Hiệu quả từ mô hình “tôm – lúa thích ứng xâm nhập mặn”

Xã An Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre có diện tích nuôi trồng thủy sản khá rộng, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm càng xanh, cua. Đặc biệt, mô hình “Nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa” được nông dân áp dụng hiệu quả và trở thành nguồn thu nhập chủ yếu.

 

Mô hình “tôm – lúa thích ứng xâm nhập mặn” tại ấp An Điền, xã An Điền.

 

Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2019, tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi trồng thủy sản. Mô hình “Nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa” bị thiệt hại nặng nề, trong đó diện tích lúa bị thiệt hại 50% và tôm càng xanh thiệt hại gần 100%, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hầu hết người nông dân tại xã. Nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại là thời gian nước ngọt để trồng lúa chỉ còn khoảng 3 tháng, thời điểm nước mặn thì độ mặn vượt ngưỡng 25‰.

 

Trước diễn biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn trong năm 2020 và những năm tiếp theo, ngay từ đầu năm 2020, Hội Nông dân xã An Điền đã tìm giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình “Nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa”, vì đây được xem là thế mạnh kinh tế của địa phương. Yêu cầu đặt ra, đối với giống lúa phải sử dụng giống lúa ngắn ngày, khả năng chịu mặn cao nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng. Đối với tôm càng xanh, sử dụng hoàn toàn giống tôm càng xanh toàn đực, hộ nuôi phải có ao ương để nuôi trong 3 tháng đầu sau đó mới đưa ra ngoài ao nuôi để rút ngắn thời gian và đạt năng suất. Giải pháp này được nhiều nông dân tại xã đồng tình và tham gia thực hiện. Đặc biệt, có 18 hộ dân ấp An Điền tham gia mô hình “tôm – lúa thích ứng xâm nhập mặn” với diện tích 16 ha.

 

Từ đầu năm 2020 đến nay, Hội Nông dân xã đã đề nghị các cơ quan chuyên môn như Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực và kỹ thuật trồng lúa cho các hộ tham gia mô hình tại ấp An Điền và hơn 50 hộ dân tại các ấp khác tham dự. Qua các lớp tập huấn, nông dân nắm vững được quy trình nuôi tôm cũng như canh tác lúa.

 

Trà lúa của hộ chị Nguyễn Thị Tốp trĩu hạt vào đợt thu hoạch.

 

Để tạo thêm niềm tin cho các hộ dân về tính hiệu quả của mô hình “tôm – lúa thích ứng xâm nhập mặn”, Hội Nông dân xã còn tranh thủ sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thực hiện hiện mô hình trình diễn “Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen ruộng lúa” với 17 hộ nông dân của xã tham gia, trong đó có 05 hộ dân tại ấp An Điền. Các hộ trình diễn được hỗ trợ 100% chi phí giống tôm, lúa và một phần thức ăn để tạo động lực, sự an tâm cho các hộ trong việc tiếp cận với “mô hình cũ” nhưng “cách làm mới”. Tổng kinh phí hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ.

 

Ông Nguyễn Văn Nhum, ngụ ấp An Điền có 1 ha đất canh tác lúa và được tham gia mô hình trình diễn “Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen ruộng lúa”. Theo ông Nhum, khi áp dụng mô hình hiệu quả, năng suất con tôm, cây lúa tăng hơn trước rất nhiều. Từ khi thực hiện mô hình “tôm – lúa thích ứng xâm nhập mặn” bà con nông dân bắt đầu có kiến thức về khoa học kỹ thuật, nhận thức về về cách nuôi tôm, cách trồng lúa hữu cơ thay đổi rõ rệt.

 

Hộ chị Nguyễn Thị Tốp, ấp An Điền cũng có 8.000 m2 đất thực hiện mô hình “tôm – lúa thích ứng xâm nhập mặn”. Chị Tốp đánh giá đây là mô hình mang lại hiệu quả cao và mang tính bền vững. Theo chị, việc nuôi xen giữa tôm và lúa giảm được chi phí đầu vào, không sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… từ đó tạo ra sản phẩm “2 sạch” gồm: lúa sạch và tôm sạch, giá bán ra cũng cao hơn so với trước đây. Trong điều kiện xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và khó lường, tới đây, chị sẽ tiếp tục gắn bó với mô hình này.

 

Hiện tại, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ liên hệ với cơ sở thu mua tôm thương phẩm đảm bảo trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho con tôm. Tính đến thời điểm này, tôm của các hộ dân đã thả nuôi hơn 5 tháng, mật độ thả 3 con/m2. Qua kiểm tra của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh và các ngành chuyên môn của huyện, tỷ lệ tôm sống đạt hơn 65%. Dự kiến năng suất từ 0,5 đến 0,6 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hộ nông dân thu lợi nhuận đạt 60 triệu đồng/ha.

 

Ông Nguyễn Văn Nhum thăm ao tôm càng xanh xen lúa đã 5 tháng thả nuôi.

 

Đối với cây lúa, giống lúa nông dân thực hiện mô hình là ST24 và OM 4900 với thời gian sinh trưởng ngắn từ 90 đến 95 ngày, có khả năng chịu mặn cao hơn các giống khác tại địa phương. Hiện tại lúa đang trong giai đoạn thu hoạch với năng suất từ 4 đến 4,5 tấn/ha. Các hộ dân tham gia mô hình với giống lúa ST24 được Công ty Hoa Nắng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo quy trình lúa hữu cơ với giá bao tiêu khoảng 9.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được hơn 20 triệu đồng mỗi ha. Từ mô hình “tôm – lúa thích ứng xâm nhập mặn”, người dân thu lãi tổng cộng hơn 80 triệu đồng/năm, so với năm 2019 thì con số lợi nhuận gấp đôi.

 

Hiệu quả từ mô hình “tôm – lúa thích ứng xâm nhập mặn” cho thấy, nông dân đã “khéo” tiếp cận mô hình mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, hiệu quả kinh tế cao mà trước đây chưa từng có. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt đòi hỏi người nông dân phải tìm ra giải pháp mới để tận dụng thế mạnh. Đến nay, 18 hộ dân tham gia mô hình tại ấp An Điền đã đi đến thống nhất thành lập tổ hợp tác “Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa” để liên kết, hỗ trợ cùng nhau phát triển kinh tế.

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Điền Nguyễn Công Tạo cho biết, thời gian qua mô hình tôm – lúa tại xã An Điền, đặc biệt, là mô hình “tôm – lúa thích ứng xâm nhập mặn” tại ấp An Điền đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân, thành công ngoài sự mong đợi. Qua đó, xã có định hướng nhân rộng mô hình đến các ấp còn lại và xác định đây là mô hình kinh tế mũi nhọn, tạo thu nhập bền vững của nhiều hộ dân trong xã. Hội Nông dân xã kiến nghị các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện tiếp tục triển khai những mô hình trình diễn để tiếp sức cùng xã nhân rộng mô hình. Cùng với đó, tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các dự án giúp thành viên các tổ hợp tác “Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa” mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc canh tác lúa, thu hoạch tôm...

 

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi