Phát triển công nghệ sản xuất bao bì từ nguyên liệu cây dừa Bến Tre

Bao bì là dụng cụ dùng để bao gói, chứa đựng, bảo quản sản phẩm; Là phương tiện đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển hàng hóa; Là công cụ nhận diện, phát triển sản phẩm hữu hiệu, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giữ vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh thành công. Bao bì có chi phí hợp lý còn là công cụ cạnh tranh hiệu quả, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, cần được đổi mới thường xuyên để thỏa mãn nhu cầu xã hội và quản trị chuỗi cung ứng.

 

Đặc điểm nguồn nguyên liệu sản xuất giấy từ dừa Bến Tre


Nhu cầu dùng giấy của tỉnh Bến Tre khoảng 66.300.000 kg/năm tính trên 1.300.000 dân, với mức tiêu thụ giấy bình quân 51 kg/ người/năm và tiếp tục tăng trong tương lai (Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam dự báo trong 5 – 10 năm tới, nhu cầu giấy các loại sẽ tăng từ 8 – 10 %/năm, riêng giấy bao bì có thể tăng tới 15 – 18 %/năm”). Vì vậy, để vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng giấy không ngừng tăng, vừa giảm áp lực cung cấp gỗ từ rừng tự nhiên phục vụ cho hoạt động sản xuất giấy, mọi nguồn nguyên liệu từ gỗ của các loại cây trồng và ngoài gỗ có thể sản xuất giấy lại tiếp tục được nghiên cứu và triển khai ứng dụng ở nhiều quốc gia, trong đó có cây dừa Bến Tre. Bến Tre có 72.576 ha diện tích đất trồng dừa, chiếm hơn 55% diện tích dừa của cả nước (175.000 ha) và 80% diện tích dừa vùng đồng bằng sông Cửu Long (130.000 ha) trở thành nơi cung cấp sản lượng gỗ dừa dồi dào bậc nhất Việt Nam.

 

Gỗ dừa tên thương mại Cocowood được chế biến từ thân cây dừa 40 năm tuổi trở lên thường cao 20 – 25 m, đường kính 30-40 cm nên quy cách gỗ dừa trụ tròn có đường kính luôn luôn nhỏ hơn 30 cm hay chiều rộng tối đa của tấm ván gỗ dừa nhỏ hơn 30 cm.

 

Bến Tre có trữ lượng gỗ dừa khai thác dồi dào và liên tục được bổ cấp tăng dần hàng năm. Năm 1976 Bến Tre có 23.355 ha dừa tương đương 4.764.420 cây dừa; toàn tỉnh có khoảng 7.006,5 m3 gỗ dừa xẻ. Đến năm 2019 diện tích trồng dừa đạt 72.576 ha với 14.805.504 cây, tăng lên 49.221 ha khoảng 10.041.084 cây so với năm 1976; trở thành nơi cung cấp nguồn gỗ dừa xẻ lớn nhất cả nước với sản lượng đạt tới 4.441.651,2 m3 gỗ dừa xẻ; điểm đặc biệt là nguồn gỗ dừa xẻ không ngừng được bổ cấp hàng năm trung bình khoảng 70.000 m3 gỗ dừa xẻ phục vụ cho các mục đích sử dụng khác nhau trong hoạt động sản xuất, đời sống và xã hội. Trong khi đó, kết quả tính toán cho thấy, trữ lượng gỗ dừa khai thác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 7.956.000 m3 và cả nước là 10.710.000 m3.  Thành phần hóa học gần đúng của gỗ dừa như sau: holocellulose (66,7%); lignin (25,1%) và pentosans (22,9%).

 

Thân dừa có lớp vỏ bên ngoài như vỏ của cây thân gỗ nhưng khác vỏ cây thân gỗ là cấu tạo gồm các bó sợi xếp dọc thân cây. Những bó sợi này có thể trở thành nguồn nguyên liệu để tạo ra giấy. Tính sơ bộ, một đoạn thân dừa dài 15m, đường kính bao gồm cả vỏ 28 cm, không tính vỏ khoảng 25 cm, lớp vỏ sừng bên ngoài có khối lượng sợi trung bình thu được 15,8 kg. Sử dụng công nghệ truyền thống, không dùng hoá chất, có thể tạo ra tương đương 15 kg giấy làm bao bì và các công việc khác. Sợi từ thân dừa có thể tẩy trắng, nhuộm màu.

 

Quày dừa (buồng dừa) có khối lượng sợi trung bình 1,42 kg/quầy. Tính bình quân 10 quầy/cây/120 cây /ha, tương đương 1700 kg giấy/ha. Như vậy, tổng cộng lượng xơ sợi phế liệu thu được từ quày dừa có thể đạt tới 102.000.000 kg giấy/60.000 ha cây dừa thu hoạch của Bến Tre (chưa kể xơ sợi từ vỏ quả dừa non sau khi lấy nước giải khát), tương đương 153.000.000 kg rơm thu hoạch từ 30.600 ha trồng lúa hay 4.230 ha rừng keo lai với năng suất cao nhất vùng Nam Bộ (khoảng 30 tấn/ha). Với mức 10% trong tổng lượng xơ sợi tính trên đã sản xuất được 10.200 tấn giấy, chưa kể lượng sợi thu gom từ thân, tàu, lá dừa và cỏ quả dừa non.

 

Gỗ dừa và phế liệu ngoài gỗ dừa Bến Tre là nguồn nguyên liệu dồi dào dung để cung cấp hoạt động sản xuất giấy phục vụ cho ngành công nghiệp bao bì trong và ngoài tỉnh.

 

Biểu đồ: Diễn biến diện tích, số lượng và sản lượng gỗ dừa Bến Tre giai đoạn 1976 – 2019.

 

Giải phát phát triển bột giấy và giấy từ dừa Bến Tre


Gỗ dừa và xơ sợi phế liệu từ cây dừa là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho hoạt động sản xuất bột giấy và giấy phục vụ ngành công nghiệp bao bì. Nguồn nguyên liệu này là nguồn lực trực tiếp kéo giảm áp lực cung cấp gỗ từ rừng tự nhiên và có trách nhiệm với xã hội trong việc bảo vệ môi trường.

 

Bến Tre đang tập trung triển khai nghiên cứu tính chất sợi, thành phần hoá học, chỉ số hình thái sợi, sơ chế, bảo quản lưu kho đối với từng loại phế liệu xơ sợi dừa; Nghiên cứu phương pháp xử lý nguyên liệu, điều chế xơ sợi cellulose đạt hiệu suất cao. Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giấy dạng tờ từ phế liệu dừa sử dụng bao gói và quy trình tẩy trắng sợi. Sử dụng xơ sợi phế liệu của cây dừa để tạo ra sản phẩm dạng tờ đạt tiêu chuẩn nhà nước TCVN 7063: 2002 đối với giấy bao gói đạt TCVN 11896:2017. Quy trình sản xuất giấy từ xơ sợi phế liệu dừa: Phế liệu dừa → sơ chế → nấu dăm → thu hồi dịch nấu → rửa sạch dăm mảnh → nghiền sợi → bột giấy thô → nghiền bột → bột giấy mịn → xeo → xử lý hoàn tất → sản phẩm hoàn tất.


Triển khai, xây dựng vùng trồng dừa Bến Tre được chứng nhận tiêu chuẩn rừng bền vững (FSC) là giải pháp lựa chọn tối ưu trong bối cảnh hiện nay nhằm cứu cánh kịp thời các hệ lụy đã xảy ra do sử dụng bao bì gỗ rừng tự nhiên và plastic; kéo dài chuỗi giá trị gia tăng ngành hàng và các sản phẩm từ dừa Bến Tre nói riêng và dừa Việt Nam nói chung.

 

Tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm về dừa nhằm tạo ra các sản phẩm chế biến từ dừa Bến Tre có giá trị gia tăng cao, hạn chế tối đa gãy đổ của chuỗi cung ứng, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế tỉnh nhà; cơ hội để sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng và dừa Việt Nam nói chung tham gia và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Mời gọi các nhà đầu tư đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất bột giấy, giấy và bao bì, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực tài chính lớn và công nghệ cao; thúc đẩy ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhất là các cán bộ khoa học trong và ngoài nước.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi