Giao Thạnh phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới

Xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) thuộc trung tâm tiểu vùng 3 của huyện, cách thị trấn Thạnh Phú khoảng 14 km với diện tích tự nhiên hơn 2.000 ha. Toàn xã có 06 ấp với 1.800 hộ dân và hơn 6.800 nhân khẩu. Kinh tế của người dân chủ yếu là nuôi thủy sản. Cùng với đó, trong những năm gần đây hoạt động thương mại, tiểu thủ công nghiệp tại xã không ngừng phát triển và lớn mạnh.

 

Mô hình nuôi tôm càng xanh tại ấp Tân Hiệp mang lại thu nhập ổn định, khấm khá cho người dân.

 

Sau khi tiếp thu chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng ủy xã đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 05, ngày 27 tháng 5 năm 2015 về việc xây dựng xã NTM, giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025, đồng thời triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn xã. Lúc này, xã chỉ đạt 04/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao với 12,45%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 29 triệu đồng/người/năm... Trước những khó khăn đó, xã xác định muốn xây dựng NTM thành công phải huy động được sức mạnh nội lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, trong đó người dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới.

 

Hơn 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí NTM bám sát với đặc thù, điều kiện thực tiễn của địa phương và nguyện vọng của nhân dân. Đến nay, xã đã về đích nông thôn mới khi hoàn thành 19/19 tiêu chí và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên con số 6. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã có sự chuyển biến rõ nét: sản xuất phát triển ổn định; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; điện lưới đã thắp sáng khắp đường xóm, ấp; trường, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố; đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao…

 

Hệ thống giao thông được đầu tư mở rộng, nâng cấp theo quy hoạch. Xã có hơn 17km đường trục xã liên xã, liên ấp được xây dựng đạt chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, các tuyến đường ngõ xóm, trục chính nội đồng đã được bê tông hóa, những cây cầu nông thôn được xây dựng khang trang, kiên cố góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa của nhân dân. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, người dân đã phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Những công trình khi đưa ra bàn bạc, trao đổi các hộ dân khu vực hưởng lợi đều bày tỏ sự đồng thuận cao, cùng nhau đóng góp kinh phí, cây trồng, đất, vật kiến trúc, để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của người dân địa phương. Ông Tống Phước Minh, ngụ tổ nhân dân tự quản số 7, ấp Giao Bình cùng người dân trong tổ 7 và tổ 8 đã đồng thuận và chung tay bê tông tuyến lộ liên tổ 7-8 dài 400 mét với kinh phí hơn 600 triệu đồng, trong đó bà con góp gần 12 triệu đồng cùng đất đai, cây trồng và ngày công.

 

Thu nhập bình quân đầu người năm cuối 2020 đạt hơn 51 triệu đồng/năm. Tổng số người trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động gần 4.200 người, trong đó có việc làm thường xuyên đạt tỷ lệ 91%. Với nông sản chủ lực là con tôm và cây lúa. Xã đã thành lập HTX Nông nghiệp Giao Thạnh với 114 thành viên, vốn điều lệ đã thu được là 133 triệu đồng. Hiện HTX đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả khá cao. HTX đã ký hợp đồng đầu vào với công ty thủy sản AQUA-POST cung cấp tôm giống, công ty Hoa Nắng cung cấp đầu vào phân bón, giống lúa và đầu ra là lúa tươi với 20 thành viên tham gia, tổng diện tích khoảng 25 ha. Cùng với đó, xã có 15 tổ hợp tác (THT) hoạt động theo Nghị định 151 với các mô hình nuôi bò, nuôi dê, trồng lúa, nuôi tôm càng xanh.

 

Người dân Giao Thạnh giờ đây đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, nhiều mô hình hay có hiệu quả được nhân rộng, tạo được các mối liên kết. Là thành viên của THT nuôi tôm càng xanh ấp Tân Hiệp, anh Đặng Văn Chót cho biết mô hình nuôi mang lại hiệu quả cao. Với 1 ha mặt nước nuôi tôm càng xanh, qua 2 năm nuôi tôm đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ông Phạm Văn Sơn, cũng là thành viên THT nuôi tôm càng xanh của ấp Tân Hiệp, ông cho biết, nếu như có diện tích mặt nước khoảng 2ha nuôi tôm càng xanh, thì hộ thành viên có thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.

 

Những năm qua, việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn được người dân xã Giao Thạnh đặc biệt quan tâm, việc làm này góp phần thực hiện đạt tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Người dân tạo thói quen thường xuyên dọn dẹp vườn nhà, nhà ở đảm bảo 3 sạch; hơn 56% hộ làm hàng rào cây xanh và hàng rào bêtông... Tỷ lệ hộ có nhà tắm kín đáo là 100%; số hộ sử dụng hố xí tự hoại đến nay đạt gần 99%. Hộ chăn nuôi đảm bảo 100% có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường... Ông Lê Thanh Hồng, ngụ ấp Thạnh Lợi phấn khởi trước sự thay da đổi thịt của quê hương Giao Thạnh. Ông mừng vì chủ trương xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân có thu nhập khấm khá hơn, việc đi lại dễ dàng, điện, nước đến tận nhà dân, các thông tin nghe nhìn đầy đủ...

 

Có thể thấy, chủ trương xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên được nhân dân hoàn toàn tin tưởng và đồng tình ủng hộ. Giao Thạnh đạt chuẩn nông thôn mới, người dân vui mừng, phấn khởi, tự hào về những thành quả đạt được, kết quả của một quá trình phấn đấu không ngừng của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giao Thạnh-Tống Phước Cưng cho biết, từ nền tảng xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Giao Thạnh sẽ có kế hoạch, lộ trình cụ thể để nâng chất, tiếp tục xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh vào năm 2025, hướng tới xã nông thôn mới kiểu mẫu để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

 

Đến thời điểm hiện tại, huyện Thạnh Phú đã có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lần được được tổ chức lễ công nhận là Đại Điền, Quới Điền, An Nhơn, Thới Thạnh, Phú Khánh và xã Giao Thạnh tổ chức lễ công nhận vào chủ nhật ngày 25/4.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Biến tấu nấm linh chi đỏ thành bonsai phục vụ thị trường Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024
• Tập huấn “Phương pháp, hướng dẫn mô tả viết sáng kiến, sáng tạo, xây dựng đề cương thuyết minh đề tài, dự án khoa học và công nghệ”
• Nông dân Chợ Lách áp dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất
• Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “nem chay Phú Đức”
• Bến Tre đạt 6 giải thưởng tại hội thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam
• Thạnh Phú: Công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Tép rang dừa Mỹ Hưng”
• Chợ Lách công bố nhãn hiệu tập thể đối với trái chôm chôm và măng cụt
• Họp Ban tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật năm 2017
• 07 ý tưởng, 11 dự án tại vòng chung kết cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ I năm 2017
• Tập huấn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản địa phương
• Thạnh Phú - Tập huấn phổ biến văn bản và hướng dẫn một số kỹ năng viết sáng kiến
• Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2014-2015 có 17 giải pháp đạt giải
• Tập huấn về “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ”
• Sở Khoa học và Công nghệ: Tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ
• Máy cấy lúa Nhật Bản đầu tiên được sử dụng tại Bến Tre