Phú Đa-hàng loạt vườn sầu riêng bị cháy lá, rụng trái đã được phục hồi

Phú Đa là một ấp thuộc cồn Phú Đa xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Những năm gần đây, người dân phát triển cây sầu riêng, đến nay nhiều vườn đã cho trái ổn định. Vào tháng 02 năm 2021 vừa qua, nhiều vườn sầu riêng tại khu vực này đồng loạt cháy lá nghiêm trọng, một số vườn đang mang trái chưa kịp phục hồi sau đó chết. Hơn 10 hecta sầu riêng bị ảnh hưởng. Nhận được tin báo của Hội Nông dân xã Vĩnh Bình cùng chính quyền ấp Phú Đa, Trạm Khuyến Nông phối hợp với Trạm Trồng Trọt và Bảo Vệ Thực Vật huyện Chợ Lách đã tổ chức khảo sát và đưa ra giải pháp khắc phục.

 

Vườn sầu riêng bị cháy và rụng lá.

 

Qua kết quả khảo sát và điều tra tại vườn cho thấy nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cháy lá đồng loạt này là do sự bón phân không hợp lý sau thời gian hạn hán xâm nhập mặn năm 2020 làm mất cân bằng hệ thống dinh dưỡng của đất trồng, kết hợp với việc xử lý ra hoa vội vàng khi cây chưa kịp phục hồi lại hoàn toàn sau mùa hạn mặn dẫn đến tình trạng cây suy kiệt, làm cho cháy lá, rụng trái. Một số vườn ảnh hưởng nặng bị chết và phải đốn bỏ. Kết quả kiểm tra tại vườn cho thấy các vườn sầu riêng bị ảnh hưởng đều có pH đất dưới 3,0 và độ dẫn điện EC > 1,5 mS/cm (Trong khi để cây sầu riêng có thể sinh trưởng tốt thì pH từ 5,5-6,5 và EC từ 0,4-1,0 mS/cm). 

 

Sau khi xác định được nguyên nhân, Trạm Khuyến nông cùng với Trạm Trồng Trọt và Bảo Vệ Thực vật huyện đã tiến hành tổ chức tập huấn và tư vấn một số giải pháp chăm sóc phục hồi vườn sầu riêng như sau:

 

Kiểm tra pH đất tại thời điểm khảo sát.

 

Cắt bỏ trái (đối với vườn cho mang trái) và tỉa những cành đã chết trên cây. Bón vôi (ưu tiên vôi có hàm lượng CaO cao và bón khoảng 50-150kg/1.000 m2 tùy vào pH của đất cao hay thấp) kết hợp tưới nước nhiều để giảm độ dẫn điện trong đất. Độ dẫn điện trong đất lúc này cao do 2 nguyên nhân chính gồm: bón nhiều phân hóa học trong lúc phục hồi cây chuẩn bị xử lý ra hoa và một phần do hàm lượng Na+ tích lũy trong đất sau thời gian hạn mặn kéo dài. Sau khi bón vôi khoảng 2 tuần, tiến hành kiểm tra lại pH và độ dẫn điện trong đất, nếu 2 chỉ số này cải thiện (pH có tăng và độ dẫn điện của đất có giảm) thì tiến hành bón phân hữu cơ, trường hợp chưa thì tiếp tục thực hiện lại bước bón vôi như lần đầu nhưng liều lượng vôi được giảm ½ so với lượng ban đầu.         

 

Khi bón phân hữu cơ vi sinh cho cây cần tưới ướt đều trước và sau khi bón. Liều lượng 5-10 kg cây (tùy vào tuổi cây). Nên phối trộn phân hữu cơ với nấm Mycorrhizal (100 gram  cho mỗi cây) khi bón nhằm tăng cường hệ vi sinh vật có lợi trong đất sau thời gian hạn mặn, bổ sung hữu cơ và vi sinh vật còn làm cho vùng đất nuôi bộ rễ được tơi xốp, đặc biệt Mycorrhizal là nấm cộng sinh rễ hỗ trợ bộ rễ phát triển mạnh hơn từ đó tăng khả năng trao đổi ion và tăng hấp thu dinh dưỡng tạo điều kiện cho cây nhanh phục hồi.

 

Sử dụng các sản phẩm hữu cơ có tác dụng kích thích rễ cây như Rootwell, sâm đất hoặc humic tưới cho cây sau khi bón phân hữu cơ 7-10 ngày. Thực hiện tưới xung quanh vùng rễ định kỳ theo liều lượng khuyến cáo và tưới định kỳ 10 ngày/lần.   

 

Vườn sầu riêng ra đọt và dần phục hồi.

 

Cũng trong giai đoạn này, trên lá phun các sản phẩm chứa Canxi, Silic và Acid amin để bổ trợ cho cây, giúp tế bào vững chắc. Phun định kỳ 10-14 ngày/lần (tùy vào sự phục hồi của cây) cho đến khi cây phát triển bộ lá mới. Lưu ý trong giai đoạn này, không nên sử dụng phân bón có chứa nhiều đạm, ưu tiên các loại hữu cơ sinh học và vi sinh.

 

Cây sầu riêng đã phục hồi.

 

Khi cây ra lá non, cần phun thuốc phòng trừ rầy khi thấy có dấu hiệu xuất hiện để bảo vệ bộ lá. Bón lại phân hữu cơ khi cây ra lá mới. Quy trình được thực hiện đến khi cây phục hồi và phát triển bình thường thì mới bón phân hóa học và xử lý ra hoa. 

 

Với quy trình chăm sóc được hướng dẫn, đến nay nhiều vườn sầu riêng trong ấp Phú Đa đã có những diễn biến tích cực và dần phục hồi.                                                                 

 

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Những lưu ý quan trọng để kéo đọt sầu riêng Ri6 thành công
• Những nguyên nhân chủ yếu khiến sầu riêng mới trồng chậm phát triển
• Một số lưu ý trong quá trình canh tác sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Một số biện pháp quản lý nấm bệnh thường xuất hiện trên sầu riêng trong mùa mưa
• Phòng trừ một số bệnh hại sầu riêng trong giai đoạn chuyển mùa
• Phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng một số điểm cần lưu ý
• Hiện tượng cháy lá sầu riêng trong mùa khô nguyên nhân và giải pháp
• Phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng sau hạn mặn
• Cần lưu ý khi sử dụng paclobutazol trong xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ
• Hiện tượng sầu riêng “đột tử” cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn
• Quản lý rầy hại đọt sầu riêng bằng hệ thống phun thuốc tự động
• Một số điểm cần lưu ý khi xử lý nghịch vụ sầu riêng
• Cần quan tâm chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch
• Bệnh hại mới trên cây sầu riêng và giải pháp khắc phục
• Khắc phục hiện tượng cháy lá sầu riêng khi cây mang hoa, trái trong mùa nắng