Bến Tre phát triển kinh tế tư nhân

Tình hình phát triển doanh nghiệp đến năm 2020


Với nỗ lực thực hiện Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong việc kiến tạo môi trường khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong 03 năm qua, doanh nghiệp (DN) tỉnh Bến Tre không ngừng phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng; tính đến cuối tháng 11/2020, toàn tỉnh đã có 1.523 đơn vị trực thuộc và 2.500 DN thành lập mới (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội X nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ tỉnh Bến Tre là 1.500 DN); trong đó: có 400 hộ kinh doanh chuyển lên DN (đạt 52,5%), 436 DN khởi nghiệp (đạt 64,2%); 06 DN khoa học công nghệ). Lũy kế đến 11/2020, toàn tỉnh có 4.709 DN, vốn đăng ký đạt 40.605 tỷ đồng; trong đó: có 3.637 DN đang hoạt động, vốn đăng ký đạt 35.364 tỷ đồng (bình quân 9,72 tỷ đồng/DN); có hơn 2.000 hộ cá thể thành lập mới, lũy kế toàn tỉnh có 50.457 hộ kinh doanh, vốn đăng ký 6.403 tỷ đồng (bình quân 129 triệu đồng/hộ kinh doanh). Bình quân khoảng 300 người dân/01 DN, giải quyết việc làm cho hơn 79.000 lao động.

 

Ngày càng nhiều DN có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao trên nhiều lĩnh vực (chế biến dừa; chế biến nông-thủy sản; xuất khẩu trái cây tươi,...) tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, EU,...  DN trong tỉnh ngày càng chú trọng hơn đến việc quản trị, đào tạo và nâng cao chất lượng lao động, nhất là về kỹ năng, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Số lượng DN quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường ngày càng tăng. Nhiều DN mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

 

Tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP và tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2018-2020, có thể nhận thấy: tỷ lệ đóng góp vào GRDP chung toàn tỉnh đạt thấp, chỉ chiếm gần 20% tổng GRDP toàn tỉnh, tỷ lệ này không tăng qua các năm. Xét về tỷ lệ đóng góp vào vốn đầu tư toàn xã hội, khu vực kinh tế tư nhân chỉ chiếm khoảng trên dưới 20% qua từng năm.

 

Hoạt động khoa học và công nghệ được quan tâm đầu tư có nhiều tiến bộ; đầu tư cho khoa học và công nghệ bình quân chiếm 0,25% ngân sách. Các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng ngày càng thiết thực, hiệu quả; nghiên cứu phát triển (R&D) được chú trọng. Hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp góp phần tạo ra sản phẩm mới, năng suất cao, chất lượng bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn của các thị trường khó tính, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

 

Trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện tốt việc sắp xếp DN nhà nước (DNNN); đôn đốc, hướng dẫn việc cổ phần hóa các doanh nghiệp, hoàn thành thủ tục, hồ sơ bàn giao sau khi cổ phần hóa. Đồng thời, hướng dẫn hoàn thành thoái vốn nhà nước tại một số DN theo kế hoạch đề ra. Tính đến nay, đã có 05 DN được cổ phần hóa: Công ty Cổ phần Xây dựng và Bảo trì cầu đường; Công ty cổ phần cấp nước sinh hoạt Châu Thành; Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre; Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre và Công ty cổ phần Đăng kiểm và Dịch vụ giao thông.

 

Tình hình hỗ trợ DN tư nhân


Trong giai đoạn 2018-2020, ngành ngân hàng trên toàn tỉnh đã cho vay 7.165 lượt DN với tổng số tiền đạt 59.446 tỷ đồng; dư nợ đến cuối tháng 6/2020 đạt 9.200 tỷ đồng. Trong đó, gói tín dụng Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển DN đã cho 462 DN khởi nghiệp vay với lãi suất ưu đãi tổng số tiền 1.360 tỷ đồng; 642 DN mở rộng sản xuất kinh doanh với số tiền 4.087 tỷ đồng; 204 hộ kinh doanh mới thành lập vay số tiền 159 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung hỗ trợ cho DN từ nhiều nguồn vốn từ: Quỹ đầu tư khởi nghiệp, Quỹ khoa học và công nghệ, Quỹ PPP của Dự án AMD Bến Tre và các nguồn vốn khác (Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ/bảo lãnh tín dụng cho 18 dự án với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng; Quỹ Khoa học và Công nghệ cho vay/hỗ trợ 08 dự án với số vốn 15 tỷ đồng; Dự án AMD Bến Tre 502 dự án, 62,5 tỷ đồng; còn lại là các nguồn hô trợ khác). Nhìn chung, các nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp phần lớn từ nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng thương mại và chủ yếu được lồng ghép từ các chương trình, dự án của ngành, địa phương.

 

Hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DN được quan tâm và được coi là nền tảng để phát triển bền vững và gia tăng năng suất, chất lượng; tập trung vào hỗ trợ ứng dụng công nghệ, đối mới sáng tạo trong sản xuất. Trong 03 năm qua, đã tư vấn hơn 70 lượt cho các DN về sở hữu công nghiệp, quản trị tài sản trí tuệ; hướng dẫn 26 cơ sở và DN về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm.

 

Hàng năm đều tiến hành khảo sát, ươm tạo những DN tiềm năng trở thành DN khoa học và công nghệ; lũy kế đến nay đã được 07 DN khoa học công nghệ (Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, Công ty TNHH Kỹ Thuật Dừa, Công ty Cổ phần Sa Sâm Việt, Công ty TNHH SX TM sản phẩm sạch Thiên Phúc, Công ty CP Vinaherb, Công ty TNHH thủy sản công nghệ cao Aquatex BếnTre) với 29 sản phẩm, nhóm sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN; Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường liên kết với các viện, trường và các đơn vị nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp tham quan, học tập trong việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong sản xuất. Đồng thời, cung cấp thông tin, tổ chức hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, giới thiệu 29 doanh nghiệp tham gia các phiên chợ thiết bị công nghệ, giới thiệu, chào bán, quảng bá sản phẩm, qua đó, có có 04 hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa 02 doanh nghiệp của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước được ký kết, góp phần tạo ra các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm từ dừa có giá trị gia tăng cao với tổng giá trị các hợp đồng là trên 253 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ DN có hoạt động đổi mới sáng tạo còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, chỉ đạt xấp xỉ khoảng 12%.

 

 

Một số sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN. Ảnh KT.



Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022