Phòng trừ một số bệnh hại sầu riêng trong giai đoạn chuyển mùa
Trong thời điểm cuối mùa mưa sắp chuyển sang mùa nắng, những cơn mưa cuối mùa kéo dài với lượng mưa lớn dễ gây ngập úng trên vườn sầu riêng dẫn đến phát sinh một số bệnh thường gặp như bệnh thối rễ, thối trái, thán thư, cháy lá chết ngọn và đốm rong.
Bệnh thối rễ thường xuất hiện trên vườn sầu riêng khó thoát nước. Có nhiều tác nhân gây bệnh nhưng phổ biến là nấm Pythium complectens. Nấm phát triển từ đầu rễ và lan vào rễ chính làm thối rễ. Triệu chứng đầu tiên các lá chuyển vàng và rụng sớm, bệnh nặng làm các nhánh non chết dần, sau đó chết cả cây, có nhiều cây khi chết chỉ còn trơ cành. Đối với những vườn có thành phần sét nhiều nhưng ít bón phân hữu cơ nên đất bị nén chặt, vườn bị oi nước trong mùa mưa, trong khi mùa nắng đất lại dễ bị khô nứt làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hệ thống rễ và tạo điều kiện cho các loài nấm hại trong đất phát triển và tấn công rễ.Vườn không bón vôi cho đất cũng là điều kiện giúp bệnh phát triển và gây hại nặng. Nấm bệnh hại rễ tồn tại trong đất qua một thời gian dài khi không có ký chủ và nguồn bệnh trong đất tăng dần qua nhiều năm. Chúng có thể lan truyền theo nước tưới, đất do động vật và người mang hoặc cây giống nhiễm bệnh.
Cây chết do bệnh thối rễ. |
Bệnh hại quan trọng không kém trên sầu riêng là bệnh thối trái, bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Bệnh thối trái do nấm Phytophthora sp gây ra. Vết bệnh đầu tiên là những vùng nâu nhỏ trên trái, bệnh nặng đốm bệnh phát triển rộng ra, chuyển màu nâu sậm, vết bệnh trên vỏ trái thối mềm, ăn sâu vào trong thịt trái. Chẻ bên trong trái sẽ thấy thịt trái nhũn, chảy nước, có mùi hôi chua. Vết bệnh có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên trái. Vào buổi sáng có thể thấy những tơ nấm trắng phát triển trên vết bệnh ở vỏ trái. Bệnh thường gây hại nặng cho những chùm trái bên trong tán cây gần mặt đất. Ngoài ra, bệnh còn gây hại giai đoạn sau thu hoạch, trong quá trình tồn trữ và vận chuyển. Bệnh gây hại nặng trên các vườn trồng quá dày, rậm rạp. Bệnh phát sinh và phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, lây lan rất nhanh từ trái này sang trái kia. Khi vườn bị sâu đục trái còn tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Bệnh lây lan bằng bào tử do gió hoặc côn trùng mang đi. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa.
Thối trái do nấm Phytophthora sp. |
Sâu đục trái tạo điều kiện cho bệnh thối trái xâm nhiễm. |
Bệnh thối trái gây hại những vườn sầu riêng ở thời kỳ kinh doanh thì bệnh cháy lá chết ngọn thường gây hại trên vườn sầu riêng tơ giai đoạn kiến thiết cơ bản hoặc trong vườn ươm, đôi khi nấm tấn công cả cây lớn. Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra, nếu xâm nhiễm cây con trong vườn ươm làm lở cổ rễ. Triệu chứng nhận biết ở phần cổ rễ sát mặt đất có vết thối vòng quanh, lá và ngọn cháy sau đó khô, chết ngọn. Bệnh lan dần từ lá già bên dưới và lên trên lá non. Vết bệnh không có hình dạng rõ rệt, màu xanh tái như bị luộc nước sôi, về sau lan rộng có màu vàng nâu, cuối cùng chuyển màu xám trắng. Lá bị bệnh không phát triển được và co rúm lại, bệnh lây lan rất nhanh, từ lá này sang lá kia và các lá bệnh dính lại với nhau như kiến làm tổ (còn gọi là bệnh tổ kiến), bên trong có những sợi tơ nấm trắng xám và đôi khi có những hạch nấm tròn màu nâu nhạt như hạt cát. Bệnh nặng làm lá cháy thành mãng lớn và rụng sớm, đôi khi cành non cũng bị tấn công làm khô dần, cả cây bị trụi lá và chết ngọn. Nếu bệnh xảy ra trong lúc có ẩm độ không khí cao, hoặc mưa dầm thì vết bệnh có màu đen và nhũn ra. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều, nóng và ẩm. Hạch nấm có thể sống trong đất và trong nước hàng năm, từ đó mọc ra sợi nấm để xâm nhập và gây bệnh.
Bệnh cháy lá chết ngọn (nấm Rhizoctonia solani). |
Ngoài ra, bệnh thán thư rất phổ biến trên sầu riêng. Bệnh do nấm Colletotrichum zibethinum gây ra, nấm bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Vết bệnh bắt đầu từ rìa lá hay chót lá lan dần vào trong phiến lá, tạo thành những mãng cháy màu nâu đỏ, trên đó có những đường gợn sóng màu nâu thẫm, đặc trưng là những vòng đồng tâm. Giữa vết bệnh và phần xanh còn lại của lá có đường ranh giới rỏ rệt màu nâu. Bề mặt vết bệnh có những hạt nhỏ màu đen li ti là các ổ bào tử. Bệnh thường phát sinh trên lá già và lá bánh tẻ. Bệnh nặng cháy toàn bộ lá và rụng sớm, cây kém phát triển, nhất là khi cây còn nhỏ. Nấm tồn tại trên lá bệnh ở dạng sợi và bào tử. Bệnh gây hại quanh năm nhưng thường nặng trong mùa mưa, nhất là những ngày mưa dầm, ẩm độ không khí cao. Vườn trồng dày, thiếu chăm sóc cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.
Bệnh thán thư trên lá. |
Bên cạnh, bệnh đốm rong là một trong những bệnh thường phát triển trên sầu riêng. Bệnh đốm rong do một loại tảo gây ra có tên là Cephaleuros virescenns. Bệnh thường gây hại trên thân, cành và lá, ít gây hại trên trái, bệnh còn tấn công cả cây con trong vườn ươm. Trên lá vết bệnh là những đốm tròn khoảng 3-5mm, mọc hơi nhô lên bề mặt lá, nhìn giống như một lớp nhung mịn, có màu xanh xám hoặc màu đỏ nâu, khi vết bệnh củ chuyển sang màu xám nâu. Khi gặp điều kiện thích hợp, vết bệnh lan rộng nhanh, có khi bằng đầu ngón tay, ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy mô lá bị hoại và cả sợi tảo mọc xuyên qua có màu đỏ nâu. Bệnh nặng, trên lá có rất nhiều đốm chi chít dày đặc, phủ kín mặt lá. Bệnh thường xuất hiện trên những lá đã trưởng thành. Trên thân, cành bệnh thường gây hại trên thân chính hoăc những nhánh già bên trong tán, vết bệnh đầu tiên là những đốm màu xanh, có hình tròn hoặc hình bầu dục sau đó lớn dần thành từng mãng, vết bệnh có lớp tơ mịn màu xanh rêu, giữa vết bệnh có màu đỏ nâu. Nguồn bệnh có trong tự nhiên và lây lan mạnh do tảo Cephaleuros virescenns là loại đa ký chủ, ký sinh trên nhiều loại cây trồng. Bệnh phát triển mạnh ở những vườn rậm rạp không thông thoáng, thiếu chăm sóc, vườn phun nhiều phân bón lá hoặc những vườn cây lớn tuổi. Trong mùa mưa, nhất là trong những tháng mưa bão liên tục là điều kiện thuận lợi cho bệnh đốm rong phát triển.
Đốm rong trên thân sầu riêng. |
Đốm rong trên lá sầu riêng. |
Đối với các bệnh hại sầu riêng nhà vườn nên áp dụng các biện pháp canh tác, biện pháp sinh học kết hợp biện pháp hóa học một cách hợp lý sẽ hạn chế sự phát triển của bệnh trong vườn rất hiệu quả. Nếu trồng vườn mới nên trồng sầu riêng với mật độ vừa phải, hợp lý, không trồng quá dày; Chăm sóc cho cây phát triển khỏe mạnh, tưới nước đầy đủ trong mùa khộ và quan trọng là có hệ thống thoát nước tốt trong mùa mưa; Hàng năm sau thu hoạch nên vệ sinh vườn, cắt bỏ và tiêu hủy những cành già, lá già nhiễm bệnh, cành không có khả năng cho trái, để tạo thông thoáng vườn cây; Bón phân đầy đủ và cân đối, tránh bón thừa đạm và nhất là không phun phân bón lá định kỳ. Tăng cường bón nhiều phân hữu cơ để đất tơi xốp, kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma tăng cường hoạt động vi sinh vật có lợi trong đất giúp cân bằng hệ sinh vật đất, hạn chế nhóm nấm gây bệnh thối rễ; Trong vườn nên trồng các loại cỏ thân thấp, ít cạnh tranh dinh dưỡng, giúp đất thông thoáng, giữ ẩm trong mùa khô,để cỏ cách gốc khoảng 50cm.
Trên vườn sầu riêng nhiễm bệnh thối trái nên thường xuyên thăm vườn khi xuất hiện bệnh sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Fosetyl aluminium, Metalaxyl,... Trường hợp bệnh thối rễ, biện pháp phòng là chính hoặc khi phát hiện triệu chứng bệnh rất sớm thì việc trị mới mang hiệu quả, sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Metalaxyl hoặc Mancozeb + Metalaxyl (Ridozeb 72WP, Mexyl MZ 72 WP) tưới quanh gốc 2- 3 lần mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Đối với bệnh cháy lá chết ngọn sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Validamycin hoặc Cyproconazole. Để phòng trừ bệnh thán thư sử dụng nhóm thuốc trừ bệnh có hoạt chất Propineb, Difenoconazole, Azoxystrobin,… Riêng bệnh đốm rong, khi bệnh phát triển dày đặc trên lá có thể phun thuốc gốc Đồng (Coc 85, Champion, Norshield,…) hoặc thuốc gốc lưu huỳnh (Kumulus, Sulox,…). Nếu bệnh trên thân, cành có thể sử dụng thuốc gốc Đồng pha đậm đặc quét lên thân, cành. Trên những vườn thường xuyên bị nhiễm bệnh đốm rong có thể dùng vôi quét lên thân vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa để phòng ngừa bệnh.