Triển vọng Bến Tre gia nhập thị trường tiềm năng các-bon

Từ ngày 01/01/2022 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành nhưng hiện nay các văn bản dưới luật chưa được đồng bộ, xong tiến tới xây dựng, hình thành và phát triển thị trường các-bon sẽ giúp Việt Nam thực hiện thành công việc giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp quốc gia tự quyết định thực hiện Thỏa thuận Paris, phát huy tiềm năng trong giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực mới cho việc tăng trưởng kinh tế theo hướng các bon thấp và phát triển bền vững.

 

Tiềm năng thị trường các-bon


Đến nay, trên thế giới đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá các-bon với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát là 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Nguồn thu từ định giá các bon toàn cầu năm 2019 là 45 tỷ USD, hơn 14.500 công ty, cơ sở tham gia thực hiện định giá các-bon và tạo ra hơn 4 tỷ tín chỉ các-bon. 

 

Thực tế, tín chỉ các-bon đã xuất hiện ở Bến Tre từ nhiều năm nay như triển khai các Dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Nghị định thư Kyoto và dự án hợp tác với đối tác quốc tế để trao đổi tín chỉ phát thải như thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ Dự án khí sinh học trong chăn nuôi…

 

Việc phát triển thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 

Sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế như thuế, phí,ký quỹ bảo vệ môi trường, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường, tín chỉ các-bon... buộc doanh nghiệp, đơn vị phát thải lớn phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải. Đối tượng mua đầu tiên là những hãng hàng không, vì họ phải tuân thủ cơ chế giảm và bù đắp các-bon (CORSIA) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế và theo quy định của Liên minh châu Âu. Ví dụ như máy bay bay qua không phận châu Âu phải đạt mức các-bon cân bằng (carbon neutral) theo quy định của EU nếu không muốn phải chịu mức phạt khá cao. Nếu không thể giảm phát thải, họ có thể mua tín chỉ các-bon để bù đắp lượng phát thải của mình và chắc chắn sẽ xuất hiện những giao dịch quốc tế tự phát như hiện nay đã có.

 

Các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được chi trả bao gồm (Điều 138): Dịch vụ môi trường rừng của hệ sinh thái rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; Dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản; Dịch vụ hệ sinh thái biển phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản; Dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phục vụ mục đích hấp thụ và lưu trữ các-bon, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

 

Bên cạnh đó, một loại hàng hóa tiềm năng khác là hạn ngạch phát thải do cơ quan Nhà nước giao cho các doanh nghiệp, đơn vị; tín dụng xanh, chứng chỉ xanh, trái phiếu xanh, hệ thống giao dịch phát thải (ETS) để chuẩn bị sẵn sàng tham gia sàn giao dịch thị trường các-bon.

 

Triển vọng Bến Tre gia nhập thị trường các-bon


Gia nhập thị trường từ các mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

 

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn


Rõ nét nhất trong hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sản phẩm bánh hoa dừa được làm từ nguyên liệu cơm dừa có phối trộn các nguyên liệu sẵn có thành các hương vị tự nhiên, riêng có của Bến Tre như bánh hoa dừa vị dừa, vị sầu riêng, vị ca cao đã định hình một thương hiệu riêng biệt cao gấp nhiều lần so sản phẩm trước đó. Cơm dừa sinh ra từ công đoạn vắt ép lấy nước cốt dừa để làm kẹo dừa đã trở thành sản phẩm đầu vào của bánh hoa dừa. Vỏ lụa bị thải bỏ từ công đoạn gọt vỏ lụa của trái dừa sơ chế cơm dừa đã được thu gom và trở thành nguyên liệu đầu vào của các cơ sở chế biến dầu dừa sử dụng công nghệ ly tâm không gia nhiệt nhằm thu hồi lượng dầu dừa còn sót lại và phần cơm dừa bám dính ở vỏ lụa; sau khi tách và lấy hết dầu dừa trong vỏ lụa sẽ thải bỏ ra xác bã dừa; xác bã dừa trở thành nguyên liệu đầu vào của các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi.

 

Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, ứng dụng, thương mại thành công thiết bị và quy trình sản xuất sản phẩm nước rửa tay từ dầu dừa bằng phương pháp xà phòng hóa, có quy mô 40 lít/mẻ với 4 loại sản phẩm dầu dừa có kết hợp tinh dầu chanh, tinh dầu cam, tinh dầu bạch đàn, tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế đạt yêu cầu về hiệu quả tẩy rửa, cảm quan, kháng vi sinh, có nguồng gốc tự nhiên, không chứa các hạt vi nhựa. Một số công ty chế biến dừa ở Bến Tre đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gói sản phẩm bằng công nghệ Tetra Pak như hộp đựng nước dừa, hộp đựng nước tinh khuyết, đựng nước ép trái cây; Hộp giấy Tetra Pak có kết cấu gồm 6 lớp độc đáo giúp mang lại nhiều lợi ích bảo quản thực phẩm, trong đó: 75% bột giấy và 21% polyme giúp hộp có cấu trúc bền hơn, nhẹ hơn, dai hơn; Tetra Pak đã thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Sở Khoa học và Công Bến Tre đang tiến hành nhiệm vụ khoa học và công nghệ Nghiên cứu quy trình sản xuất giấy bao bì, đóng gói từ nguồn nguyên liệu cây dừa.

 

Nổi bật trong hoạt động nông nghiệp địa phương với sự thành công của mô hình bò – cá – cỏ triển khai ở Ba Tri và được nhân rộng ra khắp các vùng đất giồng cát trên phạm vị toàn tỉnh. Đây là mô hình xuất phát từ sự kế thừa, có cải tiến từ mô hình VAC (vườn – ao – chuồng) cho phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán, phương thức canh tác của địa phương dựa trên nền tảng chuỗi cung cấp thức ăn. Sau này phát triển thêm mắc xích trùn quế vào chuỗi trở thành mô hình: bò - trùn quế - cá - cỏ trở thành mô hình hoàn thiện hơn. Mô hình VAC có kết hợp lắp đặt hầm biogas để thu hồi khí thải từ vật nuôi làm chất đốt cung cấp nhiệt lượng và điện năng cho hoạt động sản xuất hoặc sử dụng đệm lót sinh học để giảm phát thải khí sinh học. Bến Tre nghiên cứu thành công và áp dụng rộng rãi mô hình xử lý rác thải hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp như nhờ áp dụng công nghệ tách chất tanin đã biến phế thải mụn dừa thành đất sạch hoặc cơ chất làm giá thể, ứng dụng công nghệ sinh học với tập đoàn vi sinh vật EM đã biến mụn dừa thành phân bón hữu cơ phục vụ canh tác sạch, hữu cơ; biến vỏ cacao thành thức ăn giàu dinh dưỡng cung cấp cho chăn nuôi.

 

Nông nghiệp đô thị có mô hình Aquaponics là sự kết hợp giữa Aquaculture còn gọi là nuôi trồng thủy sản và Hydroponics hay nuôi trồng thủy canh. Trong mô hình này cá và rau sẽ được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn. Cá ăn thức ăn và tạo ra chất thải, vi khuẩn nitrite/nitrate hóa sẽ chuyển hóa chất thải của cá từ bể nuôi cá sang dạng dinh dưỡng hữu cơ phù hợp cho cây trồng phát triển. Nước được lọc sạch bởi cây trồng và cung cấp ngược trở lại cho bể cá. Đây là mô hình khép kín, tuần hoàn tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh.

 

Phát triển năng lượng sinh khối từ cây dừa


Tổng diện tích dừa toàn tỉnh đến nay là 72.450 ha, tăng 0,18% so cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng chủ yếu là dừa xiêm xanh uống nước vì hiệu quả từ loại trái dừa này khá cao và dừa Bến Tre trở thành cây cung cấp năng lượng sinh khối hoàn toàn sạch và hấp thụ khí nhà kính hiệu quả hiện nay nhằm phát triển vùng nguyên liệu cây dừa đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC và dịch vụ hệ sinh thái rừng trồng.

 

Sản lượng dừa trái hàng năm đạt 637,9 triệu trái; trữ lượng gỗ dừa khai thác dồi dào và liên tục được bổ cấp tăng dần hàng năm, sản lượng đạt tới 4.441.651,2 m3 gỗ dừa xẻ; Trữ lượng sinh khối củi dừa của cây dừa trưởng thành (tàu lá, lá, quày dừa) khoảng 466.867 tấn/năm.Tổng trữ lượng năng lượng sinh khối dừa Bến Tre hàng năm đạt tới 56,05 tỷ MJ, trong đó: với nhiệt trị trung bình trái dừa khô (vỏ và gáo dừa) có giá trị gia nhiệt là 5.535 kcal/kg trữ lượng năng lượng thu được từ  637,9 triệu trái có năng lượng phát tải 14,78 tỷ MJ; từ 4.441.651,2 m3 gỗ dừa xẻ khai thác đạt ngưỡng 36,2 tỷ MJ với nhiệt trị trung bình của thân gỗ dừa trong điều kiện không khí khô đã được tìm thấy vào khoảng 16,3 MJ/kg và từ 466.867 tấn (tàu lá, lá, quày dừa) có nhiệt trị trung bình 2.595,61 kcal/kg sẽ giải phóng dung lượng 5,07 tỷ MJ.

 

Phát triển khả năng hấp thụ khí nhà kính từ cây dừa


Ngoài việc cung cấp năng lượng sinh khối sạch cây dừa còn nguồn nguyên liệu đầu vào khá tốt để phát triển dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phục vụ mục đích hấp thụ và lưu trữ các-bon. Kết quả qua nghiên cứu này đã cho thấy cây dừa ở tỉnh Bến Tre có khả năng hấp thụ một lượng CO2 đáng kể. Theo kết quả nghiên cứu khoa học của Đề tài: “Ước lượng khả năng hấp thụ CO2 của cây dừa qua sinh khối tại huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre” do nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Trúc và Lê Anh Tuấn thuộc Khoa Môi trường & Tài nguyên Thiên nhiên Trường Đại học Cần Thơ thực hiện, cho thấy: Cây dừa ở cấp tuổi 4 sẽ có khả năng hấp thụ được khoảng 24,518 tấn CO2/ha và20,4583 tấn CO2/ha tương ứng đối với hai nhóm giống dừa cao và thấp. Lượng CO2 cây dừa hấp thụ tăngcaokhi cây được 10 năm tuổi. Cụ thể ở nhóm giống dừa cao sẽ hấp thụ được 75,2436 tấn CO2/ha và ở nhóm giống dừathấp là69,9189tấnCO2/ha. Như vậy, vườn dừa càng lớn tuổi thì khả năng hấp thụ carbon càng lớn, điều có ý nghĩa trong giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bất thường của thiên tai.

 

Từ kết quả nghiên cứu này, có thể tính toán lượng CO2 được hấp thụ của 12.430 ha diện tích trồng giống dừa thấp ở tỉnh Bến Tre, chiếm 17,16% trong tổng diện tích dừa của tỉnh, đạt đến 310.750 tấn CO2/năm và lượng CO2 được hấp thụ của 60.020 ha diện tích trồng giống dừa cao, chiếm 82,84% trong tổng diện tích trồng dừa của tỉnh, vào khoảng 4.501.500 tấn CO2/năm. Như vậy, hàng năm tổng lượng CO2 được hấp thụ của rừng dừa Bến Tre có thể vượt ngưỡng 4,8 triệu tấn và dĩ nhiên, rừng dừa Bến Tre rất có ý nghĩa trong giảm thiểu các tácđộng tiêu cực của biến đổikhí hậu và bất thường của thiên tai.

 

Với vai trò cung cấp năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kinh, cây dừa Bến Tre góp phần kéo giảm tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh đạt mức 4%.

 

Phát triển điện gió


Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bến Tre giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã quy hoạch khu vực tiềm năng phát triển dự án điện gió với 03 vùng quy hoạch, cụ thể như sau:

 

Vùng 1 có khu vực phân bố:bãi bồi, ven biển huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú với diện tích là 32.340 ha, công suất dự kiến 1.250 MW, vận tốc gió trung bình/năm 6,6 m/s.Vùng 2 thuộc phần đất liền huyện Thạnh Phú, diện tích 3.710 ha, công suất 150 MW, vận tốc gió trung bình/năm 6,4 m/s.Vùng 3khu vực phân bố là phần đất liền huyện Bình Đại có diện tích là 3.300 ha, công suất dự kiến 1.20 MW, vận tốc gió trung bình/năm 6,6 m/s. Tổng diện tích 3 vùng là 39.350 ha với công suất dự kiến 1.520 MW. Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số: 795/TTg-CN ngày 25/6/2020 của về việc bổ sung danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực, trong đó tỉnh Bến Tre có 13 dự án.

 

Theo https://www.eia.gov, nhiên liệu hóa thạch phát thải trung bình 500 tấn CO2, 1,1 tấn sulphur dioxide (SO2) và 0,7 tấn nitrogen oxides (NOx) trên mỗi GWh điện được sản xuất ra; trong khi đó, một trang trại gió 1 GW giúp cắt giảm được hơn 2,2 triệu tấn CO2 mỗi năm.

 

Hiện nay, các công trình điện gió Bến Tre lắp đặt có khoảng cách xa bờ 50 km, có độ sâu mặt nước biển nông đến trung bình. Trong khi đó, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Bến Tre trong vùng biển cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm với khoảng cách xa bờ từ 0 - 200 km còn rất lớn.


Với hiện hữu 65 km bờ biển cùng khoảng cách xa bờ 200 km, Bến Tre có quy mô hải vực tiềm năng phát triển điện gió có diện tích lên đến 1.300.000 ha, trong khi đó quy hoạch hiện nay là 39.350 ha; Bến Tre còn 1.260.650 ha diện tích hải vực; hơn nữa vùng biển nước sâu 60 – 1.000 m, cách bờ 200 m, ở độ cao 100m đạt hơn 7-10m/s, mật độ năng lượng gió có thể đạt 12 – 27 GWh/km2. Cho nên Bến Tre còn rất nhiều dư địa để phát triển điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi xa và để đảm bảo phát triển bền vững rất cần quy hoạch tổng thể sử dụng không gian biển.

 

Phát triển các dịch vụ môi trường


Theo Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ: “Vùng đất ngập nước là vùng đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng ngập nước thường xuyên hoặc ngập nước tạm thời theo mùa, kể cả các vùng ven biển, ven đảo có độ sâu không quá 06 mét khi ngấn nước thủy triều thấp nhất”, tỉnh Bến Tre xem như vùng đất ngập nước rộng lớn với các vùng đất ngập nước ven sông, ven biển, Khu bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước ThạnhPhú, Khu đất ngập nước Sân Chim Vàm Hồ, hồ chứa nước ngọt với các kiểu sinh thái đất ngập nước tiêu biểu như đất rừng sản xuất 684 ha, đất rừng phòng hộ 3.865 ha, đất rừng đặc dụng 2.364 ha, đất sông rạch và mặt nước chuyên dùng 36.967 ha, đất chưa sử dụng 480 ha,… theo đó tổng diện tích đất ngập nước vào khoảng 44.360 ha chiếm 18,52% so với diện tích đất tự nhiên của tỉnh 239.481 ha (số liệu thống kê năm 2019). Điều tra, thống kê các nguồn giống quan trọng ở vùng ven biển tỉnh có 179 loài cá thuộc 60 họ và 15 bộ, có 20 loài tôm, 2 loài ruốc, 2 loài thuộc nhóm cua ghẹ và 4 loài thân mềm trên vùng ven biển.

 

Cánh cò tại sân chim Vàm Hồ.

 

Đây là cơ hội để Bến Tre phát triển mạnh dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản; Dịch vụ môi trường rừng của hệ sinh thái rừng ngập mặn theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; Dịch vụ hệ sinh thái biển phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản.

 

Khai thác và sử dụng mỏ khí đốt


Kết quả đề tài báo cáo khảo sát khí đầm lầy thuộc ấp II, xã Thạnh Phú Đông huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre do công ty Địa Chất Khoáng Sản thực hiện vào năm 1999, đã phát hiện túi khí thiên nhiên với trữ lượng tin cậy là 1.019.200 m3, nằm ở độ sâu từ 30 - 42 m tính từ mặt đất. Mỏ khí có thành phần tương đối đồng nhất chủ yếu là Metan (CH4) với hàm lượng 96 - 99% tính theo khối lượng, thành phần Hydro cacbon nặng trong mẫu khí rất nhỏ.Dự báo thời gian khai thác khoảng 73 năm, có khả năng cung cấp cho 42 hộ gia đình sử dụng.

 

Dù mỏ khí có trữ lượng nhỏ và lượng bổ cấp hàng năm không nhiều nên không phù hợp với quy mô sản xuất công nghiệp lớn nhưng tương thích với quy mô khai thác nhỏ để đảm bảo khai thác hiệu và công tác an toàn phòng cháy chữa cháy.

 

Rõ ràng Bến Tre sản xuất được tín chỉ các-bon nhưng những giao dịch này chưa được chú ý nhiều. Do đó, trong 5 năm tới, mục tiêu của chương trình thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre rất cần xem xét xây dựng, hình thành, phát triển thị trường các-bon. Có như vậy, Bến Tre mới khai thác tiềm năng thành cơ hội đầu tư, phát huy cơ hội đầu tư thành lợi thế, biến lợi thế thành nguồn lực, chuyển nguồn lực thành kết quả thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần XI đã đề ra.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022