Nghị quyết về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo tỉnh ủy (Số 11-HD/BTGTU ngày 19/3/2021) về việc hướng dẫn Báo chí tuyên truyền Nghị quyết 04-NQ/TU của tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân, góp phần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, sáng tạo trong công tác lãnh chỉ đạo và điều hành của hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực thực hiện đạt mục tiêu đề ra; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghi quyết; đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà Nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Sở Khoa học và Công nghệ tuyên truyền sâu rộng các nội dung trọng tâm được nêu trong Nghị quyết 04-NQ/TU, làm rõ những điểm mới, những nội dung cơ bản trong Nghị quyết; tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu cụ thể theo từng lộ trình, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được xác định trong Nghị quyết để bạn đọc quan tâm, theo dõi.

 

VÌ SAO PHÁT TRIỂN BẾN TRE VỀ HƯỚNG ĐÔNG?


Tỉnh Bến Tre có dáng hình gần như một tam giác cân, được hợp thành bởi 3 cù lao lớn là cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên) bồi tụ nên qua nhiều thế kỷ, hướng Đông tiếp giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65 km.

 

Ba huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đều tiếp giáp với biển Đông.

 

Với lợi thế bờ biển dài 65 km, kinh tế biển của tỉnh đã có bước phát triển tích cực: Lĩnh vực nuôi, trồng thủy sản phát triển mạnh; khai thác thủy sản đánh bắt xa bờ được đầu tư; tỉnh đã xây dựng 3 cảng cá tại các huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Du lịch sinh thái vùng ven biển phát triển khá nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là 3 huyện ven biển. Năng lượng tái tạo thu hút được nhiều nhà đầu tư với quy hoạch phát triển 1.008 MW điện gió; tỷ lệ đô thị hóa khu vực 3 huyện biển cao hơn mặt bằng chung của tỉnh; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên biển và vùng ven biển giữ vững, ổn định.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế-xã hội khu vực ven biển còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nông nghiệp còn lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên và thị trường tiêu thụ; công nghiệp tăng trưởng chậm và chiếm tỷ trọng thấp trong ngành công nghiệp của tỉnh; du lịch tăng trưởng khá nhưng quy mô và đóng góp cho nền kinh tế chưa cao, chưa có những sản phẩm đặc thù để thu hút và giữ chân du khách. Kinh tế biển và vùng ven biển chưa được khai thác và phát huy đúng mức; chưa tạo động lực tăng trưởng toàn diện đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh đi kịp các tỉnh. Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế và đời sống người dân ngày càng nghiêm trọng, cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức và định hướng phát triển trong bối cảnh thích ứng mới.

 

Biển Đông với nguồn tài nguyên dồi dào mà Bến Tre chưa khai thác hết.

 

Do vậy phát triển Bến Tre về hướng Đông là để khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên tuyến giao thông động lực ven biển và các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, cảng biển-logistic, công nghiệp chế biến-chế tạo, khu đô thị-dịch vụ-du lịch tổng hợp, nông nghiệp giá trị gia tăng cao,… Phát triển Bến Tre về hướng Đông là nhằm cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương và của khu vực, thúc đẩy liên kết trong toàn vùng; là động lực tạo sự đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế-xã hội của tỉnh Bến Tre.

 

MỤC TIÊU CỤ THỂ CỦA NGHỊ QUYẾT:


Trong năm 2021:


Hoàn thành quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chi tiết khu vực 3 huyện ven biển, trong đó hoàn thành xây dựng đề án tuyến giao thông động lực ven biển và hành lang kinh tế ven biển, hạ tầng kỹ thuật, cảng nước sâu và các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị, du lịch, nông nghiệp; hoàn thành quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 để tạo quỹ đất phát triển. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch hình thành khu kinh tế biển tại Bến Tre.

 

Đến năm 2025:


- Triển khai đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm khu vực biển, hoàn chỉnh giai đoạn 1 tuyến giao thông động lực ven biển kết nối Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh, kết nối giao thông thông suốt từ thành phố Bến Tre đến khu vực biển qua tuyến đường quốc lộ 57, 57B, 57C; nâng cấp cảng Giao Long, chuẩn bị đầu tư cảng nước sâu.

 

- Tập trung đầu tư các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đưa vào vận hành 1.500 MW, xúc tiến kêu gọi đầu tư triển khai dự án năng lượng khí; hình thành một số khu đô thị, đưa vào hoạt động khu công nghiệp Phú Thuận, chủ trương đầu tư một khu công nghiệp mới tại huyện Thạnh Phú, 3 cụm công nghiệp vùng biển; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa khu vực 3 huyện biển đạt 32% trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 30% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; phát triển hơn 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

 

- GRDP bình quân đầu người khu vực biển cao hơn mức bình quân của tỉnh.

 

Đến năm 2030:


- Hoàn thành đầu tư tuyến giao thông động lực ven biển khu vực tỉnh Bến Tre kết nối thông suốt liên tỉnh Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh; hoàn thiện đầu tư cơ bản phần lớn hạng mục trong hành lang kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre như đường ven biển, hệ thống hạ tầng logistics, khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch lấn biển; khởi động xây dựng cảng nước sâu; triển khai xây dựng khu kinh tế biển.

 

- Hình thành được trung tâm năng lượng sạch tỉnh Bến Tre, hoàn thành đầu tư các dự án điện ngoài khơi (điện gió, điện khí,…), đưa vào vận hành ít nhất 3.000MW. Thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp, tỷ lệ lắp đầy khu, cụm công nghiệp đạt 70% trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp các huyện biển chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; phát triển mạnh các khu đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khu vực 3 huyện biển đạt 48% trở lên. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản có giá trị gia tăng cao, với hơn 5.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao. Phát triển mạnh ngành du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của địa phương.

 

- GRDP bình quân đầu người khu vực biển gấp 1,5 lần bình quân của tỉnh; phấn đấu đưa Bến Tre trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nằm trong nhóm khá các tỉnh ven biển của Việt Nam.

 

Để đạt được các mục tiêu cụ thể nêu trên, Nghị quyết đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu như sau:


1. Phát triển đột phá một số ngành kinh tế biển chủ lực:


- Về kinh tế thủy sản:


Rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức nuôi và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn nuôi thủy sản với chế biến, xuất khẩu. Phát triển các hình thức nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, môi trường và vệ sinh thực phẩm, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa lớn; chú trọng các đối tượng nuôi truyền thống có nhiều lợi thế như: Tôm chân trắng, tôm sú, nhuyễn thể; đồng thời nghiên cứu phát triển các đối tượng nuôi biển mới có giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 41.500 ha, sản lượng 114.000 tấn/năm; đến năm 2030 diện tích nuôi biển đạt 42.000 ha, sản lượng 150.000 tấn/năm.

 

Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm mạnh khai thác gần bờ và các nghề lạm sát nguồn lợi hải sản, phát triển mạnh khai thác xa bờ và các nghề đánh bắt có chọn lọc, ban hành chính sách chuyển đổi nghề khai thác thủy sản; ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với chế biến, xuất khẩu; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các cảng cá và chuyển đổi mô hình quản lý các cảng cá nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển các hợp tác xã trong lĩnh vực thủy sản. Sản lượng khai thác ổn định khoảng 200.000 tấn/năm, giá trị sản lượng tăng 30% vào năm 2025 và tăng 60% vào năm 2030 so với năm 2020.

 

- Về công nghiệp:


Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước đầu tư hạ tầng kết nối huyện, tỉnh, vùng, đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng điện, viễn thông, cấp thoát nước, kho, cảng,… đến năm 2022 hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận, đến năm 2024, cơ bản lắp đầy diện tích cho thuê với các ngành có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng đất đai và lao động. Triển khai đầu tư các khu, cụm công nghiệp lấn biển. Phát triển chuỗi giá trị bền vững từ vùng sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Giữ vững thị phần trên các thị trường xuất khẩu truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường trên các thị trường tiềm năng khác. Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp 3 huyện biển chiếm 30% và đến năm 2030, chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

 

- Về năng lượng:


Tập trung phát triển năng lượng sạch. Đề xuất Trung ương bổ sung vào tổng sơ đồ điện VIII hệ thống lưới truyền tải, trạm biến áp và các nhà máy điện gió, điện khí hóa lỏng. Huy động các nguồn lực nhất là từ khu vực doanh nghiệp đầu tư hệ thống lưới truyền tải và trạm biến áp theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện gió đã được cấp phép; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch; khuyến khích, có chính sách cho thuê tài sản công, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái. Đến năm 2025, phát triển ít nhất 1.500 MW, đến năm 2030 phát triển 3.000 MW.

 

- Về du lịch biển:


Tập trung đầu tư hạ tầng phát triển du lịch 3 huyện biển. Có chính sách thu hút đầu tư phát triển mạnh du lịch, cải tạo, phát triển không gian biển gắn với hình thành các khu đô thị thương mại-du lịch biển; đầu tư các điểm du lịch sinh thái quy mô phù hợp; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch ven biển gắn với khai thác, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, di sản văn hóa, di tích lịch sử-văn hóa, tâm linh; liên kết hình thành các tuyến du lịch giữa Bến Tre với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn 3 huyện biển tăng bình quân trên 25%/năm, nâng tổng thu từ hoạt động du lịch cả tỉnh tăng gấp đôi so với giai đoạn 2015-2020.

 

- Về đô thị:


Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các khu đô thị trung tâm, đô thị ven biển, các điểm dân cư nông thôn tập trung. Xây dựng đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường và tăng trưởng xanh. Đến năm 2025, công nhận đô thị loại V các trung tâm xã: Thới Thuận, Châu Hưng (huyện Bình Đại); Tân Phong (huyện Thạnh Phú); thành lập mới thị xã Ba Tri; xây dựng các tiêu chí đô thị loại III thị trấn Ba Tri, thị trấn Bình Đại và tiêu chí đô thị loại IV thị trấn Thạnh Phú, đảm bảo đạt trên 70% tiêu chí theo quy định. Đến năm 2030, đô thị Ba Tri và Bình Đại đạt chuẩn đô thị loại III; thị trấn Thạnh Phú đạt chuẩn đô thị loại IV; thành lập thành phố Ba Tri và thị xã Bình Đại.

 

2. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu, tạo nền tảng để phát triển tỉnh về hướng Đông:


Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật cơ bản đáp ứng tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và năm 2045, thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng giao thông-logistics, thủy lợi, cấp nước sạch, công nghiệp, năng lượng, du lịch, đô thị ven biển,…

 

- Về hạ tầng giao thông-logictics:


Giai đoạn 2021-2025, đầu tư hoàn thành cầu Rạch Miễu 2, hoàn thành giai đoạn 1 tuyến giao thông động lực ven biển liên tỉnh khu vực Tiền giang-Bến Tre-Trà Vinh; mở rộng QL.57 đoạn từ Mỏ Cày Nam đến Khâu Băng, huyện Thạnh Phú; trục giao thông từ QL.60 đi khu công nghiệp Phú Thuận; đường kết nối Bình Đại-Giồng Trôm-Mỏ Cày Nam; đường giao thông kết hợp đê ngăn mặn Bình Đại-Ba Tri-Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam-Thạnh Phú; bổ sung quy hoạch và thu hút đầu tư 01 cảng nước sâu, chú trọng đầu tư phát triển mạnh giao thông thủy, nâng cấp cảng Giao Long, mỗi khu, cụm công nghiệp xây dựng một cảng trung chuyển.

 

Giai đoạn 2025-2030, đầu tư hoàn chỉnh tuyến giao thông động lực ven biển, nâng cấp 3 quốc lộ: QL.60, QL.57B, QL57C lên cấp III hoặc cấp II đồng bằng; đầu tư hoàn chỉnh cảng nước sâu và cảng trung chuyển điện khí, đảm bảo tính kết nối và thông suốt.

 

- Về hạ tầng thủy lợi:


Giai đoạn 2021-2025, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, đê biển Ba Tri, dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt và khu dân cư Bưng Lạc Địa, nạo vét sông Ba Lai và cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre.

 

Giai đoạn 2026-2030, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre, nghiên cứu đầu tư cống Hàm Luông.

 

- Về hạ tầng cấp nước sạch:


Ban hành quy chuẩn kỹ thuật chất lượng nước sạch địa phương áp dụng cho tất cả các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh; thống nhất giá nước sạch toàn tỉnh; hoàn thành tuyến ống nước sạch dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực cù lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kết nối tuyến ống dẫn nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền; cơ bản hoàn chỉnh mạng phân phối nước sạch.

 

- Về hạ tầng công nghiệp:


Giai đoạn 2021-2025, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận (năm 2022), triển khai đầu tư khu công nghiệp An Nhơn; quy hoạch và thu hút đầu tư các khu phức hợp lấn biển: Công nghiệp kết hợp đô thị, thương mại, du lịch, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

 

Giai đoạn 2026-2030, đầu tư hoàn chỉnh khu công nghiệp An Nhơn, các khu phức hợp ven biển.

 

- Về hạ tầng năng lượng:

Giai đoạn 2021-2025, đầu tư đường dây và trạm biến áp 220kV: Thạnh Phú-Mỏ Cày Nam, Bình Đại-Bến Tre; đường dây 110kV: Ba Tri-Bình Thạnh, Phú Thuận-Bình Đại, Bến Tre-An Hiệp; trạm 110kV An Hiệp, trạm 110kV Thanh Tân.

 

Giai đoạn 2026-2030, đầu tư đường dây và trạm biến áp 500kV Bến Tre-Long An.

 

- Về phát triển nguồn nhân lực:


Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển tỉnh về hướng Đông. Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng thu hút nhân lực các ngành nghề liên quan đến kinh tế biển, từng bước nâng cao trình độ nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và lực lượng lao động các ngành kinh tế biển; có chính sách để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên sâu về các nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản, năng lượng, du lịch biển,… Đầu tư nâng cấp phân hiệu Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tại Bến Tre lên thành trường Đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư chiến lược trường Cao Đẳng Bến Tre đa ngành, chú trọng ngành nghề kinh tế biển và kinh tế động lực; mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại các trường nghề; nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học ở các vùng ven biển, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để xây dựng, nâng chất các trường trên địa bàn 3 huyện biển đạt chuẩn quốc gia.

 

Tổ chức nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch khu kinh tế biển Bến Tre. Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu kinh tế biển, gắn với lấn biển.

 

3. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu:


- Về quản lý tài nguyên:


Lập quy hoạch vùng ven biển, đưa vào quy hoạch tỉnh; lập và triển khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh 5 năm (2021-2025) theo hướng ưu tiên bố trí diện tích đất để phát triển giao thông-logistics, công nghiệp, năng lượng sạch, đô thị, du lịch biển, thủy sản,… có cơ chế, chính sách tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo phát triển bền vững. Quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên (đất, cát, nước…) và theo định hướng mô hình kinh tế tuần hoàn.

 

- Về bảo vệ môi trường:


Triển khai phương án bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học; triển khai thực hiện hiệu quả đề án trồng cây xanh; quản lý chặt chẽ và phát triển diện tích rừng; đầu tư xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu xử lý chất thải tập trung và phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, làng nghề, lưu vực sông, khu vực nông thôn; chú trọng bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với bảo vệ môi trường, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh vùng ven biển.

 

- Về thích ứng biến đổi khí hậu:


Thực hiện kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu trong chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao năng lực cảnh báo khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai; vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc chất lượng nước và dự báo độ mặn tự động tỉnh Bến Tre. Ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông, chủ động kiểm soát xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất, phòng chống thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nâng cao năng lực cấp nước sạch, xử lý nước biển thành nước ngọt, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho các huyện ven biển. Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học vùng ven bờ.

 

4. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội:


Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trong khu vực phòng thủ. Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới biển toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang làm nồng cốt, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách; nắm chắc tình hình và kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc; tăng cường quản lý, ngăn chặn, giảm thiểu và đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân đánh bắt thủy, hải sản vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài.

 

Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, tập trung đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ cơ chế thẩm định, đánh giá tác động về quốc phòng, an ninh đối với công tác quy hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, nhất là địa bàn, khu vực có vị trí quan trọng, chiến lược và khu vực biên giới biển.

 

5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lãnh đạo, điều hành thực hiện tốt định hướng phát triển Bến Tre về hướng Đông:


Tiếp tục đổi mới hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của hệ thống chính quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tâm, có tầm và có trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về định hướng phát triển Bến Tre về hướng Đông, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và nhân dân liên quan đến công tác quy hoạch, mở rộng không gian phát triển ra hướng biển, tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, sử dụng các nguồn quỹ đất tại khu vực 3 huyện biển: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và các huyện, thành phố trong tỉnh.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc