Cá hồng mỹ phù hợp để nhân rộng tại các xã ven biển

Để phát triển nghề nuôi thủy sản ổn định và bền vững, những năm qua, ngành nông nghiệp của huyện không ngừng kết nối, tìm kiếm những đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, chống chịu được với tác động môi trường của ao nuôi để áp dụng mô hình cho người dân.

 

Tại ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng cơ sở nuôi là Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy thực hiện đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá hồng mỹ thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp tại tỉnh Bến Tre”. Đề tài này được thực hiện từ giữa tháng 2 năm 2021 trên tổng diện tích 9.000m2 ao đất của ông Võ Ngọc Bé – đại diện công ty Phát Huy là cơ sở nuôi với 13.500 con giống được thả nuôi. Đến nay, sau hơn 8 tháng nuôi cá hồng mỹ hay còn gọi là cá đù đỏ đạt được kích cỡ thương phẩm với trọng lượng trung bình đạt từ 800 gam đến 1,2 ký mỗi con, tỷ lệ sống ước đạt 75%.

 

Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy là cơ sở nuôi đang thử nghiệm mô hình nuôi cá hồng mỹ đầu tiên tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Mừng.

 

Theo ông Võ Ngọc Bé, một số ao nuôi tôm thẻ của ông có môi trường nuôi không còn thích hợp để nuôi tôm thẻ nữa nên việc thử nghiệm với đối tượng nuôi mới là cần thiết. Để tiến hành việc nuôi cá hồng mỹ, ông đã cải tạo 3 ao đất, mỗi ao 3.000m2; xử lý nước ao nuôi; lắp đặt hệ thống thiết bị gồm hệ thống quạt, máy bơm nước… sau đó mới thả cá giống với mật độ thử nghiệm khác nhau từ 1 đến 2 con/m2 tại mỗi ao nuôi. Trong quá trình nuôi, ông chú trọng việc chăm sóc cá và theo dõi các yếu tố môi trường, ghi nhật ký, theo dõi tỷ lệ sống của cá… Cá hồng mỹ thích hợp nuôi trong môi trường có độ mặn dao động từ 18 đến 25 ‰. Tuy nhiên, qua thời gian nuôi thử nghiệm, ông Bé nhận thấy có lúc độ mặn thấp hơn ở mức 5‰ cá vẫn sinh trưởng và phát triển rất tốt.

 

Trong quá trình thử nghiệm mô hình cơ sở nuôi của ông Bé được hỗ trợ 100% chi phí con giống và 30% thức ăn cho cá, phần còn lại ông đối ứng 70% thức ăn và chuẩn bị các điều kiện cho ao nuôi. Kỹ thuật nuôi đơn giản, nguồn thức ăn chính bằng thức ăn công nghiệp, giá thành phẩm cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Theo ước tính, tổng sản lượng cá khi thu hoạch đạt khoảng 8,5 tấn cá thương phẩm. Hiện tại, giá cá tươi ở mức 90 ngàn đồng mỗi ký, trừ đi các khoản chi phí, khi đó người nuôi sẽ mang về lợi nhuận 40 ngàn đồng/kg. Nếu chế biến thành khô một nắng thì lợi nhuận sẽ tăng cao hơn. Do đó, theo ông Bé, mô hình này cần nhân rộng để tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân các xã ven biển. Về phía Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy sẽ đồng hành cùng người dân thông qua việc bao tiêu đầu ra sản phẩm này. Do vậy, ông Võ Ngọc Bé mong rằng chính quyền địa phương quan tâm nhân rộng mô hình này.

 

Kết quả bước đầu cho thấy, cá hồng mỹ phát triển tốt tại xã biển Thạnh Phong và có thể hướng tới việc nhân rộng mô hình nuôi đến các cơ sở nuôi, hộ nuôi trên địa bàn các xã, huyện ven biển. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thạnh Phú Lê Văn Tiến cho biết, hướng tới, các đơn vị phối hợp thực hiện đề tài, cơ sở nuôi sẽ tiếp tục thực hiện các công việc như: tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi; tiến hành thu hoạch cá thương phẩm; hoàn thành đăng ký sản phẩm OCOP 4 sao khô cá hồng mỹ một nắng của địa phương và xúc tiến thị trường tiêu thụ cá hồng mỹ.

 

Từ kết quả bước đầu của đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá Hồng Mỹ thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp tại tỉnh Bến Tre”, sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình, mở ra hướng phát triển mới cho người nuôi thủy sản, biết tận dụng và phát huy có hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước, ao hồ hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng nghề nuôi thuỷ sản phát triển ổn định và bền vững.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi