Khởi nghiệp với mô hình nước giải nhiệt nha đam

Nhận thấy cây nha đam là một trong những loại cây có rất nhiều dược tính và công dụng tốt cho sức khỏe và sắc đẹp nguyên liệu lại có sẵn tại địa phương, vào đầu năm 2019 đến nay, chị Ngô Thị Cẩm Vân, ấp Phú Ngãi, xã Phú An Hòa đã mạnh dạn thành lập cơ sở do chính bản thân mình làm chủ. Chị đã khởi nghiệp thành công với mô hình nước giải nhiệt nha đam với thương hiệu “nước nha đam ngon Ngọc Vinh” với mong muốn cung cấp thức uống sạch với phương pháp nấu thủ công bằng những nguyên liệu sạch, mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng.

 

Khởi nghiệp với cây nha đam


Trao đổi với chúng tôi, chị Cẩm Vân cho biết: Khi bắt tay vào sản xuất, chị phải gặp với một số khó khăn trên thương trường như: sản phẩm chưa được người tiêu dùng biết đến, cạnh tranh với các sản phẩm khác, thị trường tiêu thụ không nhiều… Nhưng với sự tự tin vào sản phẩm, chị không những chú trọng chất lượng vào sản phẩm mà còn đẩy mạnh sản xuất, chào hàng đến người tiêu dùng, các trạm dừng chân trên địa bàn… được người tiêu dùng đón nhận. Bởi, sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: Thanh nhiệt, đào thải độc tố, trị viêm loét dạ dày tá tràng hiệu quả, hạ đường huyết rất tốt cho người tiểu đường, giảm cân an toàn và làm đẹp da. Khách hàng Hồ Nguyễn Ngọc Tuyền – xã Tân Thạch cho biết: “So với các sản phẩm giải nhiệt khác trên thị trường, tôi thấy nước nha đam này mát, có vị dịu ngọt, không làm gắt cổ. Hạt nha đam rất giòn thích hợp cho mọi người, an toàn cho sức khỏe nên tôi cảm thấy rất yên tâm khi sử dụng lâu dài”.

 

Cây nha đam. Ảnh KT.


 

Chị Ngô Thị Cẩm Vân sơ chế nha đam. Ảnh TL


 

Chị Vân bên sản phẩm khởi nghiệp nước giải nhiệt nha đam. Ảnh TL

 

Hiện nay, trung bình một tuần chị Cẩm Vân sẽ sản xuất 3 đợt hàng, với số lượng khoảng 3.000 chai nước mỗi tháng cung ứng trên 20 điểm vệ tinh trong và ngoài tỉnh. Theo chị Vân, mỗi đợt sản xuất, chị sử dụng khoảng 50 kg nha đam, 5kg lá dứa được chị nấu cùng đường phèn nhằm tạo vị thanh mát, an toàn cho người tiêu dùng. Nguyên liệu được chị mua trực tiếp từ các nông dân địa phương. Chị Cẩm Vân vui vẻ nói: “Trong kinh doanh tôi chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, và để giữ hương vị riêng thơm ngon của nha đam, tôi đã sử dụng lá dứa hương, màu xanh tự nhiên. Hiện, thịt nha đam tôi sơ chế bằng thủ công qua nhiều giai đoạn: như cắt bỏ phần chỉ, tránh vị đắng và làm đẹp nước khi nấu, khi xắt hạt lựu thịt nha đam xong tôi trần qua nước sôi, sau đó mới ủ đá. Để có màu nước xanh nhạt, đẹp, tôi phải trung hòa nguyên liệu sao cho vừa đủ, bảo quản sau 14 ngày vẫn còn thơm của mùi lá dứa, không sử dụng hóa chất. Đặc biệt, quan trọng nhất là cách sử dụng nước lá dứa không nên quá đậm sẽ gây ra vị đắng, còn nhạt quá thì sẽ không thơm. Và một điều quan trọng là khi nấu, tôi giữ lửa xuyên suốt, vì nếu lửa tắt sẽ mất vị hương của lá dứa”.

 

Từ đam mê đến bén duyên và gắn bó với cây nha đam


Hiện nay, chị Ngô Thị Cẩm Vân không những tạo thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức thu nhập của nhân công dao động từ 150.000 đồng-200.000 đồng/ngày. Hiện sản phẩm nước nha đam Ngọc Vinh đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu độc quyền và đầu năm 2021 này, chị Vân sẽ đưa sản phẩm này tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Ocop) tại địa phương.

 

Để khởi nghiệp thành công đã là một việc khó, song với phụ nữ việc khởi nghiệp thành công còn khó hơn rất nhiều. Nhưng chị Ngô Thị Cẩm Vân đã thực hiện được điều đó, bởi sự nhiệt huyết của chị đã kết hợp các yếu tố về kinh nghiệm, mạnh dạn, tự tin cẩn trọng từ quy trình chế biến, bảo quản, đóng chai, đến đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều gương hội viên phụ nữ mạnh dạn, nỗ lực, quyết tâm khởi nghiệp phát triển kinh tế, làm giàu, khẳng định vai trò, vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội như chị Ngô Thị Cẩm Vân.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022