Hiện tượng cháy lá sầu riêng trong mùa khô nguyên nhân và giải pháp

Sầu riêng đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao so với các loại cây ăn trái khác, với năng suất cao nhất có khi lên trên 40 tấn/ha, bình quân từ 20-25 tấn/ha, giá hiện tại 90.000 đồng/kg mua sô tại vườn, hàng cung cấp cho siêu thị hơn 100.000 đồng/kg, giá luôn ổn định từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Do đó, thời gian gần đây diện tích trồng mới cây sầu riêng luôn tăng cho dù điều kiện canh tác, sâu bệnh cũng như tác động của thời tiết đòi hỏi khá khắt khe.

 

Vườn sầu riêng được đầu tư, chăm sóc tốt.

 

Trong hơn hai tháng trở lại đây, một vấn đề đáng lo ngại đã và đang diễn ra trên phần lớn vườn sầu riêng với nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau và tập trung nhiều ở những vườn cây trong giai đoạn xử lý ra hoa và nuôi trái, đó là hiện tượng cháy và rụng lá hàng loạt, kéo theo việc rụng trái làm giảm năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.

 

Qua khảo sát thực tế tại nhiều vườn, trên nhiều địa bàn khác nhau cho thấy có rất nhiều triệu chứng, ban đầu là đuôi lá bị cháy nhẹ đến một nữa lá có khi đến 2/3 lá và gây ra hiện tượng rụng lá hàng loạt khi xuất hiện đọt non (đối với cây chưa cho trái) và kéo theo rụng trái (đối với cây đang cho trái). Hiện tượng trên chỉ xảy ra ở thời điểm mùa khô năm 2021 đối với những vùng đất hoặc vườn cây mà đất liếp hay mô trồng không có cỏ, sử dụng nhiều phân vô cơ nhưng lại sử dụng rất ít hoặc không có phân hữu cơ.

 

   

Hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng.

 

Ghi nhận ý kiến của phần lớn nông dân đều cho rằng do ảnh hưởng của hạn mặn 2019-2020 còn đọng lại, ý kiến khác là do ảnh hưởng của sương muối, do sử dụng nhiều paclobuazol để xử lý ra hoa, khống chế cơi đọt khi hoa nở hay lúc đậu trái non bằng phân bón lá hay hoá chất… Hậu quả bước đầu là vườn cây bị suy kiệt nặng, rụng trái khi có biến động dù nhỏ của thời tiết, hình dáng trái mất cân đối và hay bị rám nắng, cơm trái nhạt màu và độ ngọt giảm.

Vườn sầu riêng cháy lá năng khi xử lý ra hoa và nuôi trái.

 

Chia sẻ, trao đổi thông tin cùng các “chuyên gia chân đất” cũng như tham khảo các tài liệu thì hiện tượng trên có rất nhiều nguyên nhân với các triệu chứng đặc trưng trong mỗi giai đoạn sinh trưởng phát triển khác nhau của cây sầu riêng.

 

Với cây chưa cho trái (năm thứ 3 thứ 4). Đây là những vườn sầu riêng được trồng lại trên đất liếp vườn cũ chưa được cải tạo hoặc có cải tạo nhưng chưa đúng cách. Nguyên nhân chính là do đất trồng bị suy thoái, mà theo GSTS Nguyễn Bảo Vệ thì dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng đất suy thoái là sự nén dẽ đất liếp do cạn kiệt chất hữu cơ có trong đất. Và nguyên nhân của sự nén dẽ này là do mô liếp không có cỏ, kết hợp với giải pháp tưới không phù hợp trong mùa nắng, lượng mưa nhiều trong mùa mưa làm cho chất hữu cơ tầng mặt gần như bị rữa trôi, song đó lại sử dụng quá nhiều phân vô cơ làm cho đất ngày càng tơi vữa ra, gây hiện tượng lèn mặt và lại ít hoặc không sử dụng phân hữu cơ nên đất ngày càng nén dẽ. Hậu quả chính làm cho rễ cây thiếu trầm trọng lượng oxy trong đất để thực hiện quá trình hô hấp tạo năng lượng hoạt động, không nhận và cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho lá làm cho lá bị cháy khô, hệ quả là lá không tạo và dữ trự đủ dinh dưỡng để nuôi trái làm cho trái rụng hàng loạt. Bên cạnh đó, đất bị nén dẽ thiếu oxy làm tăng hoạt động yếm khí của các vi sinh vật sản sinh ra độc chất trong đất, ảnh hưởng xấu hơn đối với rễ cây.

 

Biểu hiện thứ hai của suy thoái là đất có chỉ số pH thấp. Thực tế ghi nhận cho thấy hầu hết các vườn cây có hiện tượng cháy lá đều có chỉ số pH đất từ 4-4,5 có vườn dưới 4. Với chỉ số thấp như thế làm cho hệ thống rễ bị bó chặt nên việc hấp thu dinh dưỡng có trong đất không được nhiều nên cây ngày càng suy kiệt, gây ra hiện tượng rụng nhiều lá là tất yếu. Bên cạnh đó, pH đất thấp cũng là điều kiện tốt cho vi sinh vật có hại hoạt động, chúng tấn công lấy nguồn dinh dưỡng từ rễ làm cho rễ ngày càng suy kiệt và chết. Còn nguyên nhân gây nên hiện tượng đất có chỉ số pH thấp là do mưa và tưới không đúng cách làm rữa trôi các dưỡng chất mang tính kiềm như Ca, Mg, K… đồng thời lại bón phân có tính chua như phân đạm có gốc sunfát, gốc clorua hay super lân, sunphat kali (K2SO4)…

 

Vườn sầu riêng trồng trên vùng đất suy thoái nặng.

 

Chúng ta đều biết, đất là môi trường sống của rễ, nơi cung cấp nước, oxy, khoáng chất và các sinh vật có ích để phân giải xác bả động thực vật, bảo vệ hệ rễ trong đất, cho nên khi đất bị suy thoái làm cho hoạt động của hệ thống rễ bị ảnh hưởng rất lớn từ nhiều khía cạnh khác nhau. Trong khi đó, giữa rễ và lá của cây trồng có mối quan hệ hữu cơ rất bền chặt. Rễ có nhiệm vụ hút nước để cung cấp liên tục cho lá, để lá thoát phần lớn lượng nước (khoảng 98%) ra ngoài nhằm ổn định nhiệt độ cơ thể cây trồng, tránh tác động của thời tiết, lượng nước còn lại là nguồn nguyên liệu để cho lá tạo chất đường bột nuôi sống cây trồng trong đó có rễ. Để hoạt động tốt rễ cần phải lấy oxy để đốt đường bột do lá cung cấp, tạo năng lượng thông qua quá trình hô hấp, thải ra khí Carbonnic (CO2) và một phần của khí này sẽ được lá hấp thụ kết hợp với nước và ánh sáng mặt trời tạo nên chất đường bột. Ngoài ra, rễ còn hấp thu các khoáng chất có trong đất để tạo nên hình thái cây trồng (như rễ, thân, cành, lá, hoa, trái) và rễ còn có chức năng hình thành và cung cấp chất kích thích sinh trưởng để thúc đẩy quá trình sinh trưởng, phát triển của tất cả các bộ phận của cây. Do đó, một khi rễ cây dù bị bất cứ tác nhân nào gây hại cũng đều ảnh hưởng đến hoạt động của lá, lá sẽ thể hiện triệu chứng đặc trưng cho từng nguyên nhân, cháy lá là biểu hiện dễ thấy nhất trong điều kiện đất bị suy thoái.

 

Đối với vườn cây cho trái. Triệu chứng ban đầu là lá già cháy nhẹ từ đuôi lá đến ½ lá khi bị nặng, xảy ra trong giai đoạn xử lý ra hoa, ra hoa và đậu trái, sau đó cây lại ra đọt. Hậu quả là trái non rụng hàng loạt làm giảm tối đa năng suất.

 

Nguyên nhân có thể là do sử dụng quá nhiều chất ức chế sinh trưởng (paclobutazol) kết hợp với xiết nước tạo khô hạn trong quá trình xử lý ra hoa. Như đã biết, sử dụng Paclobutazol với hàm lượng cao làm ức chế quá trình sinh tổng hợp GA­3, mà GA3 là chất kích thích sinh trưởng, thúc đẩy tốc độ phân chia tế bào góp phần hình thành cơ quan mới trên cây trồng. Bên cạnh đó, xiết nước tạo khô hạn nhằm hạn chế tối đa hoạt động của hệ thống rễ ảnh hưởng đến sự bốc thoát hơi nước ở lá và trong điều kiện mùa khô nắng nóng với nền nhiệt cao cũng góp phần làm cho lá dễ bị tổn thương hơn.

 

Ngoài ra, trong suốt quá trình xử lý đậu trái và nuôi trái thì nhiều trường hợp nông dân luôn khống chế việc cây ra đọt non bằng cách phun Anvil liều cao với chai 01 lít pha 100 lít nước có khi kết hợp thêm 1-2 kg MKP và hạn chế tưới nước. Hậu quả là lá càng cháy thêm, sau thu hoạch cây suy kiệt và tốn rất nhiều chi phí và thời gian để hồi phục. Ngược lại, thì cây ra đọt trong giai đoạn nuôi trái mà không được kiểm soát thì gây ra hiện tượng trái non rụng hàng loạt do cạnh tranh dinh dưỡng.

 

Hiện tượng cháy lá trong trường hợp này sẽ càng trầm trọng hơn khi đất liếp có dấu hiện bị nén dẽ hay chỉ số pH đất thấp <5.

 

Như vậy, hiện tượng cháy lá như hiện nay trên cây sầu riêng là do đất trồng bị suy thoái, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống rễ; tác động bất lợi của việc sử dụng Paclobutazol kết hợp với nhiệt độ cao trong mùa khô, hậu quả là năng suất, chất lượng đều giảm tác động trực tiếp đến hiệu quả và thu nhập của người trồng sầu riêng hiện nay.

 

Để khắc phục hiện tượng trên cần áp dụng tốt các giải pháp sau:

 

- Hạn chế tối đa quá trình nén dẽ đất bằng biện pháp trồng cỏ, đậy gốc giữ ẩm, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt hay béc phun sương, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh;

 

- Nâng chỉ số pH đất lên trên 5 bằng cách tưới vôi, hạn chế sử dụng phân sinh lý chua;

 

- Áp dụng thật tốt quy trình xử lý ra hoa nghịch vụ, trong đó hạn chế việc sử dụng paclobutazol (nên phun ở dạ cành, tránh phun trùm lên lá), điều khiển và kiểm soát tốt quá trình ra đọt khi xử lý đậu và nuôi trái bằng cách tăng lượng dinh dưỡng qua lá;

 

- Cần thiết thì chuyển đổi mùa vụ xử lý ra hoa, đậu trái tránh ảnh hưởng của khô hạn, nắng nóng.

 

 

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Những lưu ý quan trọng để kéo đọt sầu riêng Ri6 thành công
• Những nguyên nhân chủ yếu khiến sầu riêng mới trồng chậm phát triển
• Một số lưu ý trong quá trình canh tác sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Một số biện pháp quản lý nấm bệnh thường xuất hiện trên sầu riêng trong mùa mưa
• Phòng trừ một số bệnh hại sầu riêng trong giai đoạn chuyển mùa
• Phú Đa-hàng loạt vườn sầu riêng bị cháy lá, rụng trái đã được phục hồi
• Phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng một số điểm cần lưu ý
• Phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng sau hạn mặn
• Cần lưu ý khi sử dụng paclobutazol trong xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ
• Hiện tượng sầu riêng “đột tử” cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn
• Quản lý rầy hại đọt sầu riêng bằng hệ thống phun thuốc tự động
• Một số điểm cần lưu ý khi xử lý nghịch vụ sầu riêng
• Cần quan tâm chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch
• Bệnh hại mới trên cây sầu riêng và giải pháp khắc phục
• Khắc phục hiện tượng cháy lá sầu riêng khi cây mang hoa, trái trong mùa nắng