Gia tăng giá trị tài nguyên bản địa với mô hình canh tác lúa - nuôi xen tôm càng và luân canh tôm sú

Mô hình canh tác lúa kết hợp nuôi xen tôm càng xanh toàn đực và luân canh tôm sú sinh thái vừa được Sở Khoa học Công nghệ nghiệm thu với kết quả rất khả quan. Mô hình được chọn triển khai tại xã An Điền huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre có quy mô 30 ha và 28 hộ tham gia.

 

Mô hình canh tác lúa - nuôi xen tôm càng và luân canh tôm sú.

 

Thạnh Phú là huyện ven biển tỉnh Bến Tre, có khoảng 6.500 ha đất canh tác lúa với địa hình bằng phẳng, hệ thống kênh rạch chằng chịt. Đất canh tác bị nhiễm mặn theo mùa, bắt đầu từ cuối tháng 12 đến tháng 7 năm sau với độ mặn biến động từ 2-10 ‰. Tùy thuộc vào lượng mưa hàng năm mà thời gian nhiễm mặn và độ mặn sẽ khác nhau ở từng vùng. Nước ngọt phù hợp để lúa phát triển trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng 8 đến tháng 12. Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên hẩu hết bà con chỉ canh tác một vụ lúa trong năm vào mùa mưa thường từ tháng 8 đến tháng 12, thời gian còn lại là mùa khô nguồn nước nhiễm mặn nên bỏ trống ruộng cho đến mùa mưa năm sau. Thu nhập từ độc canh cây lúa không cao nên đời sống người nông dân gặp không ít khó khăn.

 

Năm 2017, với mong muốn giúp người trồng lúa tăng thu nhập bằng việc kết hợp nuôi thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre triển khai “Mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh - lúa”. Mục tiêu của mô hình là khuyến khích người dân trong vùng chuyển đổi từ trồng lúa có hiệu quả thấp sang trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh toàn đực có hiệu quả kinh tế cao. Mô hình có quy mô 20 ha thực hiện tại các xã Bình Thạnh, An Điền và An Nhơn huyện Thạnh Phú đã rất thành công, thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/ha/năm và liên tục được nhân rộng, đến nay diện tích lúa tôm trong huyện đã tăng lên khoảng 5.000 ha.

 

Sau thành công trên, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre tiếp tục đưa con tôm sú vào nuôi luân canh với lúa trong mùa khô nhằm khai thác hết tiềm năng đất đai. Thực hiện Dự án “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa và luân canh tôm sú sinh thái tại xã An Điền huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre” nhằm hoàn thiện mô hình canh tác lúa kết hợp nuôi xen tôm càng xanh toàn đực và luân canh một vụ tôm sú sinh thái vào mùa khô. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II là đơn vị chuyển giao công nghệ, chịu trách nhiệm tập huấn, đào tạo kỹ thuật viên. Trung tâm Khuyến nông Bến Tre là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện: cử cán bộ tham gia dự án; nhận và chuyển giao công nghệ đến hộ nuôi; xây dựng mô hình trình diễn cùng với sự quản lý của Sở Khoa học Công nghệ.

 

Sau hơn một năm thực hiện, dự án đã xây dựng mô hình trình diễn một vụ lúa nuôi xen tôm càng xanh kết hợp luân canh một vụ tôm sú và tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho gần 200 người dân trong vùng. Qua báo cáo nghiệm thu, mô hình kết thúc với hiệu quả ở các mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Đạt hầu hết các chỉ tiêu kỹ thuật đặt ra: năng suất lúa: 5,2 tấn/ha; tôm càng: 500 kg/ha; tôm sú: 700 kg/ha.

Các hộ dân tham gia mô hình đều có lãi, do tôm sú ở một số hộ bị bệnh đốm trắng nên thu nhập không đồng đều, nhưng hầu hết tăng nhiều lần so với khi độc canh một vụ lúa/năm.

 

Mô hình góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề của vấn nạn xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra. Góp phần vào sự thành công của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và đa dạng hóa đối tượng vật nuôi phù hợp với môi trường thổ nhưỡng của tỉnh.

 

Mô hình canh tác xen canh kết hợp luân canh lúa - tôm tạo đa dạng loài cao hơn mô hình đơn canh, góp phần tích cực về việc hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời cách ly giảm dịch bệnh. Ngoài ra, canh tác lúa sau một vụ nuôi tôm là cách rửa mặn tích cực vào mùa mưa, hạn chế quá trình mặn hóa, kéo dài tuổi thọ sử dụng đất. Nếu chuyên canh tôm lâu dài, nước mặn sẽ ngấm sâu vào tầng đất dưới, làm đất bị thoái hóa tiềm ẩn không thể sử dụng cho các mục đích trồng trọt sau này.

 

Với hình thức nuôi này tận dụng được tối đa các nguồn dinh dưỡng trong ruộng nuôi như sau một vụ tôm, các chất thải được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ, góp phần hạn chế lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu. Ngược lại, sau một vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo. Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm,  năng suất và lợi nhuận tăng lên. Quy trình canh tác không sử dụng các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, sản phẩm tạo ra sạch an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng hiện nay và tiến tới xây dựng thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sản phẩm đặc trưng của vùng.

 

Qua mô hình, các cán bộ kỹ thuật và nông dân đã tiếp nhận và nắm vững các quy trình kỹ thuật, góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tiên tiến. Nhóm nông dân có điều kiện liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ….

 

Một số vấn đề kỹ thuật cần lưu ý nhằm đạt hiệu quả cao, đó là:

 

- Xây dựng ruộng: ruộng nuôi được thiết kế theo đúng quy trình kỹ thuật như: diện tích mặt nước nuôi tôm chiếm khoảng 30% diện tích ruộng, bề mặt mương nuôi rộng khoảng 2-3m, độ sâu mương 1,0-1,2m, đánh rãnh tạo sự liên kết giữa các mương trong ruộng giúp tôm thuận tiện trong việc tìm bắt mồi và lên xuống mương nhanh chóng khi xả nước để thay hoặc bón phân cho lúa, khoảng cách giữa các rãnh khoảng 4m, rãnh rộng 3 tấc, sâu 3 tấc so với mặt ruộng.

 

- Kỹ thuật chăm sóc:

 

* Lúa: mùa vụ từ tháng 8 đến tháng 12, sử dụng giống lúa OM 4900 (hoặc OM 6162, OM 5451) có khả năng chịu mặn, chịu phèn tốt, và là sản phẩm lúa sạch đang được các công ty lương thực Bến Tre, Tiền Giang và một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm. Áp dụng quy trình canh tác lúa hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu – hóa chất bảo vệ thực vật. Gieo sạ hoặc cấy lúa không quá dày làm tôm khó di chuyển tìm bắt mồi và lên xuống mương nuôi khi xả nước (lượng giống 80 - 100 kg/ha).

 

Đầu vụ (tháng 6 – 8): tận dụng nguồn nước ngọt (nước mưa, nước ngọt trên sông) để tháo rửa phèn mặn, lưu ý tránh làm nước mặn ngấm sâu vào đất. Sau đó vệ sinh đồng ruộng, diệt cỏ dại, san bằng mặt ruộng.

 

Từ giửa tháng 8 đến tháng 9, khi độ mặn nước thấp hơn 0.5‰ tập trung xuống giống lúa. Rút cạn nước mặt ruộng và tiến hành gieo sạ, sau sạ 3-5 ngày đưa nước vào ruộng 1-3 cm theo sự phát triển của cây lúa. Sau khi sạ 30 ngày, giữ mực nước sâu khoảng 7-10cm so với mặt ruộng, có thể nâng lên khoảng 15cm nhưng không ngập tai lá cuối cùng vì sẽ làm cho cây lúa bị suy yếu và đẻ nhánh kém.

 

Bón phân cân đối N-P-K, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Bón phân đón đòng theo kỹ thuật không ngày, không số. giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sự thất thoát phân đạm, giảm phát thải N2O.

 

Tháng 12: bắt đầu thu hoạch lúa.

* Tôm càng: mật độ thả nuôi 2-4 con/m2 (kích cỡ 1,2-1,5cm), chọn giống tôm càng xanh toàn đực, cần có ao ương tôm để ương lớn và nên bẻ càng trước khi san qua ruộng nuôi nhằm rút ngắn được thời gian nuôi. Ao ương có thể riêng biệt hoặc liền kề với ruộng nuôi.

 

Thông thường từ tháng 6, khi độ mặn giảm dưới 8%o bắt đầu thả tôm post để ương, thời gian ương khoảng 75 ngày sau đó bẻ càng chuyển sang ruộng nuôi. Cho tôm ăn đầy đủ, giai đoạn đầu nên sử dụng thức ăn công nghiệp, sau ba tháng nuôi có thể bổ sung thức ăn sẵn có ở địa phương để giảm giá thành như cá tạp, bắp, lúa,…

 

Thường xuyên thay nước kích thích tôm bắt mồi và lột vỏ giúp tôm lớn nhanh.

 

Khi thu hoạch lúa, rút nước cho tôm xuống mương sau đó cấp đầy nước và nuôi tiếp đến khi tôm đạt cỡ thu hoạch.

 

* Tôm sú: mật độ thả nuôi 6-8 con/m2, chọn giống tôm sú PL15, đồng đều, con giống khỏe mạnh, không dịch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được sản xuất từ các cơ sở có uy tín.

 

Sau khi thu hoạch tôm càng thì tiến hành cải tạo ruộng nuôi và bắt đầu vụ nuôi luân canh tôm sú vào tháng 2. Có ao ương tôm trước khi san qua ruộng nuôi nhằm rút ngắn được thời gian nuôi, ao ương có thể riêng biệt hoặc gắn liền với ruộng nuôi.   

 

Cho tôm sú ăn thức ăn công nghiệp, đảm bảo đủ cả về lượng và chất.

 

Thường xuyên thay nước cho ruộng nuôi kích thích tôm bắt mồi và lột vỏ giúp tôm lớn nhanh.

 

Đến tháng 6 thu hoạch tôm sú là kết thúc chu kỳ sản xuất.

 

   
Thương hiệu gạo sạch.        Tôm sú hộ anh Nguyễn Văn Tửng.      

Thu hoạch tôm càng xanh.

Bộ ba sản phẩm của mô hình.

 

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi xen tôm càng xanh toàn đực và luân canh tôm sú có khả năng phát triển mạnh và nhân rộng trong toàn tỉnh Bến Tre với tổng diện tích lúa khoảng 20.000 ha tập trung ở các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Thạnh Phú. Phương thức canh tác này tạo ra sản phẩm sạch, không tác động xấu đến môi trường và có tính bền vững cao vì thuận theo tự nhiên. Tiến đến xây dựng thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đặc trưng vùng cho sản phẩm sạch là con tôm sú và tôm càng xanh bên cạnh thương hiệu gạo sạch Thạnh Phú đã được tín nhiệm trong nhiều năm qua góp phần gia tăng giá trị tài nguyên địa phương.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi