Nâng cao hiệu quả xử lý chôm chôm ra hoa rãi vụ trong điều kiện biến đổi khí hậu

Xử lý chôm chôm ra hoa rãi vụ là một giải pháp rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân trồng chôm chôm tại huyện Chợ Lách. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, đặc biệt là hạn hán xâm nhập mặn xảy ra, làm cho cây trồng nói chung cũng như cây chôm chôm nói riêng bị suy yếu. Từ đó việc xử lý ra hoa cũng giảm hiệu quả. Để đạt được hiệu quả cao trong việc xử lý chôm chôm ra hoa rãi vụ, cần chú ý một số vấn đề sau:

 

Sau khi thu hoạch, người trồng chôm chôm cần cắt tỉa những cành sâu bệnh, những cành vô hiệu để cho vườn cây thông thoáng, tập trung dinh dưỡng nuôi cây giúp cây nhanh phục hồi. Sau khi cắt tỉa, chúng ta kểm tra độ pH của đất và bón vôi cho đất nếu pH đất thấp (cây chôm chôm thích hợp với đất có độ pH từ 4,5-6,5) tùy vào độ pH cao hay thấp bón khoảng 500-1.500 kg/ha. Sau bón vôi 14 ngày, kiểm tra lại pH của đất trồng, khi pH đất đạt yêu cầu, bắt đầu bón 10-20kg phân hữu cơ cho mỗi cây kết hợp với phân bón NPK có hàm lượng đạm (N) cao (liều lượng từ 1-3 kg/cây) tùy vào tuổi cây và tán của cây. Lượng phân NPK có thể chia ra nhiều lần bón, mỗi lần cách nhau khoảng 2-3 tuần. Có thể sử dụng thêm các loại phân bón lá tùy vào tình trạng của cây để cây nhanh phục hồi và ra đọt mới.

 

Đối với vườn chôm chôm bị ảnh hưởng mặn, ngoài việc cắt tỉa cành, kiểm tra pH, chúng ta cần kiểm tra độ mặn của đất thông qua việc kiểm tra độ EC của đất. Nếu EC > 1,2 mS/cm xem như đất bị nhiễm mặn, khi này, chúng ta cần rửa mặn cho đất bằng các biện pháp tưới nước, bón vôi khai thông mương vườn, kết hợp với các giải pháp phục hồi cây sau khi nhiễm mặn. Trường hợp này, việc bón vôi cần được lựa chọn (ưu tiên vôi có hàm lượng canxi cao để có thể cải thiện độ mặn trong đất hiệu quả hơn).

 

Kiểm tra EC của đất bằng phương pháp thủ công.

 


Đậy mũ xử lý hoa.  

 

Sau khi rửa mặn, cần kiểm tra EC thường xuyên, khi đất hoàn toàn không còn nhiễm mặn (EC < 1,2 mS/cm), chúng ta bắt đầu bón phân phục hồi cho cây. Lưu ý, khi bón phân hữu cơ cần lựa chọ những loại phân hữu cơ có hàm lượng hữu cơ (OM) cao, chứa nhiều Vi sinh vật để bổ sung lại, do hạn mặn kéo dài, hệ thống vi sinh vật có lợi trong đất bị cạn kiệt, trong quá trình bón phân hữu cơ, nên kết hợp với nấm rễ cộng sinh (Mycorhrizal) với liều lượng hướng dẫn. Nấm Mycorhrizal có thể giúp rễ cây cộng sinh, vượt qua điều kiện bất lợi giúp hệ thống rễ cây phát triển tốt tạo điều kiện cho cây phục hồi nhanh đặc biệt là sau hạn mặn.

 

Mầm hoa chôm chôm sau thời gian cắt nước.

 

Sau khi bón phân phục hồi cây, cơi đọt thứ 2 của cây chôm chôm thuần thục hoặc cơi đọt thứ 3 chuyển sang lá lụa (tùy vào tình trạng của cây) tiến hành vệ sinh vườn, kiểm tra lại hệ thống mương vườn sao cho các rãnh thông và thoát nước tốt, ta tiến hành kiểm tra lại pH đất và EC đất (nếu cần). Khi 2 chỉ số này đạt yêu cầu và cây chôm chôm sinh trưởng tốt (bộ lá đầy đủ và không có sâu bệnh, lúc này người trồng chôm chôm có thể cắt nước để xử lý hoa chôm chôm. Chúng ta có thể đậy mủ để tránh bị ảnh hưởng do mưa xảy ra trong quá trình cắt nước.

 

Trong quá trình cắt nước, cần phun bổ trợ một số loại phân bón lá có hàm lượng lân cao (50-60% P2O5). Tùy vào điều kiện thời tiết, nếu thời tiết thuận lợi cho việc ra hoa có thể phun 1 lần hoặc không phun. Nếu gặp thời tiết bất lợi (mưa hoặc lạnh) có thể phun hỗ trợ nhiều lần (10-14 ngày/lần) cho đến khi lá của cơi đọt thứ 3 héo, vàng và xuất hiện mầm hoa (dài khoảng 4-6 cm) đều trên cây thì bắt đầu tưới nước trở lại. Lượng nước tưới ít và tăng dần (7 ngày 1 lần và rút ngắn từ từ cho đến khi hoa nở). Trường hợp lá của cơi đọt héo, vàng, rụng mà cây ra hoa không đạt yêu cầu thì tùy vào tình trạng thực tế mà người trồng có thể quyết định để hoa nuôi tiếp hoặc nuôi lại cơi đọt mới và xử lý lại ban đầu. Khi hoa của cây chôm chôm đạt yêu cầu thì bắt đầu chuyển qua giai đoạn nuôi trái theo quy trình.    

 

Với những vấn đề lưu ý trên, đặc biệt là những vườn cây bị ảnh hưởng sau mặn, nhiều vườn chôm chôm tại các xã Sơn Định, Vĩnh Bình và Phú Phụng của huyện Chợ Lách được cải thiện và lần lượt được xử lý ra hoa rãi vụ đạt hiệu quả cao.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Quy trình chăm sóc cây giống chôm chôm trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn
• Một số giải pháp canh tác chôm chôm, sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Phòng trừ bệnh hại chôm chôm trong mùa mưa
• Chôm chôm khó ra hoa và giải pháp khắc phục
• Phòng trừ bệnh phấn trắng gây hại chôm chôm trong mùa mưa
• Cảnh báo bệnh chổi rồng phát triển và gây hại trên cây chôm chôm
• Ruồi đục trái-dịch hại đang phát triển và gây hại trên chôm chôm
• Thu nhập cao từ vườn chôm chôm Thái Lan
• Thu lợi nhuận cao bằng cách xử lý chôm chôm ra trái nghịch vụ
• Phòng trừ bệnh thối trái chôm chôm
• Bệnh bồ hóng
• Bệnh đốm rong
• Bệnh thối trái
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm