Kết quả đạt được từ dự án chăn nuôi lợn thịt theo hướng an toàn sinh học

Ngày 25/12/2020, Trung tâm Khuyến nông Bến tre đã tổng kết đánh giá mô hình “chăn nuôi lợn ngoại theo hướng an toàn sinh học tại các tỉnh Nam Bộ” từ nguồn vốn của Khuyến nông Trung ương. Theo kết quả đánh giá, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

 

Ông Nguyễn Chánh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bến tre phát biểu trong buổi tổng kết mô hình.

 

Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Bến tre phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang thực hiện mô hình Chăn nuôi lợn thịt (lợn ngoại) theo hướng an toàn sinh học” thuộc dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn ngoại theo hướng an toàn sinh học tại các tỉnh Nam bộ”, từ nguồn kinh phí Khuyến nông Trung ương nhằm chuyển giao qui trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo công tác vệ sinh thú y, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Trong hoàn cảnh dịch tả lợn Châu phi đã và đang xảy ra trong tỉnh và trên cả nước, việc triển khai mô hình này xem như một luồng kích thích mạnh mẽ cho phong trào chăn nuôi heo của tỉnh nhà.

 

Dự án được triển khai thực hiện tại xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Dự án đã chọn 10 hộ tham gia với qui mô 100 con heo giống nuôi thương phẩm. Đây là một trong những xã thuộc diện khó khăn (bãi ngang) của tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với địa phương chọn các nông hộ tham gia đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chuồng trại, phù hợp với nội dung, quy trình kỹ thuật của dự án đặt ra, có kinh nghiệm và trình độ chăn nuôi heo; có đủ vốn đối ứng, tham dự đầy đủ các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hội thảo tổng kết, ghi chép sổ sách chăm sóc và theo dõi đàn heo theo yêu cầu của dự án. Việc giao nhận vật tư thức ăn, thuốc thú y và con giống được kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của hộ dân và đảm bảo đúng theo yêu cầu của dự án. Khi nhận vật tư và heo giống, các hộ rất phấn khởi và hứa hẹn sẽ quản lý, chăm sóc chu đáo đảm bảo sinh trưởng phát triển tốt và không để xảy ra dịch bệnh.

 

Theo ông Hồ Văn Truyền, đại diện nhóm hộ tham gia dự án báo cáo trong buổi tổng kết: do điều kiện thay đổi từ trại nơi cung cấp heo giống (nuôi chuồng lạnh) khi về các hộ nuôi là chuồng hỡ đã có sự xáo trộn về nhiệt độ. Vì vậy đàn heo lúc nhận về đa phần bị tiêu chảy. Sau khoảng thời gian chăm sóc và nuôi dưỡng sau 1 tuần đa số đàn heo được ổn định về tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên một vài hộ cũng bị rủi ro, gây hao hụt với tỉ lệ chết 12% trên tổng đàn. Đến nay, tăng trọng bình quân đạt trên 60kg/con. Ông Truyền cho biết đến trước tết nguyên đán này đàn heo sẽ đạt trọng lượng xuất chuồng 100kg/con, lúc đó giá heo hơi sẽ tăng cao cũng là điều đáng mừng cho người chăn nuôi.

 

Ông Hồ Văn Truyền phát biểu trong buổi tổng kết.

 

Qua báo cáo nhận xét, đánh giá kết quả mô hình của bà Lương Thị Thanh cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Mỏ Cày Nam, phụ trách theo dõi mô hình cho biết: đàn heo có mức sinh trưởng phát triển tốt tăng trọng bình quân đạt 778 gram/con/ngày vượt hơn so với yêu cầu của mô hình đề ra. Tại thời điểm hiện nay trọng lượng bình quân là 60 kg/con, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, sau 4 tháng nuôi đàn heo sẽ đạt trọng lượng bình quân trên 100kg/con. Nếu giá bán heo hơi như hiện nay là 70.000 đồng/kg thì trừ tất cả các chi phí đầu tư người chăn nuôi ước tính sẽ lợi nhuận khoảng 500.000 đ/con. Ngoài ra, mô hình hỗ trợ tái đàn cho người chăn nuôi heo khi họ vẫn lo ngại về dịch bệnh nên chưa mạnh dạn đầu tư. Kết quả mô hình đã giúp người dân an tâm duy trì và phát triển nghề chăn nuôi heo trong tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra và giải quyết công ăn, việc làm cho các hộ gia đình. Đồng thời nâng cao ý thức, kinh nghiệm cho các hộ chăn nuôi trong việc áp dụng biện pháp an toàn sinh học phòng bệnh cho vật nuôi.

 

Trong buổi tổng kết mô hình, ông Cao Văn Beo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới B đại diện cho bà con nông dân xã nhận xét: các hộ tham gia mô hình đều đảm bảo nuôi heo theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và ghi chép sổ sách đầy đủ theo hướng dẫn và thực hiện đúng quy trình phòng các bệnh thường xảy ra trên heo. Điều đáng mừng là đến thời điểm hiện nay, trên đàn heo của các hộ tham gia mô hình chưa xảy ra dịch bệnh trong khi ở nhiều nơi dịch tả lợn Châu Phi đang diễn ra. Điều này đã khẳng định mô hình Chăn nuôi lợn thịt (lợn ngoại) theo hướng an toàn sinh học” bước đầu thành công và mang lại hiệu quả cao. 

 

Ông Cao Văn Beo phát biểu trong buổi tổng kết.   

 

Ông Lữ Hoàng Văn phát biểu trong buổi tổng kết.

 

Nhiều ý kiến của đại biểu tham dự đã đánh giá cao kết quả đạt được của mô hình. Theo ông Lữ Hoàng Văn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A: hiện nay  việc tái đàn heo tại địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài vấn đề con giống đang khan hiếm thì dịch bệnh luôn là mối đe dọa cho người chăn nuôi. Kết quả từ mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học mà Trung tâm Khuyến nông đầu tư đã cho thấy qui trình chăn nuôi an toàn sinh học rất hiệu quả, mang lại ý nghĩa rất to lớn cho việc nhân rộng mô hình tại các địa phương trong tỉnh.

 

Phát biểu kết luận trong buổi tổng kết, ông Nguyễn Chánh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông một lần nữa khẳng định mô hình bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, đàn heo hiện nay vẫn chưa đến thời điểm xuất chuồng. Vì vậy, để đảm bảo đàn heo của các hộ chăn nuôi trong vùng dự án phát triển tăng trọng tốt và không xảy ra dịch bệnh, ông đề nghị cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình nên theo sát địa bàn và tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật cho các nông hộ tham gia mô hình thực hiện các biện pháp cách ly, vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh đã xảy ra. Riêng các hộ sẽ tiếp tục chăm sóc đàn heo đảm bảo tăng trưởng tốt, tuân thủ đúng qui trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho đến khi xuất chuồng và tiếp tục đánh giá hiệu quả để nhân rộng mô hình.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý