Nghiệm thu đề tài “đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (fdi) đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre”

Ngày 12/12/2020, tại sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, Hội đồng nghiệm thu đề tài “Đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre” do TS. Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia Tp Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm đề tài.

 

Hội đồng nghiệm thu đề tài do TS. Lâm Văn Tân là Chủ tịch gồm 9 thành viên sau khi nghe chủ nhiệm đề tài và nhóm thực hiện báo cáo tóm tắt, giải trình, bổ sung câu hỏi phản biện đã bỏ phiếu kín nhất trí đánh giá đề tài đạt yêu cầu và thống nhất nghiệm thu hoàn thành nhiệm vụ khoa học đầu tiên về doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bến Tre.

 

Đề tài đã đáp ứng yêu cầu, mục tiêu nhiệm vụ nghiên cứu đã đặt ra, trên cơ sở các số liệu lưu trữ của tỉnh, dữ liệu khảo sát và dữ liệu phỏng vấn phong phú, đa dạng, nhiều chiều và tương đối chính xác, đáng tin cậy do nhóm nghiên cứu thực hiện đã phân tích một cách xác đáng tình hình thực tế để đánh giá tác động của dòng đầu tư FDI đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre, từ đó khẳng định FDI là một trụ cột quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, tác động của đầu tư từ FDI có hai mặt: tích cực và tiêu cực; trong đó, tác động tích cực của đầu tư FDI chưa thể hiện rõ nét bởi còn lệ thuộc năng lực thẩm thấu của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng có liên quan của địa phương gồm: năng lực cạnh tranh, chất lượng lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, nhất là lệ thuộc vào năng lực quản trị công của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

 

Đặc biệt, đề tài đã đánh giá khả năng tham gia chuỗi cung ứng với doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp địa phương cho thấy: doanh nghiệp địa phương là những doanh nghiệp nhỏ với tiềm lực tài chính khiêm tốn nên không đủ nguồn vốn để mua nguyên vật liệu, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để đảm bảo quy mô sản xuất cho các đơn hàng lớn của doanh nghiệp FDI. Vì vậy có thể nói tình trạng thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đang là một thử thách lớn đối với doanh nghiệp nội địa tại Bến Tre, và chỉ đến khi nào có chính sách hỗ trợ tốt và phù hợp cho doanh nghiệp địa phương thì doanh nghiệp địa phương mới có thể phát triển mạnh và có cơ hội hợp tác với khối doanh nghiệp FDI, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp FDI cùng phát triển.

 

Đề tài cũng đã xác định được 5 yếu tố cơ bản tác động đến dòng FDI đầu tư vào tỉnh Bến Tre gồm: GRDP của Bến Tre; Đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân nội địa; Trình độ phát triển công nghệ của Bến Tre; Chi tiêu công và sự ổn định về chính trị, an ninh, trật tự xã hội. Trong 5 yếu tố này theo ông Nguyễn Văn Quới, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh-Ủy viên phản biện của đề tài, vấn đề Phát triển, nâng cao trình độ kỹ thuật - công nghệ của địa phương: cụ thể là khuyến khích chuyển giao công nghệ, cam kết đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, liên kết nghiên cứu với các trường, viện trong và ngoài tỉnh có ý nghĩa quan trọng và liên quan đến vai trò điều phối của ngành khoa học và công nghệ.

 

Với quá trình nghiên cứu công phu, dù chịu ảnh hưởng bất lợi do đại dịch COVID-19, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đề tài đáp ứng yêu cầu đề tài đặt ra, bức toàn cảnh doanh nghiệp nước ngoài tại Bến Tre lần đầu tiên được công bố; qua đó khẳng định doanh nghiệp FDI ở Bến Tre có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nổi bật nhất là tạo ra nhiều việc làm, người lao động có thu nhập, cải thiện nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như là gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI còn bổ sung cho nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh. Từ đó giúp gia tăng vị thế của tỉnh trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế cũng như thị trường toàn cầu, góp phần thúc đẩy kết nối Bến Tre với thị trường khu vực, cả nước và thế giới. Đây là một trong những đóng góp vô hình, không thể lượng hoá được của doanh nghiệp FDI tại Bến Tre.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý