Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 26 tháng 02 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia.

 

Bên cạnh đó, hình thành mạng lưới tổ chức KH&CN công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực KH&CN, bảo đảm tính khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN, hướng tới mục tiêu tự chủ hoàn toàn của các tổ chức KH&CN công lập.

 

Trên cơ sở Quyết định số 279/QĐ-TTg, Bộ KH&CN xây dựng đề cương Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung lập quy hoạch thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, gồm các nội dung chủ yếu: Phân tích, đánh giá yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bổ, sử dụng không gian của mạng lưới tổ chức KH&CN trên phạm vi cả nước; dự báo xu thế phát triển và xây dựng các kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu mạng lưới tổ chức KH&CN công lập trong thời kỳ quy hoạch. Cùng với đó là đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng trong việc phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với lĩnh vực KH&CN; những cơ hội và thách thức đối với quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập. Một trong những điểm mới nhất của dự thảo quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN cấp tỉnh, Bộ KH&CN đang triển khai là các địa phương có thể đề xuất những dự án ưu tiên đầu tư về trang thiết bị, đất đai,... cần thiết để phát triển các tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn.

 

Chiều 2/7, Bộ KH&CN đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh để thảo luận về các vấn đề liên quan đến dự thảo xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tham gia buổi Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng – Chủ trì Tọa đàm; các đại biểu đến từ một số đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Pháp chế; Vụ Phát triển KH&CN Địa phương; Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ; Văn phòng Bộ KH&CN; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN; Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; Cục Thông tin KH&CN quốc gia; Cục Công tác phía Nam; Cục Năng lượng Nguyên tử; Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng; Viện Đánh giá Khoa học và Định giá Công nghệ; đại biểu từ 59 đầu cầu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và các chuyên gia.

 

Trong quy hoạch lần này chủ yếu tập trung cho các tổ chức KH&CN công lập cấp tỉnh với mục tiêu của quy hoạch là hình thành mạng lưới KH&CN công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý; đồng thời làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực KH&CN,... Tuy nhiên, Sở KH&CN các địa phương sẽ khảo sát cả các tổ chức KH&CN ngoài công lập; tổ chức KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức KH&CN trong doanh nghiệp; tổ chức triển khai hoạt động KH&CN; bộ phận nghiên cứu và phát triển trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: “Mục tiêu mở rộng đối tượng khảo sát là để chúng ta có thể có cái nhìn toàn cảnh về tất cả các tổ chức KH&CN trên địa bàn”. Khác với những lần khảo sát quy hoạch trước, một điểm đáng chú ý trong lần quy hoạch này là các địa phương có thể đưa ra các đề xuất dự án đầu tư nhằm phục vụ sự phát triển của các tổ chức KH&CN. “Nếu tổ chức KH&CN ở địa phương có nhu cầu về trang thiết bị, đất đai để mở rộng phát triển,... thì các Sở KH&CN mạnh dạn đề xuất, từ đó Bộ KH&CN tổng hợp để có cơ sở xem xét đầu tư cho các tổ chức KH&CN”.

 

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ đánh giá, Thẩm định và giám định công nghệ, Bộ KH&CN lưu ý: Để đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, nhất là trong bối cảnh hầu hết các tỉnh thành đang lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 nên Sở KH&CN địa phương cần làm việc với tỉnh vì trong quy hoạch tỉnh cũng có phần nội dung về KH&CN, do vậy cần thống nhất để không bị chồng chéo, nhất là danh mục đề xuất các dự án đầu tư.

 

Đối với tỉnh Bến Tre hiện có 14 tổ chức, văn phòng đại diện của tổ chức KH&CN đang hoạt động với 521 nhân lực KH&CN có trình độ đại học trở lên. Phân theo hình thức sở hữu, có 10 Tổ chức KH&CN công lập, 04 tổ chức KH&CN ngoài công lập; phân theo cơ cấu theo cơ quan quản lý, Trung ương 04, địa phương 07, doanh nghiệp 03; phân theo loại hình tổ chức, có 10 tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 03 cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và 01 tổ chức dịch vụ KH&CN; phân theo lĩnh vực hoạt động KH&CN, có 04 tổ chức khoa học kỹ thuật và công nghệ, 06 tổ chức khoa học nông nghiệp, 04 tổ chức khoa học xã hội. Ngoài ra, còn có 08 doanh nghiệp với 104 nhân lực KH&CN có trình độ đại học trở lên và 30 sản phẩm/nhóm sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN.

 

Qua theo dõi tình hình hoạt động, hầu hết các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN thực hiện tốt các quy định của pháp luật về KH&CN, các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN triển khai các nội dung hoạt động theo giấy chứng nhận, triển khai nhiệm vụ theo nội dung đăng ký hoạt động KH&CN, tham gia các hoạt động KHCN và ĐMST địa phương như tư vấn, chuyển giao công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao hàm lượng KH&CN trong sản phẩm và dịch vụ.

 

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa thật sự đủ mạnh để tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, chưa khai thác thế mạnh, cơ hội của tổ chức KH&CN; nhân lực của tổ chức KH&CN trong doanh nghiệp còn kiêm nhiệm, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ kết quả chưa rõ nét, chủ yếu tập trung một số nhiệm vụ về tư vấn, đào tạo nghề là chính; một số hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển dịch vụ KH&CN chưa được các tổ chức KH&CN quan tâm. Nguồn thu của các tổ chức KH&CN công lập còn gặp nhiều khó khăn, định hướng thực hiện lộ trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa vững chắc.

 

Trong thời gian tới, quá trình khảo sát, đánh giá, đề xuất phương án quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các tổ chức KH&CN công lập của tỉnh theo hướng tinh gọn, mở rộng liên kết giữa tổ chức KH&CN công lập với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức ngoài công lập và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp KH&CN để chia sẻ thông tin, phối hợp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ KH&CN phù hợp với các chủ trương, định hướng phát triển KT-XH, các chính sách phát triển KH&CN. Tỉnh sẽ ưu tiên hướng dẫn các tổ chức KH&CN trong việc tiếp cận với cơ chế, chính sách hỗ trợ về KH&CN như tuyển chọn, đăng ký thực hiện, triển khai các nhiệm KH&CN gắn với thế mạnh, sản phẩm chủ lực địa phương.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nghiệm thu đề tài “Tạo lập, quản lý, và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Góp ý Quy trình kỹ thuật ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre”
• Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
• Nghiệm thu đề tài “Khảo sát sự lưu hành của virus và đánh giá đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục trên bò tại Bến Tre”
• Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản quả bưởi tươi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”
• Hội thảo đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”
• Công bố quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Khác biệt chưa biết về chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài Tứ Quý
• Phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng xăng dầu
• Bến Tre: Tập huấn về cơ chế chi trả dựa vào kết quả - RBF và hướng dẫn nghiệm thu công trình khí sinh học trong chăn nuôi cho cán bộ kiểm tra chất lượng và thợ xây, thợ lắp đặt tại địa phương
• Hội thảo “Giải pháp khai thác hiệu quả các bãi bồi, cồn nổi ven sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre”
• Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm”
• Sản phẩm gạo “Thạnh Phú” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý