vùng, nhất là những mô hình ứng dụng công nghệ cao liên kết giữa các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, hàm lượng KH&CN nói chung thể hiện trên các sản phẩm chưa cao. Đặc biệt, chưa có cơ chế vận hành hiệu quả mối liên kết giữa Nhà trường – Nhà doanh nghiệp – Nhà nước trong công tác hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.

 

- Hạn chế về tinh thần khởi nghiệp ĐMST: Kết quả khảo sát tinh thần khởi nghiệp ĐMST tại tỉnh Bến Tre năm 2019, cho thấy: 

 

+ Có hơn 27% khởi nghiệp vì đam mê, 18.9% khởi nghiệp với mục đích khẳng định bản thân, 18.9% khởi nghiệp với mục đích kiếm tiền.

 

+ Mức độ sẵn sàng cho khởi nghiệp ở giai đoạn đang khám phá, có ý tưởng, có dự án khởi nghiệp ở tỷ lệ lần lượt là là 15.9%, 24.6% và 13%. Tuy nhiên, việc phát triển thành sản phẩm đáp ứng thị trường và thành lập doanh nghiệp thì rất ít.

 

+ Thiếu định hướng (15%), lo sợ các rủi ro, thất bại (18.6%), không có vốn đối ứng (28.3%).

 

- Hoạt động tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về thị trường KH&CN còn rất hạn chế, qua điều tra có 26.7 % chưa được đào tạo, tập huấn, 70% rất ít được đào tạo, tập huấn, chỉ có 3.3% là thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức.

 

- Hoạt động ươm tạo ý tưởng và làm chủ công nghệ từ kết quả nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp ở Bến Tre còn tương đối thấp. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc đổi mới, chưa có chiến lược phát triển hoặc chưa định hướng được phương thức, hướng đầu tư đổi mới, nâng cao năng lực hấp thụ KH&CN và tiếp cận thị trường.

 

Kiến nghị thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương


(1) Nhiệm vụ:


Một là, rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm để đầu tư, phát triển thị trường KH&CN. Xây dựng chính sách hỗ trợ đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ theo hướng tăng mức hỗ trợ kinh phí đảm bảo khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng KH&CN đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Hai là, đề xuất nội dung xây dựng đề án phát triển thị trường KH&CN tỉnh Bến Tre đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung các hoạt động: Ươm tạo, phát triển doanh nghiệp, tổ chức KH&CN; Thành lập Trung tâm phát triển thương hiệu và hỗ trợ giao dịch công nghệ; Hỗ trợ hình thành các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; Xúc tiến kết nối cung – cầu công nghệ; Truyền thông, thống kê và thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ.

 

Ba là, xây dựng và vận hành mô hình liên kết Nhà trường – Nhà Doanh nghiệp – Nhà nước. Trong việc kết nối phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp phải đóng vai trò trung tâm. Các nhà khoa học là những đối tác và cùng doanh nghiệp cộng sinh trong chuỗi giá trị. Hợp tác Nhà trường - Doanh nghiệp được hiểu như sự tương tác, giao dịch giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho các bên với phương châm: “Đào tạo – nghiên cứu – phục vụ sản xuất”.

 

Bốn là, xây dựng các mô hình chuyển giao, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KH&CN, tổ chức quản lý, phát triển thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa có sự tham gia, liên kết 04 nhà “Nhà nông – Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp”, trong đó, xác định lấy doanh nghiệp làm nòng cốt.

 

(2) Giải pháp


Thứ nhất, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực, gắn thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thị trường khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Thứ hai, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ phát triển và hướng dẫn doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiếp cận với các chính sách ưu đãi theo quy định.

 

Thứ ba, củng cố, sắp xếp lại và phát triển các tổ chức KH&CN công lập theo hướng mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có những cơ sở trọng điểm để đủ sức giải quyết những nhiệm vụ KH&CN của ngành, lĩnh vực; bảo đảm chức năng nhiệm vụ không chồng chéo và tính mạng lưới, hệ thống để phát huy sức mạnh. Huy động và đảm bảo các nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

 

Thứ tư, đầu tư xây dựng, tăng cường và nâng cao năng lực cho các tổ chức nghiên cứu phát triển, dịch vụ KH&CN. Cần thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để xúc tiến ươm mầm sáng tạo trong nhà trường và ươm tạo công nghệ trong doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển trực thuộc cũng như Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022