Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn

Cây chanh dây có tên khoa học là Passiflora incarnata thuộc họ Lạc tiên, là một loài dây leo sống lâu năm lớn nhanh với thân bò leo, dễ trồng, ít kén đất và ra trái quanh năm. Hiện nay chanh dây được trồng hầu hết ở các vùng miền trên cả nước, có thể trồng chuyên canh, xen canh hoặc trồng tận dụng cho dây leo trên bờ rào. Chanh dây không chỉ là một thức uống giải khát mà còn được sử dụng chế biến trong y dược hay thực phẩm.

 

Yêu cầu điều kiện sinh thái của chanh dây không khó. Chanh dây là loại cây trồng không kén đất, nhưng thích hợp đất có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt, độ pH từ 5,5 - 6. Cây ưa cường độ ánh sáng nhẹ. Chanh dây ưa ẩm nên cần đủ nước cho cây phát triển, nhất là trong thời kỳ mang trái để có trái to, da căng bóng, đẹp thì điều kiện quan trọng là phải cung cấp đủ nước, nếu thiếu nước trái sẽ bị teo, sần sùi, và rụng sớm. Chanh dây có nhiều giống khác nhau nhưng có hai loại giống chanh dây được ưa chuộng và trồng phổ biến nhất là chanh dây vỏ vàng và chanh dây vỏ tím. Chanh dây vàng có sức sống mạnh, ít sâu bệnh, thích ứng tốt với điều kiện đất đai nhưng cho năng suất trung bình, khi chín vỏ chanh có màu vàng ươm. Chanh dây tím có nguồn gốc chủ yếu từ Đài Loan, năng suất vượt trội, kích thước trái từ vừa đến lớn, khi chín, trái có màu tím hoặc đỏ. Giống chanh này được thị trường ưu chuộng. 

 

 

Chanh dây vỏ tím.

 

Chanh dây vỏ vàng.

 

 

 

Chanh dây có thể  trồng giàn như mướp, bầu, bí … hoặc cho leo trên hàng rào. Tùy theo quy mô trồng mà làm giàn leo thích hợp để tạo độ thông thoáng  giúp cây phát triển tốt. Cây chanh dây sinh trưởng và phát triển nhanh, do đó cần áp dụng đúng kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán để tăng diện tích tán cây tiếp xúc với ánh sáng, thân cây phát triển cân đối, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, tạo điều kiện cây ra nhiều hoa, sai trái. Khi cây cao được 0,8 – 1m, tiến hành bấm ngọn để cây sinh cành thứ cấp. Giữ lại từ 3 đến 5 cành có tình trạng khỏe mạnh và tỏa đều các hướng trên giàn. Tiến hành vào thời gian đầu mới trồng cho đến khi cành của chanh dây đã phủ kín giàn. Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng  giúp cây phát triển và tạo năng suất. Khi cây còn nhỏ (1 – 2 tháng tuổi) nên pha phân Urea (khoảng 30g/gốc) tưới cho cây khoảng 15 ngày/lần. Giai đoạn từ 2 tháng đến 6 tháng tuổi, bón cho một gốc khoảng 250-300gr Urea, 600-700gr Super lân và 250 gr K2SO4 (sử dụng Kali Sulphate tăng mùi thơm cho chanh dây) ngoài ra nên bổ sung phân hữu cơ khoảng 10kg phân chuồng hoai mục cho cây lúc mới trồng. Cây chanh dây trồng đến 5 – 6 tháng sẽ bắt đầu ra hoa. Chanh dây ra hoa liên tục và sau khi ra hoa khoảng 1 tuần thì cánh hoa sẽ tự rụng, trái non nhú ra. Giai đoạn mang trái, cây cần nhiều chất dinh dưỡng để nuôi dây, cây sung mãn mới cho nhiều hoa, trái. Thời kì này có thể bón phân NPK 16-16-8 với liều lượng 200gr/gốc/tháng hoặc 2 - 3kg phân bón hữu cơ vi sinh/gốc/tháng.

 

Mặc dù chanh dây là loại cây trồng ít sâu bệnh nhưng khi trồng với quy mô lớn bà con cần lưu ý một số dịch hại phổ biến gây hại chanh dây như bệnh cứng trái, đốm nâu, xoăn lá và bọ trỉ.

 

 

Bệnh đốm nâu trên lá.

 

Bệnh đốm nâu mới chớm trên trái.

 

Bệnh đốm nâu là một bệnh khá phổ biến trên chanh dây. Bệnh do nấm Alternaria passiflorae gây ra. Nấm bệnh gây hại trên  lá, thân và trái. Vết bệnh thường xuất hiện ở các lá già bên dưới, sau lan dần lên các lá trên. Triệu chứng đầu tiên, lá có những đốm nhỏ màu nâu sẩm, dần lan rộng ra, hình dạng bất định, trên vết bệnh có các vòng tròn đồng tâm màu đen, nhiều vết bệnh liên kết với nhau làm cho lá cháy khô. Trên thân, vết bệnh có hình thon dài, màu nâu đen, thường xuất hiện gần nách lá hoặc gân lá, bệnh nặng vết bệnh lan ra và bao quanh thân cây, phần ngọn bị héo và chết dần. Trên trái, khi bệnh mới chớm xuất hiện những đốm nhỏ bằng đầu kim, sau vết bệnh lớn dần dễ nhận biết là những đốm bệnh tròn hơi lõm xuống, trái nhăn nheo và rụng sớm. Quản lý bệnh đốm nâu nên tạo thông thoáng trên giàn trồng; phát hiện bệnh chớm xuất hiện phun thuốc trừ bệnh nhóm thuốc có hoạt chất Azoxystrobin (Amistar 250SC); hoặc hỗn hợp thuốc Mancozeb + Metalaxyl-M (Ridomil Gold 68WP).

 

 

Bệnh cứng trái do virus Passionfruit woodiness.

 

Bệnh xoăn lá do virus Papaya leaf curl.

 

Ngoài bệnh do nấm, có nhiều loại bệnh do virus gây hại cho chanh dây nhưng phổ biến là Passionfruit woodiness virus (PWV)  gây bệnh cứng trái và Papaya leaf curl virus (PLCV) gây bệnh xoăn lá. Cả hai bệnh này đều ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và năng suất chanh dây. Bệnh cứng trái do virus Passion fruit woodiness. Cây ký chủ chính là chanh dây. Bệnh này có thể tấn công và lây lan bất cứ giai đoạn nào của cây, cả cây tơ hoặc cây mang trái. Tùy theo giai đoạn phát triển, bệnh có biểu hiện triệu chứng khác nhau. Khi bệnh gây hại  làm vỏ trái cứng, phát triển dị dạng, méo mó, bề mặt vỏ trái có những khối u lớn nhỏ, sần sùi. Lá bị quăn lại, kích thước lá nhỏ, vàng ở chóp. Biểu hiện trên thân sẽ thấy thân dây phình to, lóng ngắn lại, chậm sinh trưởng. Môi giới truyền bệnh là rầy mềm và virus gây bệnh còn có thể lan truyền cơ giới qua chiết ghép, dụng cụ cắt tỉa và trong quá trình canh tác nhưng không lan truyền qua hạt giống. Đối với bệnh xoăn lá do virus Papaya leaf curl (PLCV) gây hại. Triệu chứng điển hình là lá bị quăn queo, kích thước lá giảm rỏ rệt, rìa lá bị uốn cong xuống, lá vàng lốm đốm, giòn và dầy hơn, lóng thân ngắn. Bệnh lan truyền qua rầy phấn trắng Bemisia tabacii. Đối với bệnh virus khi đã xuất hiện không có thuốc trị nên cần có những biện pháp phòng bệnh như: Sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, không bị nhiễm virus gây bệnh và không nhân giống (giâm, chiết, ghép) từ những cây có triệu chứng bệnh; Khi phát hiện dây bệnh nên nhổ bỏ triệt để; Khử trùng dụng cụ cắt tỉa bằng cồn khi nhân giống hoặc trong quá trình canh tác. Dọn sạch cỏ trên vườn, tránh tạo điều kiện cho các cây ký chủ của các côn trùng là môi giới truyền bệnh; Sử dụng thuốc kiểm soát rầy mềm, rầy phấn trắng là môi giới truyền bệnh. Có thể phun Dầu khoáng, chế phẩm sinh học Nấm xanh Metarhizium anisopliae hoặc nhóm thuốc có hoạt chất Abamectin, Azadirachtin, Emamectin benzoate.

 

Bệnh héo xanh cũng là một bệnh phổ biến trên chanh dây. Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas  syringae gây ra. Bệnh gây hại từ giai đoạn nhỏ đến khi có trái. Triệu chứng điển hình là cây đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Vi khuẩn trong đất xâm nhập vào rễ cây, phát triển trong các mạch dẫn, ngăn cản sự hấp thu vận chuyển nước, muối khoáng của cây, làm cây bị héo. Cắt ngang thân cây bệnh, sẽ thấy mạch dẫn bị thâm nâu, sũng nước, ấn mạnh vào chổ gần mặt cắt sẽ có chất dịch màu trắng đục tiết ra, đó chính là dịch vi khuẩn. Vi khuẩn có thể tồn dư trong tàn dư cây bệnh rất lâu, đây chính là nguồn lây truyền bệnh. Để quản lý tốt bệnh héo xanh nên tiêu hủy triệt để khi phát hiện cây bệnh để tránh lây lan; sử dụng các loại thuốc chứa các hoạt chất: Copper hydroxide, Copper Oxychloride + Metalaxyl hoặc Ningnanmycin. 

 


Bọ trỉ gây hại trên trái chanh dây.

 

Ngoài bệnh hại, côn trùng gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và mẫu mã trái chanh dây là bọ trỉ. Cả thành trùng và ấu trùng đều gây hại trên lá non, hoa, trái non làm cho hoa khó thụ phấn, trái khó hình thành. Chúng tập trung mặt dưới lá non, chích hút làm lá biến màu và cong queo. Trên trái non, bọ trỉ chích vào tế bào biểu bì làm vỏ trái bị những vết nhám, khi trái phát triển lớn lên, vết sẹo mới lộ rõ. Bọ trỉ gây hại phổ biến giai đoạn trái rất nhỏ nhưng nếu mật độ cao, bọ trỉ gây hại cả trên những trái lớn, làm giảm giá trị thương phẩm. Bọ trỉ phát triển mạnh trong mùa khô và nắng nóng. Các trái bên ngoài tán cây thường bị hại nặng hơn. Phòng trừ bọ trỉ có thể dùng máy bơm tưới phun lên tán cây có hiệu quả hạn chế mật độ bọ trỉ; giai đoạn trái mới tượng tiến hành phun Dầu khoáng.

 

Chanh dây là loại cây trồng được thu hoạch liên tục nên cần cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, chăm sóc tốt và nhất là chú ý khi sử dụng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh phải hết sức thận trọng, tuyệt đối đảm bảo đúng thời gian cách ly để có sản phẩm ngon và sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ
• Phòng trừ rầy phấn trắng và bọ xít muỗi gây hại trên cây ổi