Khai thác kinh tế số phục vụ liên kết phát triển nông nghiệp bền vững gắn du lịch tỉnh Bến Tre

Khai thác kinh tế số phục vụ liên kết phát triển nông nghiệp bền vững gắn du lịch tỉnh nhà là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 – 2025 và là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

 

Hiện trạng du lịch nông nghiệp Bến Tre


Hiện Bến Tre 239.481 ha đất nông nghiệp, trong đó: diện tích đất trồng cây hàng năm 36.693 ha, 29.000 ha trồng cây ăn trái, 73.000 ha trồng dừa, 47.000 nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp có rừng 6.914 ha, đất nông nghiệp khác 805 ha và 65 km bờ biển với 10.000 ha bãi bồi là điều kiện lý tưởng để hình thành, phát triển loại hình du lịch nông nghiệp từ việc khai thác các sản phẩm du lịch trong chính hoạt động bảo vệ, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác, thu hoạch, sơ-chế biến, bảo quản, vận chuyển để sử dụng và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp do chính du khách làm ra ngay tại điểm đến.

 

Trực tiếp trồng cây gây rừng ngập mặn (đước, bần, mắm, vẹt…) trên các bãi bồi ven sông, cửa sông ven biển và các cồn bãi nổi trên biển; trồng cây phi lao, ngọc nữ không gai, hoa muống biển… tại các giồng cát biển chống cát bay; thả cá giống vào các lưu vực làm tăng nguồn lợi thủy hải sản; Ngoài ra, những năm gần đây, Bến Tre còn tổ chức phóng thích các thiên địch như ong ký sinh bọ dừa và bọ đuôi kìm phòng trừ bọ cánh cứng, sâu đục trái hại dừa; ong ký sinh mắt đỏ để quản lý sâu đục trái bưởi và kiến vàng phòng trừ sâu bệnh trên cây có múi. Đến với các dịch vụ du lịch này, những kỹ sư chân đất sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm nhận biết các loài thiên địch hữu ích với những trải nghiệm mới lạ giúp du khách vừa có trách nhiệm với xã hội, vừa bảo vệ được môi trường và lưu lại cho bản thân những kỹ niệm đẹp, khó phai về những chuyến du lịch ý nghĩa.

 

Trồng trọt nổi bật với dịch vụ chăm sóc cây, tham quan làng hoa kiểng Cái Mơn để được ngắm nhìn sự đua hương, khoe sắc cùng các loài hoa và sự kết hợp phổ biến kỹ năng cắt cành tạo dáng cho cây hoa kiểng và cách giữ màu sắc cho hoa để sau chuyến du lịch bạn có đủ tự tin chăm sóc hoa kiểng ở vườn nhà.

 

Mô hình Homestay Ba Danh.


Khung cảnh bình yên tại Nông trại hữu cơ (Nông trại Hải Vân - Sân Chim Vàm Hồ).

 

Ở Bến Tre khách du lịch tham gia trải nghiệm nhiều nhất vào các công đoạn trong khai thác và thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, hoạt động này dễ làm, ít vất vả, thành quả lao động có được trong thời gian ngắn và bạn sẽ được tưởng thưởng công lao của mình ngay lập tức. Có thể kể đến như bắt cá bằng tay (mò tôm, bắt cua,…) hoặc bằng các dụng cụ truyền thống (cần câu, nom, gàu, bẫy,…) các hoạt động này sẽ được diễn ra trong một không gian đậm chất thơ của miền Tây sông nước như khi du khách đang lênh đênh trên những con thuyền xuôi theo con nước lớn, nước ròng với sóng nước dạt dào hai bên hoặc những lúc thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây trong vườn vào từ lúc sáng sớm cho đến màn đêm buông xuống và thỏa thích ngắm nhìn những sự thay đổi thiên nhiên theo hướng từ sông ra biển. Việc tự tay thu hoạch, đi thăm thú và thưởng thức các loại trái cây, uống mật ong, uống nước dừa tại vườn sẽ làm cho bạn cảm nhận được sự hòa quyện với thiên nhiên, tâm hồn thư thái, cảm giác lý thú sẽ giúp du khách thỏa sức “sống ảo”, live stream, check in trên các nền tảng mạng xã hội.

 

Du lịch nông nghiệp Bến Tre có rất nhiều hình thức cung cấp dịch vụ khác nhau để du khách lựa chọn và du khách hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, thành quả lao động của du khách sẽ được sơ - chế biến sử dụng và thưởng thức ngay tại chỗ để có thể thưởng thức được hết hương vị đặc trưng của từng vùng miền.

 

Khi đến Bến Tre, bạn có cơ hội thăm thú toàn bộ quá trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, chế biến hơn 200 sản phẩm từ cây dừa Bến Tre. Có thể nói cây dừa là một trong những cây chiếm giữ kỷ lục cho việc tạo ra được nhiều sản phẩm nhất Việt Nam hiện nay; đặc biệt, du khách sẽ được lý giải và có thêm các kiến thức bổ ích về các hiện tượng khoa học lý thú quanh cây dừa như hiện tượng dừa bị trăng ăn, dừa treo, dừa điếc, dừa sáp,… bắt gặp và tìm hiểu về bộ sưu tập giống dừa nhiều nhất Việt Nam, chỉ duy nhất có ở Bến Tre.

 

Du lịch nông nghiệp của Bến Tre rất phù hợp cho việc tổ chức các buổi dã ngoại, hoạt động tập thể, hội họp của công ty, gia đình. Điểm nhấn của không gian du lịch nông nghiệp Bến Tre không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngưỡng, khám phá cảnh quan thiên nhiên mà còn có thể sở thị các gia trại dừa, nhà dừa đến các vật liệu được sản xuất và sử dụng từ dừa. Nông dân hướng dẫn du khách tự tay làm một số kỉ vật bằng lá dừa: nón, nhẫn, hoa hồng, các loài chim, con trâu… chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ vật liệu dừa đủ loại để du khách làm quà tặng và lưu giữ về sau.

 

Hiện trạng du lịch nông nghiệp số ở Bến Tre


Hiệu quả của việc áp dụng những thành tựu về công nghệ của cuộc CMCN 4.0 giúp ngành du lịch tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững nhất. Đó là mở rộng không gian thời gian thị trường du lịch; doanh nghiệp du lịch dễ dàng liên kết các chuyến du lịch; giảm chi phí quảng cáo; du lịch thực tế ảo với hình ảnh phim 3D, 4D tái dựng lại các di tích lịch sử, văn hóa, địa điểm tham quan du lịch,... là phương pháp kích cầu hiệu quả; bán hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến giúp kinh doanh dịch vụ du lịch với chi phí thấp nhất, thời gian tiết kiệm nhất, doanh thu cao nhất; số hóa cơ sở dữ liệu du lịch bản đồ, nhà hàng, khách sạn, giao thông...; công nghệ vượt trội làm tăng sự cảm nhận và hài lòng của du khách, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

Bến Tre chưa ứng dụng du lịch nông nghiệp số, mới ở mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong một số khâu, hoạt động đơn lẻ nhằm phục vụ công tác truyền thông quảng bá hình ảnh rộng rãi qua các website và nhiều trang mạng xã hội khác như youtube, facebook,… Và một số trang fanpage như: Du lịch Bến Tre, Bến Tre Quê Tôi,… Các doanh nghiệp du lịch Bến Tre đã chủ động tham gia vào các website du lịch OTAs nước ngoài như agoda.com, booking.com, expedia.com,… giới thiệu lượng lớn các sản phẩm du lịch phong phú kèm thông tin cụ thể về thời điểm, giá cả, dịch vụ trên website của họ. Tạo sự bình đẳng và cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua các tiện ích trực tuyến: đặt chỗ, đặt chuyến, đổi, xuất vé và thanh toán.

 

Tuy nhiên, trong thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch nông nghiệp ở Bến Tre đã được thực hiện qua một số mô hình rất có hiệu quả như: Dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp mang tên “Vườn cây online dưa lưới”, do Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre và Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ vốn và kỹ thuật. Vườn cây online - Dưa Lưới Phú An Khang là khu vườn trồng cây online dịch vụ. Khách hàng mua cây con và gửi tại công ty, quá trình chăm sóc cây cho đến khi ra trái được nhân viên cập nhật liên tục qua mạng. Theo kết quả đánh giá thì trong thời gian thực hiện dự án có 50% khách ở Bến Tre đặt hàng, 10% ở Tiền Giang, 30% ở thành phố Hồ Chí Minh, 10% ở các nước Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Hà Nội, Lào qua hình thức online trên các mạng thông tin xã hội như Facebook, Email, Viber, Zalo, mỗi ngày có hơn 2.300 lượt truy cập. Mô hình đã tạo ra sự mới lạ đồng thời là điểm đến hấp dẫn thu hút khách đến tham quan du lịch. Vì vậy, khi khách đến vườn thu hoạch sản phẩm của mình công ty cũng đã có thêm một nguồn thu rất lớn từ việc du khách sử dụng thêm được các dịch vụ khác của Công ty như tham quan, dùng cơm, vui chơi giải trí,…

 

Phát triển du lịch nông nghiệp số


Trên thực tế du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch đơn lẻ cho nên muốn phát huy lợi thế của loại hình này cần tiến tới xây dựng nhiệm vụ giải pháp tổng thể, bao trùm và tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch số hội đủ quyền lực quản lý, triển khai và điều hành, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động phát triển du lịch số trên địa bàn tỉnh. Chú trọng xây dựng, tạo lập và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu dùng chung nhằm tạo nền tảng đồng nhất trong việc chia sẻ, kết nối và sử dụng.

 

Do đó, để phát triển du lịch nông nghiệp số ở Bến Tre, trước tiên nên quán triệt 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, một trong các nội dung của giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đã được đề ra:Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm” và số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

 

Nhiệm vụ hàng đầu là tổ chức đào tạo cho nông dân làm du lịch, trong đó: có du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn và du lịch văn hóa, tâm linh; đặc biệt là cách thức tiếp cận, khai thác các loại hình du lịch thông minh.

 

Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch nông nghiệp số nói riêng và du lịch thông minh nói chung như xây dựng kiến trúc tổng thể hạ tầng, gồm:

 

Lớp hạ tầng là nền tảng ICT cung cấp tài nguyên tính toán, tài nguyên về lưu trữ và các công nghệ kết nối mạng (WAN/LAN, Wifi, 3G/4G...) để phục vụ cho các hệ thống, ứng dụng và dịch vụ trong hệ sinh thái du lịch thông minh của tỉnh;

 

Lớp dữ liệu sẽ gồm các năng lực về tích hợp xử lý, chuyển đổi dữ liệu từ các nguồn khác nhau vào một kho dữ liệu tích hợp tập trung chuyên dụng cho du lịch, đồng thời cung cấp các năng lực tích hợp các dữ liệu mở (opendata) được chia sẻ từ các nguồn dữ liệu của các hệ thống khác trong kiến trúc đô thị thông minh của tỉnh;

 

Lớp dịch vụ gồm hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng được phát triển nhằm mục đích khai thác các thông tin từ hạ tầng dữ liệu du lịch được thiết kế và phát triển một cách chuẩn hoá, tuân theo mô hình kiến trúc hướng dịch vụ đảm bảo có thể kết nối, tích họp với các ứng dụng dịch vụ khác (từ các lĩnh vực nghiệp vụ khảc như giao thông, an ninh trật tự…) thông qua một trục tích hợp dịch vụ;

 

Lớp phương tiện truy cập chính là các năng lực truy cập đến hệ sinh thái các dịch vụ và ứng dụng du lịch trong hệ thống du lịch thông minh;

 

Lớp quản trị cho phép quản trị người dùng, phân quyền người dùng, tạo ra các luồng xử lý nghiệp vụ của các ứng dụng thông qua các công cụ quản lý;

 

Lớp bảo mật cung cấp các năng lực về đảm bảo an ninh, an toàn của hệ thống du lịch thông minh thông qua các công cụ chuyên dụng về bảo mật, xác thực và mã hoá dữ liệu;

 

Các hệ thống khác như kết nối hoặc tích hợp dữ liệu với mục đích thu thập và tích hợp dữ liệu mở được cung cấp mới các hệ thống khác, như dữ liệu dân cư, dữ liệu về giao thông; để từ đó có thể xử lý và đưa vào lưu trữ ở kho dữ liệu du lịch nhằm phục vụ cho các yêu cầu về phân tích, báo cáo sau này của hệ thống du lịch thông minh.

 

Có như vậy, du lịch nông nghiệp Bến Tre sẽ mang lại nhiều thành quả mới.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022