Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – thực trạng và giải pháp

Là một tỉnh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm 2016, tỉnh phát động Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, từng bước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST). Phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST gắn kết với hệ thống các doanh nghiệp dẫn đầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khai thác tài sản trí tuệ, xây dựng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới để phát huy giá trị tài nguyên và văn hóa bản địa. 

 

Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều chương trình liên kết ươm tạo khởi nghiệp được triển khai như phối hợp Vườn ươm doanh nghiệp Sông Hàn triển khai Chương trình ươm tạo khởi nghiệp du lịch; với Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ triển khai Chương trình ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và với Tập đoàn Yeah 1 triển khai Chương trình ươm tạo khởi nghiệp số. Trong 05 năm thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, tỉnh Bến Tre đã đạt được thành tích ấn tượng về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế phát triển đúng hướng, giúp nâng cao thu nhập và giảm nghèo, chất lượng cuộc sống của Nhân dân được cải thiện và nâng lên.

 

Với phương châm “Năng động – Sáng tạo”, tỉnh Bến Tre đã ban hành và triển khai đồng bộ các chính hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Nghị quyết đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: Phát huy vai trò đột phá của KHCN, đồng thời xây dựng ngành KHCN tỉnh nhà đủ sức đóng vai trò thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất, trong đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN. Tập trung triển khai đồng bộ Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ quản lý doanh nghiệp, phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiếp cận thị trường, vốn và khoa học công nghệ, từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng KH&CN để ươm tạo, phát triển thành doanh nghiệp KH&CN, tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ kết quả KH&CN, thúc đẩy phát triển dịch vụ KH&CN, từng bước hình thành thị trường KH&CN.

 

Công tác tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai khá hiệu quả, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ hoàn thiện các ý tưởng, thực hiện dự án khởi nghiệp, thương mại hóa sản phẩm, kết nối nguồn vốn khởi nghiệp, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối chuyên gia tư vấn xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh... Đã xây dựng và đưa vào vận hành không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Mekong (MEKONG INNOVATION HUB) nhằm liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ ươm tạo những ý tưởng đổi mới sáng tạo ban đầu trở thành những sản phẩm, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học công nghệ và thị trường. Đã hỗ trợ ươm tạo 295 ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có 220 ý tưởng được triển khai, phát triển thành dự án và thành lập doanh nghiệp, HTX; ươm tạo 20 doanh nghiệp tiềm năng, có hoạt động đổi mới sáng tạo, đến nay tỉnh đã thành lập được 08 doanh nghiệp KH&CN với 30 sản phẩm, nhóm sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN. Năm 2020, doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN của doanh nghiệp KH&CN đạt 1.371 tỷ đồng, tăng lên đáng kể so với năm 2016 (0,33 tỷ đồng).

 

Các tổ chức trung gian tham gia hỗ trợ khởi nghiệp được thành lập và hoạt động hiệu quả như: Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Khởi nghiệp; Quỹ Đầu tư khởi nghiệp; Quỹ hợp tác công tư (PPP); Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu; Mạng lưới Cố vấn khởi nghiệp; Câu lạc bộ khởi nghiệp tiên phong cấp tỉnh và câu lạc bộ, nhóm khởi nghiệp các huyện, thành phố trong tỉnh. Tỉnh Bến Tre đã ký kết Bản thỏa thuận hợp tác đồng hành phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với 05 nhà tài trợ, Quỹ hỗ trợ đầu tư, các tổ chức khởi nghiệp, vườn ươm (Cục Công tác Phía nam - Bộ KH&CN, Việt Nam Angel NetWork, Tập đoàn Mỹ Lan, Khu Công nghệ phần mềm – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Sài gòn Innovation Hub). Ký kết hợp tác phát triển KH&CN và phối hợp thực hiện Chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa tỉnh Bến Tre với Câu lạc bộ KH&CN các trường Đại học Kỹ thuật và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Các hoạt động hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp như (1) hợp tác thúc đẩy KN-ĐMST trên địa bàn tỉnh Bến Tre với Tập đoàn Hanwha-Hàn Quốc; (2) Công bố và triển khai chương trình ươm tạo KN-ĐMST tỉnh Bến Tre; (3) Xây dựng và ra mắt Mạng lưới Cố vấn khởi nghiệp ĐMST; (4) Triển khai chương trình kết nối sản phẩm khởi nghiệp du lịch; (5) Chương trình đào tạo ĐMST cho các doanh nghiệp và HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; (6) Cà phê doanh nghiệp, họp mặt khởi nghiệp định kỳ hàng tháng.

 

Hầu hết các dự án khởi nghiệp đều có đóng góp quan trọng của KH&CN từ phát triển ý tưởng, nghiên cứu khoa học, xây dựng dự án, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm,…. Một số doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng KH&CN, phát triển thành doanh nghiệp KH&CN. Chương trình đã hỗ trợ vốn đối với 774 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng kinh phí khoảng 802 tỷ đồng từ các nguồn vốn như Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ, Quỹ hợp tác công - tư của Dự án AMD Bến Tre, nguồn vốn khuyến công, vốn vay ưu đãi của các ngân hàng thương mại....  Qua đó đã có gần 39.900 lao động được tạo việc làm mới.

Bên cạnh kết quả đạt được, hệ sinh thái KN-ĐMST tỉnh Bến Tre vẫn đang đứng trước những khó khăn, vướng mắc nhất định cần được tiếp tục tháo gỡ.

 

Một là, nguồn nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo còn thiếu và yếu; tỉnh đã thành lập được không gian khởi nghiệp ĐMST nhưng việc kết nối, hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp còn gặp những khó khăn nhất định về nguồn lực, kinh nghiệm và mô hình hoạt động.

 

Hai là, chưa xây dựng được chính sách chung, cơ chế đặc thù để khuyến khích hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

Ba là, quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh chưa có cơ chế cho vay, chưa có chính sách thu hút và đa dạng các nguồn vốn vay ưu đãi, các quỹ đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

 

Bốn là, hoạt động của mạng lưới tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp chưa đủ mạnh để hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia; nhiều doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, thiếu chuyên nghiệp trong tham gia các hoạt động chung của cộng đồng khởi nghiệp, các dự án phần lớn là khởi nghiệp lập nghiệp, chưa thực sự là khởi nghiệp ĐMST.

 

Năm là, học sinh, lực lượng trí thức trẻ, sinh viên mới ra trường tham gia vào hoạt động KN-ĐMST chưa nhiều.

 

Trong thời gian tới, ngành KH&CN ưu tiên triển khai và cụ thể hóa một số chính sách liên quan về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện bộ máy, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, các chương trình ươm tạo khởi nghiệp và quy chế hoạt động của Không gian đổi mới sáng tạo Mekong. Giai đoạn 2021 – 2025, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bến Tre “đạt toàn diện cấp độ 3 - hệ sinh thái tăng tốc”.


Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện các quy định khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào KHCN và ĐMST; rà soát, sửa đổi các thủ tục hành chính trong quản lý nhiệm vụ KHCN; tiếp tục cụ thể hóa các quy định của pháp luật về KHCN phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, cơ chế đặc thù khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh và hoạt động khởi nghiệp ĐMST.

 

Thứ ba, phát triển đa dạng các hình thức tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, nhất là các Quỹ đầu tư, Quỹ phát triển KH&CN; ươm tạo, phát triển doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển trực thuộc cũng như Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để có thêm nguồn lực đầu tư tăng cường tiềm lực KHCN và ĐMST.

 

Thứ tư, cụ thể hóa và triển khai Thông tư số 07/2020/TT-BKHCN ngày 11/12/2020 của Bộ KH&CN, để các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được thành lập, phát triển và thực sự đóng vai trò quan trọng là hạ tầng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương khởi nghiệp sáng tạo.

 

Thứ năm, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để xúc tiến ươm mầm sáng tạo trong nhà trường và ươm tạo công nghệ trong doanh nghiệp. Đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu KH&CN tại cơ sở giáo dục, đào tạo và hoạt động sáng tạo không chuyên trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

 

Tóm lại, trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp gắn với phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp và dịch vụ KH&CN; rà soát hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới để tổ chức ươm tạo phát triển thành tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN; xây dựng nhiệm vụ KH&CN gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành; tiếp tục xã hội hóa hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025
• Siêu vật liệu-Xu hướng đổi mới sáng tạo trong công nghệ
• Nghêu Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt