Các hình thức tổ chức liên kết đang tồn tại tại Bến Tre

Ngày 07/12/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án Tái cơ cấu lại Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 - 2020 và Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy- khóa X về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 – 2020, trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre trân trọng giới thiệu những phân tích về các hình thức tổ chức liên kết đang tồn tại tại Bến Tre.

 

Liên kết


Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 quy định: “Hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các đối tượng, gồm: nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, THT; Cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; HTX, liên hiệp HTX; Doanh nghiệp”.


Đến tháng 7/2020, toàn tỉnh có 1.329 THT với 25.881 tổ chức, cá nhân tham gia (cả nước có gần 130 nghìn THT), trong đó có 968 THT hoạt động theo Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ. Các THT tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hoạt động tương đối ổn định, có sự  liên kết giữa các thành viên trong THT. Bến Tre hiện có 321 trang trại, trong đó; có 318 trang trại thuộc lĩnh vực chăn nuôi và 03 trang trại thuộc lĩnh vực thủy sản.

 

Dừa sấy Giòn sản phẩm OCOP liên kết của Bến Tre.

 

Hiện đã có 152 HTX (cả nước có 25.282 HTX), trong đó phân chia theo loại hình, gồm: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện là 12 HTX; nông nghiệp 98 HTX; Thủy sản 13 HTX; Quỹ tín dụng nhân dân 09 quỹ; Thương mại - Dịch vụ, kinh doanh tổng hợp 08 HTX; Giao thông - Vận tải 07 HTX; Tài nguyên - Môi trường 05 HTX. Tổng vốn điều lệ là 306,382 tỷ đồng, tăng 37,03 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2019, tổng số thành viên 40.718; Tổng số cán bộ quản lý HTX là 627 người, trong đó số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 126 người, chiếm tỷ lệ 20% trong tổng số cán bộ quản lý HTX; số cán bộ quản lý HTX có trình độ sơ, trung cấp là 218 người, chiếm tỷ lệ 34,7% trong tổng số cán bộ quản lý HTX; Số còn lại chưa qua đào tạo là 283 người, chiếm tỷ lệ 45% trong tổng số cán bộ quản lý HTX. Tổng doanh thu các HTX ước đạt 45 tỷ đồng, bình quân khoảng 330 triệu đồng/HTX, lãi 80 triệu đồng/HTX.

 

Hầu hết các chủ thể liên kết tại Bến Tre có quan hệ với nhau theo cả chiều ngang (giữa các doanh nghiệp trong cùng một khâu sản xuất, có cùng một loại hoạt động) lẫn chiều dọc (giữa các nhà cung cấp và người mua hàng hóa). Mối quan hệ các liên kết kinh doanh theo chiều dọc không phải là những trao đổi ngẫu nhiên trên thị trường mà là việc phối hợp một cách bài bản các hoạt động dựa trên việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa các chủ thể tham gia. Những liên kết kinh doanh theo chiều ngang tồn tại ở dạng những mạng lưới không chính thức rất ít, chủ yếu tồn tại ở dạng những hiệp hội và các tổ chức có thành viên chính thức.

 

Từ các tổ chức, cá nhân đơn lẻ, rời rạc đã tự nguyện tập hợp, quy tụ lại và hình thành nên mối quan hệ liên kết có hệ thống, thống nhất, chặt chẽ và trở thành thành viên chính thức chính của tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân, đồng sở hữu, hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

 

Liên kết chuỗi cung ứng


Liên kết với hình thức chuỗi cung ứng sản phẩm, ngành hàng được phát triển liền sau hình thức tổ chức liên kết và đã hình thành được nhiều chuỗi cung ứng với các mắc xích kết nối liên hoàn từ đơn đến đa tầng, đơn lẻ đến đa chủ thể tham gia cung cấp các dịch vụ đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

 

Nhà đóng gói đạt hệ thống tiêu chuẩn an toàn thực phẩm 2000 (FSSC 2000)-mắc xích trong chuỗi cung ứng.

 

Điển hình dạng liên kết này là liên kết chuỗi cung ứng ngành dịch vụ du lịch giữa các cơ sở lưu trú, homestay, cơ sở sản xuất truyền thống, nhà vườn, công ty vận tải,… tạo thành hoạt động cung ứng liên tục, khép kín đảm bảo tiện ích và hướng đến ngày một thỏa mãn hơn sự mong đợi của khách hàng.

 

Trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi có 98 HTX, với 8.987 thành viên, vốn điều lệ đăng ký 49,521 tỷ đồng, chiếm 64,47% về số lượng HTX và 16% tổng vốn; bình quân mỗi HTX nông nghiệp có 92 thành viên, vốn điều lệ khoảng 505 triệu đồng; doanh thu đạt khoảng 880 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 28 triệu đồng/HTX.

 

Lĩnh vực thủy sản có 13 HTX, với 17.224 thành viên, vốn điều lệ 7.548 triệu đồng, chiếm 8,55% về số lượng HTX và chiếm 2% trong tổng vốn, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, xâm nhập mặn keo dài và tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động của HTX giảm, doanh thu thấp, ước đạt khoảng 20 tỷ đồng, thấp hơn 7,5 lần so với cùng ky năm 2019. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tổng hợp, tài nguyên, môi trường, nông nghiệp, tín dụng… đều đã tạo lập các chuỗi cung ứng hiệu quả.

 

Chuỗi cung ứng chỉ đề cập đến một loạt các chức năng sản xuất (đầu chuỗi) và marketing (cuối chuỗi) của các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức kinh tế tập thể, chủ yếu là các công ty đầu mối và thường chuỗi cung ứng quan tâm đến các vấn đề hậu cần hơn là việc phát triển thị trường. Nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Kế hoạch số 6390/KH-BNN-KTHT ngày 17/8/2018 Liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp, việc tổ chức liên kết theo chuỗi đã mang lại hiệu quả kinh tế, trung bình tăng khoảng 17-25% so với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm truyền thống. Mặt khác, quá trình liên kết giúp nhiều tổ chức kinh tế tập thể củng cố hoạt động có hiệu quả hơn, doanh nghiệp thu mua nông sản được ổn định, hạn chế được rủi ro do giá cả thị trường biến động; đồng thời chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ được thuận tiện, hiệu quả hơn.

 

Liên kết chuỗi giá trị


Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, tại Khoản 3 Điều 3 quy định: “Chuỗi giá trị là mạng lưới liên kết tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm các giai đoạn tiếp nối nhau từ hình thành ý tưởng, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm đến người tiêu dung”.

Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn qui định tại Khoản 7 Điều 3: “Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

 

Nói đơn giản chuỗi giá trị là một dãy các hoạt động làm tăng giá trị tại mỗi bước trong quy trình, bao gồm: khâu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối, lưu thông, tiếp thị và giao sản phẩm chất lượng đến người sử dụng.


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cả nước có 1.254 chuỗi giá trị được chứng nhận với 1.452 sản phẩm nhưng chỉ khoảng 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Tại Bến Tre, trong thời gian qua, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tạo điều kiện liên kết nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 109 THT, 48 HTX tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có thể kể đến các chuỗi giá trị sau.

 

Chuỗi giá trị dừa với 52 THT, 18 HTX quy mô 3.152,22 ha có 4.348 thành viên, cùng với diện tích liên kết xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ do các doanh nghiệp triển khai thực hiện thì quy mô liên kết hiện nay là 11.768,3 ha, trong đó 10.947,87 ha dừa công nghiệp.

 

Chuỗi giá trị bưởi da xanh với 32 THT, 09 HTX có 1.467 hộ tham gia, tổng diện tích 542,65 ha, trong đó có 18 liên kết tiêu thụ sản phẩm của các THT/HTX với các doanh nghiệp tiêu thụ có tổng số diện tích liên kết tiêu thụ bưởi da xanh của tỉnh trên 330 ha.

 

Chuỗi chôm chôm 22 THT, 05 HTX có 778 hộ tham gia với tổng diện tích 372,69 ha. Chuỗi nhãn có 03 HTX gồm 260 thành viên với diện tích 98,5 ha. Chuỗi Hoa kiểng có 01 HTX với 234 hộ tham gia diện tích 54 ha. Chuỗi con bò có 01 THT, 03 HTX với 204 hộ tham gia có khoảng 1.391 con bò.

 

Chuỗi con heo có 02 THT và 04 HTX với 138 hộ tham gia với khoảng 7.524 con. Chuỗi tôm biển có 01 THT, 03 HTX có 218 hộ tham gia với tổng diện tích 234,28 ha.

 

Đặc điểm các chuỗi giá trị nông nghiệp của Bến Tre hiện nay còn có quy mô nhỏ, phân tán, hợp tác tập thể còn rất hạn chế ở cấp nông hộ, sự gắn kết theo chiều dọc còn yếu; có cấu trúc định dạng của một chuỗi giá trị đơn hơn là chuỗi giá trị mở nên chỉ mới phát triển ở 4 mắc xích cơ bản: thiết kế, sản xuất, tiêu thụ và tái chế là chính; Chất lượng sản phẩm thấp, giá trị gia tăng thấp; chế biến, thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, kiểm soát an toàn thực phẩm là những khâu rất yếu; áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế còn hạn chế. Những hạn chế này đã gây cản trở cho các nhà đầu tư tư nhân vào ngành nông nghiệp vì chi phí cao.

 

Liên kết chuỗi giá trị gia tăng


Diện tích diện tích dừa hữu cơ là 8.691,3 ha, trong đó có chứng nhận hữu cơ là 3.077 ha) chiếm 16,21% tổng diện tích dừa. Dừa công nghiệp có diện tích liên kết xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ do các doanh nghiệp triển khai thực hiện là 7.927 ha thì quy mô liên kết hiện ay 10.947,87 ha. Các doanh nghiệp: Công ty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới, Công ty CP Chế Biến Dừa Á Châu, Công ty CP XNK Bến Tre (BETRIMEX), Công ty TNHH Hào Quang, Công ty TNHH Thực Phẩm Dừa Xanh và Công ty CP Đầu Tư Dừa Bến Tre (BEINCO) gắn kết tiêu thụ với nông dân bằng 2 hình thức: mua trực tiếp dừa trái, dừa hột từ các THT, HTX và xây dựng điểm sơ chế tại cơ sở, các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các THT, HTX với mức giá sàn đảm bảo thu mua ổn định tối thiểu 50.000 đồng/chục dừa. Lũy kế từ năm 2017 các doanh nghiệp đã liên kết tiêu thụ 71.679.623 trái. Bên cạnh việc vận động doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

 

Cơ sở sơ chế dừa: Công ty Lương Quới xây dựng 2 cơ sở sơ chế dừa tại xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam và xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, công suất sơ chế 20.000 trái/ngày tương đương 7 tấn cơm dừa tươi/cơ sở và công ty cũng đang lắp đặt 2 cơ sở khoang lấy nước dừa để đóng họp tại xã Phong Nẫm huyện Giồng Trôm và Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc.

 

Kho cấp đông bảo quản trái cây làm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

 

Xây dựng hệ thống cửa hàng kinh doanh sản phẩm dừa: Từ năm 2017 đến nay, đã hỗ trợ phát triển 03 cửa hàng kinh doanh các sản phẩm dừa và đặc sản của tỉnh trên địa bàn Thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành. Tổ chức thu mua và sơ chế dừa tại các HTX: đến nay có 9/18 HTX đã tổ chức thu mua dừa của thành viên HTX, trong đó chỉ có 1/18 HTX Nông nghiệp Định Thủy tổ chức sơ chế dừa để tăng thêm giá trị trái dừa.

 

Lũy kế từ năm 2017 đến nay là 12 THT có 299 hộ với quy mô 131,35 ha diện tích dừa uống nước và liên kết tiêu thụ với 02 doanh nghiệp: Công ty XNK trái cây Mekong, Công ty TNHH toàn Cầu Trái cây Tươi. Tổng sản lượng dừa uống nước doanh nghiệp đã thu mua trong 6 tháng đầu năm 2020 là 642.141 trái, lũy kế sản lượng dừa doanh nghiệp đã thu mua từ năm 2017 là 2.030.313 trái. Sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh tỉnh Bến Tre đã được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”.

 

Chuỗi giá trị gia tăng bưởi da xanh có 14 THT/HTX liên kết với công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây, 03 HTX liên kết với Hoàng Quý 868, 01 HTX liên kết với công ty VinEco). Ngoài ra, Công ty Hương Miền Tây đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với hơn 400 hộ sản xuất bưởi da xanh với tổng diện tích 108 ha. Tổng số diện tích liên kết tiêu thụ bưởi da xanh của tỉnh trên 330 ha, trong đó diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 278,45 ha. Các HTX/THT bước đầu được tạo được giá trị sản phẩm tăng thêm khi đạt được chứng nhận VietGAP: HTX Tân Trung được cơ sở Hương Miền Tây hỗ trợ 3% giá trị sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu; HTX Tân Thành Bình được cơ sở Hoàng Quý 868 hỗ trợ 2.000 đ/kg (sản phẩm từ có trọng lượng từ 1kg – 1,8 kg). Sản phẩm bưởi da xanh tỉnh Bến Tre đã được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”.

 

Chuỗi gia trị gia tăng chôm chôm đến nay, Công ty Chánh Thu đã có hợp đồng thu mua chôm chôm tại các THT chôm chôm ở xã Hòa Nghĩa, Long Thới (huyện Chợ Lách) nhưng sản lượng chưa nhiều. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp, đôn đốc các HTX/THT ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với các công ty Đại Thuận Thiên, công ty Vạn Lợi. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với địa phương triển khai chứng nhận VietGAP nâng lũy kế diện tích đạt VietGAP với diện tích 113,2ha. Hoàn tất việc xây dựng mã số vùng trồng, nâng lũy kế lên 08 mã vùng trồng chôm chôm với diện tích 88,18 ha. Sản phẩm chôm chôm đã được công nhận nhãn hiệu tập thể do Hội Nông dân huyện Chợ Lách làm chủ đơn.

 

Chuỗi giá trị gia tăng nhãn, các HTX đã hợp đồng với 05 đơn vị đầu vào để thực hiện dịch vụ đầu vào cho thành viên. Kết quả dịch vụ đầu vào là HTX đã thực hiện hợp đồng mua bán phân, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với các đơn vị đầu vào và bán cho khoảng 50% tổng số thành viên. Đầu ra HTX đã ký hợp đồng liên kết với 01 đơn vị đầu ra (Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu) với sản lượng 300 tấn/năm. Tuy nhiên, việc thu mua nhãn đôi khi chưa thực hiện đúng sản lượng như hợp đồng đã ký kết do sản lượng và giống nhãn doanh nghiệp cần mua thì HTX có không nhiều (giống nhãn Idor), hiện tại chủ yếu là giống nhãn xuồng cơm vàng là nhiều ở Tam Hiệp, HTX cũng đã hợp đồng mở 03 đại lý tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên HTX tại chợ Nông sản Thủ Đức. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho HTX Nông nghiệp Long Hòa và Tam Hiệp (huyện Bình Đại). Hỗ trợ HTX kiểm nghiệm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhãn sấy, nhãn xí muội.

 

Chuỗi giá trị gia tăng hoa kiểng đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể Cái Mơn và liên kết với các đại lý, cửa hàng trưng bày giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên HTX tại các tỉnh như: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai. Liên kết với các tỉnh, chợ Đầu mối giới thiệu các lô bán hoa kiểng dịp tết, hội chợ cho các HTX; kiểm tra, giám sát, gắn nhãn hiệu cho từng loại cây; Xây dựng mô hình sản xuất “Phát triển làng nghề hoa giấy” Phú Sơn gắn với du lịch sinh thái. Phối hợp với địa phương tập trung quản lý, đánh giá, giám sát các lớp đào tạo nghề hoa kiểng.

 

Chuỗi giá trị gia tăng con bò đã liên kết đầu vào - đầu ra và đã được công nhận nhãn hiệu chứng nhận bò Ba Tri: HTX nông nghiệp Mỹ Chánh hiện đang phát triển ổn định; HTX Nông nghiệp Mỹ Nhơn, Thạnh Phong: đã tổ chức ký hợp đồng ghi nhớ cung cấp đầu ra với các doanh nghiệp, cơ sở trong tỉnh (cung cấp thức ăn, gieo tinh, thú y, tiêu thụ bò thịt, bò giống) và HTX Nông nghiệp Mỹ Nhơn thực hiện liên kết đầu ra với HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh; THT chăn nuôi bò Phú Long bước đầu đã đứng trung gian thực hiện thu mua cho các thành viên; HTX nông nghiệp Giao Thạnh do mới vận động tham gia hoạt động chuỗi giá trị bò và đang xây dựng mối liên kết đầu vào, đầu ra.

 

Chuỗi giá trị gia tăng con heo với sản phẩm con heo đã được công nhận nhãn hiệu chứng nhận heo Mỏ Cày: THT chăn nuôi heo xã Tiên Thủy liên kết đầu vào, đầu ra với công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Thành Phát; THT chăn nuôi heo xã Tân Lợi Thạnh liên kết đầu vào với Công ty cổ phần Green Feed Việt Nam, tổ chức cho thành viên trong HTX thu gom giao cho cơ sở giết mổ trong tỉnh hoặc thương lái ngoài tỉnh; HTX Nông nghiệp Cẩm Sơn liên kết đầu vào với Công ty CJ Vina Agri, Công ty TI NO (chuyên cung cấp nguyên liệu thức ăn tự trộn), liên kết đầu ra với Công ty TNHH. MTV Thanh Thiêm và tổ chức cho thành viên trong HTX thu gom giao cho doanh nghiệp hoặc thương lái ngoài tỉnh; HTX Nông nghiệp Thành An liên kết với các cơ sở thu mua heo đang hoạt động trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục rà soát hỗ trợ cho Công ty, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kiểm dịch vận chuyển, giết mổ và truy xuất nguồn gốc. Công ty TNHH. MTV Thanh Thiêm (Mỏ Cày Nam) ký được 02 biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm heo với Công ty Vissan và Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền.

 

Chuỗi giá trị gia tăng tôm biển đang xây Chỉ dẫn địa lý và đã hỗ trợ công nhận VietGAP cho 15,15 ha tôm biển với sản lượng cung cấp khoảng 250 tấn/năm. HTX nông nghiệp Mỹ An: Tiếp tục thực hiện thỏa thuận liên kết cung cấp con giống với các công ty TNHH GTS Phương Hà, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại địa phương, Công ty TNHH GTS Sơn Nguyên. Về đầu ra, hợp đồng bán tôm nguyên liệu cho các công ty chế biến thủy sản thông qua doanh nghiệp tư nhân Ngọc Ánh. HTX nuôi tôm biển thâm canh xã Vĩnh An: Thực hiện hợp đồng mua thức ăn với Công ty TNHH Cargill Việt Nam và Công ty TNHH khoa kỹ sinh vật Thăng Long; Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu thì cung cấp sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Về đầu ra, hợp đồng bán tôm nguyên liệu cho công ty thông qua Đại lý Hải Cường. THT nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao Thạnh Phong: liên kết với công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam thông qua Đại lý Bảy An ở địa phương về con giống, thức ăn và các dịch vụ khác.

 

Liên kết chuỗi giá trị toàn cầu


Chuỗi giá trị toàn cầu là sự phát triển của những hoạt động sản xuất trực tiếp và những hoạt động liên quan đến sản xuất, phân phối một sản phẩm xuyên quốc gia, theo nhiều kênh và phương thức khác nhau, với sự tham gia ngày càng nhiều các tác nhân ở các nước mà sản phẩm của chuỗi với đến, từ đó tạo ra sự đa dạng của các chuỗi giá trị và sự đa dạng về quy mô, về giá trị và số lượng tác nhân tham gia vào chuỗi.

 

Dựa vào đặc điểm của chuỗi giá trị toàn cầu, Bến Tre mới hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu hơn là chuỗi giá trị toàn cầu ở các sản phẩm như các sản phẩm chế biến từ dừa, bộ dây điện,…

 

Để phát triển chuỗi giá trị toàn cầu cần tăng cường liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản của tỉnh như thông tin, tuyên truyền về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và các quy chuẩn, tiêu chuẩn, thông tin về thị trường, các mô hình liên kết hiệu quả, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, vùng sản xuất an toàn thực phẩm, các thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, các rào cản kỹ thuật về phòng vệ thương mại… đến các kênh phân phối, người tiêu dùng để ưu tiên trong việc kết nối cung – cầu, lựa chọn tiêu thụ sản phẩm; cung cấp các thông tin về giá cả, xu hướng biến động của thị trường, nông sản để các đơn vị, người sản xuất nắm bắt, chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế các tổn thất cho người nông dân.

 

Tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hoạt động giao thương, trưng bày nông sản thực phẩm của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các chủ thể tham gia vào hệ thống phân phối nước ngoài, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tổ chức đưa các doanh nghiệp phân phối siêu thị, chuỗi thực phẩm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu xuống trực tiếp các vùng sản xuất để hướng dẫn cho HTX, hộ nông dân phương thức bảo quản, thu mua, sơ chế, đóng gói, tem, nhãn mác… nhằm dễ dàng đưa vào kênh tiêu thụ.

 

Áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu. Hỗ trợ nông dân các kiến thức về sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… nhằm sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

 

Nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết của tỉnh Bến Tre năm 2020 đạt 17,39%; Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt 12,11%; Tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước đạt 18,14%.

 

Giải pháp


Ngày 07/12/2020, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ trì Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án Cơ cấu lại Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa X về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 đã chỉ đạo.

 

Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trịcác sản phẩm chủ lực; khai thác và tận dụng tốt lợi thế của tỉnh, xây dựng và phát triển vùng sản xuất với quy mô lớn thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức lại sản xuất, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững,nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường.

 

Tăng cường, đổi mới chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và người dânvềmục tiêu, ý nghĩa, nội dung của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhất là xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị, trong đó cần chú trọng tuyên truyền các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, khuyến khích nhân rộng. Xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực (cây, con) để có hướng tập trung đầu tư, phát triển.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương; tổ chức lại sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển đa dạng các hình thức liên kết; phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án, quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp bảo đảm mục tiêu, định hướng và tham mưu các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất, canh tác; phát triểnsản xuất nông nghiệp theo hướngsản xuất sạch, tiết kiệm, an toàn, nhất là trong lĩnh thủy sản. Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các ngành địa phương thực hiện nghiên cứu tham mưu các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, triển khai tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX; chính sách hỗ trợ liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu, cân đối, bố trí kinh phí thực hiện, ưu tiên vốn cho ngành nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại, xây dựng nông thôn mới và tăng cường năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ,... nhằm tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệptrên thị trường. Phối hợp với, các ngành, địa phương xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, hướng dẫn triển khai áp dụng quy trình quản lý hiện đại; hỗ trợ đăng ký, quản lý và bảo vệ phát triển sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

 

Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu, đề xuất các chính sách đất đai theo hướng tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và quản lý, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện phát triển nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên; khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực nông nghiệp nông thôn.

 

Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu đề xuất chính sách thương mại hàng nông lâm thủy sản; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại. Phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ các THT, HTX thực hiện tốt hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối sản phẩm đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh.

 

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành địa phương, nghiên cứu, ưu tiên phân bổ nguồn ngân sách tỉnh, kết hợp với thực hiện lồng ghép từ các nguồn vốn khác để tập trung thực hiện tốt các chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp; phát triển kinh tế tập thể, nhất là HTX tham gia xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

 

Liên minh Hợp tác xã tỉnh phát huy tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, hình thành mạng lưới tư vấn, vận động thành lập mới HTX, liên hiệp HTX, THT trên các lĩnh vực; nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX gắn với phát triển làng nghề và du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, các HTX liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý, điều hành; phối hợp tốt với các cấp, các ngành của tỉnh thực hiện có hiệu quả Kếhoạch và Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh.

 

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc quyền quản lý, các xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp của địa phương phù hợp hơn với thực tiễn và với Kế hoạch chung của ngành trong thời gian tới. Phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, vận động toàn dân tích cực tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới. Phối hợp các sở, ngành tỉnh chủ động lồng ghép các chương trình, dự án nhằm đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch sinh hoạt nông thôn,... tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, hỗ trợ hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn.

 

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022