Phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng một số điểm cần lưu ý

Trong những năm gần đây, diện tích trồng cây sầu riêng luôn được mở rộng từ đồng bằng sông Cửu Long đến tận miền Đông Tây Nguyên, nguyên do là cây mang lại hiệu quả kinh tế bởi năng suất cao, chất lượng ngon đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong canh tác cũng luôn gặp không ít khó khăn nhất là rầy gây hại lá non làm cháy lá, rụng lá, chết đọt khô cành ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây, giảm năng suất chất lượng trái.

 

Qua khảo sát thực tế và tìm hiểu các tài liệu có được. Hiện tại, ngoài rầy phấn hay còn gọi là rầy nhảy gây hại trên cây sầu riêng còn có đối tượng mới mà nông dân hay gọi là rầy xanh. Theo kết quả bước đầu của đề tài “Nghiên cứu xác định loài rầy xanh gây hại trên cây sầu riêng và biện pháp quản lý tổng hợp hiệu quả, an toàn tại tỉnh Bến Tre” cho thấy rầy xanh gây hại trên cây sầu riêng được xác định là rầy xanh hai chấm giống với rầy xanh trên cây bông và được xem là loài mới ở Việt Nam và xuất hiện ở Bến Tre.

 

 

Rầy xanh và rầy trắng (rầy phấn) gây hại sầu riêng.

 

Theo Ts Lại Văn Dũng, Viện bảo vệ thực vật thì rầy xanh có rất nhiều cây ký chủ phụ như cà tím, đậu bắp, ớt, dâm bụp, cây cối xay, mướp, đậu phộng… nên chúng dễ trú ẩn và dòng đời ngắn trong khoảng 12-14 ngày, trứng được đẻ bên trong lá non vừa nhú khoảng 1cm và mỗi con thành trùng cái đẻ trung bình 22-28 trứng/con, sau 3-4 ngày trứng nở thành rầy non với tỷ lệ trên 95% làm mật số gia tăng nhanh nên dễ phát sinh thành dịch gây hại đọt non sầu riêng. Đặc biệt, sức gây hại của rầy xanh lại tập trung ở các lứa rầy non với từ 7-8 ngày tuổi. Bên cạnh đó, cũng tùy vào nhiệt độ và ẩm độ ngoài trời mà diễn biến mật số rầy xanh nhiều hay ít trong các tháng của năm, theo kết quả điều tra cũng như thực tiễn sản xuất có những đợt dịch rầy xanh xuất hiện với mật số tăng dần từ tháng 1 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 12, mật số rầy xanh thấp nhất vào khoảng tháng 5 đến tháng 7.

 

 

Rầy xanh trú ẩn nhiều trên cây ký chủ phụ (cà tím).

 

Như vậy, rầy xanh trưởng thành thường trú ẩn ở những cây ký chủ phụ xung quanh vườn sầu riêng, khi sầu riêng ra đọt non thì rầy xanh mới tìm đến đẻ trứng vào bên trong 2 phiến lá chưa mở, sau đó trứng nở thành rầy non và gây hại bên trong phiến lá, nếu mật số cao thì lá non sẽ rụng trước khi nở lá. Đây là điểm lưu ý thứ nhất.

 

Thứ hai, ngoài việc chọn đúng thuốc thì lượng nước phun trên cây để ngừa và tiêu diệt rầy xanh cũng hết sức quan trọng mà người dân ít quan tâm, thường chỉ chú ý việc tăng liều khi pha thuốc, có khi tăng gấp 2-3 lần so khuyến cáo. Liều thì mạnh nhưng do lượng nước ít nên khi phun thuốc không đủ để tiếp xúc, phủ đều trên bề mặt lá nơi rầy xanh gây hại hay trú ẩn, kết quả chỉ diệt được một số rầy xanh nhưng hệ quả là tạo nên tính kháng thuốc của rầy ngày một cao.

 

Thứ ba, phun như thế nào để diệt được rầy xanh thì chưa được quan tâm, với một lượng dung dịch và nồng độ thuốc phù hợp cho một đơn vị diện tích, nhưng khi phun mà không phủ đều hết tán cây sầu riêng và tiếp xúc đối tượng cần phun, cả cây ký chủ phụ thì kể như chưa đạt.

 

 

Rầy xanh gây hại nặng làm rụng lá non sầu riêng.

 

Thứ tư, thời điểm phun có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng ngừa nhất là đối với rầy xanh trên cây sầu riêng, một khi đã thấy rầy xuất hiện thì gần như 30% lá sầu riêng đã bị gây hại và tiến hành phun trị thì không kịp, lá non vẫn bị rụng, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây theo từng giai đoạn.

 

Ngoài ra, do tính kháng thuốc của rầy xanh hiện tại khá cao do việc phòng trị của người làm vườn chưa tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, cũng như hiệu lực thuốc gần đây có thời gian rất ngắn chỉ khoảng 1-2 ngày sau khi phun nên một số cây ra đọt không đồng loạt (trước hoặc sau kỳ phun) vẫn hay bị rầy xanh tấn công nên cần phải phun bổ sung hay rút ngắn thời gian phun lặp lại.

 

Như vậy, để phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng có hiệu quả cần quan tâm những điểm lưu ý trên và thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng sau:

 

- Đúng thuốc: Cần sử dụng nhóm thuốc có gốc sinh học để bảo vệ môi trường và thiên địch, tránh sự kháng thuốc như Emamectin Benzoat (Tasieu 1.9EC, Rồng lửa 7.5WG, Emaben 3.6WG…) Abamecttin (Reagant 3.6EC, Abafax 1.9EC…) và nên kết hợp với dầu khoáng (SK Enpray 99EC; DS 98,8EC…).

 

- Đúng liều, lượng: Cần pha đúng theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất và lượng nước đủ để phun cho vườn cây. Thực tiễn sản xuất cho thấy lượng phun hợp lý phải từ 10-20 lít/cây/lần phun đối với cây đã cho trái và tùy cây có tán lớn nhỏ.

 

- Đúng lúc: Thời điểm phun tốt nhất là khi cây vừa nhú đọt non và cần phun lặp lại sau đó 7-10 ngày để tiêu diệt lứa rầy non (nếu còn) và nên phun vào buổi chiều để tăng hiệu lực của thuốc đối với rầy xanh.

 

- Đúng cách: Phải biết điều chỉnh béc phun phù hợp theo từng vị trí của cây cao, thấp, trong hay ngoài tán để có hình thức phun mưa, phun sương hay phun dạng khói… 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Những lưu ý quan trọng để kéo đọt sầu riêng Ri6 thành công
• Những nguyên nhân chủ yếu khiến sầu riêng mới trồng chậm phát triển
• Một số lưu ý trong quá trình canh tác sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Một số biện pháp quản lý nấm bệnh thường xuất hiện trên sầu riêng trong mùa mưa
• Phòng trừ một số bệnh hại sầu riêng trong giai đoạn chuyển mùa
• Phú Đa-hàng loạt vườn sầu riêng bị cháy lá, rụng trái đã được phục hồi
• Hiện tượng cháy lá sầu riêng trong mùa khô nguyên nhân và giải pháp
• Phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng sau hạn mặn
• Cần lưu ý khi sử dụng paclobutazol trong xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ
• Hiện tượng sầu riêng “đột tử” cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn
• Quản lý rầy hại đọt sầu riêng bằng hệ thống phun thuốc tự động
• Một số điểm cần lưu ý khi xử lý nghịch vụ sầu riêng
• Cần quan tâm chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch
• Bệnh hại mới trên cây sầu riêng và giải pháp khắc phục
• Khắc phục hiện tượng cháy lá sầu riêng khi cây mang hoa, trái trong mùa nắng