Bến Tre tham quan, học tập mô hình du lịch học tập cộng đồng tại Quảng Nam, Đà Nẵng

hực hiện kế hoạch quý 1 của Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại” thuộc Chương trình các dự án nhỏ - Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP-GEF SGP) đã được nhà tài trợ và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong 3 ngày 15-17 tháng 03 năm 2021 Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Dịch vụ và Phát triển cộng đồng Nông Ngư nghiệp Việt Nam (FACOD) trực thuộc Hội nghề cá Việt Nam, Doanh nghiệp Khoa học công nghệ tỉnh Bến Tre – đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức đoàn 18 thành viên là đại diện Ban điều hành dự án, các cơ quan chức năng cấp tỉnh, huyện, xã, đại diện bà con ngư dân, các cộng đồng làm du lịch, doanh nghiệp... ở xã Thừa Đức thực hiện chuyến tham quan, học tập các mô hình Du lịch học tập cộng đồng (DLHTCĐ) vùng ven biển ở xã Cẩm Thanh, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam và mô hình DLHTCĐ bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu các mô hình DLHTCĐ thành công có tiềm năng học tập nhân rộng ở vùng biển Bến Tre.

 

 

 

Ông Lê Nhương (đứng bên trái), TS. Chu Mạnh Trinh (đứng) giới thiệu địa bàn tham quan. Ảnh LT.

 

Trưa ngày 15/3, ngay sau khi đến Hội An dưới sự hướng dẫn của TS. Chu Mạnh Trinh, Phó Trưởng phòng Truyền thông Khu Bảo tồn Biển Cù lao Chàm, ông Lê Nhương, Tổ trưởng Tổ Hợp tác DLCĐ xã Cẩm Thanh đoàn đã có cuộc hội ý nhanh thống nhất lộ trình học tập thực tế 2 ngày tại xã Cẩm Thanh Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam – một điển hình về phát triển du lịch sinh thái biển kết nối với danh thắng và di sản văn hóa của vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An. Với vị thế quan trọng về tự nhiên và văn hóa lịch sử, Cẩm Thanh đang có lợi thế rất lớn để phát triển sinh kế cộng đồng, chủ yếu là du lịch sinh thái dựa trên nền tảng bảo tồn và phát triển bền vững chuỗi giá trị hệ sinh thái dừa nước và các tài nguyên liên quan khác, lợi thế này đã đưa gần 1 triệu lượt khách/năm, bình quân gần 2.000 lượt khách/ngày đến với 1 xã ven biển với doanh thu bán vé tham quan gần 9 tỷ đồng/năm.

 

Đoàn Bến Tre đã tham quan học tập các mô hình Rustic Villa (Mộc Mạc Homestay) của anh Lê Văn Vũ đầu tư 4 tỷ đồng hoạt động từ năm 2016 đến nay là mô hình thành công trong kết nối khách du lịch lưu trú đêm tham quan vùng ven biển cửa Đại, Hội An. Kế đến là mô hình quán café Dạ Quỳnh do chị Nguyễn Thị Kim Vy, một cô giáo Mầm non làm chủ – 1 điểm  DLHTCĐ, sân chơi văn hóa cộng đồng hàng đêm, cung cấp các dịnh vụ giải khát, ăn trưa, văn nghệ, khiêu vũ hát cho nhau nghe hàng đêm với tiêu chí bảo tồn di sản văn hóa, ẩm thực truyền thống và giao lưu, thân thiện với du khách. Mô hình này hình thành và duy trì hoạt động được 7 năm nay và rất thành công. Cùng với Mộc Mạc Rustic Villa, quán Dạ Quỳnh là những nhịp cầu đưa du khách đến với Hội An kết nối với Cẩm Thanh-vùng đệm Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

 

 

Chị Nguyễn Thị Kim Vy (áo dài hồng) và đại diện đoàn Bến Tre, các CLB ca nhạc – khiêu vũ xã Cẩm Thanh trong đêm giao lưu. Ảnh LT.

 

Mô hình thứ ba đoàn đến tìm hiểu sâu là Tổ Hợp tác rau hữu cơ – Mô hình vườn rau Đồng Giá (Tên gọi Đồng Giá bắt nguồn từ sự tích từ lâu đời làng có 1 cây Giá rất to, rễ ăn lan rộng khắp nơi) với các sản phẩm “made in nông dân”: Thuốc trừ sâu thảo mộc, cây dẫn dụ phòng sâu hại rau màu, phân hữu cơ… để có dược những sản phẩm rau sạch thực sự ở vườn rau Đồng Giá do 25 nông dân và giáo viên thực hiện dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học từ năm 2019, bên cạnh đó 1 nhà cộng đồng được đầu tư 350 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 50 %) xây dựng để làm nơi giao lưu, gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm trồng rau hữu cơ. Chính các nhà khoa học đã kết nối và giúp cho mô hình có những “thầy giáo nông dân” như: Bác Bé - thầy hướng dẫn chung về mô hình; Thầy Vinh - Giáo viên Anh Văn ở 1 trường trong xã là thầy bồi dưỡng kỹ năng, soạn giáo án và chấm điểm cho sinh viên khi đến vườn rau học tập; Anh Đô hướng dẫn làm phân hữu cơ; anh Thới hướng dẫn làm thuốc thảo mộc… Điểm đặc biệt của mô hình vườn rau Đồng Giá là 1 mô hình trồng rau hữu cơ góp phần xây dựng 7 tiêu chí đánh giá Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

 

 

Đoàn Bến Tre và các thầy giáo nông dân ở nhà Cộng đồng Vườn rau Đồng Giá. Ảnh LT.

 

Mô hình xử lý rác nông thôn là một điểm đến hấp dẫn đoàn Bến Tre, đây là điểm nhấn thứ hai của Tổ Hợp tác Nông nghiệp (sản xuất lúa hữu cơ) bên cạnh rau hữu cơ. Mô hình này đã thiết thực giải quyết nạn rác thải nông thôn ở Cẩm Thanh từ trong nhà ra ngoài ruộng, góp phần làm cho môi trường đồng lúa Cẩm Thanh trong sạch, là nơi du khách Tây đi dạo, chụp ảnh trong mạng lưới kết nối với Di tích văn hóa quốc gia – Mộ Thứ phi Vua Quang Trung và các tướng Tây Sơn (Xếp hạng năm 1991), Miếu ông Tổ nghề Yến-Miếu ông Tiến...

 

 

Du khách Tây chụp ảnh lưu niệm với đại diện đoàn Bến Tre trên đường tham quan Mộ Thứ phi Vua Quan Trung-Di tích Quốc gia. Ảnh LT.

 

Chủ tịch UBND xã Thừa Đức Phạm Hoàng Long (trái) tìm hiểu mô hình xử lý rác. Ảnh LT.

 

Mô hình xử lý rác nông thôn ở Cẩm Thanh đem đến nhiều bài học hay cho đoàn Bến Tre vì nơi đây đã tạo ra môi trường giao lưu, thân thiện với du khách từ ngoài đồng ruộng vào đến tận nhà với mô hình nông dân tự tạo ra nước rửa chén, nước lau nhà sinh học từ trái cây (phần gọt vỏ, phần hư không ăn được... từ các vựa trái cây, nhà hàng), sản xuất phân hữu cơ từ trùn quế... của chị Nguyễn Thị Vân.

 

 

Chị Nguyễn Thị Vân (áo xanh) và TS. Chu Mạnh Trinh đang chia sẻ về mô hình. Ảnh LT.

 

Du lịch cộng đồng sinh thái vùng ven biển phát triển đã mở ra nhiều cơ hội, điều kiện để người dân Cẩm Thanh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giải quyết công ăn việc làm. Người dân tham gia vào du lịch - dịch vụ chủ yếu: du lịch cộng đồng  homestay, rau hữu cơ, các dịch vụ ăn uống - dạy nấu ăn… không chỉ ở những vùng có địa thế thuận lợi, ở vùng bãi ven biển hẻo lánh của sông Cửa Đại là một tiêu điểm được quan tâm trong khuôn khổ chương trình các dự án nhỏ UNDP - GEF tài trợ, dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam (VNM/ICCA-GSI/2017/3)” đã hình thành Tổ DLCĐ Ngư nghiệp với mô hình thuyền thúng - du lịch sinh thái-môi trường biển trong rừng dừa. Bác Trần Đình Xê Tổ trưởng Tổ DLCĐ Ngư nghiệp cho biết: lúc đầu dừa nước (cũng được các người đi buôn đường biển đem từ đồng bằng sông Cửu Long ra trồng từ 300 năm trước) chỉ trồng để chắn sóng, là nơi trú ngụ cho thủy hải sản sinh nở, nơi làm tổ chim… sau thì khai thác nguyên liệu làm nhà nên diện tích từ 104 ha nay còn 57 ha để cứu lấy rừng dừa, Tổ Hợp tác DLCĐ Ngư nghiệp ra đời đã xây dựng tour du lịch mới: Bơi thúng – Hát hò – Chày cá trên sông rất thú vị…

 

 

Bác Trần Đình Xê (trái). Ảnh LT.

 

Múa thúng. Ảnh: LT.

 

Anh Huỳnh Xanh, cán bộ quản lý du lịch xã Cẩm Thanh cho biết, để bảo tồn rừng dừa nước, tháng 3/2017 xã tổ chức bán vé vào khu bảo tồn; Tổ Hợp tác DLCĐ Ngư nghiệp đang đệ trình Làng nổi bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh vốn đang bị biến đổi gây tác động rất lớn đến chất lượng môi trường, cảnh quan, sức khỏe hệ sinh thái rừng dừa nước, tính đa dạng sinh học, kể cả làm thay đổi nét văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Theo kế hoạch sắp tới UBND Tp. Hội An sẽ xây dựng hồ sơ trình UNESCO ra Quyết định bảo tồn Khu sinh quyển rừng Dừa Cẩm Thanh. Xã và người dân nơi đây luôn năng động tìm kiếm, thúc đẩy để luôn có những sản phẩm du lịch mới dựa vào cộng đồng ven biển. Với các bạn trẻ đến từ xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre như chị Trần Thị Thủy Nguyên, anh Phạm Văn Đạt, chị Phan Thị Tuyết Lan… chuyến tham quan đã giúp các anh chị sáng tỏ hơn các vấn đề về DLHTCĐ, du lịch nông nghiệp, bảo tồn di sản văn hóa, phát triển làng nghề truyền thống vùng ven biển… qua các mô hình ở Cẩm Thanh từ ý kiến chia sẻ của các chủ mô hình với tinh thần “người thật, việc thật” đã giúp các bạn trẻ Bến Tre rút ra bài học về cách tiếp cận, cách làm DLHTCĐ để về xã nhà Thừa Đức áp dụng vào thực tiễn. Theo Thủy Nguyên: “ngay trên đường từ Đà Nẵng về Bến Tre, các bạn và cô chú, các bác đã bàn nhau: Anh Tuẩn - Quán Bồ Câu Trắng, nếu làm du lịch cộng đồng, anh sẽ làm người chèo thuyền, vợ anh phục vụ đồ ăn; chị Tuyết Lan - Quán Tuyết Lan phục vụ ẩm thực; Bác 8 Minh, em Đạt sẽ phục vụ dịch vụ câu cá, bắt sò, hàu… còn em thì đang lên ý tưởng câu cá, cua; chèo thuyền dọc bờ lá; ẩm thực sẽ tự phục vụ luôn; chúng em sẽ nối tiếp với Thừa Đức du lịch biển, từ nhà em di chuyển bằng xe đạp xuống thuyền anh Tuẩn đi dạo biển, tắm biển,...”.

 

Từ ý tưởng đến hiện thực là một khoảng cách khá xa… nhưng có thể nói những ý tưởng mà Thủy Nguyên nêu ra sau chuyến tham quan bổ ích này là bước đệm đầu tiên để chính quyền xã Thừa Đức và các bên liên quan cùng ngồi lại, xem xét hiện trạng cũng như đề xuất giải pháp cho du lịch Thừa Đức đi sau nhưng sẽ phát triển theo hướng bền vững. Hy vọng rằng những ý tưởng hợp lý sẽ được đề xuất đưa vào kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái, tài nguyên nước vùng ven biển Thừa Đức theo mục tiêu dự án Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại” của Trung tâm FACOD do UNDP-GEF SGP tài trợ và các chủ dự án ở Hội An cùng các chuyên gia tận tình gắn bó với bà con như TS. Chu Mạnh Trinh, bác Lê Nhương, nhà tài trợ UNDP-GEF SGP sẽ đồng hành với các thành viên đoàn Bến Tre trong chuyến tham quan học tập đặc biệt này biến lợi thế và tiềm năng DLHTCĐ của Thừa Đức trở thành hiện thực, xây dựng Thừa Đức là điểm đến hấp dẫn và bền vững của du lịch biển Bình Đại, Bến Tre.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý