Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc

Từ tháng 7 năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã phát hiện nhiều điểm có vườn dừa bị sâu đầu đen hại dừa gây hại dừa tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Bến Tre với mức độ gây hại rất nặng, ước thiệt hại sinh trưởng trên 70% số lá trên cây và trên 80% năng suất cây dừa. Sâu đầu đen hại dừa là loài sâu thuộc bộ cánh vảy, họ ngài đêm, là một loài sâu hại ngoại lai nguy hiểm trên cây dừa, sâu non (ấu trùng) tấn công cả vườn cây mới trồng đến cây trưởng thành cả nhóm dừa cao và dừa lùn. Sâu đầu đen gây hại làm tàu lá dừa cháy khô từ những là già bên dưới, dần lên các lá trưởng thành đến các tàu lá non trên ngọn. Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá chét, vỏ trái, thải phân và nhả tơ kết thành tổ để trú ẩn, khi bị động chúng nấp vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất.

 

Về biện pháp quản lý tạm thời khi phát hiện có sâu đầu đen xuất hiện, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con cần nhanh chóng cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá, lá chét bị sâu gây hại đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại hiệu quả, an toàn cho người và môi trường, đây là một trong những biện pháp quan trọng và cần thiết phải thực hiện ngay sau khi phát hiện dịch hại. Bà con cũng nên bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón trong năm. Tuy nhiên, khi dịch hại xuất hiện nặng, cần can thiệp biện pháp hoá học. Nếu vườn bị gây hại trong khu dân cư hoặc chăn nuôi, bà con nên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Bt (Bacillus thurigiensis), nấm xanh (Metarhizium sp.), nấm trắng (Beauveria sp.) phun ướt đẫm đều ở mặt dưới lá, tuy nhiên cần phun nhiều lần cách nhau 5-7 ngày. Đối với vườn dừa bị gây hại nặng, bà con phun thuốc 2 lần cách nhau 7 -10 ngày, phun ướt đẫm đều  mặt dưới lá. Bà con nông dân có thể sử dụng một trong hai gốc thuốc được khuyến cáo để phòng trừ. Thuốc trừ sâu gốc Flubendiamide: Takumi 20WG liều lượng 5gam/bình 25 lít nước phun 4 - 5 cây tùy tuổi cây. Theo thí nghiệm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre, thuốc Takumi 20WG có hiệu quả cao trong phòng trị sâu đầu đen hại dừa và được đăng ký an toàn với tôm, cá. Thuốc trừ sâu gốc Emamectin benzoate (Actimax 50WG) với lượng nước khoảng 6 - 7 lít/cây (tùy thuộc vào tán dừa). Nồng độ thuốc pha tùy theo hàm lượng hoạt chất của thuốc thương phẩm. Quá trình sử dụng thuốc bà con cũng lưu ý không phun ngừa khi chưa phát hiện triệu chứng gây hại, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng và không sử dụng nước có độ mặn trên  0,5‰ để pha thuốc.

 

Trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc hiện nay bên cạnh biện pháp dùng thuốc hóa học thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đang hướng đến việc dùng biện pháp nhân nuôi ong ký sinh và bọ đuôi kìm phòng trừ sâu đầu đen. Tính đến tháng 10 năm 2021, toàn huyện sâu đầu đen gây hại với diện tích 55,12 ha. Kết quả: đã xử lý 10.002 cây dừa (trong đó phun thuốc: 9.179 cây và đốn, tiêu hủy các cây dừa bị gây hại nặng: 823 cây; thả ong ký sinh: 8.442 con (trong đó: ký sinh trên nhộng 6.302 con, ký sinh trên sâu 2.140 con). Thời gian tới, huyện sẽ hướng đến kiểm soát sâu đầu đen bằng các biện pháp sinh học vì thực tế nhiều nơi đã áp dụng thành công biện pháp này bằng ong ký sinh. Đây là biện pháp mang tính bền vững, vừa bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng trái dừa, tăng năng suất, phù hợp với việc thực hiện canh tác dừa hữu cơ tại Bến Tre.

 

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Mỏ Cày Bắc hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa.


Cán bộ chuyên môn lựa nhộng sâu đầu đen, sâu đầu đen để nhân nuôi ong ký sinh.

 

Tuy nhiên, việc nhân giống bọ đuôi kìm và ong ký sinh cần có thời gian để mang lại hiệu quả. Vì vậy mong bà con trồng dừa hiểu, thông cảm và tạo điều kiện thuận lợi để các cán bộ thuộc ngành chuyên môn thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên cây dừa.

 

Cây dừa phải mất thời gian từ 6 đến 7 năm mới cho trái, chính vì vậy, một khi sâu đầu đen gây hại đến mức phải phá bỏ vườn thì khả năng phục hồi sẽ rất lâu, việc chuyển đổi cây trồng cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc cải tạo lại nền đất. Do đó, bên cạnh các giải pháp đã được khuyến cáo, ngành chuyên môn lưu ý bà con cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện và có biện pháp phòng trừ kịp thời sâu đầu đen gây hại cây dừa. Khi phát hiện sâu đầu đen mới xuất hiện và gây hại thì tiến hành cắt những tàu lá dừa bị gây hại đem ngâm chúng dưới mương có nước hoặc đem đi đốt ngay lập tức trong ngày để tiêu hủy nhằm tránh lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, thường xuyên phát hoang những cây trồng xen không hiệu quả kinh tế làm che phủ vườn dừa để hạn chế sâu hại tấn công và tạo điều kiện cho vườn thông thoáng giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt và kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Khắc phục dừa bị trăng ăn
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker
• Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam
• Sâu ăn lá – côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• Dừa Bến Tre-cây cho năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kính
• Một số giải pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây dừa
• Biện pháp sinh học và lý học quản lý nhóm côn trùng hại dừa
• Anh Huỳnh Thanh Tâm - Người không ngừng nâng cao giá trị cây dừa
• Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước
• Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa
• Sâu đục trái dừa-sâu hại mới đang phát triển trên vườn dừa
• Phương pháp thu mật và cách chế biến đường từ mật hoa dừa
• Bọ vòi voi trên cây dừa
• Bọ vòi voi-loài côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• “Dừa mủ”-Hiện tượng phổ biến trên các vườn dừa